Đánh giá Left for Dead 2

Huyền thoại ★

  

Nếu hỏi game nào thể hiện rõ tính cách người chơi nhất thì Left for Dead 2 là ứng cử viên sáng giá. Nếu bạn muốn biết người yêu là người như nào, hãy rủ anh/cô ấy chơi Left for Dead 2 Survival Mode. Nếu có chia tay thì làm ơn đừng đổ lỗi cho người viết bài.

Left for Dead 2, tượng đài của game sinh tồn theo nhóm

Đã có rất nhiều lời khen ngợi cũng như giải thưởng dành cho Left for Dead 2 (L4D2). Đây cũng là sản phẩm làm nên tên tuổi của Steam cũng như Valve, đồng thời đưa dòng trò chơi về sinh tồn theo nhóm lên một bậc mới. Bạn sẽ nhập vai một trong bốn nhân vật chính, cùng bạn bè của mình chống lại tầng tầng lớp lớp zombie và cố gắng hít thở đều đặn đến nơi save game và qua bàn. Nội dung không có gì đặc sắc cũng như phần chơi đơn sơ sài, tất cả sức mạnh của Left for Dead 2 đều nằm ở phần chơi mạng. Lúc này cuộc chơi sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều, bởi vì cảm giác che chở và được che chở là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất của con người!

Khi nhắc đến L4D2 thì đầu tiên là cảm giác cân bằng. Mọi thứ đều tốt ở mức đủ dùng. Từ hình ảnh đến âm thanh, sự phân bổ vũ khí, cách sắp đặt màn chơi, những con quái vật cũng như tính chiến thuật… tất cả đều ở mức ổn. Ổn ở đây tức là vừa đủ để cảm nhận nhưng cũng vừa đủ để vui. Cách Valve cân bằng trò chơi của mình luôn làm người khác kinh phục. Ví dụ như Spitter phun acid phá đám chiến thuật co cụm vào nhà hay Charger được sinh ra để chống lại 4 khẩu shotgun. Witch “khóc nhè” để cho game thêm một chút buồn bã và trừng phạt bọn “ngứa tay” hay việc phải leo lên trèo xuống những tòa nhà cao tầng (thật ra là rơi lên rơi xuống) để thử thách tinh thần đồng đội, tất cả vừa đủ cho một bữa tiệc vừa có chất kinh dị vừa có chất hành động, vừa hào hùng lại vừa buồn cười, vừa hồi hộp mà vẫn vui vẻ. Giả sử bốn đứa đang chạy zombie toán loạn trên mái một tòa nhà mà một đứa mắt mờ rơi xuống thì bạn có xuống cứu không? Nếu là mình thì mình không xuống cứu đâu, trừ khi nó hứa trả tiền net hộ mình!

Left for Dead 2 hiện nay có năm chế độ chơi chính. Nếu như Campaign, Survival và Realism là đi bàn theo cốt truyện với độ khó khác nhau dành cho những phút chớp nhoáng nghỉ giữa giờ hay để tìm lại cảm giác thì hai chế độ Venus và Scavenge sẽ đem đến nhiều cảm giác kì quái hơn và làm trò chơi có một chút “competitive”. Ở đây bạn sẽ cùng đồng đội chiến đấu với những người chơi khác. Cái hay của hai chế độ này là cho phép người chơi nhập vai zombie với những tùy chỉnh khác nhau, thành ra nếu muốn thử cảm giác mạnh và “thật” thì đây là lựa chọn tuyệt vời. Những con zombie đặc biệt trong tay người chơi khác (không phải một mà là nhiều!) sẽ là một thứ thuốc thử đặc biệt dành cho khả năng teamwork cũng như kĩ năng cá nhân từng người. Đây chính là cái hay của Left for Dead 2, từ nhẹ nhàng đến cảm giác phải try hard cực độ, cái nào cũng có. Thêm vào đó là phần thành tích trên Steam được làm cẩn thận và công phu. Mọi chỉ số cũng như thành tích của bạn đều được phân loại kĩ càng. Nhìn vào đó là biết ngay ai sẽ anh hùng gánh team cứu thế giới, ai chỉ nhăm nhăm bắn đồng đội, ai là người núp lùm và sống rất dai, ai là người hồn nhiên lúc nào cũng tiên phong… chết đầu.

Trong hai chế độ Survival và Realism, bạn sẽ nhận ra vì sao nếu có đại dịch zombie thật thì 99,99% chúng ta sẽ là nhân vật phụ làm nền cho các siêu anh hùng thử súng. Khả năng chống chịu yếu đi, khả năng nhận biết đồng đội qua ánh sáng bị tắt và cái quan trọng nhất là không còn khả năng bắn xuyên… đồng đội như chế độ thường. Một lần chơi Survival, bạn mình cần súng phóng rocket và bị Jockey kéo, chẳng hiểu “lỡ” thế nào và cho nguyên một quả vào giữa đội hình đang chạy đến giúp. Kết quả thì bạn biết rồi đấy, thằng đấy phải trả tiền net cho cả nhóm!

Left for Dead 2, những kỉ niệm bi hài

Mình có một nhóm bạn làm chung đồ án đại học. Bốn đứa thì hai đứa chuyên chơi Pes và Fifa, mình thì Dota và CSGO, đứa còn lại thì chơi trò tình ái. Thế gặp nhau lúc thi xong thì đi chơi cái gì? Đó là Left for Dead 2. Mình nhớ những buổi chiều thi xong cả nhóm lại kéo ra hàng ngồi phá đảo vài bàn rồi mới về, vừa chơi vừa hò hét ầm ĩ. Bao chuyện dở khóc dở cười xảy ra, toàn những trò thử thách tình cảm của nhau và tăng độ khó trò chơi lên vài phần. Tuy nhiên mình nhớ nhất là có lần một đứa trong nhóm bị thất tình, liền đặt tên nhân vật theo tên cô gái vừa phũ nó. Vậy thì cả nhóm đều lấy tên gái để đặt cho nhân vật của mình, và cả trò chơi thành một bộ phim tình cảm hài vừa nhẹ nhàng vừa ám ảnh. Nếu lúc trước chỉ nhăm nhăm bắn sau lưng nhau thì giờ đây những Linh, Thảo, An, My chăm nhau như chăm con. Bọn Hunter hay Zockey còn chưa kịp biểu diễn màn nhún nhảy khởi động đã tan tành rồi, thế mới biết tình yêu làm con người ta điên rồ thế nào các bạn à!

Một điều mình nhớ về L4D2 là game này lành, không ăn thua mà vẫn hồi hộp và vui. Trừ việc chơi không quen dễ bị đau đầu thì đây là trò chơi phổ biến và dễ chơi dễ trúng thưởng. Hồi sinh viên tụ tập thỉnh thoảng có gái này gái nọ đi theo. Đi ăn mãi thì chán mồm mệt ví mà đi xem phim toàn ngủ gật giữa chừng thì cũng không hay, thành ra bọn mình hay dẫn mấy bạn gái đi chơi điện tử cùng. Tuy mấy gái ấy hơi ngơ ngác toàn lỡ bước rơi xuống vực hay thỉnh thoảng đi lạc vào bầy zombie nhưng được cái ngoan. Thấy thằng nào chết thì quay lại cứu, có súng tốt hay đồ hồi máu thì biết nhường nhịn. Nếu bạn yêu một cô gái mà muốn hiểu thêm về cô ấy thì cứ rủ cô ấy chơi L4D2, có lẽ bạn sẽ nhận ra được vài điều hay ho.

Tạm kết

L4D2 không phải là game chơi một mình. Nếu bạn có nhiều “mình” và muốn sống một vài giờ trong một thế giới zombie cùng những người bạn của mình thì hãy chơi ngay L4D2, bảo đảm ăn đứt việc bỏ 100k ra Megastar xem phim của Hollywood. Bạn sẽ quên cái phim ấy ngay thôi, nhưng cảm giác cùng đám bạn của mình phá đảo thế giới thì khó quên hơn nhiều.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện