Starcraft là một trong những trò chơi phổ biến nhất trên thế giới và đã bán được hơn 10 triệu bản. Một trong những yếu tố thu hút chính của Starcraft là ba chủng tộc được thiết kế độc đáo và khác biệt, với mỗi chủng tộc đều được Blizzard phát triển các đặc điểm, hình ảnh, câu chuyện gốc và phong cách chơi hoàn toàn khác nhau, trong khi vẫn giữ cân bằng trong việc chống lại nhau ( một điều rất quan trọng ở dòng game chiến thuật thời gian thực). Trước khi Starcraft được phát hành, hầu hết các trò chơi chiến thuật khác đều có các phe phái và chủng tộc có phong cách chơi cơ bản giống nhau với các đơn vị chỉ có sự khác biệt về bề ngoài. Việc xây dựng các đơn vị quân độc đáo trong Starcraft đã mang lại thành công cũng như tạo ra những cuộc tranh luận bất tận trong lịch sử: Sức mạnh của Zerg, Terran hay Protoss là gì và liệu có chủng tộc nào “mạnh hơn” hai chủng tộc còn lại?
Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ tập trung vào nghiên cứu đặc tính các đơn vị quân trong Starcraft 2 cũng như các chiến thuật xung quanh nó. Mở đầu là chủng tộc Terran. Vì có nhiều người chưa quen với tên gọi cũng như một số khái niệm của trò chơi nên phần phân tích sẽ tập trung vào những chi tiết cơ bản cũng như lý giải chi tiết để thuận tiện cho việc hình dung.
Terran
Sức mạnh của Terran đến từ sự linh động. Các đơn vị chủ chốt của Terran có sự thích ứng rất cao trong từng tình huống, ví dụ điển hình là Tank và Viking. Ở các đơn vị quân tương đương của Zerg và Protoss chúng ta có thể thấy các tùy chọn chỉ đơn thuần tăng thêm sức mạnh một mặt nào đó và vì thế nó phù hợp hơn với một chiến lược tổng quát. Tuy nhiên linh động không có nghĩa là hiệu quả cao xét trên tổng thể. Hãy xem xét Tank là một ví dụ. Tank chúng ta có 2 chế độ là Normal và Siege. Khi Siege thì không thể di chuyển nhưng bù lại có tầm bắn vượt trội và khả năng gây thương tích trên diện rộng. Chính điều này làm Tank đa dụng trong cả tấn công và phòng thủ. Bạn có thể Siege vài Tank cùng Marine ở vị trí trọng yếu để phục kích những đạo quân “đi lạc”. Tuy nhiên khi chơi những trận ở đẳng cấp cao thì bạn nhận ra rằng chế độ Siege hoàn toàn vô dụng trong tấn công. Các đơn vị cận chiến của Zerg và Protoss với kĩ năng “hack speed” hoặc blink sẽ dễ dàng khiến “quân ta diệt quân mình”. Ngoài ra Tank khi tấn công cần tầm nhìn (vision) lớn để hiệu quả, mà vision dùng để micro là một điểm yếu của Terran. Có thể nói Siege Tank ở Starcraft 2 đã bị “bắt chết” nhiều hơn so với phiên bản đầu. Ở phiên bản này chúng ta không còn chiến thuật Mass Tank + Hel “được ăn cả ngã về không” nữa. Có lẽ đây cũng chính là lí do mà Blizzard nâng cấp tốc độ bắn (fire rate) cho chế độ Normal Tank. Tuy nhiên Normal Tank thì lại quá đắt đỏ khi so sánh với các đơn vị cùng loại khác của Zerg hay Protoss. Chuyện tương tự xảy ra với Viking khi chế độ Ground tỏ ra “yếu sinh lý” đến kì cục. Tuy nhiên cái ý tưởng về Viking thì quá hay: một đơn vị bay có khả năng hạ cánh và tấn công mặt đất. Chính vì vậy có thể coi các đơn vị quân của Terran như một bài toán khó để giải vậy, một người chơi Terran giỏi hoặc phải có một cái đầu cực “dị” hoặc phải có kĩ năng micro ở mức độ tốt. Đó là lí do ở tầm cỡ thế giới hiện nay số player Terran bị áp đảo bởi Zerg và đặc biệt là Protoss.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong lối chơi Terran chính là việc mọi công đoạn phụ thuộc chồng chất vào nhau. Tương tự như chuỗi cung ứng trong quân sự, nếu mọi thứ chạy ổn thì Terran sẽ rất mạnh. Các kĩ năng đặc biệt như Mule (gọi robot khai thác mỏ) hay Scan đều cực kì mạnh ở những giai đoạn nhất định. Terran có câu trả lời hiệu quả cho những combo “chết chóc” như Fungals/Banelings của Zerg hay Storm/Colossi của Protoss. Ở thời điểm tàn game Terran có thể hi sinh hết SCV (công nhân khai thác) rồi phụ thuộc vào Mule và Scan để tấn công, điều này dẫn đến việc Terran là chủng tộc có khả năng “all-in” lật kèo khủng khiếp nhất trò chơi. Tuy vậy điểm yếu chí mạng của Terran cũng nằm ở đây: Terran sẽ không thể theo kịp một chiến lược dài hơn nếu không có sự chuẩn bị tốt hoặc có đủ thông tin về đối thủ để ứng phó. Dây chuyền sản xuất của Terran là quá chậm để đối phó với những thay đổi bất ngờ cũng như hệ thống sản xuất của Terran lại bị phụ thuộc vào những yếu tố nhất định. Ở những trận đấu lớn bạn sẽ dễ dàng thấy các Pro Player Zerg và Protoss cắt bỏ những đơn vị hay công trình không phù hợp để đẩy mạnh phát triển sang hướng khác. Terran hiếm khi làm được vậy. Sự chậm chạp của Terran đến từ cách xây dựng của SCV cho đến hệ thống nâng cấp đặc thù kiểu A hoặc B. “Tech Lap” hay “Reaper” Factory? Siege Tank hay mass Helion rush? Đây là những câu hỏi kinh điển mà một câu trả lời sai có thể trả giá bằng cả ván đấu. Việc phát triển và mở rộng của Terran không được “phóng khoáng” như Protoss và “hoang dại” như Zerg nên nó phụ thuộc vào tính ổn định của hệ thống. Trong một trận đấu đỉnh cao khi mà giao tranh nổ ra trên khắp các mặt trận thì tính ổn định là yếu tố khó để kiểm soát. Đó là lí do vì sao trong matchup Protoss – Terran các Protoss Player có thể chấp nhận mở căn cứ phụ chậm (thậm chí chơi với ít căn cứ phụ hơn) mà tập trung vào kiểm soát bản đồ. Họ biết điểm yếu của Terran nằm ở khâu kiểm soát thế trận. Chỉ cần hạn chế đối phương do thám và tìm được điểm yếu trên hệ thống phòng thủ là player Terran sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề.
Phần lớn những người “tay mơ” đều cho rằng Terran là chủng tộc phòng thủ hiệu quả nhất. Đúng là vậy nhưng chỉ đúng nếu kéo đến Late game (mà kéo đến tàn game thì Terran sẽ có những yếu điểm chết người khác). Khi Zerg hoặc Protoss đối đầu với Terran họ thường quyết định sẽ tấn công vào Mid game. Điều này đặt Terran vào một tình huống khó: Lên bio (phát triển các đơn vị sinh học, đồng nghĩa với lối chơi tấn công sớm) hay lên mech (đơn vị máy, tập trung phòng thủ và mở căn cứ phụ). Tuy nhiên quyết định này lại phụ thuộc vào đối phương sẽ sử dụng loại quân gì, và do đó do thám là rất quan trọng. Lên mech thì mất đi tính cơ động và do đó coi như bị “mù” phần nào ở Mid game. Bản lĩnh và kinh nghiệm của người chơi Terran sẽ thể hiện ở đây. Tuy có phần may rủi nhưng hầu như người chơi Terran sẽ không có lựa chọn nào khác.
Tổng kết lại, ta có thể kết luận Terran có tính linh động trong các đơn vị quân để bù trừ sự cứng nhắc trong chiến lược. Và vì thế Terran là chủng tộc “dễ hiểu” nhất nhưng cũng khó để “master” nhất. Chiến thuật Death Ball của Protoss vẫn luôn là câu hỏi khó cho các Pro Player Terran cũng Sudden Zerg đấu late game đã hai lần đánh bại Terran ở trận chung kết thế giới, hẳn nhiều Player Terran sẽ còn phải trăn trở với đứa con tinh thần của mình. Gần đây xu thế sử dụng đơn vị Ghost thay BC cho late đang trở lại và chúng ta bắt đầu thấy những trận đấu “lạ mà hay” khi phấn khích thấy một đơn vị nào đó “bốc hơi” bởi Nuke của Ghost. Người viết bài vốn là fan của November Annabella “Nova” Terra (một mật vụ Ghost trong campain Starcraft 2) nên mong đơn vị này sẽ được trọng dụng và có mặt thường xuyên hơn trong đấu trường chuyên nghiệp.
Hãy cùng xem sức mạnh của Ghost và vẻ đẹp của Nuke (bom nguyên tử) trong clip dưới đây: