Tại sao phim ăn theo game thường kém chất lượng?

Khách mới

  

Đã 3 tháng kể từ khi phim truyền hình Resident Evil được phát sóng trên Netflix (tính theo thời điểm bài viết), tôi vẫn nhớ ngày hôm đó tôi đã dành cả ngày để cày hết 8 tập thay vì tiếp tục chơi Elden Ring. Trước thời điểm phim ra mắt, tôi đã đọc không ít bài báo về nó, cụ thể là việc Wesker sẽ là người da đen và phim sẽ theo chân 2 đứa con gái sinh đôi của hắn trong bối cảnh hậu tận thế. Nghe thế thôi cũng đủ biết phim sẽ chả liên quan gì mấy đến loạt game, vậy nhưng tôi vẫn quyết định xem nó vì mong chờ rằng đây sẽ là một phim zombie có tính giải trí ở một góc độ nào đó (phim bắn zombie mà lại). Và dù cho ngay tập đầu tiên đã khiến tôi ngán đến tận cổ thì tôi vẫn cố xem hết vì không muốn đánh giá một cái gì đó mình chưa hoàn thành (và cũng bởi thói quen đã làm thì làm cho xong).

Hậu quả là cả tháng trời tôi không thôi bực vì điều này, không chỉ bởi tôi yêu thích dòng game RE mà còn vì niềm đam mê mãnh liệt điện ảnh và phim truyền hình của mình (tôi rất yêu thích Twin Peaks, The X-Files, Twilight Zone,… cùng nhiều loạt phim truyền hình đình đám gần đây) cũng như việc tôi băn khoăn tự hỏi sao Netflix có thể bỏ tiền sản xuất cái sản phẩm kém chất lượng về mọi mặt đến vậy (tôi thà xem lại 7 phim điện ảnh RE trước đó còn hơn).

Giờ đây dù cho đã có kha khá các sản phẩm chất lượng và đáng xem, phim ăn theo game vẫn bị cho là khó chuyển thể cũng như thường có chất lượng tệ hại, đa phần chúng thất bại nặng nề về mặt chuyên môn và không ít cũng thua lỗ sấp mặt. Bởi vậy mà có một thời gian dài phim ăn theo game bị coi là lời nguyền ở Hollywood. Hiện khi mà các hãng phim lớn đang thiếu thứ để chuyển thế và bắt đầu chạy đua làm phim theo game với mật độ vô cùng dày đặc, có lẽ chúng ta sẽ nên tìm hiểu tại sao phim ăn theo game thường lại hay kém chất lượng đến như vậy.

Đầu tiên cần nhắc đến yếu tố cốt lõi nhất của việc chuyển thể game lên phim, đó là việc đưa cốt truyện và nhân vật lên màn ảnh. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe đủ các lí do như game và phim là 2 thể loại khác nhau, cách tương tác và kể chuyện khác nhau, người đã chơi game và thưởng thức cốt truyện của nó rồi thì không cần phải xem lại bản phim của nó nữa,… Chúng đều là các lí do phổ biến nhất cho việc game khó đưa lên phim như thế nào, vậy nhưng tôi xin đưa ra quan điểm rằng làm phim ăn theo game không hề khó bởi những lí do trên. Đầu tiên phải nhấn mạnh rằng phim ảnh không thiếu các tác phẩm vốn được chuyển thể từ một loại hình nghệ thuật hay giải trí hoàn toàn khác như tiểu thuyết, truyện tranh, truyện ngắn, thơ ca, vở kịch,… Những bộ phim hay nhất mọi thời đại như The Godfather, Apocalypse Now, The Shawshank Redemption, Chúa Nhẫn, The Dark Knight, The Green Mile, Goodfellas, Harry Potter,… vốn đều được chuyển thể từ một loại hình nghệ thuật giải trí khác như truyện tranh và tiểu thuyết.

Và tôi xin nhấn mạnh rằng các tác phẩm gốc trên đều được coi là cực kì khó chuyển thể, thậm chí nói thẳng ra là khó đưa lên phim hơn video game rất nhiều bởi bản thân phim ảnh khó mà lột tả và chuyển tải hết được nội dung của tác phẩm gốc (điển hình như phim The Godfather vẫn bị coi là thiếu nội dung so với nguyên gốc) bởi độ dài cũng như phức tạp của chúng mà nhà làm phim bởi có sự lược bỏ và điều chỉnh cho phù hợp. Bản thân Dune cũng từng bị cho là không thể làm thành phim, đặc biệt là sau thất bại của Dune (1984) cho đến khi Dune: Part One thành công vang dội gần đây. Và nghe qua lắm người sẽ cười tôi khi đi so những phim trên với video game, nhưng sự thật đó là trước khi có những bộ phim này thì truyện tranh Batman, tiểu thuyết Dune hay Chúa Nhẫn, bộ truyện Harry Potter,… vốn cũng vẫn bị coi là văn hóa dành cho lũ mọt sách (nerd culture), đặc biệt là với truyện tranh DC khi giờ vẫn còn bị coi là cho trẻ con.

Bên cạnh đó Hollywood cũng không thiếu các phim remake vô cùng xuất sắc (dù cho ngày nay đây là biểu hiện của sự cạn kiệt ý tưởng với các bản remake kém chất lượng), thậm chí có lúc vượt trội so với phim gốc như The Departed. The Ring, The Thing, Scarface, Dawn of the Dead (2004), King Kong (2005),… Chúng đều được làm lại từ một phim cũ và cho thấy rằng nếu bạn đã đọc hay xem tác phẩm gốc, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức phiên bản mới của chúng chứ không phải xem bản gốc là đủ rồi.

Và cuối cùng tôi xin đưa ra ví dụ sắt đá nhất của mình, đó là loạt phim The Boys vốn đang vô cùng ăn khách hiện nay. Độ hấp dẫn của phim thì khỏi bàn rồi, thế nhưng nếu bạn được xem bộ truyện tranh gốc thì một điều bạn chắc chắn không chối bỏ, đó là truyện tranh The Boys không bằng 1/10 loạt phim được chuyển thể dựa trên nó. Bộ truyện không hề có cốt truyện hấp dẫn, tuyến nhân vật cũng tương đối mờ nhạt và sặc mùi stereotype, diễn biến đa phần mang tính bạo lực và người lớn một cách vô nghĩa, bộ truyện nhìn chung chỉ mang tính chất đả kích thể loại siêu anh hùng.

Vậy nên The Boys là trường hợp thú vị nhưng cũng khá phổ biến khi sản phẩm chuyển thể vượt trội so với tác phẩm gốc. Thêm vào đó cũng phải nhấn mạnh rằng bên cạnh những tác phẩm chuyển thể thành công như trên thì phần lớn thời gian Hollywood chứng kiến nhiều thảm họa màn ảnh khi nhà làm phim thất bại trong việc chuyển thể tác phẩm gốc, điều cũng khá bình thường với game. Chốt lại những lí do như khác thể loại, chơi game là đủ để thưởng thức cốt truyện,… không thực sự hợp lí nữa.

Vậy thì quan điểm của tôi khi nêu ra những thứ trên là gì? Khi nhìn vào các tác phẩm được chuyển thể thành công ở trên, một điều dễ nhận thấy đó là chúng đều do các nhà làm phim cực kì tài năng và lỗi lạc với niềm đam mãnh liệt với cả phim ảnh lẫn tác phẩm gốc. Và đây cũng là điều tôi muốn nêu lên, sự thành bại của tác phẩm phần lớn dựa vào những người đứng sau chúng. Thay vì cứ bảo rằng phim ăn theo game muốn đời dở, sau không nhìn nhận đám người thực hiện nó, bởi bạn mong đợi gì ở phim của Uwe Boll hay Paul WS Anderson kia chứ. Chỉ vì cứ giao việc cho vài tên đạo diễn yếu kém làm cái phim cho tử tế cũng không xong thì giờ đây phim ăn theo game bị vơ đũa cả nắm như vậy cũng chả lạ. Phim ăn theo game không phải dở vì khó chuyển thể, chất lượng của chúng phản ánh cái tài với cái tâm của người làm ra chúng.

Bởi vậy phim ăn theo game không khó làm như người ta nghĩ, nó cần người biên kịch và người đạo diễn có tâm cũng như có tầm nhìn với tác phẩm. Chính bản thân những đạo diễn lừng danh thực hiện nhiều bộ phim đình đám mà tôi nhắc trên kia như Steven Spielberg, Peter Jackson, John Carpenter, Guillermo Del Toro, Christopher Nolan,… cũng có niềm đam mê to lớn với video game, đặc biệt là những tựa game có cốt truyện và nhân vật xuất sắc. Dù đúng là một số người có tham gia sản xuất các dự án phim ăn theo game (John Carpenter vừa qua cũng ngỏ ý muốn làm phim Dead Space) thế nhưng đa phần các nhà làm phim sẽ hướng đến những dự án tham vọng hoặc cho họ sự tự do sáng tạo hơn, đồng thời hãng phim cũng chưa chắc muốn họ làm phim về game, đương nhiên không phải không có hi vọng.

Nếu nhìn lại các dự án phim được coi là khá hoặc ít nhất là xem được như Mortal Kombat (2021), Silent Hill, Prince of Persia, Warcraft, Tomb Raider,… dù cho còn nhiều hạn chế thế nhưng ít ra chúng được đầu tư nghiêm túc, nhà làm phim (có thể chưa hẳn tên tuổi) thực sự có tâm với tác phẩm gốc và nỗ lực đạt chất lượng tốt nhất, bởi vậy khán giả cũng như game thủ có thể nhìn nhận tích cực về chúng ở một góc độ nào đó. Và từ đây tôi muốn nhấn mạnh đa phần phim ăn theo game thất bại đó là các nhà làm phim không có tâm với tựa game gốc. Tôi xin lấy lại ví dụ về bộ phim The Dark Knight một lần nữa, nếu bạn là fan truyện tranh DC thì hẳn có thể thấy phim không thực sự sát với nguyên tác comic mấy. Thậm chí nếu bạn còn nhớ thì trước khi phim ra mắt, hình tượng Joker huyền thoại của Heath Ledger bị fan chỉ trích thậm tệ vì không giống gì Joker của truyện.

Điều tôi muốn nói ở đây đó là khi chuyển thể, nhà làm phim hoàn toàn có thể đưa ra sự thay đổi nếu thấy hợp lí, miễn là họ vẫn có sự tôn trọng đối với tác phẩm gốc, điều mà The Dark Knight cũng nhiều phim khác đã thành công, điển hình chính là các phim DC và Marvel hiện nay khi không hoàn toàn sát với comic. Sự thay đổi trong phim so với game gốc ban đầu có thể không được game thủ ủng hộ nhưng nếu bộ phim chất lượng và sự thay đổi đó không ảnh hưởng gì mấy và trên hết đó là có sự coi trọng đối với sản phẩm được chuyển thể. Bởi vì dù sao bộ phim cần hướng đến lượng khán giả rộng hơn là chỉ các fan của truyện hay game gốc.

Và chắc các bạn hiểu điều tôi đang muốn ám chỉ ở các phim dựa theo game dở rồi đó. Bởi đa phần các dự án này, nhà làm phim không quan tâm đến tựa game họ đang làm việc cùng, họ muốn làm thứ họ thích vốn cũng chưa chắc hay hơn gì. Thứ họ cần ở cái game họ đang làm thành phim đó là một thương hiệu có sẵn nào đó đông fan để dễ marketing mà thôi. Thậm chí bởi video game vẫn là một loại hình nghệ thuật giải trí khá mới nên không ít nhà làm phim vẫn coi mình là “bề trên” so với loại hình hạ đẳng này, việc của họ là cải tiến nó trên màn ảnh để khai sáng cho lũ game thủ. Tôi không hề nói quá đâu, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu quá trình sản xuất phim Super Mario Bros (1993) để hiểu được điều này, và tôi tin rằng Resident Evil Netflix hay Halo gần đây cũng là nạn nhân tương tự (chính phía làm phim Halo nói rằng họ không chơi game). (Thú vị thay là vài tháng sau bài viết này, Henry Cavill rời bỏ loạt phim The Witcher của Netflix vì phía biên kịch và showrunner không coi trọng bộ tiểu thuyết và game, kết quả là Blood Origins càng cho thấy sự quan trọng của việc tôn trọng tác phẩm gốc trước khi thay đổi nó).

Không chỉ nhà làm phim mà đôi lúc chính hãng phim cũng lắm lúc không hiểu hay tôn trọng thương hiệu game họ chuyển thể. Điển hình là Sony Pictures khi hãng từng yêu cầu Final Fantasy: The Spirits Within được thiết kế “sát thực tế” hơn cũng như muốn Tom Holland đóng vai Nathan Drake trong Uncharted bởi danh tiếng của Spider-Man do anh đóng hiện nay (dù sao thì nhóc nhện diễn cũng tốt). Chính Sonic The Hedge (2020), Sonic ban đầu có ngoại hình đáng sợ đến vậy là vì phía Paramount Pictures cho rằng nhân vật CGI trông “giống thực tế” như phim Transformers hay TMNT (2014) trước đó sẽ thành công hơn cho đến khi chiến dịch của fan kêu gọi thay đổi. Công bằng mà nói đây cũng là vấn đề muôn thuở tại Hollywood.


Và giờ đây khi nhìn vào các phim ăn theo game chất lượng hiện nay như Arcane, Castlevania, Sonic The Hedgehog 2, Angry Birds 2, Pokemon: Detective Pikachu, The Cuphead Show!,… một điều chắc chắn thấy được đó là những phim này có đội ngũ những nhà làm phim rất tâm huyết và thực sự quan tâm đến bộ phim họ thực hiện cũng như tựa game họ chuyển thể. Hiện nay các hãng phim đang coi video game là mỏ vàng chưa tiềm năng khi hiện đã có vô số dự án chuyển thể game thành phim được công bố hoặc sắp công chiếu. Liệu chúng ta có thể có được bộ phim ăn theo game nào xuất sắc như The Dark Knight, thực sự thì khó lắm đấy nhưng nếu được thực hiện bởi đúng người thì không phải là không khả thi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Không Hy Vọng - 31.01.2023

    Hãy học HBO. Giờ xem The Last of Us sướng run người. Mong đà này HBO tiếp tục phát huy hết mình để hoàn thành phần 1 luôn.