We Happy Few có một cốt truyện mới mẻ: một thành phố kì lạ với những con người không bình thường cùng những đồ vật/nhiệm vụ bí ẩn. Nhà phát triển Compulsion Games đã cố gắng truyền tải một thông điệp nhân văn mà đầy quen thuộc trên một câu chuyện hoàn toàn mới, điều này mang đến cho We Happy Few những trải nghiệm độc đáo mà không một game nào khác có thể làm được.
We Happy Few, viên thuốc tò mò
We Happy Few lấy bối cảnh những thập kỉ 60 của thế kỉ trước. Có thể coi thành phố Wellington Wells trong câu chuyện đã thành công trong hai việc, một là đuổi được quân Đức xâm lược, hai là giữ kín được những bí mật của mình. Để làm được điều này người dân nơi đây được yêu cầu uống một viên thuốc gọi là viên thuốc vui vẻ (Yoy pills). Mà không hẳn đây là yêu cầu, đây được coi là mệnh lệnh, khi mà cảnh sát nơi đây có mỗi nhiệm vụ duy nhất là đập dùi cui vào mặt những ai không uống thuốc. Điều này dẫn đến một sự tò mò cho người chơi: Liệu sự thật nào ẩn đằng sau những viên thuốc và chiếc mặt nạ kì cục kia? Có những việc gì đã xảy ra mà giờ vấn đề sống còn trong thế giới trong game chỉ là uống thuốc và… về nhà đúng giờ? Game được làm theo góc nhìn thứ nhất cùng với thế giới mở càng khuyến khích trí tò mò và tưởng tượng của người chơi. Trừ việc những pha cắt cảnh cùng phong cách đồ họa neoclassical (hoạt họa cổ điển nhưng màu sắc rực rỡ) dễ khiến người mới chơi bị đau đầu và đôi khi… buồn nôn (nhất là những lúc chạy trốn phải thay đổi góc nhìn tranh tối tranh sáng liên tục) thì We Happy Few xứng đáng nhận một tràng vỗ tay từ người hâm mộ. Có chút mùi vị của Bioshock ở đây, tuy nhiên Compulsion Games còn nhiều việc phải làm nếu muốn giúp We Happy Few trở thành một chuẩn mực mới như Bioshock.
Chúng ta phải lưu ý rằng We Happy Few mới ở giai đoạn Early Access. Đến tận tháng 04 năm 2018 trò chơi mới được chính thức phát hành và lúc đó sẽ có tận ba nhân vật để lựa chọn cùng những tính năng mới mà nhà phát hành kì vọng sẽ tạo nên sức nặng cho game. Cũng cần nhớ lại rằng đây là trò chơi sinh tồn góc nhìn thứ nhất, không phải trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất nên chúng ta không nên quá khắt khe chuyện hệ thống chiến đấu hay những kĩ năng kiểu “hai tay hai súng nhắm mắt bắn cũng trúng” hay phá khóa leo tường như Daredevil trên truyền hình. Nhiệm vụ của bạn là sống sót và khám phá. Ăn uống đầy đủ và ngủ đúng giờ, cố gắng đừng thách thức bọn cảnh sát hay người dân xung quanh. Bạn sẽ không bao giờ có đủ nắm đấm cho tất cả đống hổ lốn ấy và mọi thứ thường kết thúc với việc load lại game (vốn không dễ chịu gì với thể loại sinh tồn). Với việc thiếu thốn vật dụng cũng như thanh nhu cầu (ăn, ngủ, bệnh) bị làm khó một cách vô lý, We Happy Few đôi lúc đã mô tả được đúng cái khó khăn nhất của việc làm anh hùng đứng một mình: đó là lẻ loi đơn côi và buồn chán mà không biết phải làm gì…
We Happy Few, những góc tối
Tuy là game sinh tồn thế giới mở nhưng We Happy Few luôn có các căn nhà đóng kín cửa cùng những con đường cụt không dẫn về đâu. Đây có lẽ sẽ là một gợi ý cho nhà phát triển nếu muốn nâng tầm đứa con cưng của mình ngang hàng với những game “thế giới mở” khác. Việc khám phá và các lựa chọn tương tác bị hạn chế nhiều bởi cơ chế sinh tồn được làm quá lên. Đây chính là điểm trừ lớn nhất của game, nó khiến mọi thứ lố bịch và làm cho trò chơi không có nhịp độ cần thiết của một trò sinh tồn. Hiện tại chúng ta mới tiếp cận được một nhân vật nên không biết hai nhân vật còn lại có kĩ năng cũng như cách dẫn dắt câu chuyện như nào, nhưng hãy cùng hi vọng là Compulsion Games làm tốt việc này. Sẽ rất lố bịch nếu cứ phải quanh đi quẩn lại một khu vực vì nhân vật… ngủ thiếu vài tiếng. Sự quá lố của một vài yếu tố có thể bỏ qua, nhưng khi nó kết hợp với điểm yếu của game (sự tương tác, cách xây dựng nhân vật) thì nó như cái gai găm vào mắt người chơi. Và khó chịu nhất là khi cái gai ấy được găm đã lâu (gần 2 năm) và tăng giá một cách khó hiểu (tăng gấp đôi lên hơn 50$).
Những lời phàn nàn dành cho We Happy Few chủ yếu nhắm vào việc tăng giá bán một cách bất hợp lý và việc thay đổi trong chính sách phát triển game. Nếu trước kia We Happy Few phát triển chỉ dành cho game thủ trên PC thì gần đây với sự giúp đỡ của nhà phát hành mới là Gearbox, Compulsion Games muốn mang trò chơi của mình đến hệ máy Console và hướng sự phủ sóng toàn cầu. Chính vì thế nên thay vì tinh chỉnh những điểm độc đáo và tập trung vào phần trải nghiệm người dùng thì hiện giờ nhà phát hành tập trung vào sự hài hòa cũng như mở rộng phiên bản. Điều này làm cả người chơi mới và người chơi gạo cội khó chịu, nó giống như việc đổi thuyền giữa dòng. Việc tăng giá gấp đôi để tương thích với giá game trên console đã vô tình gây khó khăn cho người mới đồng thời mang lại cảm giác bất ổn cho người chơi cũ. Hi vọng Compulsion Games sẽ sớm có câu trả lời làm hài lòng tất cả mọi người!
Tạm kết
50,99$ cho một game Early Access? Sẽ thực tế hơn khi chúng ta suy nghĩ kĩ càng điều chúng ta muốn ở trò chơi này. Chỉ là trò chơi? Chơi để vui? Chơi để trải nghiệm, thử cảm giác mới?… Nếu là vậy thì nó không đáng 50,99$ và chúng ta có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn khác. Tuy nhiên nếu bạn thích Châu Âu của thập niên 50, 60 hay hâm mộ văn học Pháp hậu chiến tranh với những tác giả như Modiano, Teule… thì We Happy Few là lựa chọn của bạn.