Từ Civilization 5 đến lịch sử: Làm thế nào để càn quét thế giới bằng Tank?

Huyền thoại ★

  

Nội dung bài viết là những suy nghĩ  và kinh nghiệm của mình khi chơi Civilization 5 – quốc gia Đức (German Empire) với mục tiêu: Sử dụng Tank để càn quét thế giới (Domination victory).

I. Civilization 5 và tại sao lại là Đức

Series Civ là một trong những trò chơi chiến thuật thời gian thực đáng chơi nhất ở thời điểm hiện tại. Trò chơi được đưa vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và có lộ trình để đưa vào ở một số quốc gia khác. Cá nhân mình học được nhiều điều về văn hóa/địa lý/lịch sử từ Civ, những ngày “say” tù tì trong trò chơi: chơi – google – tìm sách/báo đọc thêm, đó là cảm giác mà bất cứ người chơi nào cũng mong muốn.

Với Civ 5, mình đặc biệt hứng thú với 2 quốc gia: Đức (Germany) và Korea (Hàn Quốc). Các trò chơi chiến thuật thời gian thực cho phép lựa chọn quốc gia thì NVB cũng cố gắng lựa chọn những quốc gia kể trên. Lý do đơn giản: Đây là những quốc gia cũng có một lịch sử bị chia cắt tương tự Việt Nam. Hồi bé tìm hiểu lịch sử nước Việt mình bị thu hút bởi những quốc gia này. Sau thành thói quen: Nếu được lựa chọn, luôn chọn Đức hoặc Hàn.

Trong Civ 5, Đức là một quốc gia thiên về “công nghiệp” trong khi Hàn thiên về “khoa học”. Mình thường chơi Đức như một warmonger (Người gây chiến) và hướng tới Domination victory (chiến thắng quân sự) trong khi với Hàn là phong cách “turtle” – Phòng thủ tối đa và tập trung cho Science victory (chiến thắng khoa học). Bài viết này sẽ nói về những trải nghiệm và suy nghĩ đầu tiên của mình với nước Đức trong Civ 5: Làm sao mang Panzer càn quét thế giới.

Đây là thông tin cơ bản về nước Đức trong Civ 5. Lãnh tụ của nước Đức là Bismarck – một nhân vật lịch sử có công lớn trong việc thống nhất và hình thành nước Đức hiện đại. Khả năng đặc biệt của nước Đức thiên về Production (sản xuất) – Đức có thể “sản xuất hàng loạt” và duy trì một đội quân lớn cũng như “tái thiết” các thành phố ở vị trí quan trọng. Đơn vị đặc biệt của Đức là Hanse và Panzer, vốn được coi là cân bằng trong cả phát triển và chiến tranh. Nước Đức phù hợp cho nhiều kiểu chiến thắng, đặc biệt là Domination Victory.

II. Vai trò và vị trí của Tank (Panzer) trong Civ 5

Trong Civ 5, Panzer là đơn vị quân đặc biệt của nước Đức, thay thế các đơn vị Tank bình thường của quốc gia khác. Panzer mạnh hơn, nhanh hơn và ở thời điểm xuất hiện, Panzer nói riêng (hay Tank nói chung) không có nhiều đối thủ.

Vấn đề là, Panzer hay Tank yêu cầu 1 loại tài nguyên đặc biệt: Dầu (Oil). Và để tìm ra dầu thì chúng ta phải nghiên cứu Tech Tree (Sơ đồ công nghệ) phía trên, mà người chơi Civ 5 gọi là “Defence Science”. Và vị trí của Tank lại nằm ở Tech Tree phía dưới, “Offence Science”. Hãy cùng nhìn vào hình minh họa Tech Tree dưới đây:

Đây chính là bài toán hóc búa của những người chơi Tank. Để sử dụng được Tank, họ vừa phải nghiên cứu Biology để tìm ra dầu vừa phải nghiên cứu Combustion để sản xuất được Tank. Đây là lí do vì sao Tank không được chào đón trong Civ 5. Bởi vì khi nghiên cứu xong Biology người chơi sẽ tập trung tiếp vào các Tech Tree phía trên chứ ít ai muốn “mò” xuống dưới nghiên cứu để tạo ra Tank. Theo phong cách chơi này thì họ sẽ chơi theo hướng phòng thủ và tiết kiệm dầu cho những đơn vị khác như Bomber (Máy bay ném bom) hay Battle Ship (Tàu chiến). Những đơn vị này kết hợp với Artillery (Pháo binh) và Great War Infantry – Infantry – Marines (Bộ binh) có thể phòng thủ thành phố rất hiệu quả. Nếu địa hình thích hợp như có núi che chắn/ sông ngăn đường vào/ dải bờ biển hẹp thì gần như bất khả xâm phạm. Lúc này một người sẽ có một câu nói vui: “Bom nguyên tử là giải pháp cho mọi vấn đề”.

Hãy nhìn vào ảnh ở dưới để hiểu thêm về tầm quan trọng của địa hình trong Civ 5.

Thành phố trong hình là thủ đô Thebes của Ai Cập. Vị trí của thành phố gây nhiều khó khăn trong việc tấn công bằng đường bộ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy: (i) Ai Cập không phá rừng mà xây dựng Lumber Mill nên nếu đánh từ hướng Tây Nam sẽ phải đi qua 3 khu rừng, tốc độ di chuyển bị hạn chế, các đơn vị tấn công sẽ nằm trong tầm tấn công của thành phố và các đơn vị thủy quân, (ii) Nếu tấn công từ hướng Tây Bắc thì vướng núi và hồ, quan trọng hơn là 2 vị trí cao điểm (Hill) ngay trước thành phố, chỉ cần đơn vị quân “chất lượng một chút” chốt chặn (Forti) thì đánh vào 2 vị trí đó là “đốt quân”, (iii) Nếu tấn công từ hướng Bắc thì là mồi cho thủy quân từ ngoài biển bắn vào. Kết luận: thành phố này là thách thức với mọi đơn vị bộ binh.

Mình đã thử tấn công thành phố này và phải rút ngay mặc dù quân lực của mình áp đảo hoàn toàn. Đây là ví dụ minh họa về việc địa hình có tầm quan trọng như nào trong Civ 5.

Quay lại vấn đề về Tank. Có thể nhận thấy Tank không phổ biến trong Civ 5 bởi vị trí “lạc lõng” của nó trong Tech Tree và thường ở thời điểm Tank xuất hiện, có nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn. Tank sẽ thích hợp nếu tấn công vào nội địa, nơi Bomber và Battle Ship không thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên nếu ở thời điểm Tank xuất hiện (Gần Modern Era) mà bắt đầu tấn công vào nội địa thì thường là quá muộn. Lúc này nếu chưa bị tiêu diệt thì thường mọi người sẽ hướng tới Science Victory/ Culture Victory/ Diplomat Victory. Còn nếu muốn tấn công thì sẽ là hợp lý nên tấn công ở thời điểm sớm hơn, từ thời Medieval Era hoặc Renaissance Era và bằng cách quốc gia thiên về chiến tranh như Zulu hoặc Mongol.

Chúng ta có thể nhận ra dụng ý của nhà phát hành. Nếu anh chọn phương án tấn công thì anh không cần quan tâm đến khoa học, anh chỉ cần nghiên cứu vừa đủ. Còn lại anh cần quan tâm đến sản xuất, đến thời điểm tấn công… Còn nếu anh chọn phương án phòng thủ thì anh cần tập trung tối đa đến Tech Tree anh cần và cầu trời quốc gia của anh còn sống sau những đợt vây hãm. Tank “dở hơi” bởi vì cần cả khoa học và quốc phòng, trong khi thời điểm sử dụng lại rất “nhạy cảm”.


Đây là link Tech Tree để minh họa rõ hơn về sự “dở hơi” của tank.

Nói về AI và phòng thủ, nếu chơi ở mức độ khó cao (7,8) và gặp những quốc gia láng giềng hiếu chiến như Hunt, Zulu… thì hãy thấm nhuần một câu: Men in peace need ready for war.

Đối thủ là AI còn đỡ. Luôn có trick để khai thác điểm yếu của AI. Nhưng nếu chơi với người trong chế độ Multi thì câu đó phải chuyển thành: There is no peace at all.

Nếu ở cạnh những hàng xóm “hung hãn” thì phải biết lo thân. Như trong hình là Madrid thất thủ 2 lượt sau đó!

III. Nước Đức và Panzer: Tại sao không?

Vốn thường chúng ta có thể có nhiều hơn một lựa chọn, và luôn có lựa chọn dễ dàng. Nhưng chúng ta muốn làm mọi thứ theo “kiểu của chúng ta”, nên mọi thứ trở nên khêu gợi và đầy thách thức. Ở đây trong trường hợp của mình, mình muốn mang Tank đi càn quét thế giới, cụ thể là Panzer Tank của Đức, bởi vì hồi bé đọc quá nhiều về huyền thoại Panzer. Mọi thứ có thể đơn giản nếu mình bỏ qua Tank và tập trung vào phát triển kinh tế và không quân, cuối game đi khủng bố thế giới bằng combo: Nuker (Bom nguyên tử) + Xcom squad (biệt đội…xcom) + Stealth Bomber (Máy bay tàng hình). Nhưng không, phải sống có phong cách riêng. Ai cũng chọn việc dễ dàng thì việc khó biết nhường ai?


Mình thường chơi ở mức độ 6 – 7, map là Wordwide (thế giới), 11 Empires – 24 City States.

Ở những lượt đầu tiên, việc Scouting (dò đường) là cực kì quan trọng. Phải biết được hàng xóm của mình là ai, “lành tính” hay “dữ tính”, vị trí của các City-State ở đâu, vị trí của Barbarian Camp góc nào… Mình thường bắt đầu với 2 Scout (tùy vào địa hình ban đầu). Trong 20,25 lượt đầu tiên sẽ khái quát xem vị trí mở thành phố của mình đồng thời hướng phát triển của đất nước. Mình chơi theo mô hình 2++. Sẽ có 2 thành phố chính và thành phố thứ 3 phụ thuộc vào tình hình xung quanh. Nếu hàng xóm là “thú dữ” thì thành phố thứ 3 là thành phố phòng thủ, xây dựng ở vị trí thuận lợi cho việc thủ như cạnh núi, sông, địa hình hiểm trở, án ngữ thủ đô… Nếu hàng xóm hiền lành/ ở xa/ một mình một châu lục thì thành phố thứ 3 thường là Production/ Coast City. Mình rất ít khi mở tới 4 thành phố khi chơi Đức. Lí do: (i) Càng ít thành phố thì phát triển càng nhanh – Go tall not go wide, (ii) do lối chơi phụ thuộc vào một loại tài nguyên đặc biệt là Oil (dầu) nên tập trung phát triển đến lúc phát hiện/khai thác được mới mở tiếp thành phố ở đó, (iii) càng mở nhiều thành phố càng dễ “ăn đủ” với AI trong cấp độ cao.

Tóm lại, ở thời điểm đầu mình chơi Germany theo kiểu phòng thủ “nuôi rùa”. Mang quân đi dọn dẹp Barbarian Camp, kết nghĩa với City-States, tập trung phát triển kinh tế/ khoa học và do thám những bất trắc ở xa. Về Policy thì là Traditions + Honor, tập trung vào Gold và Trade Route (để chuẩn bị cho Hanse). Nâng vài điểm Shire sớm để có cơ hội “unlock” Religion (tôn giáo). Wonder (kì quan thế giới) thì tập trung vào những Wonder thiên về phát triển và quân sự, vốn thường là khó vì phải cạnh tranh với AI. Do sở thích cá nhân nên mình tập trung vào các Wonder sau:

1 – Hanging Gardens: Tăng tốc độ phát triển. Ít bị cạnh tranh bởi AI. Nếu may mắn có thể xây dựng được.

2 – Petra: Vì dầu thường nằm ở khu vực sa mạc nên nếu gần khu vực đó thì mình sẽ mở thành phố thứ 2 và thứ 3 trên xa mạc, đồng thời xây Petra trên đó. Đây là một lựa chọn mạo hiểm bởi vì thành phố trên sa mạc không được che chắn nên dễ bị “thịt luộc”. Tuy nhiên nếu timing chuẩn xác thì thành phố này sẽ là “dream city”. Với Petra và Religion đặc biệt cho sa mạc (+ faith) thì đôi khi thành phố này còn “xịn” hơn thủ đô.

3 – Himeji Castle: Rất thích hợp để phòng thủ. Không quá cạnh tranh khi xây dựng (Một vài trận AI xây Himeji rất sớm, lúc khác thì lại rất muộn!!!). Đôi khi xây để nó không lọt vào tay đối phương. Sẽ là ác mộng nếu phải tấn công vào các quốc gia có combo Great Wall + Himeji Castle.

4 – Brandenburg Gate: Biểu tượng của nước Đức. Tăng exp cho các đơn vị quân đồng thời + GPP cho khoa học. Đồng thời xuất hiện Great General. Quá phù hợp rồi. Nếu bị quốc gia nào cướp mất thì ghi mối hận này lại rồi sau “thịt” nó đầu tiên.

5 – Neuschwanstein: Cũng là biểu tượng của nước Đức. Nhưng khác với Brandenburg Gate thiên về quân sự thì Neuschwanstein thiên về xã hội. Mình thường xây bởi vì thích artwork của nó.

Ngoài ra còn nhiều Wonder khác như Kremlin (hoàn hảo cho Tank player), Red Port (phòng thủ tốt mà quan trọng hơn, không để đối thủ xây được nó)… Tùy vào diễn biến cuộc chơi mà lựa chọn thay đổi. Wonder War (cuộc cạnh tranh các kì quan) cũng là một đặc sản thú vị mà chỉ Civ mới có.

Giai đoạn 1 kết thúc khi nghiên cứu được Biology và tìm được các mỏ dầu. Các bất trắc có thể có như là: (i) Gặp Mongol với Khan và các đội kị binh, gặp Rome với Legion và Bastita, gặp Aztec với massive Jaguar? Hunt-Zulu-Greece tuyên chiến với bạn ngay từ turn 50… Xây Port, xây defence city, nghiên cứu Civil Engineering lấy Pikeman. (ii) Gặp Venice, English, Portugal “mua” hết City-States và lấn dần vào đất của bạn? Hãy nhịn nhục bao giờ có Panzer sẽ xử bọn nó sau, đừng gây chiến để bị hội đồng. Sức mạnh của Germany lúc này phụ thuộc nhiều vào Trade Route nên “phải thật bình tĩnh”. (iii) Nghiên cứu xong Biology không thấy dầu ở gần mình? Quit game chơi lại hoặc chuyển hướng khác, ném bom nguyên tử vào mặt thằng mình ghét chẳng hạn.

Giai đoạn 2 là giai đoạn củng cố đất nước đồng thời chờ thời điểm tấn công. Sau khi phát hiện các mỏ dầu và cố gắng khai thác, mình bắt đầu xây dựng và sắp xếp cho cuộc tấn công. Giai đoạn này cố gắng xây dựng/thu phục vài đạo kị binh, lên level cho chúng để sau update chúng thành Tank. Nếu may mắn thì ở thời điểm tấn công, mình có khoảng 3 4 đạo kị binh level 2 hoặc 3. Thời điểm xuất hiện tank thì sẵn sàng để nâng cấp chúng thành Landship rồi thành Tank. Mục tiêu hướng tới là Tank lv 4 để lấy kĩ năng Blitz cho phép tấn công 2 lần. Có thể nói Blitz sinh ra để dành cho Tank nói chung và Panzer nói riêng.

Blitz là viết tắt của Blitzkrieg – một trong những từ tiếng Đức nổi tiếng nhất thế giới. Blitz trong Civ 5 là kĩ năng cấp 4, cho phép các đơn vị cơ giới tấn công 2 lần. Blitzkrieg trong lịch sử thì quá nổi tiếng: Đây là một học thuyết quân sự của người Đức trong thế chiến thứ 2. Trong đó sử dụng sự cơ động của các đơn vị cơ giới để thọc sâu và chia cắt trận địa quân địch. Khi trận địa bị chia cắt, sự phối hợp giữa các đơn vị đối phương bị rối loạn, một đơn vị quân dù ít hơn hoặc “yếu hơn” có thể dễ dàng đẩy lùi và gây thiệt hại nặng nề các đơn vị đối phương lúc rút chạy.

Trong lịch sử thì Blitzkrieg đồng hành với Panzer. Chính xác là Panzer 2. Ba Lan rồi Pháp là nạn nhân của chiến thuật này. Theo hiểu biết của mình thì Blitzkrieg được thai nghén thì thời chiến tranh Pháp-Phổ (1870) đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Quân Đức trong thế tấn công sử dụng sự bất ngờ và dũng mãnh của mình để thọc sâu vào các phòng tuyến của quân Pháp, chia quân Pháp thành các cụm cứ điểm rồi bao vây và tiêu diệt. Blitzkrieg chỉ là thuật ngữ được phổ biến sau khi nước Pháp bại trận quá nhanh sau thế chiến 2.

Quay lại với trò chơi của chúng ta, nếu Panzer có Blitz thì đây là một lợi thế rất lớn. Với 4, 5 Panzer và vài đơn vị pháo binh đi kèm 1 2 đơn bị bộ binh “dọn dẹp” là chúng ta có thể làm gỏi cả một lục địa trong vài chục turn (tùy thuộc địa hình). Do lợi thế của Tank trước các đơn vị bộ binh nên hầu như không có gì có thể cản được Panzer, vốn được nâng cấp sức mạnh và tốc độ so với Tank bình thường. Nhiều người không đánh giá đúng được tầm quan trọng của Movement Speed trong Civ. Chiến thuật cơ bản như sau: Cho Panzer tiến vào, tạo thế Flanker, tấn công tiêu diệt các đơn vị phòng thủ, pillage (cướp bóc) mọi thứ để hồi máu, tạo khoảng trống để kết hợp với pháo binh tiêu diệt thành phố.

Trong ảnh là một ví dụ minh họa. Đội hình tấn công của mình ban đầu có 5 Panzer, 2 Artillery (sau được nâng cấp thành Rocket Artillery), 1 Great War Infantry, 1 Anti-Aircraft (được city-states “tặng”, sau nâng cấp thành Mobile Sam), và 1 Great General. Đội hình này đã “ủi” thành công 3 thành phố. Trong ảnh là đang tấn công vào một thành phố của Đan Mạch. Mục tiêu của mình là “quấy rối” thành phố và tiêu hao sinh lực địch chứ không còn đủ lực để “ủi” thêm thành phố này.

Có một điều thú vị là khi sử dụng Tank là chủ lực thì thường chúng ta không (thể) nâng cấp đồng bộ các đơn vị quân khác. Điều này dẫn đến 1 thực trạng là Tank – Panzer của chúng ta xịn hơn (thậm chí đối phương không có Landship/Tank) còn các đơn vị khác (bộ binh/ pháo binh) thì không xịn bằng. Ví dụ trong cấp độ 6, thời điểm mình tấn công thì bộ binh mình thường là Riffle Man/ Great War Infantry trong khi bộ binh AI đã là Great War Infantry/ Infantry. Còn trong cấp độ 7 thì đôi khi AI đã xuất hiện Bomber/Fighter. Kiểu như mình hơn AI cái này thì AI hơn mình cái khác, mình chỉ “khôn” hơn là chọn được cái hơn có lợi và phát huy điều đó.

Nói sang lịch sử thì có nhiều ví dụ minh họa cho điều này. Ví dụ trong chiến tranh Pháp-Phổ (1870) thì Pháp có lợi thế hơn hẳn về súng trường bộ binh. Súng của Pháp – Chassepol có tầm bắn xa hơn súng của Đức – Dreyse và có độ chính xác cao hơn. Ngoài ra lần đầu tiên bên Pháp có sự xuất hiện của súng liên thanh – Mitrailleuse. Ngược lại bên Phổ có lợi thế vào pháo binh khi pháo binh Đức có sức sát thương diện rộng lớn và tấm bắn vượt trội. Điều này dẫn đến một kịch bản: Quân Phổ tấn công vào các cứ điểm của Pháp và bị thương vong nặng nề bởi súng Chassepol. Còn khi pháo binh Phổ căn được vị trí thì quân Pháp bị bắn “tan nát”. Về cơ bản, Phổ lấy ưu thế của pháo binh để bù cho khuyết điểm của bộ binh, rồi dùng sự quyết đoán (và liều lĩnh) của mình để chiến thắng một nước Pháp đầy do dự. Có những trường hợp những sư đoàn quân Đức dù ít hơn nhưng vẫn quyết liệt bao vây quân Pháp. Tuy chịu tổn thất nặng nề nhưng làm rối loạn và hoang mang quân Pháp, dẫn đến những thắng lợi mang tính đại cục về sau.

Đây là khẩu Chassepot lừng danh của nước Pháp!

Mình nhớ ra chuyện này bởi vì có một khoảng khắc một đơn vị bộ binh của mình bị “hội đồng” bởi các đơn vị bộ binh đối phương rồi ngay turn sau Panzer của mình vào “dọn dẹp” sạch. Điều này làm mình nhận ra tầm quan trọng của Advantage Tech, tức là chỉ hơn đối phương 1 công nghệ thôi nhưng có thể thay đổi cục diện cuộc chiến. Trong Civ thì hơn 1 Tech (đặc biệt là các công nghệ về chiến tranh) đôi khi dẫn đến những thay đổi bước ngoặt. Ví dụ như là tàu ngầm. Nếu là chiến tranh trên biển thì bên nào có tàu ngầm trước thì xác định bên kia sẽ nhìn nửa hạm đội chìm xuống biển. Trong một trận đánh với AI cấp độ 7, mình khi đó điều khiển Nhật Bản và chỉ duy nhất 1 chiếc tàu ngầm đã đánh chìm cả chục đơn vị quân đối phương xuống biển.

Trong Civ có thuật ngữ “obsolete” để chỉ điều này. Trong lịch sử thì ví dụ càng rõ rệt hơn: ví dụ như người Pháp mang súng Chassepot đến “khai sáng” Việt Nam vậy. Một vài sự kiện chỉ ra rằng chỉ cần vài chục người Pháp với súng trường tự động và pháo có thể đương cự với hàng nghìn người Việt cầm súng hỏa mai và đại bác thần công. Kẻ mạnh sẽ thắng, kẻ yếu làm nô lệ, lịch sử là vậy!

Trở lại với Civ, giai đoạn 3 cũng là giai đoạn hay ho nhất: “dọn dẹp” cả thế giới bằng Panzer. Hãy chọn một mục tiêu, thường là quốc gia ở gần nhất hoặc quốc gia đang có dầu mỏ. Hãy học tập người Mỹ: Ở đâu có dầu, ở đó có Panzer. Trước đó hãy xây dựng đường xá cẩn thận để cuộc tấn công diễn ra nhanh nhất có thể. Đường xá trong Civ 5 có thể hiểu như Supply Chain – Một dạng chuỗi cung ứng trong sản xuất/ quân sự. Mông Cổ không thắng được Đại Việt, Đức không thắng được Liên Xô… bởi vì không đảm bảo được Supply Chain. Trong Civ 5, hãy tính toán xây dựng đường để (i) kết nối nhanh thành phố chiếm được với thủ đô, (ii) tăng tốc độ cuộc tấn công. Nếu timing chuẩn, từ lúc cái Panzer đầu tiên được nâng cấp thì chỉ cần 10 Turn là xong quốc gia đầu tiên. Cá nhân mình luôn tấn công một mạch các thành phố dẫn tới thủ đô và kết thúc ở việc hạ thủ đô nước đó chứ không “tận diệt” một đất nước. Một đất nước mất các thành phố quan trọng và thủ đô thì yếu đi rất nhiều và hầu như không còn là mối lo, hãy dành thời gian cho những việc cần thiết.

Ở đây, chúng ta phải chạy đua với thời gian. Thời điểm Panzer xuất hiện và bá đạo trên chiến trường thường chỉ khoảng vài chục turn, sau đó với sự phát triển của đối thủ thì Panzer mất dần sự bất khả chiến bại. Trong thời điểm vài chục turn khi mọi thứ còn ngây thơ này, hãy hạ càng nhiều đất nước càng tốt. Cá nhân mình thường hạ hết các quốc gia cùng lục địa với mình. Sau đó sẽ cố gắng ổn định và xây dựng những đơn vị hải quân đầu tiên. Lựa chọn của mình như sau: Nếu đối thủ bên kia bờ biển quá mạnh và cảm giác không thể hạ được trong thời gian cho phép thì sẽ xây Nuker để all-in vào thủ đô. Nếu đổi thủ vừa tầm hoặc đang chiến tranh (ví dụ: mình đã “dọn” xong Á-Âu-Phi, bên kia Bắc Mỹ-Nam Mỹ còn 2 quốc gia) thì mình sẽ liên minh với 1 bên rồi dẹp bên còn lại. Đây là điểm yếu của AI khi đáng lẽ phải liên kết với nhau thì lại bị “chia để trị”.

Như hình trên ta có thể thấy còn 3 đối thủ lớn nước Áo đang chiếm Nam Mỹ. Aztecs đang chiếm Bắc Mỹ. Thụy Điển đang chiếm Châu Á Thái Binh Dương. Các quốc gia còn lại đều đã mất thủ đô hoặc rất yếu không đáng kể. Thụy Điển sẽ bị Panzer/Bomber/Rocket Artillery tiêu diệt sau đó, nhưng vấn đề là mình không đủ thời gian để diệt nốt 2 quốc gia còn lại. Bài toán Thái Bình Dương/Đại Tây Dương của thế chiến thứ 2 trở lại. Nuker rồi all-in vào thủ đô 2 nước này liệu có thành công?

Nếu ai đã từng chơi các trò chơi chiến thuật thời gian thật thì sẽ thấy sự khốn khổ khi phải “switch tech”. Ví dụ như Starcraft 1,2: bạn sẽ phải update lại, đôi khi phải xây lại nhà quân, chống do thám đối phương… Nói chung người chơi kinh nghiệm sẽ cố gắng bắt đối phương phải chơi theo phong cách của mình và chỉ thay đổi lúc thật sự cần thiết. Cái khó này được lặp lại trong trong Civ ở những map như này: Tập trung bộ binh thì chỉ hạ được một châu lục, mang quân sang bên kia là một chuyện khác, đánh bại đối phương ở bờ bên kia, trên đất đối phương lại là chuyện khác. Marines-Paratroper-Xcom Squad có thể là các đơn vị bộ binh đặc biệt cho chuyện này, nhưng vượt qua được Thái Bình Dương/ Đại Tây Dương lại là vấn đề khác. Chơi với AI còn có cơ may nhưng chơi với người thật thì phải làm sao?

Mình chiến thắng AI bằng cách gây rối để AI tự đánh lẫn nhau. Rồi “mua” 1 city-states để dồn quân vào đó. Khi nào hợp đủ quân thì kéo thẳng vào thủ đô đối phương liều chết thôi. Tuy nhiên cách này chắc chắn không hiệu quả với người. Mình tò mò là một Multi đông người thì họ sẽ chơi kiểu nào? Kiểu không ai để ai chiến thắng cả, kìm kẹp lẫn nhau? Kiểu như bất cứ ai gần thắng (thắng bằng bất cứ cách nào) thì sẽ bị hội đồng ngay. Trò chơi lúc đó sẽ trở thành “siêu thực”, tất cả kìm kẹp nhau trong 1 cái chuồng, bất cứ ai thoát ra, đều bị đánh “sml” cả.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện