Chức năng chính của màu sắc là để chủ thể có thể xác định đối tượng một cách dễ dàng. Tuy nhiên trong các ngành công nghiệp dịch vụ giải trí, màu sắc được gửi gắm nhiều hơn vậy. Ví dụ ngành công nghiệp game, do hạn chế của phương pháp tương tác (bàn phím, loa, màn hình…) nên màu sắc được khai thác triệt để nhằm tạo cảm xúc cũng như xác lập các yếu tố nội dung. Có thể coi đây là một tài nguyên và nhà phát triển cần khai thác và sử dụng nó đúng mực vậy. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem màu sắc trong game có thể làm được những gì.
Thang đo cảm xúc
Màu sắc là một phương pháp hữu hiệu để bộc lộ cảm xúc.
Color Grading (Chỉnh sửa màu sắc) là một phương pháp được sử dụng một cách phổ biến để điều chỉnh màu sắc của các game, thường với mục đích thay đổi tâm trạng của người xem. Dưới đây là một ví dụ về một hình ảnh được kết xuất với những Color Grading khác nhau.
Đôi khi, một sự thay đổi màu sắc cũng có thể hữu ích để giảm nhẹ tác động của cảm xúc. Mỗi tông màu tượng trưng cho những thử thách cũng như thông điệp truyền tải khác nhau. Việc thiết kế một trò chơi có chiều sâu cần đặc biệt chú ý đến sự phân bố màu sắc trong những lớp nội dung nhất định. Sẽ không hợp lý chút nào nếu game kinh dị tâm linh có tông màu đỏ – cam hay game giải đố có tông màu xanh – tím.
Hỗ trợ phát triển nội dung
Màu sắc là một trong những cơ chế (mechanics) đơn giản và “rẻ tiền” nhất để tạo nên nội dung cho trò chơi. Màu sắc được sử dụng để tạo ra chính nội dung hay phân biệt nội dung đó với nhau. Ví dụ, đầu tiên là những người chơi, tiếp đến là những kẻ thù, tiếp đến đến là các đối tượng tương tác, tiếp đến là các yếu tố phụ cảnh. Trong các tác phẩm trực quan, chẳng hạn như bức tranh và phim ảnh, nguyên tắc này được sử dụng để hướng tập trung thị giác của người xem với những điều quan trọng. Trong các tác phẩm tương tác, điều này thậm chí còn quan trọng hơn, bởi vì màu sắc giúp người chơi tập trung với những điều họ cần thực hiện: hướng đi, phân biệt kẻ thù và những thứ chúng ta cần để tâm trong quá trình họ chơi. Chúng ta chơi game hay nhìn thấy “vầng hào quang” quanh nhân vật. Đây cũng chính là một yếu tố hình ảnh để thông báo một số thông tin cần thiết. Sẽ thích hợp hơn nếu thiết kế những nhân vật mạnh hơn với thang màu sắc khác nhau (hay “vầng hào quang” khác nhau). Chúng ta sẽ không muốn click vào bất cứ văn bản rồi đọc vài phút chỉ để biết đối thủ của chúng ta “là gì”. Ở đây màu sắc giúp làm tăng nhịp độ và trải nghiệm của những trò chơi đòi hỏi tính xuyên suốt.
Nhận dạng và khích lệ
Trong một số trò chơi chiến thuật, hai đạo quân đôi khi chỉ khác nhau màu sắc. Ở đây màu sắc có vai trò phân biệt giữa “quân mình” và “quân địch” nhằm hạn chế tối đa sự mất tập trung không cần thiết. Trong một số trò AAA, màu sắc phong cảnh thay đổi nhằm báo hiệu những sự kiện sắp xảy ra trong game. Trong những game thẻ bài hay game “nhặt đồ” thì vật phẩm được phân cấp dựa theo màu sắc. Ở đây chúng ta nhận thấy việc thay đổi màu sắc là cách đơn giản và ngắn gọn để thông báo một sự thay đổi, một tiến trình hay đánh dấu những lớp nội dung khác nhau. Đây là điều chỉ có trong thế giới game khi mà ở ngoài đời, cảnh báo cho những thay đổi này hầu như không đáng kể. Giả sử ngoài đời có “level” thì trẻ trâu lv1 không khác với tiến sĩ khoa học lv50 là mấy. Sẽ không có khung vàng khung bạc để phân biệt giữa hai cấp độ này.
Thương hiệu
Có những nhà phát triển nổi tiếng về phong cách thiết kế của mình. Ví dụ như Klei Entertainment với game Don’t Starve chẳng hạn. Cùng với nét vẽ riêng thì màu sắc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình “phong cách Klei”. Chúng ta cùng nhìn vào một vài sản phẩm tiêu biểu.
Ở đây không đơn thuần là màu sắc riêng và là lựa chọn một tổ hợp màu sắc cho mục đích xác định. Trong Don’t Starve, việc sử dụng màu có độ sáng thấp, độ tương quan thấp và kết hợp từng cụm màu sắc tạo cho người chơi cảm giác về một thế giới úa tàn. Đúng hơn là một thế giới “chết đói dần dần”. Trong Don’t Starve vẫn có đủ màu sắc như bất cứ game phiêu lưu thế giới mở nào khác. Khác biệt ở chỗ là các màu sắc ấy thay vì kích thích bạn lao vào khám phá thì như muốn cảnh báo có điều gì đó “không bình thường” ở thế giới này. Việc sử dụng màu sắc “mệt mỏi” như vậy có thể coi là nét đặc trưng của dòng game cũng như của chính Klei Entertainment.
Một số dòng game lâu năm cũng như hãng game nổi tiếng có những màu sắc của riêng mình. Màu sắc lúc này đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của game và khiến cho người xem ngay lập tức nhận ra ngay game đó, chẳng hạn như: màu xanh da trời và màu cam là đặc trưng của game Portal, màu xanh tía là của game Super Mario Bros hay màu cam xám trắng của Counter Strike. Khi một sản phẩm “con” ra đời thì các màu sắc này được sử dụng để thông báo và thu hút những người hâm mộ trung thành của dòng game đó.