Chúng ta thích zombie bởi vì zombie… yếu. Zombie là loại quái vật yếu nhất được sinh ra bởi trí tưởng tượng của loài người, và vì thế cảm giác giác “xả” hàng hàng lớp lớp zombie luôn là thứ hay ho. Tuy nhiên nếu bạn quá chán ngán với tạo hình buồn tẻ của chúng nhưng lại không muốn đối đầu với những con quái vật “phải save game trước đã” thì Shadow Warrior 2 là lựa chọn số một dành cho bạn. Không tốn tài nguyên não là một ưu điểm quan trọng của trò chơi này. Việc bạn cần làm đơn giản là tiến lên phía trước và… cứu thế giới.
Shadow Warrior 2, hoạt họa Nhật, văn hóa Trung Quốc, nhà phát triển Ba Lan và sử dụng vũ khí Mỹ
Điều ấn tượng đầu tiên có lẽ là phong cách… chẳng giống ai của Developer Digital. Thời đại toàn cầu nên mọi thứ trong game cũng… toàn cầu theo. Bạn có thể chạy qua một cái cầu rất điệu theo phong cách Nhật rồi ngay lập tức bay lên mái nhà phong cách Trung Quốc (hoặc Việt Nam không biết chừng). Chưa hết, trên mái nhà bạn nhặt được bộ cung theo phong cách trung cổ bên Châu Âu và dùng nó để bắn các con quái vật có tạo hình “rất Mỹ”. Có tới hơn 70 loại vũ khí trong trò chơi này cùng hàng hàng lớp lớp kẻ thù kì cục cho bạn thử “đồ chơi”. Phép thuật màu mè nhưng so với “đồ chơi” thì không mấy hữu dụng. Cốt truyện của game? Bạn là anh hùng và thế giới cần bạn. Có gì mới/sâu sắc/độc đáo/suy tư không? Không. Sẽ không có có bi kịch nào để sâu sắc cả, nhân vật chính của chúng ta là người lạc quan, anh ta còn cười khanh khách mỗi khi qua bàn ấy (sẽ có nhiều giây phút hài hước khi phiêu lưu cùng anh chàng này). Gái đẹp để tâm tư lại càng không, còn độc đáo ư? Hiếm có game phiêu lưu nào lại “mạnh dạn” giảm tải phần cốt truyện như Shadow Warrior 2! Giống như Left for Dead 2, cốt truyện không phải là thế mạnh của Shadow Warrior 2. Chính khả năng tương tác giữa 70 loại vũ khí ấy với tầng tầng lớp lớp bọn quái vật mới là điều quan trọng. Bạn bay nhảy, tung hứng, chém dao rồi rút súng. Không đủ hào hứng thì đã có cung tên, súng liên thanh… Hệ thống chiến đấu của trò chơi làm tốt đến nỗi cứ chốc chốc người viết bài lại phải đổi vũ khí một lần để… thử cảm giác. Lưỡi dao đâm có lực và như bị dìm lại. Lưỡi dao chém thì thanh thoát hơn nhưng lại kém với những đối thủ “dày mình”. Chém vào bị “nẩy” ra, cảm giác này chắc ít trò chơi Hack-and-Slash làm được.
Đồ họa trong game là một điểm cộng đáng chú ý. Các tông màu sắc được thể hiện rõ ràng và mang đậm chất “văn hóa cổ truyền” phương Đông. Có lẽ kiến trúc của Nhật Bản và Trung Quốc được mô tả gần như hoàn mỹ trong game. Đây là lí do vì sao Shadow Warrior 2 được nhiều game thủ phương Tây hâm mộ. Có lẽ họ đã quá chán ngán với cái “bí ẩn” phương Đông trong các trò chơi góc nhìn thứ nhất hoặc âm u hoặc thái quá điển hình. Những người chơi ở phía bên kia địa cầu có lẽ mong muốn một game “thoải mái với đầu óc” kiểu Disney ở trong một bối cảnh đẹp như hoạt hình của Ghibli. Và thế là Shadow Warrior 2 ra đời.
Shadow Warrior 2, những đền đài xưa cũ
Khi chơi Shadow Warrior 2 người chơi sẽ phải đi qua nhiều đền đài bỏ hoang. Điều này cũng giống như lựa chọn của Developer Digital, họ cố gắng xây lại quy củ cho một dòng game vốn đã bão hòa trên thị trường. Có thể cảm nhận rằng trò chơi có nhiều nét tương đồng với Borderlands, tuy nhiên chiều sâu thì không thể bằng. Ở phần 2 cách dẫn dắt người chơi của Developer Digital lặp lại tương tự phần 1. Và thêm câu chuyện tuyến tính đơn giản, nó hầu như không mang lại chút cảm xúc nào cho người, thậm chí sẽ có nhiều người cho rằng nó không xứng đáng cho một cái kết. Shadow Warrior 2 giống như một sự kết hợp của Doom, Diablo 2, Borderlands và Okami vào một trò chơi AAA Hack-and-Slash. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì phiên bản đầu vốn đã làm tốt rồi, sự khác biệt đến từ việc Shadow Warrior 2 hỗ trợ thêm phần chơi mạng thật không xứng đáng với kì vọng của người hâm mộ.
Khác với phần 1, ở phần 2 này những con mini boss hay boss sẽ xuất hiện thường xuyên và không có nhiều tính đánh đố như phần 1. Ngoài việc bự con một cách đáng ngạc nhiên và làm Wang và những người bạn phải nhảy nhót nhiều hơn một tí thì những con boss này không tạo được điểm nhấn cho trò chơi. Việc này làm cho việc chơi tiếp trò chơi sau một vài lần dừng đầu tiên khá là thử thách. Tò mò và thử thách vốn là hai thứ kích thích chúng ta. Ý người viết bài ở đây là tò mò trong việc “khám phá” và thử thách về “trí tuệ”, vốn là thứ bị cắt lượt gọn gàng trong Shadow Warrior 2.
Tạm kết
Nếu chưa có Shadow Warrior 1 thì bạn nên mua luôn phần 2 để trải nghiệm. Cảm giác bay nhảy trong mưa bão và bắn hạ những con quái vật dữ tợn là một trải nghiệm độc đáo chỉ có trên Shadow Warrior 2. Tuy nhiên nếu đã có phần 1 thì bạn nên tiết kiệm 40$ (giá thành trò chơi) để làm việc lớn chứ đừng làm anh hùng (bàn phím). Mách nhỏ bạn mang 40$ đó vờ là tiền ai đó rơi lên ban giám hiệu nộp. Lúc đó bạn vừa được tuyên dương vừa tôi luyện được bản lĩnh cá nhân. Dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, đó là phẩm chất cần thiết của một anh hùng.