Ở những phần trước chúng ta đã nói về thế giới theo quan điểm của khoa học. Đó có thể là diễn giải của vật lý về bản chất của vũ trụ hay những dự báo tương lai từ giới công nghệ. Ở phần này chúng ta hãy quay qua một góc nhìn khác về thế giới, đó là góc nhìn của tôn giáo. Sự khác biết giữa hai góc nhìn này có thể được truyền tải như sau. Nếu coi vũ trụ bản chất là thông tin (là một tập hợp vô hạn các bit thông tin 1 và 0) thì khoa học lí giải vũ trụ đó thông qua các bit 1. Và chính các nhà khoa học cãi nhau số 1 đó nghĩa là gì. Tôn giáo lí giải vũ trụ qua bit 0. Không mệt mỏi tranh cãi làm gì, mọi thứ là hư vô từ bắt đầu đến kết thúc. Đây giống như mặt đối lập giữa lí trí và niềm tin: một bên luôn muốn hiểu, một bên chỉ cần tin.
Trước hết hãy tìm hiểu chúa trời là gì. Hay chính xác hơn, đại diện cho cái gì. Chúng ta dễ dàng nhận ra chúa đại diện cho sự hoàn hảo. Các tôn giáo lên đều xây dựng hình ảnh của một đấng toàn năng, và theo cách này hay cách khác, là hóa thân hay hình mẫu để con người hướng vào. Loài người đến một lúc nào đó nhận ra sự bất ổn trong bản thân và phải cầu cứu một sự cứu giúp từ bên ngoài. Và đó là lúc chúng ta có chúa trời, có tôn giáo, có đức tin. Ở trong tôn giáo chúng ta học cách tin tưởng. Tin tưởng vào cái toàn năng và con người đang tiến tới cái toàn năng ấy.
Ngày nay chúng ta hay hiểu nhầm rằng giữa tôn giáo và khoa học có mâu thuẫn. Đó là tác động của tiểu thuyết hoặc phim ảnh, phải nói rằng đây là một mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng của con người. Nếu thật sự giữa tôn giáo và khoa học có một cuộc chiến, thì cuộc chiến đó đã kết thúc ở thế kỉ 16 khi Galilel và sau đó là Newton tuyên bố Trái Đất không phải là tâm của vũ trụ. Và đến năm 1931, khi Godel chứng minh định luật bất toàn thì mọi sự đã rẽ theo một hướng rất khác. Với định lý này Godel đã chứng minh rằng bản thể khoa học cũng bất toàn và vì thế không thể chứng minh hay phủ nhận những thứ toàn năng như chúa. Có thể nói từ đây tôn giáo và khoa học không còn tranh cãi với nhau nữa. Mỗi bên đều có con đường và sứ mệnh riêng của mình. Giống như một con đường dài không thấy đích, loài người phải có một kế hoạch cẩn thận và một niềm tin sắt đá.
Hãy nhắc lại một lần nữa về định lý bất toàn của Godel. Định lý này nói rằng bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn – một cái gì đó mà bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh. Ví dụ như hình học dựa trên 5 tiêu đề Euclid. Chúng ta bắt buộc phải thừa nhận 5 tiêu đề Euclid mà không thể chứng minh. Mở rộng ra thì mọi định lý khoa học đều bắt đầu từ những mệnh đề không thể chứng minh. Điều này dẫn đến một hệ quả là niềm tin và lí trí không phải là kẻ thù của nhau. Thậm chí chúng còn bổ sung cho nhau. Cái này cần cái kia để tồn tại. Mọi lý lẽ rốt cuộc đều quay trở lại niềm tin vào một cái gì đó mà bạn không thể chứng minh. Còn mọi niềm tin đều dẫn về một lý lẽ duy nhất : một cái lớn lao, vĩ đại, thống nhất và toàn năng hơn.
Câu hỏi liệu có thật sự tồn tại một đấng tối cao giờ đây mang ý nghĩa biểu tượng. Đây là một trong những câu hỏi mà chúng ta dùng để đánh dấu bản ngã của mình, lựa chọn bạn bè, và cũng là câu hỏi làm có thể chia rẽ chính chúng ta. Nó giống như sự ngẫu nhiên trong cơ học lượng tử. Ta lựa chọn tin hay không tin. Câu trả lời có hoặc không cũng giống như vị trí của hạt cơ bản “ở đây” hay “ở kia”. Đó là cách thức một hạt “chọn” vị trí cho mình và chuyển động tiếp trong chu kì chuyển động của riêng nó. Cũng giống như loài người, ta tin hoặc không tin để ta đi tiếp. Vũ trụ sẽ không quan trọng ta tin cái gì hay không tin cái gì, vũ trụ cần ta đi tiếp. Chúng ta chỉ là thông tin cần truyền tải trong một vũ trụ được chuẩn bị sẵn. Và lúc này niềm tin giống như chất kích thích để ta đi tiếp. Khi ta từ bỏ niềm tin, chúng ta sẽ dừng lại, một lần và mãi mãi.
Ngày nay khi tranh luận về chúa trời hay niềm tin, chúng ta có thật sự quan tâm xem ai đúng ai sai? Người viết bài nghĩ rằng các tranh luận về chúa trời hay niềm tin của người khác phần nhiều là sự trốn tránh thực tại. Việc hạ thấp danh dự người khác vì họ là người theo chủ nghĩa vô thần hay vì họ có một niềm tin khác chúng ta về đấng tôi cao có thể là lời ngụy biện cho việc đối xử với họ một cách kém nhân tính. Khi những kẻ khủng bố tấn công nhân danh một đấng tối cao nào đó, chúng ta cảm thấy dễ dàng khi đổ lỗi cho niềm tin tôn giáo của họ hơn là việc nhìn nhận nguyên nhân sâu xa hơn. Ở đây chúa trời là một ý tưởng để giải thoát khỏi sự phức tạp. Hãy nhớ rằng khi chê bai niềm tin người khác chúng ta đừng mạnh mồm tuyên bố rằng “vì khoa học nói thế”. Khoa học không nói bất cứ điều gì về niềm tin, trừ niềm tin là các lý thuyết bên trong khoa học. Con người chỉ là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, niềm tin của con người không nằm trong niềm tin của khoa học. Một nhà khoa học lớn cũng có thể là một tín đồ cuồng nhiệt của tôn giáo. Có lẽ vấn đề duy nhất chỉ là thời gian. Có lẽ đây cũng là vấn đề duy nhất của loài người: Chúng ta không bao giờ có đủ thời gian.
Có thể tạm kết luận như sau. Cùng giải thích một sự vật nhưng khoa học là một mô hình toán học dựa trên một số lượng hữu hạn (các số tự nhiên) các tiên đề. Tôn giáo hay đức tin là một mô hình toán học dựa trên một số lượng “kì dị” ( số 0 hoặc vô hạn) các tiên đề. Để giải thích vũ trụ này chúng ta cần cả các số tự nhiên lẫn số 0 và điểm vô hạn đấy. Đó chính là cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống vừa vô nghĩa lại vừa vô cùng tận. Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng hơn: Chúng ta là ai trong cái vô nghĩa và vô tận này?
Trong nhiều thế kỷ, các triết gia và các nhà thần học đã gần như nhất trí rằng nền văn minh loài người, theo cách chúng ta vẫn hiểu, phụ thuộc vào một niềm tin phổ biến về ý chí tự do – và việc mất đi niềm tin này sẽ vô cùng nguy hiểm. Ví dụ, các nguyên tắc đạo đức mặc định là chúng ta có thể tự do lựa chọn giữa đúng và sai. Trong truyền thống Thiên Chúa Giáo, điều này được biết đến là “tự do đạo đức” – khả năng phân biệt và theo đuổi điều tốt, thay vì chỉ đơn giản bị thôi thúc bởi những ham muốn và thèm khát. Triết gia Immanuel Kant tái xác nhận mối liên hệ này giữa tự do và những điều tốt đẹp. Ông cho rằng, nếu chúng ta không thể tự do chọn lựa, thì sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi nói là chúng ta phải lựa chọn thứ đúng đắn.
Khoa học khẳng định quyết liệt hơn rằng tất cả các hành vi của con người đều có thể được giải thích thông qua một hệ thống các quy luật nguyên nhân và hệ quả. Sự thay đổi trong nhận thức này tiếp nối cuộc cách mạng trí thức bắt đầu khoảng 150 năm về trước, khi Charles Darwin lần đầu xuất bản cuốn On the Origin of Species (Tạm dịch: Nguồn gốc muôn loài)
Một thời gian ngắn sau khi Darwin đưa ra học thuyết tiến hóa, em họ của ông, ngài Francis Galton bắt đầu vẽ ra những hệ quả: Nếu chúng ta đã trải qua quá trình tiến hóa, thì những khả năng trí não như trí thông minh hẳn phải là kết quả của di truyền. Nhưng chúng ta sử dụng những khả năng đó – mà một số người có nhiều hơn những người khác – để đưa ra các quyết định. Vậy nên khả năng của chúng ta trong việc chọn lựa số phận không hề tự do, mà phụ thuộc vào di truyền sinh học.
Galton mở ra một cuộc tranh luận dậy sóng trong suốt thế kỷ 20, về vấn đề tự nhiên và nuôi dưỡng. Những hành động của chúng ta có phải là kết quả phản chiếu của gen di truyền? Hay là kết quả của những gì môi trường xung quanh in dấu lên ta? Mỗi yếu tố lại có cả đống bằng chứng tích tụ chứng minh cho sự quan trọng của nó. Dù là các nhà khoa học có ủng hộ bên này, hay bên kia, hay cả hai, họ càng ngày càng mặc định rằng những hành động của chúng ta hẳn phải được quy định bởi một cái gì đó.
Trong vài thập kỷ gần đây, nghiên cứu về cách thức làm việc của bộ não loài người đã giúp giải quyết cuộc tranh luận giữa yếu tố tự nhiên hay yếu tố nuôi dưỡng; và thật sự đã một lần nữa làm lung lay tư tưởng về ý chí tự do. Những máy quét não cho phép chúng ta xâm nhập vào bên trong hộp sọ của con người, khám phá những mạng lưới chằng chịt của nơ-ron và cho phép các nhà khoa học thống nhất rộng rãi là những mạng lưới này được định hình bởi cả gen di truyền và môi trường. Nhưng cũng có một sự thống nhất khác trong cộng đồng khoa học là hoạt động của các nơ-ron quy định không chỉ một số mà là tất cả những suy nghĩ, hi vọng, trí nhớ, và mơ ước của chúng ta.
Chúng ta biết rằng những thay đổi trong thành phần hóa học của não bộ có thể thay đổi hành vi – không thì chẳng có cồn hay thuốc an thần nào có tác dụng. Điều tương tự cũng đúng với cấu trúc não: Trường hợp những người bình thường sau khi bị u não lại trở thành kẻ sát nhân cho thấy chúng ta bị phụ thuộc vào những đặc tính vật lý của bộ não như thế nào.
Nhiều nhà khoa học nói rằng bác sĩ người Mỹ Benjamin Libet đã chứng minh vào thập niên 80 là chúng ta không hề có ý chí tự do. Ai cũng đã biết là hoạt động điện tích tụ trong não bộ của một người trước khi cả khi người đó cử động. Libet cho thấy là việc này xảy ra trước khi một người thực sự quyết định một cách có ý thức là mình sẽ chuyển động. Cảm nhận có ý thức rằng ta quyết định sẽ hành động, mà chúng ta thường cho là ý chí tự do, hóa ra lại là một sự bổ sung, một kiểu hậu sự kiện xảy ra sau khi não đã quyết định xong hành động đó.
Cuộc tranh luận về vấn đề tự nhiên-nuôi dưỡng vào thế kỷ 20 đã đặt nền móng để chúng ta nghĩ rằng bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng nó chừa lại cho chúng ta một ít hi vọng, ít nhất là trong trí tưởng tượng của đại chúng, về khả năng là chúng ta có thể vượt qua ngoại cảnh hay gen di truyền để trở thành người quyết định số phận của mình. Thách thức đặt ra bởi khoa học thần kinh thì cực đoan hơn: Nó mô tả não bộ dưới dạng một hệ thống vật lý, như bất cứ hệ thống nào khác, và gợi ý rằng chúng ta chẳng phải dùng ý chí để ra lệnh cho nó, cũng như chúng ta chẳng phải ra lệnh cho tim mình để nó đập. Hình ảnh của khoa học đương đại về hành vi con người là một bức tranh vẽ một nơ-ron hoạt động, kích hoạt một nơ-ron khác, kích hoạt những suy nghĩ và hành động, một phần nhỏ trong một dây chuyền không đứt đoạn dẫn ngược lại tới tận ngày chúng ta ra đời, và còn xa hơn thế. Vì vậy trên lý thuyết, những hành động của chúng ta là hoàn toàn có thể tiên đoán được. Nếu chúng ta hiểu đủ nhiều về cấu trúc và tính chất hóa học trong não bộ của bất cứ một ai, trên lý thuyết chúng ta có thể đưa ra phán đoán về phản ứng của người đó cho bất cứ một tác động nào, với xác suất chính xác 100%.
Sự phát triển của ngành khoa học thần kinh đã đặt ra một câu hỏi phiền phức – và ngày càng vượt ra ngoài phạm vi khoa học thần kinh – là: Nếu trách nhiệm đạo đức phụ thuộc vào niềm tin về ý chí tự do của chúng ta, tức là chúng ta chỉ có đạo đức khi chúng ta tin vào việc chúng ta được tự do lựa chọn những tiêu chuẩn đó, liệu chúng ta có trở nên vô trách nhiệm hơn về mặt đạo đức? Và nếu chúng ta ngày càng cho rằng ý chí tự do chỉ là một ảo tưởng, điều gì sẽ xảy ra với tất cả những quy định và cơ chế được xây dựng dựa trên khái niệm này?
Có vẻ như là khi mọi người không còn tin rằng họ là những con người tự do, họ cũng không còn thấy là họ đáng bị đổ lỗi cho những hành động của mình.
Khoa học đã thử nghiệm và chứng minh rằng khi con người ta từ bỏ niềm tin vào ý chí tự do thì tính sáng tạo, năng suất lao động và các hành vi thiện nguyện giảm xuống. Sẽ thật khó để nói với mọi người rằng nếu có đủ dữ liệu thì mọi suy nghĩ/hành động/mong ước của họ đã bị nắm bắt và vì thế, họ thật nhạt nhẽo. Loài người vốn đã dốt nát nay lại thêm nhạt nhẽo nữa thì không biết xã hội sẽ phát triển thế nào?
Tuy nhiên ít học giả nào có thể thoải mái khuyên rằng mọi người cần tin một lời nói dối trắng trợn. Ủng hộ những điều không đúng sự thật sẽ ảnh hưởng đến sự chính trực của họ và vi phạm một quy định vốn đã luôn được các triết gia trân trọng: Niềm hy vọng kiểu Plato rằng sự thật và điều tốt đẹp luôn đi cùng nhau. Saul Smilansky, một giáo sư triết học tại Đại học Haifa, Israel, đã vật lộn với tình thế khó khăn này trong suốt sự nghiệp của mình và đi đến một kết luận đau lòng: “Chúng ta không thể gánh được hậu quả của việc mọi người tiếp thu sự thật về ý chí tự do”.
Smilansky tin rằng suy nghĩ tự do không tồn tại theo cách hiểu truyền thống – và rằng sẽ rất tệ nếu hầu hết mọi người nhận ra điều này. “Tưởng tượng là,” ông phát biểu, “tôi đang cân nhắc có nên làm tròn bổn phận của mình hay không, ví dụ như nhảy dù vào đồn địch chẳng hạn, hay một việc gì đó tẻ nhạt hơn, như đánh cược công việc của mình để báo cáo một hành động sai trái. Nếu tất cả mọi người chấp nhận là không hề có ý chí tự do, thì tôi sẽ biết là mọi người sẽ nói, ‘Dù anh ta có làm gì, anh ta không có sự lựa chọn – chúng ta không thể đổ lỗi cho anh ta.’ Vậy nên tôi biết tôi sẽ không bị chê trách nếu tôi chọn giải pháp ích kỷ.” Điều này, ông tin rằng, rất nguy hiểm với xã hội, và “khi mọi người càng chấp nhận quan điểm của việc không có tự do ý chí, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.”
Smilansky cho rằng, việc từ bỏ niềm tin vào ý chí tự do không chỉ giảm nhẹ việc trách phạt, nó còn giảm nhẹ việc khen thưởng. Tưởng tượng là một người liều mạng nhảy vào căn cứ địch để thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm. Sau đó, mọi người sẽ nói rằng người đó không có lựa chọn, rằng chiến công của người đó cũng chỉ là, theo cách nói của Smilansky, “việc những điều được quy định từ trước trở thành sự thật,” và vì vậy không đáng được tuyên dương. Và cũng như việc giảm nhẹ sự trách phạt sẽ phá đi những gì ngăn ta cư xử xấu xa, giảm nhẹ việc khen thưởng cũng loại bỏ động cơ để làm điều tốt. Các anh hùng của chúng ta sẽ ít truyền cảm hứng hơn, ông nói, những thành quả của chúng ta sẽ không còn đáng ghi nhận nữa, và sớm thôi chúng ta sẽ chìm vào suy đồi và bất lực.
Đôi khi chúng ta phải lựa giữa sự thật và điều tốt. Đôi khi vì xã hội, sự thật cần phải hi sinh. May mắn ở đây là loài người là một giống loài mong manh đang chơi vơi với chính món quà đặc biệt của Chúa trời: Đó là cảm xúc. Một mặt cảm xúc phải được bảo toàn, một mặt xã hội phải đi lên. Chính những nhu cầu của xã hội làm con người quên đi những câu hỏi bản năng của giống loài; bạn sẽ chẳng phải tâm tư rằng mình có tự do ý chí hay không nếu như ngoài kia vẫn có bộ quần áo bạn thích hay status trên fb của bạn không nhiều like bằng người khác.
Hóng phần tiếp theo của series này từ thím :3
Series hay thực sự, hóng phần tiếp theo.