Phasmophobia: Khóa học tiếng anh bằng bỉm và một lít nước mắt

Khách quen

  

Nếu như những game có cốt truyện, có chiều sâu được tôi ví như một “redpill” đắng ngắt mà bổ thì  những game kinh dị là một loại thuốc thực phẩm chức năng giảm cân về cả mặt nghĩa bóng và nghĩa đen. Nghĩa đen thì theo khoa học, nếu bạn xem phim kinh dị hoặc chơi game kinh dị sẽ giúp bạn tiêu tốn một lượng lớn calories. Còn theo nghĩa bóng thử tưởng tượng nhân vật của bạn chạy, hoảng loạn, la hét um xùm, khóc trong tuyệt vọng thì chả khác nào chơi game điền kinh trá hình trong vỏ bọc game kinh dị cả. Phasmophobia là một tựa game kinh dị sinh tồn có màn ra mắt khá ngoạn mục năm nay. Chắc chắn khi chơi Phasmophobia sẽ không cô đơn, lẻ bóng như những game kinh dị khác. Vì vậy mà tôi cũng sẽ không để bạn cô đơn và bỡ ngỡ, cầm tay chỉ lối và giúp bạn vọc vạch xem Phasmophobia có đáng để chơi không?

Một điều kỳ lạ là những thứ càng khó hiểu, càng đáng sợ con người càng thích khám phá. Cũng chả tự dưng ai làm ra một game kinh dị và không mong muốn nó là miếng mồi ngon béo bở câu kéo thực khách đến. Chắc hẳn trong đầu mỗi người đều tự đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu bọn Developer đang sắp đặt cái quái quỷ gì trong cái game đấy nhỉ?”. Trí tò mò càng cao, nó càng kéo con người vào vũng bùn “game kinh dị” và khi bạn đủ nghiện để tìm kiếm những thứ khác trong game rồi thì sự sợ hãi như là một món ăn tinh thần.

Phasmophobia kế thừa ‘atmospheric’ khá tốt như các người anh chị tiền nhiệm: Amnesia, Outlast Soma,.. nhưng bù lại nó lại không có một cốt truyện hay hay kịch bản rõ ràng. Bạn chỉ hiểu rõ rằng bạn là một trong bốn người tìm được trả tiền để tìm hiểu có thế lực tâm linh kỳ quái nào xuất hiện ở một khu vực nhất định như: trường học, nhà bên đồi, nhà bỏ hoang, bệnh viện tâm thần,… Không khí trong game được đẩy lên một cách tối ưu. Không khí âm u, ma quái luôn bủa vây từ khi bạn bắt đầu bước vào game. Nhưng Phasmophobia thông minh hơn bằng cách cho người chơi có thể coop – vừa tăng doanh thu lại vừa giúp chúng ta san sẻ những lúc “ướt bỉm” mà không phải loay hoay lần mò trong bóng tối một mình. Thay vì phải cố nuốt trôi viên redpill đấy một mình, bạn đã được an tâm phần nào vì có cảm giác đồng đội cạnh bên, vai kề vai “bóng kề bóng”. Thiết kế map xoay quanh game cũng là một cách tạo ra cảm giác sợ sệt cho người chơi mà BẠN SẼ LUÔN THẤY Ở BẤT KÌ GAME KINH DỊ NÀO: nhà – đúng – kiểu – bên – rừng – mà – giống – như – cho – bọn – trẻ – chim – chuột, bệnh viện tâm thần dành cho những chúa hề, trường học bỏ hoang nhưng không ai nhảy để loot súng AK bắn nhau và sinh tồn,… Tôi cá chắc là chả ai “yêu thích cảm giác kinh dị” và muốn đến những căn nhà này theo logic thông thường cả. Những căn nhà có hàng tá phòng như khách sạn Overlook trong The Shining nhưng chỉ có công chúa và hoàng tử cầm rìu chờ bạn đến để hù té ghế. Tất nhiên khi mà tất cả hỗn loạn, thì người bạn “cánh tủ, cánh cửa” luôn là vị cứu cánh của bạn trong mọi map. Tôi chưa bao giờ thấy yêu một cái tủ hơn lẽ sống của tôi như trong cái game với những địa điểm khỉ ho cò gáy này.

Gameplay không quá có gì cao siêu hay đột phá thượng thừa. Bốn người như đã nói ở trên, hoàn thành mọi thử thách và đoán xem quái vật tâm linh mà mình phải đối mặt là ai? Tất nhiên là theo giả thuyết thông thường thì chả thằng nào đần độn đến mức đi tay không vào bắt ma với cái camera như Miles Upshur trong Outlast cả. Bạn sẽ được hóa thân như các thành viên của Ghost Busters có hàng tá thiết bị xịn sò cùng con xe van đỗ sát rạt khu vực cần thám hiểm. Tất nhiên mỗi thiết bị lại có chức năng khác nhau để tìm ra những đặc điểm của những thế lực tâm linh khác nhau. Những thiết bị thì thân thương, giản dị như cái gameplay cute vậy: camera để chụp ảnh, video cam để quan sát khu vực, máy đo nhiệt độ, máy UV soi vân tay,… Như đã nói mọi thứ thật dễ dàng như buổi sáng tinh mơ thức dậy việc đầu tiên là gấp chăn màn thì việc đầu tiên bạn phải làm là suy nghĩ xem mình sẽ mang thứ gì theo người. Mỗi người sẽ bị giới hạn 3 slot tại mỗi thời điểm. Việc giới hạn slot đồ sẽ gây khó và hoang mang hơn cho người chơi nếu như họ không phân bố đúng cách và lắp đặt thiết bị trong khu  vực một cách chính xác. Ngoài ra thì có một cuốn sổ khá quan trọng: cuốn sổ hành trình. Những lý thuyết của game cũng đem lại kha khá lượng thông tin từ ma quỷ trong cuốn sổ hành trình ghi chép. Cuốn sổ ngoài cung cấp thông tin ra sẽ giúp bạn đưa ra kết quả cuối cùng cho con ma mà bạn phải đối mặt. Ma thì có đủ thể loại từ: Ma đến từ “onii-chan baka” country cho đến ma vừa đi vừa hô to “i will make this country great again”. VÀ TẤT NHIÊN THÌ CHÚNG KHÔNG THÂN THIỆN ĐÂU.

Tất nhiên là sẽ có một cơ chế riêng biệt để cúng cô hồn rồi. Thông thường ở những game kinh dị khác, khi bạn đang tập trung cao độ để làm đó hay cố gắng hoàn thành một cái task mà bạn phải thốt lên tiếng mẹ đẻ thì bùm! Chúng hiện ra như cách bạn đang chơi lén điện tử và mẹ bạn về kịp giờ nhưng bạn không tắt máy ngay lúc đấy vậy. Với Phasmophobia thì khác, bạn sẽ liên tục phải lẩm nhẩm sinh vật ấy để chọc tức nó và mau bắt nó xuất hiện. Nếu như ngoài đời bắt gặp một cô gái xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, ắt hẳn bạn sẽ nói: “Ấy ơi ăn cơm chưa? Nếu chưa thì cho anh xin số?”. Nhưng đây nếu như bạn bước vào cùng với lời chào hỏi chị chủ nhà: “Chị Nancy ơi? Nhà có chó không chị?” tức thì nó sẽ gửi lại đầy đủ ngàn lời yêu thương vào cái bộ đàm nói chuyện với bạn: “Leave or die!”. Thật là tình thương trìu mến. Nếu bạn muốn nó gửi những lời yêu thương đến bạn thì tiếp tục “gọi tên em trong đêm, trái tim người xót xa”. Vì tình thương và tình cảm đến từ hai phía. Khi bạn đã cảm hóa được nó rồi thì sanity – độ minh mẫn của não bạn cũng giảm dần. Đừng để não đi trước đầu bạn nhé. Luôn chú ý đến lượng Sanity nếu không muốn chết vì một cái đầu mê man. Và tôi cũng không đảm bảo rằng con ma sẽ “mát xa vai gáy” cho bao người trong tìm bạn đâu. Kể cả bạn sang thế giới bên kia thì cũng chưa phải là sự kết thúc. Yêu thương đủ rồi thì lên xe mà cuốn gói đi nhanh đi. Thử nghĩ xem làm ai đó thích mình rồi bỏ đi, họ có chờ đợi mình không? Nhất là âm dương cách trở. Hãy liên tục đặt câu hỏi đại loại như: “Em trẻ hay già?”, “Em đang ở đâu?”, “Chúng tôi có nên đi không?”, “Em có muốn làm hại tôi không?”, “Em có thân thiện không?”. Vì AI của sinh vật thần bí chỉ nhận và trả lời lại một số câu hỏi thôi. Làm ơn đừng hỏi những câu hỏi như: “Bố em có giàu không?”, “Bao giờ viết bài em?”, “Hứng thú với việc nghe DSK và nạp pack 2 triệu mà không cần suy nghĩ không?” thì đảm bảo nó không quan tâm bạn là ai đâu. Giống như làm văn vậy, làm đúng sườn bài và cô giáo sẽ cho bạn điểm cao. Ăn điểm ở đây là sẽ nhìn thấy em hù dọa và thấy em thật rõ trong bộ dạng mồm mép chưa kịp lau sạch vết máu.

Bạn mong chờ một bản giao hưởng với những sound track đồ sộ trong một game kinh dị ư? Không có đâu. Mặc dù vậy cũng phải dành lời khen thật sự cho chất lượng âm thanh và trải nghiệm voice chat trong game. Âm thanh biến đổi từ khi bạn bước ở ngoài và bước vào thế giới Wonderland với những âm thanh “ù ù” âm u đến kì lạ. Voice chat là một điều không thể thiếu như sợi dây sinh mệnh để tôi có thể nghe được tiếng nói ấm áp của những người đồng đội. Kể cả khi chúng tôi tạm rời xa nhau, tôi vẫn nghe thấy những tiếng rè rè thực sự khi sử dụng radio với những âm thanh từ đầu dây bên kia như: “Đờ mờ mờ mày cứu tao với nó bắt tao mày ơi huhuhu!”. Cảm biến âm thanh và bộ lọc khá tốt, thay đổi âm thanh theo từng khu vực, môi trường một cách rõ ràng. Tiếng động  môi trường cũng là thứ gieo rắc và ươm mầm nỗi ám ảnh của bạn.

Chung quy lại Phasmophobia không phải là một game kinh dị quá nổi bật hay đột phá. Gameplay có phần mang tính giải đố, khám phá như những tựa game kinh dị khác thường thấy. Nhưng nó lại đẩy mạnh sự tương tác của người chơi và mang lại giá trị chơi lại nhiều lần. Người chơi có thể san sẻ niềm đau, có thể khóc cùng nhau và cùng có một nỗi bất hạnh đi tìm thực thể tâm linh để nói chuyện. Tựa game luôn biết cách làm giãn nhịp độ của game để cho người chơi vừa hoàn hồn xong lại tiếp tục hoàn hồn vì các sư kiện được xảy ra chậm rãi, phân cách mà không liên tục dồn dập, duy trì mạch cảm xúc bất ổn. Sự dồn dập và hay ho còn được thể hiện rõ qua môi trường xung quanh game với những lời khen dành cho âm thanh, thiết kế map và môi trường xung quanh các nhân vật. Tất nhiên độ khó sẽ tăng dần và bạn sẽ phải đối mặt với những thế lực siêu nhiên mạnh hơn nữa. Tin tôi đi nếu Doulingo, Elsa là những phần mềm luyện giọng nói tiếng anh hằng ngày của bạn. Quên chúng đi. Giờ bạn có thể luyện tiếng anh với “phần mềm” Phasmophobia cùng với bạn bè. Cái giá ngoài tiền cúng Gaben chắc sẽ là một lít nước mắt và những trải nghiệm quyết tâm đóng bỉm khi chơi game. Không đơn thuần là những cảnh hù dọa jumpscare đơn thuần, trải nghiệm game đã được đẩy lên tầm cao mới. Sẵn sàng bắt ma và làm tốn thêm hàng đống điện bằng việc bật đèn sáng choang khi chơi game chưa? Nhớ là hãy chơi game khi phòng bạn đã có nhà vệ sinh ngay cạnh bên. Nhớ đem theo thánh giá và muối để đuổi tà. Các cụ nói cấm có sai: “Có thờ có thiêng có kiêng có cầm thánh giá”. Cứ thế mà làm.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện