[REVIEW PHIM] LIKE STARS ON EARTH – CẬU BÉ ĐẶC BIỆT

Chủ xị

  

Lâu lâu đổi gió một chút.

Trong thế giới hiện đại, khi mà nền giáo dục đang dần xa rời mục đích rèn luyện, phát triển con người để trở thành một sân chơi cho các bậc phụ huynh và giáo viên thi thố nhau về mặt thành tích; nơi mà học sinh đang phải chịu những áp lực học đường đè nặng lên vai trong khi đáng lẽ ra phải là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và bộ phim Like Stars on Earth đã tái hiện một cách chân thực cái thực trạng đáng báo động ấy.

Lưu ý: Bài viết có thể chứa yếu tố spoil, cân nhắc trước khi đọc.

Thông tin sơ lược

  • Tên: Taare Zameen Par, Like Stars on Earth, Cậu bé đặc biệt.
  • Thời lượng: 2h45 phút.
  • Năm phát hành: 2007
  • Đạo diễn: Aamir Khan, Amole Gupte
  • Rating: 8.4 (IMDB), 92% (RottenTomatoe)

Nội dung

Phim Like Stars on Earth kể về một cậu bé tên Ishaan bị mắc chứng khó đọc, nhưng không được sự quan tâm đúng mực của gia đình cũng như nhà trường. Cậu bị chuyển vào trường nội trú, với kỷ luật và hình phạt hà khắc, Ishaan dần biến thành một đứa trẻ cô độc và trầm tính. Một thầy giáo môn hội họa dạy thay đã nhận ra, đồng cảm và giúp đứa bé “lười nhác, điên khùng, bét bảng” thành một vì sao lấp lánh.

Cảm nhận

Tôi vốn không xem nhiều, và cũng chẳng có mấy cảm tình với phim Ấn Độ. Đã từng xem qua Tôi, Thapki (2015), Cuộc chiến của những vị thần (2016), Ranbir và Rano (2008) cùng một vài bộ phim Ấn khác, qua đó tôi nhận ra những tác phẩm trên thường có những điểm trừ khá giống nhau: quá lạm dụng Slow Motion (quay chậm), pacing quá chậm khiến thời lượng phim dài ra tạo cảm giác rườm rà, nhiều phim thậm chí còn cực kỳ phi logic, phản khoa học mà người ta hay gọi vui với nhau là “logic phim Ấn Độ”. Những thứ đó khiến tôi cảm thấy khá là mệt mỏi mỗi khi nghe ai đó nhắc tới phim Ấn Độ.

Phim hay nhất: Cảnh chết dài nhất trong phim ấn độ - 2sao

Bị bắn vào giữa trán nhưng mãi chưa thấy chết (cảnh cắt từ tập 23 phim Ánh Trăng) một ví dụ cho sự phi logic của phim Ấn.

Tôi mang cái tâm thế đó khi vị giảng viên môn Thực hành giảng dạy nói sẽ cho cả lớp xem một bộ phim India phản ánh vấn đề về giáo dục và lạ lùng thay, bộ phim ấy phần nào đó đã đã làm tôi kinh ngạc, đó là Like Stars on Earth. Thật tâm mà nói, có thể là vì trước đó tôi chỉ xem phim truyền hình thôi và gần như chưa từng đụng tới bất kỳ phim điện ảnh nào của Ấn Độ. Hoặc cũng có thể Like Stars on Earth thực sự là một thỏi vàng giữa làng Bollywood? Cũng chẳng biết biết được, bởi vì tôi không phải là người có chuyên môn gì, chỉ biết rằng khi xem Like Stars on Earth tôi đã nghĩ “một bộ phim như này tồn tại ở Ấn Độ à?”. Quá lạm dụng Slow Motion? Pacing quá chậm khiến thời lượng phim dài ra? Hay là cực kỳ phi logic, phản khoa học? Những thứ tôi nghĩ phim Ấn Độ nên tiễn vào màn đêm thì gần như Like Stars on Earth không phạm phải.

Nhìn nhận một cách khách quan thì cốt truyện của Like Stars on Earth không quá ấn tượng bởi cách dẫn dắt câu chuyện cũng như khai triển tình tiết theo hướng tuyến tính, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề vẫn còn khá cơ bản. Nhưng bộ phim đáng được ghi nhận khi đã tái hiện lại môi trường giáo dục với nhiều vấn đề nhức nhối vô cùng sinh động, kể câu chuyện về học sinh một cách chân thật, gần gũi và dễ đồng cảm. Ở đó hiện lên là chân dung những người giáo viên chỉ biết chăm chăm nhồi nhét kiến thức, la mắng, chửi rủa thậm chí dùng đòn roi khi học sinh không làm tốt mà không biết quan tâm đúng mực với học sinh. Những người giáo viên của Ishaan chưa từng tìm hiểu xem vì sao lại học tệ như vậy, vì sao cậu bé luôn mắc những lỗi giống nhau… những gì họ làm chỉ là rầy la, đuổi cậu ra hành lang và cho rằng cậu không được bình thường.

Một phân cảnh làm tôi nhớ nhất là khi Ishaan bị thầy giáo kêu phân tích ý nghĩa bài thơ “Viễn cảnh”. Thậm chí Ishaan đã phân tích đúng, nhưng thầy giáo lại mắng cậu, cho rằng câu trả lời của cậu là vớ vẩn và mời học sinh khác. Sau tiết học, Rajan – học sinh giỏi nhất lớp đã nói với cậu rằng: “Bạn đã giải thích ý nghĩa thực sự của bài thơ. Những bạn khác chỉ trả lời những gì họ được học. Thầy Tiwari rất nghiêm khắc, vì thế bạn hãy nhớ những gì thầy nói, và chỉ cần học vẹt”. Một cảnh phim cho ta thấy hai điều, thứ nhất Ishaan không hề dốt, cậu ta thực sự thông minh để có thể nhìn ra được ý nghĩa thực sự của bài thơ; và điều thứ hai đó là vấn nạn học vẹt trong giáo dục.

Không có mô tả.

Phim còn khắc họa hình ảnh của những bậc phụ huynh chỉ chăm chắm đến thành tích học tập mà chẳng lưu tâm một cách đúng đắn đến con cái. Khi Ishaan trở về nhà sau giờ học ở những phút đầu tiên, ta thấy ngoài những câu chào hỏi thì mẹ Ishaan chỉ quan tâm đến bài kiểm tra: “Hôm nay cô trả bài kiểm tra chưa? Con nhận được chưa?”. Đó là người cha nóng tính, hở chút là trách mắng và đánh cậu mà chẳng cần tìm hiểu sâu xa vấn đề. Ông ta còn chẳng để cho Ishaan có cơ hội giải thích mọi chuyện vì ông cho rằng thằng bé chỉ viện cớ để giảm tội. Con cái đối với họ như một thứ công cụ để thi đua về thành tích, người ta còn chả mảy may bận tâm con mình thích cái gì, giỏi cái gì và khát khao cái gì.

Không có mô tả.

Cha Ishaan xem thường khả năng hội họa và sáng tạo của cậu.

Like Stars on Earth còn làm tốt trong phần xây dựng lời thoại. Bộ phim không có quá nhiều các phân cảnh hội thoại, thay vào đó nó dành khá nhiều thời lượng cho những “khoảng lặng” (nói là khoảng lặng nhưng đa số lồng nhạc khá to) để người xem kết nối với cảm xúc nhân vật. Vậy nên đối thoại có thể không nhiều nhưng được chắt lọc kỹ càng, đủ để truyền tải câu chuyện. Nhiều câu thoại hay mang nhiều ý nghĩa khiến người xem suy ngẫm. Sau tất cả, Like Stars on Earth như là lời kêu cứu trong thầm lặng của những học sinh đang hứng chịu hậu quả của một nền giáo dục coi nặng kiến thức và thành tích hơn là rèn luyện và khả năng phát triển bản thân. Bộ phim còn khuyên ta rằng sự thấu hiểu, quan tâm tốt hơn những lời trách móc, so sánh; rằng mỗi đứa đứa trẻ đều điểm mạnh riêng, không thể áp đặt chúng phải giống, phải được như người này, người kia và còn những thông điệp ý nghĩa khác mà bộ phim muốn gửi gắm đến người xem.

Nhân vật

Nếu như câu chuyện không quá nổi bật thì nhân vật lại thực sự đặc sắc với những cá tính được xây dựng gần gũi đáng nhớ. Trong đó ấn tượng hơn cả là hai vai Ishaan và thầy Shankar.

Ishaan Awasthi

Không có mô tả.

Xét theo quy chuẩn đối với những đứa trẻ đồng trang lứa thì Ishaan tỏ ra là kẻ khác biệt so với phần còn lại. Ở cậu ta có sự tinh nghịch, hiếu động của một đứa trẻ, lại có trí tưởng tượng phong phú, có sự mơ mộng và đầy tài năng. Nhưng chính bởi cái chứng khó đọc đã án ngữ khả năng phát triển của cậu. Ishaan còn là một đứa trẻ ngông nghênh, sẵn sàng chống đối lại người lớn. Ví dụ như khi giáo viên tiếng Anh kêu cậu đọc bài nhưng vì khó đọc nên cậu không đọc được, sau một lúc bị cô la rầy thì Ishaan liền “hsiwnsjqka!@#$%^&*()yjav” khiến cô giáo tức điên lên và tống cổ cậu ra ngoài hành lang. Hay khi cậu phớt lờ những câu hỏi của mẹ, lườm cha khi biết ổng có dự định cho cậu học trường nội trú.

Chứng khó đọc đã đẩy Ishaan vào “bi kịch” của một đứa học trò. Ở trường, cậu luôn bị điểm thấp, bị lưu ban, bị thầy cô rầy la, bị bạn bè chế giễu; về nhà cậu lại không nhận được những sự quan tâm cần thiết từ cha mẹ, tất cả những gì họ cho cậu là sự đòi hỏi về thành tích học tập và những lần chửi mắng, đòn roi khi cậu không làm được như họ muốn. Nhưng chẳng ai cho cậu cơ hội giải thích, người ta xem cậu là kẻ lười biếng, là kẻ ngu dốt và không có ai để Ishaan có thể tin tưởng để gửi gắm tâm tư. Khi cậu quyết định chuồn học đi loanh quanh ngoài đường, ta đã thấy một Ishaan vui vẻ, thích thú với những điều cậu ta thấy biết bao, khác hẳn với Ishaan chán nản ở trường học. Bản nhạc Mera Jahan nổi lên với lời nhạc “tất cả tôi cần, tất cả tôi cần là tự do” như khẳng định thêm cho khát vọng tự do, thoát khỏi những gánh nặng học hành mà Ishaan đang phải chịu.

Không có mô tả.

Chính những áp lực học hành đó đã đẩy Ishaan rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi nhớ nhất khi mẹ Ishaan cầm quyển vở nhảy hình do cậu vẽ thể hiện sự xa cách giữa cậu với gia đình và khóc nức nở. Trước đây, ít ra cậu còn có gia đình, có nhà trở về sau mỗi buổi học, có không gian riêng để cậu vẽ vời với sự sáng tạo của mình. Còn bây giờ? Môi trường học tập mới, bạn bè mới, giáo viên thì càng khó khăn hơn với cậu lại phải xa gia đình. Tất cả những căng thẳng tích tụ lâu ngày nhấn chìm cậu trong vòng xoáy của sự đau khổ. Đáng buồn thay khi giờ đây cậu cũng đã không còn vẽ. Khuôn mặt tươi cười, trông hơi ngông cuồng một chút nhưng cũng đáng yêu ấy giờ đã tan biến. Chỉ còn lại một Ishaan buồn rũ rượi với nỗi đau khó lòng nguôi ngoai. Thật sự phải dành lời khen cho Darsheel Safary khi diễn viên này thực sự đã mang tới cho người xem một Ishaan rất đời, rất gần gũi như bước ra ngoài đời thực.


Ram Shankar Nikumbh

Không có mô tả.

Nếu Ishaan là một cá nhân đặc biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa thì thầy Shankar cũng là một cá nhân đặc biệt (theo nghĩa tích cực) so với phần đông giáo viên xuất hiện trong phim. Ngay từ phút giây đầu tiên xuất hiện, Shankar đã khuấy đảo lớp học với màn nhảy múa, ca hát cùng học sinh tạo nên một bầu không khí vui nhộn, điều ta chưa từng thấy ở những phút giây trước đó. Người thấy ấy cũng không bắt học sinh ngồi vẽ lại một vật mẫu có sẵn mà để cho học trò của mình được thỏa sức sáng tạo với những gì chúng có trong đầu. Nhưng đáng nói nhất là khi 2 lần tới chỗ Ishaan và thấy cậu không vẽ, Shankar chẳng hề mắng nhiếc cậu, thầy chỉ hỏi vì sao cậu lại không vẽ, mặc cho Ishaan chẳng mấy lưu tâm.

Shankar còn là người quý trọng công sức của học sinh mình. Trong khi những giáo viên khác bảo thầy hãy trả lại chúng cho bọn trẻ, họ cho rằng những bức tranh ấy chả có giá trị gì. Đối với họ, đào tạo học sinh là để làm chủ thế giới, để chạy đua, bọn trẻ phải thành công, phải cạnh tranh và tạo ra tương lai với khẩu hiệu của trường là “trật tự, kỷ cương, lao động”. Nhưng thầy thì không cho là như vậy, và đáp trả lại những lời đó, Shankar chỉ đứng lên, dơ thẳng tay phía trước và hô lên “Hitler vạn tuế” như để ám chỉ sự độc đoán, cưỡng ép trong phương pháp giảng dạy của những vị giáo viên kia.

Không có mô tả.

Không như những kẻ kia chẳng mảy may quan tâm tới Ishaan, Shankar đã bỏ công sức để tìm hiểu về vấn đề mà Ishaan đang mắc phải: kiểm tra lại các lỗi sai trong bài tập để nhận ra chứng khó đọc của cậu bé, tìm gặp gia đình cậu để cho họ thấy sự sai lầm trong cách nuôi dạy con trẻ. Rồi cũng là Shankar, dành thời gian để dạy phụ đạo cho Ishaan, giúp cậu có thể đọc và viết như bao đứa trẻ khác, giúp cậu dần lấy lại sự tự tin, sáng tạo vốn có. Chính Shankar dang tay kéo Ishaan ra khỏi vũng lầy tuyệt vọng. Shankar còn tổ chức một buổi thi vẽ để kết nối giáo viên và học sinh với nhau đồng thời đưa tài năng của Ishaan ra ánh sáng để cậu được công nhận. Có thể nói, nhân vật Shankar chính là người đóng vai trò tháo gỡ nút thắt trong câu chuyện này. Và một lần nữa, chúng ta phải dành sự khen ngợi cho diễn viên Aamir Khan đã thể hiện vô cùng tuyệt vời chân dung một người thầy giáo hòa đồng, tận tụy với nghề và đầy ấm áp như một người cha.

Không có mô tả.


Ngoài hai vai diễn kể trên thì các vai phụ được thể hiện tương đối tốt, không hẳn là xuất sắc nhưng họ gần gũi như thể ta đang thấy họ trong thế giới thật: những người giáo viên chỉ lo nhồi nhét kiến thức, sẵn sàng lăng mạ, đánh đập học trò; những bậc phụ huynh chưa quan tâm, yêu thương và nuôi dạy con cái đúng cách… Tất cả họ đã góp phần làm nổi bật thêm giá trị cho bộ phim này.

Âm nhạc

Phần âm nhạc của Like Stars on Earth cũng là một điểm cộng. Nhạc phim không nhiều lắm, tầm trên dưới 10 bài (nhạc có lời) nhưng được cái bài nào cũng hay và được lồng ghép hiệu quả, mỗi bài lại mang những ý nghĩa riêng nhưng đều phù hợp với hoàn cảnh câu chuyện. Bản Jame Raho sôi động phù hợp để bắt đầu một ngày mới, Maa đầy sâu lắng nói lên nỗi lòng đứa con phải xa cách gia đình hay bài Bum Bum bole cực kỳ vui nhộn mang đến một thế giới quan vô cùng sống động… Nhưng cá nhân người viết thì vẫn thích nhất bài Mera Jahan (đã đề cập bên trên), một bản nhạc nhẹ nhàng nêu lên khát vọng tự do. Ngoài ra còn có một vài bản nhạc không lời cũng được sử dụng rất ổn.

Tổng kết

Mặc cho vẫn còn đó những tình huống có phần cường điệu và hơi kịch, cốt truyện đơn giản cùng cách triển khai chưa có nhiều đột phá. Nhưng bù lại nó có một câu chuyện chân thực, tái hiện sinh động những vấn đề nhức nhối trong nền giáo dục đương thời. Bên cạnh đó là quay phim chất lượng, diễn xuất tài tình và âm nhạc lôi cuốn là đủ để đưa Like Stars on Earth vào hàng ngũ những bộ phim đáng xem. Nếu bạn còn dè chừng với phim Ấn Độ thì hãy thử qua bộ phim này để có một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Overall: 8.3

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện