Stardew Valley: Nhàn cư vi bất tiện

Khách quen

  

Stardew Valley là một game “đồng áng” đúng kiểu hợp với khí hậu và văn hóa truyền thống nước ta. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi việc làm nhà nông và “welcome to the ricefield madafaka” thu hút nhiều người. Nhưng không hẳn là mỗi thế. Stardew Valley làm tui nhớ đến vài câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà được học trên trường lớp:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”

Khi con người ta mệt mỏi với công việc văn phòng, muốn tìm một nơi để có những khoảng trời ngắm nhìn mọi thứ thì mọi phiền lo đấy sẽ được dẹp bớt đi khi bạn bắt đầu thế giới của nhân vật chính. Tưởng chừng “công việc đồng áng đấy tẻ nhạt ” nhưng hãy cùng đào sâu tại sao xem Stardew Valley hấp dẫn tui như thế.

Nhìn phần giao diện đã đoán được Stardew Valley là kiểu gì

Trước tiên tui đã không quá bất ngờ với Stardew Valley khi chơi lần đầu. Phần giao diện đặc sệt 32bit của những hệ máy chơi game từ thời của những gamer “lão làng” ngày xưa. Kèm theo một “pixel art design” thì những người muốn tìm lại cảm giác xưa cũ ngày xưa nên tìm đến em nó ngay thôi. RPG cày cuốc đúng hiệu khỏi bàn cãi. Từ cái lúc tạo character cho đến những thanh kinh nghiệm được chia ra một cách rất rõ ràng cho từng mục đích khác nhau. Được cái game không bắt chúng ta phải chọn quê “hương anh nước mặn đồng chua” hay “làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”, Đồng bằng sông Hồng hay thậm chí vùng Đồng bằng sông Cửu Long tùy thuộc vào thiên thời địa lợi và sự lựa chọn trắc địa của người chơi. Thích đi câu cá – ra Vũng Áng. Thích làm đồng áng – vô liền đồng bằng, thích đào mỏ – vô Quảng Ninh, vân vân mây mây. Và đừng mơ bỏ công việc về đây chơi là thảnh thơi ha. Cái tổ cú của bạn sơ khai vẫn là một thứ gì đó khá hỗn độn và cũng cần sức người sức của mới “nên cơm nên cháo”. Cũng phải có cái đầu của một nhà chức trách quy hoạch cái mảnh đất của mình để nó làm giàu cho mình nữa chứ.

Phần tạo giao diện nhân vật khá là dễ chịu nhanh chóng

Hãy học cách quy hoạch đất đai sao cho hợp lí

Tất nhiên là nhà phát triển cũng không “phủi đít” quay lưng với bạn. Họ cũng sẽ cho bạn ít vốn (15 hạt giống + công cụ làm vườn + chiến đấu) để bạn có thể làm tốt công việc mà ông cố nội bạn truyền lại. Bạn cũng có hàng tá công việc để kết thúc một ngày trôi qua nhanh chóng mà không ăn hại vô tội vạ. Số công việc bạn làm trong các mảng càng nhiều bạn càng được thưởng tiền cho những công việc tay chân đó càng nhiều. Cụ thể sẽ có:

  • Farming: làm nông dân chân lấm tay bùn. Trồng cây, thu hoạch, chăn nuôi gia súc gia cầm,… Không có gì đáng kể nhưng mỗi buổi sáng thức dậy thì hãy chạy ngay ra vườn tiểu cây nếu như ngày hôm đó không mưa. Có một số loại cây tự mọc không cần gì ngoài trồng và chờ đợi là hạnh phúc. Đừng lo. Mỗi loại cây sẽ có thời gian ngày thu hoạch và hãy bỏ vào thùng để bán lấy tiền hoặc dùng để nuôi sống bản thân.

Làm việc thôi nào

  • Foraging: nghe giống kiểu phá phách. Nhưng dịch ra là làm rẫy quy hoạch thì đúng hơn. Vì những công việc bạn làm xung quanh farm của bạn thì đều coi là Foraging. Chặt cây, lấy gỗ, lấy đá,… Nhiều lúc công việc này khiến tui hơi mơ hồ.

Đi tìm dâu tây để ăn vặt cũng tính Foraging nè

  • Fishing: công việc này đặc tả khá giống ngoài đời *một tràng vỗ tay cho dev*. Câu cá ngoài đời là một việc giết chóc thời gian thì hỡi ôi trong game chả kém. Câu vài chục con cá cũng đâu có ngắn ngủi gì. Đằng này câu cá cũng khó cơ. “Câu cá là một nghệ thuật – người câu cá là một nghệ nhân”. Tui khắc cốt ghi tâm cái câu thần chú: “Để con cá trong cái thanh màu xanh đến khi kết thúc là được”. Coi chừng dễ nhưng những con không phải rô phi đồng, hay cá chép mà loại khỉ ho cò gáy nào đó thì thực sự rất khó bắt. Cộng thêm những ngày “không có sóng yên biển lặng tâm hồn anh gợn sóng” thì ôi thôi. Ở nhà ngủ làm vườn cho lẹ ha. Nhưng mà câu cá đôi khi bạn cũng câu được một số loại hàng tốt ngoài cá nên cũng không phải là công cốc.

Câu cá là một nghệ thuật – người câu cá là một nghệ nhân

  • Mining: đào mỏ. Mỏ ở đây không phải “Gold Digger” với “Sugar Daddy” gì đó mà đào mỏ lấy nguyên liệu. Mà ở dưới thâm cung bí hiểm toàn đâu những thể loại bầy nhầy như Pudding nhưng không hề dễ ăn. Có công mài sắt có ngày đảo mỏ ngon. Nhưng tỉ lệ ra nguyên liệu cũng cắc cớ lắm. Hôm thì đồng, hôm thì vàng (nhưng ít) đôi khi là một số khoáng thạch có giá trị mà tui quên tên. Mà nó chỉ là quặng thôi. Vô tay chúng ta còn phải xào nấu để lên những thỏi đồng, thỏi vàng phục vụ cho việc khác cơ.

Mỏ thì xa mà bắt đi đào rõ mệt 🙁

  • Other: là những việc linh tinh. Như kiểu đánh nhau với lũ súc vật ở dưới đáy hang. Cũng không vui vẻ gì khi bạn xuống hang mà không đem theo vũ khí.

Nhà phát triển game rất chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt mà bắt người chơi phải để tâm. Thí dụ như việc một ngày có 24h chả hạn. Con người có 2 thanh: máu và năng lượng. Máu thì không nói để đánh nhau với lũ quái vật. Còn thanh năng lượng thì hỡi ôi. Cái gì nhiều quá cũng không tốt. Stardew không có khái niệm làm tăng ca thêm lương. Đến giờ đi ngủ thì đi ngủ còn sức lực cho ngày mai chứ không phải chạy deadline vào buổi đêm. Luôn nhớ duy trì thanh máu và thanh năng lượng bằng đồ ăn và các đồ dùng usable được tức thì. Nhớ ngủ đúng giờ không đừng trách tui đêm có cái gì nhé. Những tương tác NPC cũng khá nhỏ nhặt nhưng cũng đáng để bạn để tâm: tặng hoa, yêu ai đó, kết hôn hay thậm chí là chào hỏi xã giao thông thường để nói chuyện làm quen bà con cuối phố. Mỗi người có một ngày sinh sẽ được thông báo cùng sự kiện được treo ở bảng tin. Kể cả giờ mở cửa cũng được chú trọng rất nhiều nha. Tui làm việc hành chính chứ không rảnh háng nửa đêm gõ cửa hỏi “anh gì ơi bán em chai dầu ăn!” Không có đâu. Đi đúng nơi về đúng giờ, game có giờ giấc quy củ. Thi thoảng có mấy sự kiện xảy ra thì cố tham gia vừa vui lại vừa tăng tình làng nghĩa xóm bà con thân cận. Chứ ru rú ở vườn mãi cũng chưa chắc được làm “anh Hai chị Ba miệt vườn” đâu. Pelican Town chả khác gì một nơi vùng quê thành thị tránh xa những khói bụi của nơi thành phố, cùng với đó là những tình cảm thương mến của bà con chòm xóm bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy ngột ngạt nữa.

Chào em yêu!!

Giờ giấc là một vấn đề rồi. Nhưng ngày tháng cũng là vấn đề. Ngày qua ngày lại trôi thì bước giao mùa cũng tới. 4 mùa xuân hạ thu đông cũng được thể hiện khá rõ rệt trong game. “Mùa nào thức ấy” các cụ nói cấm có sai. Mùa đông sẽ có những loại cây cối khác nhau và khung cảnh cũng thay đổi rất tuyệt vào những lúc giao mùa. À đương nhiên là mùa đông thì mặt sông không đóng băng đâu nên vẫn cứ thả chân xuống cầu mà ngồi vểnh mông lên câu cá thoải mái nhé. Đừng lo!

Mùa đông đã cập bến Hà Nội rồi các bạn ơiii

Vì là game RPG nên nhà làm game cũng hướng đến những chiến dịch lâu dài “easy to play, hard to finish”. Những chiến dịch lâu dài đó được nhồi thêm vào những quest rất khó (thường làm theo mùa) và bạn phải unlock từ từ các khu vực mới để mở rộng địa bàn của mình thay vì chỉ chạy loanh quanh Thị trấn Pelican. Đó chính là tòa nhà Community Center. Nơi mọi thứ bạn phải làm là nâng cấp từ từ từng viên gạch nền móng của căn nhà cũ kĩ đó để làm mới môi trường xung quanh của bạn. Tui sẽ không tiết lộ nó có gì mà bạn hãy từ từ khám phá nó cùng với tòa tháp phù thủy bí ẩn trên map. Và chính cả căn nhà nơi bạn ở hãy mở rộng căn phòng, bài trí, học làm thầy phong thủy để giúp nó trở thành nơi ấm áp nhất cái hành tinh này. Và mỗi khi bạn buồn bạn luôn có chú mèo đáng yêu ở bên. Cuộc sống của bạn đỡ hiu quạnh hơn.

Đây phần cày cuốc của các bạn đây reveal chút chút

Vì là một game indie 32bit thuần túy nên DLC Soundtrack cũng là miếng cơm manh áo của nhà phát hành. Nhưng hầu như tui thấy những tựa game indie vừa miệng vừa tầm như thế này lại có một OST (Original Soundtrack) hay một cách kì lạ. Thực sự họ sử dụng những âm thanh của nhạc điện tử kèm theo đó là những nhạc cụ đồng quê: harmonica, đàn banjo, tiếng sáo,… Cảm giác một ngày hè nóng bức hay một ngày đông lạnh giá tui bật đúng bài nhạc phát ở trên mảnh đất của tui, tui lại hồi tưởng về cái mùa hè năm ấy tui trồng được bao nhiêu cây bắp cải trong Stardew Valley. Tiền cũng là một con số. Nhưng sự tỉ mỉ chau chuốt không chỉ ở mỗi game mà phần âm nhạc thật sự tuyệt vời. Khỏi chê khỏi bàn cãi. Đổi lấy cái đồ họa xịn sò lấy cái soundtrack tuyệt diệu này cùng với pixel art design tui cũng sẵn lòng rụp đầu như khi cua mấy nhỏ em trong game vậy. Bạn có thể tìm thấy một sự giống nhau của những tựa game: Harvest Moon, Rune Factory hay Secret of Mana. Khá hồi tưởng và khá là nhẹ nhàng những vẫn có chất “của một người cày cuốc chính hiệu”.

Thực sự Stardew Valley như tái hiện lại nơi tui sống. Không phải là một thành phố xa hoa lộng lẫy. Cũng không phải một làng quê quá tụt hậu với xã hội. Mà một thị trấn nhỏ nhắn. Mỗi lần tui buồn tui đều dành vài tiếng ngồi câu cá trong game như kiếm một thú vui tao nhã và giết thời gian. Thi thoảng lai quay ra quên “Chậc đấy quên mất không làm con bù nhìn rơm lại để quạ gặm hết cây với hạt giống rồi!” Không biết trong game co-op với lũ bạn tụi nó có lấy quỹ chung ra nướng sạch tiền vào mua dầu ăn với bột không chứ. Hầy. Không biết bao giờ đến mùa thu lại ngắm lá rơi rồi tương tư. Dĩ nhiên là tui cảm thấy game này nó từa tựa Don’t Starve nhưng mà nó không phải là game sinh tồn mà là game làm vườn nên mọi thứ cứ “Hà Nội không vội được đâu.” Nếu trong DST tui phải lo này lo kia thì Stardew Valley cho tui nhịp sống chậm rãi như đúng cái quỹ đạo của Thị Trấn này. Mấy ngày buồn bật OST của Stardew Valley lên cũng thấy cái gì nó cũng dễ thương phát chết. Nếu có game tui sẽ cho con chơi game này nhưng mà với điều kiện màn hình to xíu chứ không đọc chữ 32bit thì hỏng mắt sớm thôi. Bố nó thích art style kiểu đó chứ con thì hỏng mắt chết. Thôi chơi đi không nói nhiều. Nếu tìm một vé đi đến nơi thanh thản nhưng suýt an nhàn thì một vé cho Stardew Valley.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • CM dạo - 31.12.2019

    Nhàn cư vi bất tiện: Ở không quá nên khó chịu :v. Nhờ bài viết mà mị mới có động lực chơi lại. Cảm ơn tác nhá 🙂