The Hunt – Chính nghĩa không lý lẽ của đám đông cuồng nộ

Khách mới

  

Nếu có thể lên danh sách về những bộ phim, diễn viên đã bị Oscar bỏ qua một cách đầy đáng tiếc trong quá khứ thì với tôi, ở những vị trí đầu tiên, đó chắc chắn sẽ là bộ phim The Hunt (2012) của đạo diễn Thomas Vinterberg với phần thể hiện không thể nào tuyệt vời hơn của Mad Mikelsel trong vai thầy giáo Lucas. Đó thực sự là một trong những trải nghiệm khó quên nhất trong cuộc đời mà tôi từng trải qua. Đồng thời, đây cũng là một bộ phim cực kì đặc biệt khi rất khó để có thể giới thiệu nó cho những người thân hay bạn bè cùng thưởng thức vì chủ đề khá nhạy cảm này. Không ai có thể ngờ rằng với bối cảnh là một thị trấn nhỏ êm đềm, xinh đẹp, đầy chất thơ ở Đan Mạch lại có thể diễn ra những điều kinh khủng như thế.

Dài dòng thế đủ rồi, sau đây sẽ là một số góc nhìn của tôi về bộ phim rất hấp dẫn và cuốn hút này.

Bông tuyết không còn thuần khiết

Một khi đã rơi xuống mặt đất, cho dù từng sạch sẽ, trắng muốt như thế nào thì cuối cùng, những bông tuyết cũng sẽ bị lấm lem, vấy bẩn. Và vì thế, dù muốn hay không, khi đã mất đi vẻ đẹp ban sơ đó thì bông tuyết bé bỏng cũng sẽ chỉ còn lại cái lạnh lẽo dễ làm tổn thương người khác.

Cô bé Klara cũng vậy, dù vẫn còn rất ngây thơ nhưng đã không hoàn toàn thuần khiết giống thiên thần y như lúc mới chào đời nữa rồi. Sống trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi nhau vì việc ai sẽ là người đưa mình đi học dường như đã khiến cô bé có những suy nghĩ trưởng thành hơn rất nhiều so với lứa tuổi vốn có.

Không những thế, việc anh trai Klara không mấy khi để ý, quan tâm đến cảm xúc của mình còn khiến cô bé vô tình bị “vấy bẩn”. Đó là một cảnh quay rất ngắn ở đầu phim mà nếu không chú ý, bạn sẽ bỏ qua khi anh trai của cô bé cùng người bạn trong lúc chạy lên phòng, đã giơ màn hình máy tính bảng chứa đầy những hình ảnh nhạy cảm trước mặt Klara để trêu đùa. Đó cũng là lí do giải thích tại sao một cô bé mới ngần này tuổi như Klara lại có thể liên tưởng lời nói dối của mình đến những thứ như vậy.

Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là người bạn của bố cô cũng như giáo viên ở trường mẫu giáo nên Lucas đã đưa tay ra giúp đỡ Klara mà không chút ngần ngại nào. Anh đưa cô bé tới trường, trò chuyện, hỏi han cô, với Lucas, điều đó có lẽ vô cùng nhỏ bé, không đáng kể chút nào nhưng đối với Klara lúc ấy thì Lucas lại như một người hùng, người duy nhất quan tâm đến cô bé. Klara dần không kiềm chế được cảm xúc mà chạy tới hôn môi, thậm chí là tự làm một trái tim nhằm tỏ tình với Lucas. Hiển nhiên, là một người đàn ông, nhà giáo mẫu mực, anh đã từ chối rung động đầu đời đầy sai trái của cô bé này một cách khéo léo.

Chỉ là Klara bướng bỉnh không chấp nhận rằng mình bị từ chối tình cảm nên đã buông ra một lời nói dối chết người vì muốn trách móc Lucas mà không ngờ rằng điều này đã giáng xuống một tai hoạ khủng khiếp khiến ngay cả một người đàn ông trưởng thành cũng phải khổ sở, điêu đứng vì nó.

Sai lầm tạo nên bi kịch không hồi kết

Đáng lẽ sự việc đã không đi xa đến vậy nếu như hiệu trưởng không mời một bác sĩ tâm lý thiếu chuyên môn tới trong một thời điểm sai lầm. Đặt vào hoàn cảnh đó, khi vẫn đang trong giờ ra chơi nên Klara chỉ muốn ra ngoài sân để tiếp tục chơi đùa cùng bạn bè. Ban đầu, cô bé đã nói sự thật ra ngay lập tức để giải quyết mọi việc cho xong nhưng hai người lớn kia vẫn “muốn nghe những gì bản thân tin và muốn nghe”. Để có thể thoát khỏi nơi này nhưng đồng thời cũng không muốn trở thành một kẻ nói dối đáng ghét thì những cái gật đầu qua loa của Klara liên tục xuất hiện đã từ từ đẩy Lucas xuống vực sâu.

Ngay sau đó, dưới sự cáo buộc đầy sai lầm của nữ hiệu trưởng, những đứa trẻ cùng phụ huynh khác cũng lần lượt lên. Trong đó, một phần vì nếu mình là nạn nhân thì sẽ được mọi người xung quanh quan tâm khác hẳn với bình thường, phần vì ngay cả khi nói thật thì cha mẹ chúng cũng sẽ cố gắng bới móc, định hướng chúng “nói ra những sự thật mà mình muốn nghe” y như những gì vị bác sĩ tâm lý kia đã làm với Klara.

Và một phần nữa, chính là sự tài tình của đạo diễn Thomas Vinterberg trong việc sắp đặt những chi tiết nhỏ khi ngay đầu phim đã có cảnh quay Lucas chơi đùa cùng những người đàn ông trần như nhộng rồi thay quần áo và thậm chí là rửa ráy cho những đứa trẻ sau khi chúng đi vệ sinh chứng tỏ việc tiếp xúc, động chạm cơ thể một cách thân mật không phải điều quá mức xa lạ ở thị trấn nhỏ bé này.

Vậy lên, theo từng trận gió ác ý thổi tới, những bông tuyết khác đã bắt đầu hoá thành cả một trận tuyết lở lớn để chôn vùi bất kì ai, bao gồm cả Lucas…

Vùng đất thiếu lý trí

Không lâu sau đó, Lucas mất việc, cãi nhau với bạn gái rồi lại bị cảnh sát áp giải đi ngay trước mặt con trai của mình. Bởi vì giới hạn của bộ phim cho nên Lucas cũng không mất quá nhiều thời gian mà vướng mắc với pháp luật y như ngoài thực tế, anh được thả ra ngay sau đó vì lời nói dối vụng về của những đứa trẻ nhưng vẫn chẳng có ai tin tưởng anh. Họ nghĩ rằng anh đã hối lộ hay làm gì đó khuất tất để thoát tội và tiếp tục trừng phạt anh theo cách của riêng mình.

Chú chó Fanny yêu quý đã gắn bó với gia đình anh bấy lâu nay cũng đã trở thành nạn nhân xấu số để một số người trút giận. Xem tới đây, có thể một số bạn sẽ thấy tình tiết này hơi bị làm quá lên, như kiểu đạo diễn đang cố gắng biến những người kia trở thành những kẻ phản diện mất trí, đối lập hoàn toàn với Lucas nhằm tôn lên hoàn cảnh ngặt nghèo, khốn khổ của anh. Nhưng theo mình nghĩ, ý đồ của đạo diễn chính là muốn làm nổi bật lên sự hoang dại ẩn giấu ở sâu trong vùng đất hiền hoà này, để rồi sau đó, nó sẽ trở thành lí do vô cùng thuyết phục dẫn đến cái kết cực kỳ ám ảnh ở cuối bộ phim.

Nếu để ý, bạn có thể hiểu ẩn ý này của đạo diễn đã được thể hiện ngay trong tựa đề của bộ phim: The Hunt – “Cuộc săn lùng” cùng với việc lựa chọn bối cảnh làng quê Đan Mạch đơn sơ, nơi mà ngày từ thời xa xưa đã có truyền thống đi vào khu rừng gần đó để săn bắn. Có thể hiểu một cách đơn giản thì lúc cầm súng lên để ngắm bắn, quyết định sinh tử của con mồi trước mắt mình thì gần như người thợ săn nào cũng sẽ dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của mình để phán đoán xem có nên bóp cò hay không. Trong trường hợp này, giống như cha ông, tổ tiên của mình, như đã ăn sâu vào trong máu, những người dân nơi đây cũng đã chọn cách dùng bản năng và trực giác để tin vào một điều dễ tin – những đứa trẻ – và hướng nòng súng của mình về phía Lucas…

Kết

Không như những con hươu, nai chỉ biết cắm đầu chạy thì Lucas đã vùng lên đấu tranh đầy mạnh mẽ khiến những thợ săn kia hiển nhiên cũng do dự trước con mồi cứng đầu này. Như tôi đã từng viết một bài về Red, Kulichus trong bộ truyện “Những người da đỏ thang lang” thì Lucas cũng giống họ, đã chiến đấu hết mình một cách dũng cảm và có những trận chiến ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh khi ở siêu thị và nhà thờ trong đêm Giáng Sinh. Chỉ là đối với những cuộc chiến phải đặt cả sinh mạng vào để đấu tranh giành lại được sự tự do, tôn nghiêm, danh dự của mình thì một hay vài lần chiến thắng là không đủ, hoàn toàn không đủ. Nó sẽ chỉ dừng lại khi một trong hai chịu thua, tháo chạy hay không còn cả tính mạng…


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện