Sau bài chia sẻ về quá trình leo rank bên CS:GO mình có nhận được vài lời yêu cầu viết chi tiết hơn. Vốn có một thời gian tập luyện và thi đấu nghiêm túc nên mình có một số hiểu biết nhất định về CS:GO. Tuy trình độ chỉ ở mức “ao làng” (không solo lên được GE!!!) nhưng biết đâu lại giúp ích các bạn trong quá trình leo rank. Sau đây là vài kinh nghiệm của mình.
Warm up và Setting
Try-hard cần sự chuẩn bị và tập luyện. Không đơn thuần là bạn bật máy tính lên vào game, feed sáu round rồi mới “lên đồng” được. Rank trong CS:GO được tính theo từng round đấu nên đừng phí phạm dù chỉ một round. Mình cảm nhận mỗi lần lên rank mới cần thắng +/- 50 round và +/- 25 MVP. Nếu bạn không Warm up cẩn thận thì coi như mỗi game đấu (16 round) bạn đã chấp đối phương 3 round rồi. Đường sẽ dài hơn mà tâm lý lại thêm phần nặng nề.
Vậy Warm up như nào? Mình main AWP thì hay vào Warm up trong Casual. Nếu bạn main Rifle thì có thể Warm up trong Deathmatch. Vào trong đó tập nén nade, scope aim, prefire… Mình thường vào Casual mấy map tủ như Dust 2, Inferno, Mirage tập scope aim lấy entry kill bằng DE hoặc AWP. Thường với cách Warm up này trong team thì mình luôn là người chết đầu tiên hoặc cuối cùng.
Về Setting thì màn hình và tai nghe là hai thứ quan trọng nhất. Tuy nhiên không phải cứ “full đồ” là sẽ headshot ầm ầm. Chuột chỉ cần loại “vừa vừa” thôi. Chủ yếu là setting. Chúng ta cần tập luyện để quen với setting của mình. Config và Setting các bạn có thể tham khảo ở 2 trang này.
- http://tools.dathost.net/
- https://prosettings.net/cs-go-best-settings-options-guide/
Đối với mình chuột lởm thì vẫn cố gắng được chứ màn hình lởm thì chắc chắn không try-hard. Nếu các bạn để ý dân chuyên nghiệp thì họ để màn hình rất sát mắt. Cái hồi thi đấu mình thấy có ông vác theo cả màn hình riêng (cùng với gear riêng). Tùy theo kích thước màn hình mà khoảng cách từ màn hình đến mắt khác nhau, nhưng chắc chắn không được quá 30 cm. Ở một số quán net mình thấy vài bạn vừa chơi vừa ngả lưng vào ghế, thật không hiểu mắt các bạn ấy tinh tường cỡ nào.
Phần âm thanh cũng quan trọng không kém phần hình ảnh. Với một bộ tai nghe tốt bạn có thể nghe thấy vị trí đối phương và từ đó prefire tiễn đối phương lên bảng. Có một số vị trí đặc biệt “nhạy cảm” với âm thanh. Mình lấy ví dụ như map Dust 2. Mid to AS là ví dụ điển hình. Bạn có thể báo cho đồng đội trên Site A lúc nào đối phương tiến vào (cực kì quan trọng!) và thậm chí là bao nhiêu người. Một ví dụ khác là Short Tunnel. Giả sử bạn bên T cần tấn công vào Site B. Một tai nghe đủ tốt sẽ giúp bạn phân biệt được đối phương ở trên thùng hay ở Car và từ đó biết cách Smoke để bắt người. Hãy chiếm ưu thế từ những cái nhỏ nhất như này.
Hiểu vị trí
CS:GO là trò chơi đơn giản. Bạn phải tiễn đối phương lên bảng trước khi đối phương làm được điều tương tự với bạn. Tuy nhiên chưa kịp thấy hình bóng đã vỡ đầu rồi, phải làm sao đây? Đơn giản thôi, bạn phải học cách prefire cũng như phán đoán vị trí đối phương. Dân chuyên nghiệp không bao giờ “đi” vào site cả (trừ trường hợp rush) họ prefire, nade, wallshot đủ kiểu mới tính tiếp. Khi bạn tiến vào một khu vực thường có nhiều hơn một vị trí “có khả năng” có địch. Lúc này bạn phải sử dụng kinh nghiệm cũng như flash, smoke hoặc kiên nhẫn prefire một thời gian. Hãy hạn chế tối đa bị hội đồng từ nhiều hướng. GE mà bị bắn sau lưng thì cũng sấp thôi.
Mỗi map sẽ có một vài vị trí trọng yếu. Ví dụ như Long A map Dust 2.
Vị trí Pit cực kì quan trọng nên hai bên mới bắn nhau vỡ đầu ở Long Tunel và Long A. Thường thì các Awper sẽ đọ nhau ở đây (thằng nào chết thì bên đó rút quân). Tuy nhiên nếu không ai chết thì cuộc chiến sẽ thuộc về bên nào Nade và Anti-Nade hiệu quả hơn. Các bạn có thể coi clip dưới đây:
Nếu một party tầm ba người tấn công vào site (bên phe T) thì chiến thuật có thể như này. Người A sẽ ném một Smoke đầu cánh kèm hai Flash liên tiếp để người đầu tiên (người B) chạy ra Blue Box aim xuống Pit và người C chạy thẳng vào góc cánh đề phòng bên CT Flash rồi nhảy ra. Người A sau khi ném xong nade ra muộn hơn thì giữ cửa Long Tunnel aim vào đầu cánh. Nếu đường chạy mà thuận lợi cho bên T thì bên CT hầu như không thể cover được Pit mà phải rút về Site A. Nếu hai người còn lại team T mà vào AS nhanh và chia cắt được Mid thì 70% bên CT thua round này.
Điều quan trọng mình muốn nói ở đây là bạn phải biết chính xác mình làm gì. Hãy tranh thủ thời gian trước mỗi round đấu để bàn bạc với đồng đội. Xét theo chiến thuật vừa đề ra thì bạn là người ở vị trí thứ bao nhiêu và từ đó biết được mình cần làm gì. Sẽ không bao giờ có chuyện ba người nhảy vào một site và cùng aim một hướng. Một quả Nade (Flash, Smoke) hỏng cũng là “tự tay bóp dái”. Ở những thời điểm cân não thì một kill hai, kill ba là bình thường và vì thế, phải luôn chọn vị trí tốt cũng như giữ bình tĩnh. Điều này đặc biệt quan trọng với phe CT khi CT không có lợi thế bất ngờ như bên T. Tuy nhiên CT thường có vị trí về địa hình khi thường là người nhìn thấy và bắn trước. Nếu để ý thì các game đấu rank cao (SMFC, GE) thì bên CT luôn có lợi trong khi các trận đấu rank thấp (Silver, Nova) thì bên T lại chiếm ưu thế hơn hẳn. Aim tốt (một viên vỡ đầu…) và hiểu vị trí (vị trí smoke, vị trí đối phương hay phòng thủ, vị trí wallshot hay những vị trí fake flash, cheese flash – mù trắng …) được thể hiện ở đây.
Các bạn có thể lên twitch xem các gosugamer chơi để hiểu thêm vị trí của từng map. Hãy tập trung vào một map cũng như một số vị trí nhất định mà thôi.
Map tủ và vấn đề tinh thần
Nếu bạn thi đấu thì sẽ hiểu độ quan trọng của map tủ. Tất nhiên nếu có thời gian tập luyện hết map pool thì không nói làm gì, nhưng nếu điều kiện không cho phép thì cân nhắc nên tập luyện một vài map nhất định. Theo cá nhân mình thì nên bỏ qua map Dust 2. Map này lắm smurf đồng thời nhiều người chơi quá nên ăn thua nhau chủ yếu là kĩ năng chứ không phải là kinh nghiệm. Nếu bạn có một party đông người thì nên leo rank ở những map như là Train, Overpass hay Mirage. Rủi ro là bạn có thể gặp những party cũng “đông người” và nghiêm túc như bạn. Lợi thế là bạn sẽ thỉnh thoảng “chăn bò đi lạc” và có những game đấu 16-0 16-1 rất ”ez”.
Hai map tủ của mình là Mirage và Inferno. Mình là Awper nên có những góc/vị trí căn súng khá dị. Một bài của mình ở Mirage là Awp rush apart B. Đại để là Smoke chặn cửa rồi nhảy lên Apart ném Fire hoặc Nade. Đồng đội đứng dưới (đoạn góc ra Mid) nghe tiếng chân (đối phương chạy để né Fire và Nade) để biết trong Smoke có người không rồi thông báo cho mình. Từ đó tùy độ Yolo mà mình ra ke Underpass hoặc móc ngược về T base. Có những ván mình có ba, bốn kill bằng chiến thuật này. Đối với Awper thì “đã” nhất không phải bắn đối phương cầm súng xịn mà là bắn khi nó đang cầm dao. Cảm giác nhìn đối phương bất lực rồi chửi mình hack mới “phê” làm sao.
Thường thì mỗi chiến thuật sẽ bắt bài sau một hai ván và vì thế việc có nhiều chiến thuật – nhiều “trò” để làm đối phương ngạc nhiên là cần thiết. Ví dụ như map Inferno. Có thể Boost stack hai người lên mái ở Site A rồi thủ ba người ở site B. Với khả năng nghe bước chân từ Apart và Smoke fake Site, hai người này hoàn toàn có thể gây bất ngờ cho team đối phương nếu bên kia không có nhiều kinh nghiệm.
Có rất nhiều chiến thuật như thế mà tùy độ dị cũng như mức độ hiểu trận đấu của bạn để thực hiện. Tuy nhiên chúng cần một yếu tố quan trọng là tinh thần. Nếu bạn bị đối phương bắt bài hoặc bên kia có thằng “nghi vấn hack” thì bạn dễ mất tinh thần và hay kiểu “giật mình bắn chim”. Mình vốn là loại không-chat-all trong mọi thể loại game nhưng có lẽ đây chỉ là đặc điểm nhận dạng chứ không phải ưu điểm. Có những trận đấu team mình bị dẫn đến 0-6 0-7 rồi đồng đội mình “mát mẻ” thằng top bên kia là y rằng thằng đấy rén, bắn run tay để bên mình lấy lại mấy round. Hacker hay không thì không biết nhưng đôi khi vài lời nói có thể là vũ khí tinh thần quan trọng. Động viên đồng đội, khích đểu đối phương, dọa nạt thằng top bên kia, chia rẽ nội bộ team địch… Xưa anh hùng hào kiệt một lời lấy được giang sơn thì nay ta cũng có thể dùng “một lời” để gỡ gạc mấy round đấu.
Mình sẽ tạm kết ở đây, nếu bạn nào có thắc mắc hoặc đóng góp thì mình xin vui lòng lắng nghe và trao đổi.