Valiant Hearts : Who cut these damn onions?

Khách quen

  

12:49. Đó chính xác là thời điểm các dòng chữ after credit hiện ra. Tui cố gắng không tua. Không skip. Để nghe tiếng piano lại phát ra từ game. Thật là hầy. Tui đã tốn 86,000 nghìn trên Steam để rơm rớm nước mắt, chao ôi. Cái tâm hồn bé nhỏ của tôi lại bị lay động bởi cái game 8 giờ chơi Steam. Gập máy tính lại. Nhắm nghiền mắt. Trái tim quả cảm cái khỉ mốc gì? Làm ra để con tim người ta yếu mềm thì đúng hơn. Đùa thôi. Trái tim quả cảm không phải dành cho người chơi đâu mà nó dành cho các nhân vật của chúng ta: Bố vợ – Cô con gái – Anh tóc vàng – Bác sĩ – Ông da đen và Con Gâu Gâu. Tui chưa chơi nhiều game Ubisuck. Nhưng cái game mà dùng 2D Frame Art Work này đã đánh gục tui bằng mọi giá rồi. Ôi trái tim bé bỏng này không biết bao giờ mới quả cảm.

Chiến tranh. Tui phải nhắc lại là tui ghét chiến tranh. Đồng ý là bây giờ nhiều người tiếp cận được công nghệ này nọ rồi thì xem tranh ảnh, nào thì xem những gì hào hùng của chiến tranh thậm chí là cả súng ống, quần áo, vũ khí tối tân nhưng… tui ghét chiến tranh. Bản thân chiến tranh sinh ra là điều tự nhiên của cuộc sống vì có đấu tranh thì mới tồn tại và phát triển. Nhưng Chiến tranh Thế giới đó là cái gì mà khá là phi nhân đạo và vô nghĩa. Những nhà làm game đã chen chân vào mảnh vườn “chiến tranh” này để khai thác triệt để cho người chơi cảm nhận xem chiến tranh là gì và nó như thế nào. Từ Battlefield, COD… nhưng với tui mấy tựa game bắn súng đó không hợp gu (cá nhân mà nói thôi). Tui vẫn cảm thấy có gì đó vẫn còn thiếu thiếu. Và Valiant Hearts đã lấp đầy khoảng trống đó. Đồng ý là Valiant Hearts có thể thua nhiều mặt và việc tui so sánh ở trên là khập khiễng. Nhưng tin tui đi. Chiến tranh thế giới thứ nhất chưa bao giờ gần gũi, chân thực mà nhiều thông tin đến vậy.

Ban đầu nếu như không có cái Uplay chạy thì tui sẽ nghĩ đó là một sản phẩm indie của một hãng game rừng rú nào đó. Nhưng hóa ra Ubi cũng có những platform 2D chuẩn mực mà gọn gàng. Tui nói gọn gàng ở đây là từ cách thiết kế game cho đến trải nghiệm của người chơi. Gọn ở chỗ là nếu như nó là một game về lược sử thời gian – ok chán thấy mẹ. Nhưng nếu nó là một game giải đố thì nó sẽ kích thích trí tò mò hơn. Và Ubi đã cân bằng cả hai yếu tố đó. Có yếu tố lịch sử lồng ghép + giải đố. Vậy là chúng ta có Valiant Hearts. Các yếu tố lịch sử được lồng rất khéo không ép người chơi phải vừa đọc hoặc ngồi chờ cái cutscene dài ngoằng. Mà nó ở phần có thể mở ra được để người chơi lựa chọn và ở phần chờ loading screen, nơi mà các diễn biến chiến trường được nổ ra. Game ra đời vào 2014 – đúng 100 năm vào cái ngày mà chiến tranh bùng nổ. Tất cả mọi người bị kéo theo vào cái vòng xoay đen tối của những tay độc tài trên thế giới. Để rồi giờ đây, sau một thế kỉ, chúng ta có con game này.

Về gameplay thì game đúng kiểu mì ăn liền. Mình vô bỏ gói súp sau đó rót nước sôi vào là có mì ăn thì game này nó thế đó. Vô là chơi liền. Không cần giải thích dài dòng move ra sao control thế nào. Cứ vào. Hiện gì ấn đó. Cần là mang não đi theo. Puzzle không quá khó không quá khắc nghiệt như kiểu táng sml vào người chơi. Không chỉ cần suy nghĩ động não, đôi khi cần phải nhanh tay. Mỗi lần đến Anna là tui cảm tưởng như tui đang chơi nhảy Audition nhưng mà không phải dùng nút Space vậy. Tui hầu như không gặp khó khăn gì trong việc chơi (thú thật là có retry vài lần thui mà 🙁 ).

Dẫu vậy cái Ubi đề cao là gì? Tình người! Hay chính xác hơn là con người trong chiến tranh. Họ chỉ là những con người bình thường bước vào chiến tranh, hứng chịu bao nhiêu thứ mà chúng ta – những người đang đứng trong ánh sáng hòa bình không bao giờ có thể trải nghiệm được sự khốc liệt đến rợn người đó. Bạn đang “xung phong!!!!!!” thì bùm. Một trái bom với sức công phá kinh khủng rơi ngay trước mặt bạn. Bạn đang đi thì một làn khói độc bao trùm hoặc bạn đang đi thì ắt hẳn sẽ gặp những khung cảnh xác chết la liệt chất thành từng đống từng đống. Hay thậm chí những trận địa, chiến hào đầy rẫy những tiếng bom đạn. Tất cả được gói ghém và tái hiện lại sinh động. Mỗi khi tui chơi ở vai vế Anna, tui cứu được một người cảm thấy càng tâm đắc câu nói “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”. Những cảm xúc, tiếng cười, giọt nước mắt dù là NPC hay là Main Character đều chân thực. Không chỉ vậy những bức thư tình cảm đầy nước mắt, hay những khung cảnh hội ngộ, hay những tiếng hò reo chiến thắng đều là những ngọn nến nhỏ, le lói nhưng vẫn thắp sáng cái không khí u ám xám xịt của một thời kì đau thương.


Mở cái màn hình ra là đập vào mắt bạn Emile cùng chú chó. Tui tưởng chỉ có ông già là nhân nhật chính. Nhưng trong suốt quá trình chơi chúng ta được chơi thì chúng ta được trải nghiệm song song 4 nhân vật cùng với những chi tiết nhỏ lồng ghép gia đình và tiểu sử của họ xung quanh. Họ cũng chỉ là những con người nhỏ bé, sợ hãi trước bom đạn, cái chết, căm ghét chiến tranh và mong muốn hòa bình, được đoàn tụ với gia đình. Karl – Emile – Freddie – Anna và Walt – một chú chó đã luôn đồng hành cùng các nhân vật chính. Điều đặc biệt là các nhân vật có một mối quan hệ xâu chuỗi với nhau: Karl có Emile là bố vợ nhưng hai bố con khác chiến tuyến. Emile và Freddie là những người cùng trong tiểu đội kết giao với nhau. Anna thiên thần của đời tui luôn cứu giúp mọi người và cô đã cứu Emile và Freddie thoát khỏi làn mưa đạn. Walt chú chó nhỏ luôn luôn theo sát mọi người để giúp đỡ, phần vì lạc chủ cô đơn, nhưng tui không ngờ là tui có thể sai khiến một chú chỏ nhưng có thể làm hàng vạn việc: cứu người, giúp đỡ các nhân vật chính và tìm chủ…  Nếu phải gán ghép một biệt danh hay tính từ tui sẽ ghép: Emile – đầy yêu thương; Freddie quả cảm – Anna nhiệt huyết và Karl mẫu mực.

Ngoài nét đẹp của nhân vật ra chúng ta cũng có thể thấy rõ sự hà khắc của quân đội hoặc sự chuyên quyền của các kẻ cầm quyền. Kẻ cầm quyền họ không quan tâm đến mạng sống. Cái họ cần chỉ là chiến tranh mang lợi và mang về cái gì. Và ai là người chiến thắng. Rồi áp lực từ cái đó dẫn đến những áp lực vô hình chung .Trong quân đội bạn phải quân lệnh như sơn – không được từ chối nhiệm vụ gì của chỉ huy, thậm chí lao đầu vào chỗ chết mặc dù biết chắc như thiêu thân lao vào lửa. Kẻ nào phía bên kia chiến tuyến dù không biết thế nào đều bị xử bắn hoặc giết. Vì vậy mà các nhân vật của chúng ta đôi khi còn phải cải trang như điệp viên 47 để chỉ mong được họp mặt đoàn tụ.

Mỗi lần nghĩ tới như vậy tui cũng nghĩ đến các cuộc chiến lớn nhỏ Việt Nam. Chúng thực sự cũng chả khác gì. Dù người dân hay những người lính đều là những người chuộng hòa bình. Nhưng vì cái tôi của những tên độc tài đã phá hoại chính nền hòa bình mà họ gây dựng nên. Nói lan man nghe giống lịch sử nhưng với một game tái hiện lịch sử như vậy kể cả từ những thứ nhỏ nhặt xung quanh họ đều làm khá tốt. Và để rồi chúng ta đi từ biến động này đến biến động khác rồi lặng thinh ở cảnh cuối.

Sự lựa chọn âm thanh là một sáng tạo tinh tế của Ubi. Phải gọi là chuẩn mực thì đúng hơn. Những tiếng đệm piano, những bản nhạc cello vui vẻ, hay những tiếng bom đạn ầm ĩ, xô bồ. Tất cả đều được đưa vào những khoảnh khắc phù hợp để tung ra đánh gục người chơi và sẵn sàng “có những ninja thái hành” ngay bên cạnh bạn khi đang chơi. Âm nhạc vang lên với câu nói War Makes Men Mad. Âm nhạc vang lên khi Anna cứu người. Âm nhạc vang lên khi Emile và Freddie chạy dưới làn bom đạn. Âm nhạc vang lên khi Karl chạy trốn trong đêm. Tất cả đều tôn lên vẻ đẹp, sự dũng cảm của con người đập nát cái sự khốc liệt của chiến tranh. Tui đã rợn người khi nghe tiếng đàn dương cầm cất lên khi vào game. Trong trẻo. Nhưng hơi buồn. Tâm hồn bạn đã được nặng trĩu khi mới chỉ ấn vào nút open game. Vậy đó. Cảm xúc cứ ứ đọng rồi trào dâng. Soundtrack là thứ gì đó cũng tuyệt vời không kém và mang đầy đủ nội dung truyền tải.

Điều tui không thích là xây dựng nhân vật có chiều sâu nhưng vì độ đơn giản của game nên Anna chỉ là Anna cứu người không làm gì khác. Freddie là gã đàn ông có thể cân cả một tiểu đội hay Emile là chú bé Lượm chạy giữa làn bom đạn và đánh bại mọi kẻ thù bằng chiếc xẻng. Đôi khi hơi bị tụt hứng kiểu “XUNG PHONGGGGGGGGGGGG” thì gượm đã dừng lại để tao giải đố đã thay vì lao vào trận chiến. Nhưng dù gì thì cũng nên bỏ qua những cái nhỏ nhặt này của game và bước vào thế chiến thứ nhất.

Bức thư đầy nước mắt. Lời nói của Emile. Khung cảnh thanh bình sau chiến tranh. Mắt tui bỗng nhòe đi từ bao giờ. War Makes Men Mad. Chiến tranh làm cho con người điên loạn. Tui chỉ ước con tui cháu tui sau này dù thân phận nghèo hèn thế nào thì cũng không phải giáp mặt với cái chiến tranh thế giới thứ n+1 và nó được sống trong thời kì hòa bình như tui. Vậy thui. À và tui thay vì bắt chúng học sử về The Great War I thì bắt chúng chơi game này :D.

War Makes Men Mad:


Help The Wounded:

Bài hát rợn gáy: 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • NoName - 22.08.2018

    Trong cả toàn bộ thời gian chơi trò chơi này, tôi không hề khóc thế nhưng khi bản nhạc của phần credit vang lên thì lại nước mắt lại bắt đầu rời không kìm được. “No adrenaline” nó như đánh thẳng vào cảm xúc người chơi về những việc đã xảy ra, về sự hụt hẫng với cái chết của Emily, về tất cả những gì đã xảy trong cả 1 câu truyện. Giờ đây nghe lại vẫn thấy ướt ướt khóe mắt.


    • Nguyễn Hải Anh - 23.08.2018

      Trước hết là cảm ơn bạn đã đọc bài và chia sẻ cảm xúc. Thực sự bài No Adrenaline như kiểu khoảng lặng. Mỗi tối tui ngồi học bài hay đi uống cafe tui đều bật nó lên. Như thầm tự nhủ vết cứa từ chiến tranh trong game không cứa vào da thịt lần nữa nhưng nó thật da diết. Nhưng chắc tui đã khóc ở bài War makes men mad nhiều hơn 🙁