Review phim: Tôn Tử đại truyện

Chủ xị

  

Gần đây cảm thấy hơi chán anime nên chuyển qua xem phim cổ trang Trung Quốc, sẵn viết review luôn. Bộ phim mình muốn viết cảm nhận hôm nay là Tôn Tử đại truyện.

Lưu ý:

  • Bài viết có thể chứa yếu tố spoil, hãy cân nhắc trước khi đọc.
  • Bài viết hoàn toàn dựa vào quan điểm cá nhân, chỉ có tính chất tham khảo chứ không định hướng.

Thông tin sơ lược

• Tên: The Biography of Sun Tzu, Sun Zi Da Zhuan, Tôn Tử Đại Truyện

• Thể loại: Biography (tiểu sử), Drama, History 

• Thời lượng: 35 tập, mỗi tập 45 phút.

• Năm phát hành: 2011

Tóm tắt nội dung

Tôn Tử đại truyện xoay quanh cuộc đời của Tôn Vũ – danh tướng nổi tiếng của nước Ngô thời Xuân Thu và là tác giả của cuốn Binh pháp Tôn Tử. Câu chuyện bắt đầu khi xảy ra nội loạn ở nước Tề thời Tề Cảnh Công (trị vì từ 547 – 490 TCN) với cái chết của Tư Mã Nhương Thư và kết thúc khi Tôn Tử cùng gia đình và Vương thúc Quý Trát của nước Ngô đi chu du.

Cảm nhận

Mình luôn thích những câu chuyện liên quan đến tình cảm, và mình thích chuyện tình giữa Tôn Vũ và Y La trong Tôn Tử đại truyện. Đó là một câu chuyện tình cảm đầy ân oán được xây dựng khá thú vị. Tôn Tử cứu tỉ tỉ của Y La, nhưng cũng chính ông hạ lệnh chém đầu tỉ tỉ nàng (chuyện Tôn Vũ dùng cung nữ luyện binh, chém mỹ nữ để thị uy). Từ ân nhân, bỗng chốc Tôn Vũ trở thành kẻ thù của Y La. Cay đắng hơn khi Hạp Lư lại gả cô làm thiếu phu nhân của Tôn Vũ. Tương tác giữa hai nhân vật này khá thú vị, một người luôn quan tâm đến người kia, còn người kia thì xem người này là kẻ thù. Ấy thế mà khi Tôn Vũ trọng thương thì Y La lại hết mực chăm sóc. Và ngược lại, khi Y La gặp nguy khốn thì Tôn Vũ đích thân tới cứu. Chính điều này đã tạo bước ngoặt trong mối quan hệ của cả hai. Càng về sau, tình cảm giữa họ càng sâu đậm. Và mình thì thích mấy câu chuyện tình như thế này. ^-^

Đó là điều duy nhất mình cảm thấy enjoy được ở bộ phim này, còn lại thì chắc toàn phê bình thôi. Đầu tiên là phim chưa làm tốt trong việc xây dựng bối cảnh, mà điều này thực sự quan trọng trong một bộ phim về lịch sử. Bối cảnh phim diễn ra vào cuối thời Xuân Thu, cụ thể hơn là giai đoạn ở ngôi của Ngô Vương Hạp Lư (năm 414 – 496 TCN) mà kiến trúc cung điện, trang phục, giáp trụ, mũ mão các thứ quá ảo diệu, nhìn có vẻ còn xịn xò hơn cả thời Tần – Hán sau đó mấy trăm năm. Mình đặc biệt cảm thấy khá là ba chấm với áo giáp của các tướng lĩnh trong đây. Kết hợp với mũ đội đầu với mặt nạ làm mình cứ liên tưởng đến áo giáp của tướng lĩnh Nhật Bản thời Sengoku (1467 – 1615). Về khoản này thì phim Binh Pháp Tôn Tử (2005) làm tốt hơn nhiều.

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Giáp trong Tôn Tử đại truyện

Không có mô tả.

Một cảnh cắt từ phim về thời Sengoku (Chiến Quốc) của Nhật. Áo giáp nhìn khá giống.

Không có mô tả.

Vấn đề tiếp theo của Tôn Tử Đại Truyện là nó quá giáo điều, tôn sùng binh pháp quá mức (đành rằng nó là phim về Tôn Vũ). Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ là các nhân vật trong phim dù là người Ngô, người Việt hay người Sở, người Tấn… đều đọc qua Binh Pháp Tôn Tử (các nhân vật còn bô bô làm thuộc lòng như cháo) và bất cứ lúc nào bàn luận cũng đem nó ra nói. Theo chính sử thì Tôn Vũ viết binh pháp ở La Phù Sơn, sau đó dâng cho Hạp Lư đọc. Phim biến tấu thành Tôn Vũ viết rồi sai người đem ra chợ bán, để hợp lý hóa việc các nước ai cũng được đọc cuốn binh pháp này và tôn sùng nó một cách lố bịch. Mà quái lạ hơn là các nhân vật gọi nó là “Binh pháp Tôn Tử” trong khi cái tên này vốn dĩ sau này mới xuất hiện.

Nhân vật Tôn Vũ cảm giác như không hiểu binh pháp do mình viết ra hay sao đó, miệng chẳng nói được gì ngoài hai câu là “chiến tranh là đại sự quốc gia, ở nơi sống chết, ắt có đạo tồn vong” với “binh không đánh mà khuất phục mới là sự sáng suốt nhất trong sự sáng suốt”, trong khi tài năng quân sự của Tôn Vũ trong phim không thể hiện được nhiều. 

Một vấn đề nữa ở đây là phim chế sử nhiều quá. Đồng ý rằng đã là phim dã sử thì không thể tránh khỏi việc biến tấu, thêm mắm thêm muối. Sẽ không có vấn đề gì nếu đó là những chi tiết ít được sử sách đề cập, hay ghi chép không đầy đủ. Chẳng hạn như xuất thân của Tôn Vũ thì cứ biến tấu thoải mái. Dễ thấy là sử sách chép rất ít về xuất thân của Tôn Vũ. Chẳng rõ ông là con cái của gia tộc nào, có lai lịch thực sự ra sao… cho nên các tác giả viết truyện hay biên kịch làm phim có thể thoải mái chém gió về xuất thân của ông. Một điểm chung giữa phim Tôn Tử đại truyện với Binh Pháp Tôn Tử (2005) là trong phim, Tôn Vũ có liên quan đến họ Điền và Điền Nhương Như (tức Tư Mã Nhương Thư, tổ phụ của gia tộc Tư Mã), hay việc cho thêm nhân vật Y La vào làm vợ thứ của Tôn Vũ… chẳng có gì để mà bắt bẻ mấy chi tiết như thế này.

Tuy nhiên ngay cả những chi tiết cơ bản, sử chép chi tiết cũng đem ra chế thì đúng là không thông cảm được. Những chi tiết sai bét nhè trong phim có thể kể đến chi tiết Yêu Ly giết Khánh Kỵ, nước Sở thì tự dưng xuất hiện một bà công chúa am hiểu binh pháp của Tôn Vũ và chỉ đạo như đúng rồi, Nang Ngõa chính sử là một thần đằng, vô phim bỗng chốc tài giỏi, thận trọng một cách lạ thường khiến Tôn Vũ cực kỳ vất vả mới thắng được, Phu Khái làm phản báo hại Tôn Vũ xém bị chém cả nhà, Sở công chúa cùng Tôn Vũ và Câu Tiễn lập hội thề không xâm phạm lẫn nhau bla bla… Xem mà nhiều chi tiết làm tôi thấy ngán ngẩm.


Xây dựng hình ảnh nhân vật trong Tôn Tử đại truyện cũng là một điều đáng bàn. Đầu tiên là nhân vật Bá Bì, chưa thể hiện được hình ảnh của một kẻ tham lam, háo sắc và nịnh thần. Hạp Lư cũng chưa cho thấy dáng vẻ của một bậc minh quân. Có tất cả 6 thuyết về Ngũ Bá, trong đó có thuyết liệt Hạp Lư vào hàng Ngũ Bá Xuân Thu mà vào phim sau khi lên ngôi thì suốt ngày gái gú rượu chè, mắt thì thâm quầng thiếu ngủ, ra chiến trường thì hấp ta hấp tấp, hở tí là nổi nóng… Phu Khái vốn là một tên thất phu lỗ mãng thì trong đây lại thành một người biết phán xét, mang đầy âm mưu, xem không quen mắt tí nào…

Lựa chọn diễn viên cũng chưa thực sự hợp lý. Trương Phong Nghị là một diễn viên gạo cội, tuy nhiên vào vai Tôn Vũ tôi lại thấy không hợp, chưa mang đến cho tôi cảm giác của một Đại tướng quân. Chẳng hạn như chi tiết luyện cung nữ thì vẻ mặt cảm giác có chút bối rối, chém mỹ nhân thì gương mặt hơi lo âu. Chi tiết này trong bản 2005 làm rất tốt, mặt Tôn Vũ lạnh như băng, trảm mỹ nữ không chút sợ sệt, thậm chí còn đánh trống thúc dục rất khí thế. Nhân vật Bá Bì diễn viên cũng chưa hợp, chưa thể hiện được những đặc điểm như tham lam hay nịnh hót (một lần nữa bản 2005 làm tốt hơn). Diễn viên vào vai Phu Khái cũng tương tự. Mặt ông này khá hợp với vai gian xảo, nịnh thần (vào vai Cao Cầu trong Thủy Hử 2007 hợp vãi), thành ra cho vào cái vai kiểu lỗ mãng thất phu như Phu Khái không hợp chút nào…

Nhưng chán nhất thì phải nói tới Tây Thi, chưa bàn đến diễn xuất thì ngay phần dung mạo đã thấy lựa chọn diễn viên chưa đủ tiêu chuẩn. Tây Thi trong chính sử được miêu tả với vẻ đẹp chim sa cá lặn, tứ đại mỹ nhân Trung Hoa các thứ mà trong phim làm quả diễn viên với dung nhan thua xa Cảnh Điềm (vai Y La, vợ thứ Tôn Vũ).

Không có mô tả.

Trịnh Đán (trái) và Tây Thi (phải) đang hầu hạ Phù Sai

Không có mô tả.

Y La (do Cảnh Điềm thủ vai)

Tổng kết

Nhìn chung thì đối với mình, Tôn Tử Đại Truyện chưa phải là một bộ phim cổ trang hay. Nếu xem phim về Tôn Vũ thì mình vẫn khuyến khích xem bộ Binh Pháp Tôn Tử năm 2005, dù chưa phải là hoàn hảo nhưng chất lượng hơn phim Tôn Tử Đại Truyện này. Tuy vậy, nếu thích cổ trang thì có thể xem giết thời gian, bật speed 1.5 và xem trong lúc ăn cơm cũng không phải là phương án tồi.


Đánh giá cá nhân: 5/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện