Action
Thể loại được rất nhiều người thích mà cũng rất dễ nhận biết, khi nghe hai chữ hành động. Action game có nhịp chơi nhanh, có thể có đánh nhau hay bắn súng, tốc độ thì còn tùy vào game chẳng hạn như Resedent Evil thì khá nhanh và dồn dập còn Hitman với Grand Theft Auto thì vừa phải.
Adventure
Các game phiêu lưu thường cho người chơi một thế giới khá rộng có nhiều địa điểm khác nhau, để trải nghiệm của người chơi giống như “đi phượt”, mới lạ và đầy bất ngờ. Thể loại này cũng khá cổ điển, tới bây giờ thì nó thường bị nhầm lẫn với Open World và Sandbox và ngay cả 2 thể loại này cũng bị nhầm lẫn với nhau. Nói chung vì ranh giới của nó không rõ ràng lắm, mục tiêu chính vẫn là cho người chơi khám phá nhiều nơi nhất có thể.
Arcade
Nhắc tới Arcade là nghĩ liền tới game cỗ lỗ sĩ, game thể loại này hầu như không có cốt truyện mà chỉ tập trung cho người chơi ghi điểm cao mà thôi. Ví dụ cụ thể nhất trong dòng này là phải kể tới các game Neo-Geo kinh điển thời còn chơi trên máy thùng như Metal Slug hay “bắn bong bóng”.
Beat ’em Up
Game tập trung vào những pha đánh lộn tổng hợp, vô chơi là spam nút điên cuồng, hồi xưa thì các game như Ninja rùa chơi đi cảnh đánh nhau cũng được xếp vô loại này còn thời nay thì có cả 3D nên người ta đổi thành gọi là game “chặt chém” hoặc Hack N Slash.
Combat
Game cho người chơi những pha hành động chân thực, kèm theo đó là một chút tính chiến thuật. Chẳng hạn như Call of Duty hay Team Fortress 2, những pha hành động thường mang tính kiểu chiến trường quân sự có thể xảy ra ở bối cảnh hiện tại, tương lai hoặc lịch sử.
Defense
Defense hay còn gọi là Tower Defense là game tập trung vào việc phòng thủ một thứ gì đó mà khiến cho người chơi phải vắt óc suy nghĩ sử dụng tài nguyên sao cho hợp lý để bảo vệ mục tiêu. Game nổi nhất trong dòng này mà hầu như ai cũng biết là Plants vs Zombies.
Fighting
Còn gọi là game đối kháng, bạn sẽ điều khiển nhân vật đánh tay đôi với một nhân vật khác, ví dụ điển hình là game Hoàng Phi Hồng (The Last Blade) trên máy thùng mà hồi đó lấy 500 đồng mua xèng bỏ vô rồi bấm rầm rầm.
FPS + TPS (First – Third person shooter)
Game bắn súng góc nhìn thứ nhất và thứ 3, nghe tới thể loại thì bạn cũng biết trong game mình sẽ bắn súng, còn góc nhìn thứ nhất với thứ 3 ở đây nói về vị trí camera khi chơi. Góc nhìn thứ nhất là Camera đặt gần khuỷu tay, còn thứ ba là đặt hẳn ra sau lưng và hơi xa ra khỏi nhân vật một chút.
MMO (Massively Multiplayer Online)
Nói ngắn gọn là game online, rất nhiều người chơi sẽ được kết nối và có thể tương tác lẫn nhau. MMO chỉ là một hình thức trong một tựa game nơi mà rất nhiều người có thể chơi với nhau, còn thể loại game thì bất kỳ – không cố định.
Platformer
Lý do tại sao nó được gọi là platformer vì hồi đó nó nói tới những tựa game 2D, trong đó những thứ mà nhân vật đứng lên như cục gạch trong Mario gọi là platform. Nên Platformer là game sử dụng địa hình trong game khiến cho nhân vật phải chạy nhảy, tránh chướng ngại vật làm gameplay chính, nó cũng áp dụng với tất cả các game chứ không riêng gì game 2D. Tựa game huyền thoại không thể không nhắc tới trong này là series Mario, sang chảnh hơn nữa là Ori and the Blind Forest.
Racing
Nói về sự đa dạng trong thể loại này thì rất là nhiều, nói đến đua thì ai cũng biết – trò chơi tốc độ mà ai cũng muốn giành chiến thắng. Không chỉ riêng đua xe mà còn nhiều biến thể khác như đua xe đạp, máy bay .v.v… Để thưởng thức những tựa game tốc độ thì bạn nên bắt đầu bằng Need For Speed, cao cấp hơn thì là Project CARS hay Forza Motorsport.
Rhythm
Để cho dễ hiểu thì bạn cứ gọi đây là game âm nhạc, vì game yêu cầu bạn sử dụng nhịp điệu của nhạc để hoàn thành một thứ gì đó như Audition thì dùng phím ← → ↑ ↓ để nhảy, một số khác thì độc đáo hơn sử dụng nhịp điệu để chiến đấu như Patapon.
Roguelike
Có thể nói Roguelike giống như Dungeon Crawler, người chơi sẽ khám phá một hầm ngục được tạo sẵn hoặc ngẫu nhiên, chiến đấu thường là phong cách theo lượt và nếu lỡ chết thì phải chơi lại từ đầu. Thể loại này khá khó chơi và làm quen, nó cũng kén người chơi nữa nhưng với nhiều biến thể dễ hơn thì độ đa dạng cũng được mở rộng, điển hình là game The Binding of Isaac được kết hợp nhiều thứ vào thể loại Roguelike hoặc hardcore hơn thì bạn hãy thử Darkest Dungeon.
RTS (Real Time Strategy)
Người ta gọi là chiến thuật thời gian thực vì những thao tác của người chơi sẽ có tác dụng tức thì song song với một thứ gì đó đang diễn ra theo thời gian, chứ không phải theo lượt. Game offline nổi tiếng nhất thời đó thường gọi là Báo Động Đỏ (Command & Conquer: Red Alert) hoặc nổi hơn là Starcraft, nếu bạn thích online thì có thể thử qua Dota hoặc League of Legends.
Sim
Game mô phỏng là game cho bạn làm một thứ gì đó, thử hay điều khiển một cái gì đó sao cho trải nghiệm thật nhất có thể. Dễ hiểu nhất thì bạn nên bắt đầu với game The Sims – game mô phỏng cuộc sống của con người theo một cách sống động và vui nhộn nhất, hoặc nghiêm túc hơn một chút thì Farming Simulator hay American Truck Simulator luôn chào đón bạn.
Sports
Đây cũng là một loại game mô phỏng, đơn giản chỉ là cho người chơi trải nghiệm một môn thể thảo bất kỳ như đá banh, đánh golf, bóng bầu dục, bơi lội…
Stealth
Game tập trung vào những màn lén lút, người chơi phải điểu khiển nhân vật một cách kín đáo nhất có thể tránh bị phát hiện. Game tiêu biểu cho dòng này thường nói về Ninja hoặc đóng vai ăn trộm này nọ như Mark of the Ninja hay Thief.
Strategy
Thể loại chiến thuật nói chung và bao gồm tất cả những thứ liên quan tới chiến thuật. Trong game, người chơi sẽ gần như đóng vai tướng chỉ huy trận chiến, vắt óc suy nghĩ đường đi nước bước để chiến thắng, về hình thức thì nó cũng khá giống Puzzle nhưng theo hướng… quân sự hơn.
Horror
Game không dành cho người yếu tim, sợ ma .v.v… Lấy đề tài kinh dị, game này sẽ đem lại bầu không khí nặng nề cũng như hù dọa bằng những thứ ghê rợn, mục đích chính là làm cho người chơi sợ. Game kinh dị có thể kết hợp với rất nhiều thể loại khác tạo nên những phiên bản thú vị khác.
Survival
Game sinh tồn – thể loại cũng đang bắt đầu nổi lên gần đây, yêu cầu chính của game chỉ là giữ cho nhân vật… còn thở là được, gameplay sẽ tùy loại mà làm khó dễ cho nhân vật trong game tắt thở bằng mọi hình thức.
Shooting
Phạm trù của game bắn súng là cực kỳ nhiều, nó đã có mặt từ thời máy game “cắm băng” và tay cầm – điển hình là Contra. Dòng game bạo lực này khi “lưỡng long nhất thể” với các loại khác thì phải nói là nhiều vô kể.
Point & Click
Nôm na là “chọt và bấm”, game dạng này thường là giải đố, trong game bạn chỉ sử dụng chuột để chơi thôi. Chẳng hạn như game tìm đồ vật Criminal Case trên Facebook hoặc Detective Grimoire, nhịp chơi trong game chậm tàn tàn không dồn dập, thể loại này dùng để giết thời gian cũng rất tốt mà lại tốt cho đầu óc.
Puzzle
Hồi xưa thì puzzle ý nói tới những tựa game xếp hình như Tetris còn càng về sau thì Puzzle nói tới những tựa game giải đố. Có những game thuần giải đố nhưng yếu tố giải đố lại không cố định, chẳng hạn như game trinh thám chẳng hạn thì giải đố theo kiểu điều tra tìm đầu mối, còn Mummy Maze thì theo kiểu chiến thuật di chuyển.
RPG (Role-Playing Game)
Game nhập vai là một trong những thể loại phổ biến nhất, hầu như đi đâu cũng gặp. Theo đúng nghĩa thì trong game nhập vai, người chơi sẽ đóng vai một hoặc nhiều nhân vật trong một bối cảnh có cốt truyện mà nhân vật đó sẽ tương tác được trong môi trường đó, ngoài ra còn một số điểm thường có của dòng game này như tùy chỉnh chỉ số nhân vật hoặc kỹ năng này nọ nhưng không có cũng không sao vì tùy thuộc vào những yếu tố nhỏ này thì RPG sẽ còn pha trộn thêm nhiều thể loại khác kèm theo. Game tiêu biểu trong dòng này chắc phải nói tới Final Fantasy, Fallout, Dark Souls, The Elder Scrolls…
Cám ơn ad, thiết kế trang web này rất đẹp và rất sáng tạo
Bài viết rất hay và bổ ích cám ơn Ad
Cảm ơn Admin! Bài viết rất hay ạ
Bài viết rất có ích thank ad