Trong thời đại có quá nhiều anime fantasy, isekai copy – paste lẫn nhau với những motif đã khiến ta phát chán thì Made in Abyss xuất hiện như làn gió mới. Đã khá lâu kể từ lần cuối chúng ta được chiêm ngưỡng một bộ Adventure xuất sắc đến thế. Năm 2022, Made in Abyss trở lại với phần 2 mang tên Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou và tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những tác phẩm fantasy xuất sắc nhất.
Lưu ý: Bài viết có thể chứa yếu tố spoil, hãy cân nhắc trước khi đọc.
Thông tin sơ lược
- Tên: Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou, Made in Abyss: The Golden City of the Scorching Sun
- Thể loại: Phiêu lưu, Drama, Fantasy, Mystery, Sci-fi
- Thời lượng: 12 tập
- Năm phát hành: 2022
- Studio: Kinema Citrus
- Rating: 8.69 (MyAnimeList), 8.6 (IMDB), 8.54 (AniDb)
Nội dung
Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou nối tiếp Movie 3, sau khi sống sót qua những thử thách tàn khốc của Idofront, Riko hiện tại đã sở hữu một White Whistle (Còi trắng), cho phép cô đi xuống tầng thứ sáu của Abyss.Cùng với Reg và Nanachi, Riko tiếp tục đi khám phá miền chưa được khám phá, nơi có những tàn tích của thế giới Golden City tọa lạc. Khi bộ ba dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt, họ sớm gặp phải những sinh vật và cảnh quan nguy hiểm. Chuyến thám hiểm dẫn họ đến một ngôi làng có những sinh vật lạ được gọi là “rỗng”. Họ tiếp tục khám phá bí ẩn của ngôi làng và di sản của những nhà thám hiểm bị lãng quên, những người đã từng rơi vào nỗi kinh hoàng của Abyss chưa được khám phá.
Cảm nhận
Made in Abyss vốn đã tạo chỗ đứng rất chắc chắn trong thể loại fantasy với phần world building vô cùng ấn tượng, và điều đó tiếp tục được phát huy trong phần 2 này. Nếu như ở phần 1 ta đã tìm hiểu qua các tầng 1, 2, 3, 4; sang Movie 3: Fukaki Tamashii no Reimei khám phá tầng 5 thì tới phần Retsujitsu no Ougonkyou này người xem được dịp khám phá tầng 6 của Abyss. Tại đây, chúng ta được thấy quá trình hình thành nên Ilii – ngôi làng của những Narehate; được thấy những sinh vật mới lạ, những kẻ làm trùm khu vực này (mình thích con Rồng xà cừ, ngầu vãi), được biết về “lời nguyền vực thẳm” của tầng 6 và cái giá phải trả khi giám đi ngược lại quy luật ấy. Không chỉ vậy, ta còn được chứng kiến sự khắc nghiệt của nơi đây, được trải qua những cảm giác đau đớn, tuyệt vọng đến cùng cực của những con người dũng cảm dám thách thức và định cư tại Abyss. Tất cả tạo nên một thế giới fantasy sống động nhưng cũng vô cùng tàn khốc.
Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou sử dụng lối kể chuyện song tuyến, đan xen một cách tài tình hai dòng thời gian quá khứ và hiện tại. Nếu như ở tuyến truyện hiện tại, người xem theo chân mạch truyện chính là hành trình của nhóm Riko trên hành trình chinh phục đáy Abyss và điểm dừng chân lần này chính là tầng thứ sáu. Trên cơ sở đó, bộ phim gợi cho chúng ta rất nhiều uẩn khúc như: ngôi làng Narehate được hình thành ra sao, Fafuta – hiện thân của giá trị có lai lịch thế nào, hay thân phận thật sự của những người đã xây dựng nên ngôi làng… Thì thông qua tuyến truyện về Vueko (quá khứ), những thắc mắc sẽ dần được giải đáp. Bằng cách đan xen hai mạch truyện, anime đã xâu chuỗi những vấn đề giữa hiện tại và quá khứ tạo nên sự chặt chẽ cho câu chuyện; đồng thời liên kết các nhân vật lại với nhau, những con người mà ta tưởng như chẳng có liên quan gì. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng đã xây dựng và giải quyết tốt các vấn đề đã đặt ra.
Nhân vật
Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou còn tiến thêm một bước trên phương diện xây dựng nhân vật. Thông qua cách dẫn dắt câu chuyện song tuyến, bộ phim đã xây dựng rất tốt mối liên kết giữa các nhân vật. Bên cạnh đó, bằng việc đặt ra nhiều vấn đề, bộ phim đã đẩy các nhân vật vào những sự lựa chọn, từ đó thể hiện được những nỗi đắn đo, trăn trở, sự quyết tâm, niềm tin hay tuyệt vọng và cả những sự chuyển biến về mặt nội tâm nhân vật. Ở đó, ta thấy có người sẵn sàng bán linh hồn để chuộc bạn mình; có người lựa chọn trở thành vai phản diện để có thể cứu mọi người; có người lại muốn trốn tránh bởi không dám nhìn thẳng vào thực tại…
Một điểm thú vị là Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou không có một nhân vật phản diện thực sự, bởi những hành động của họ khiến họ nằm giữa lằn ranh mà chẳng thể nào quy rõ ràng trắng đen được. Thử nhìn vào nhân vật Wazukyan, ông ta đã biến Irumyuui thành “ngôi làng”, đem con của Irumyuui đi làm thịt để nấu cho cả đoàn thám hiểm ăn… vậy có thể coi ông ta là kẻ ác? Có thể chứ. Thế nhưng, nếu nhìn nhận ông ta dưới vai trò của một thủ lĩnh thì Wazukyan quả là một người lãnh đạo tuyệt vời: khi cả đoàn đều đổ bệnh, thập tử nhất sinh thì Wazukyan đã lựa chọn phương án tốt nhất có thể, chấp nhận trở thành vai ác, hy sinh một người để cứu những người còn lại. Wazukyan có thể khiến ta ghét, nhưng cũng phải dành sự tôn trọng nhất định cho ông ta.
Hình ảnh
Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou còn tạo ấn tượng khi tiếp tục duy trì được sự chất lượng về mặt hình ảnh. Artstyle đơn giản, có thể không long la long lanh, không nam thanh nữ tú nhưng lại có dấu ấn riêng, không đụng hàng. Nét vẽ nhân vật ổn định, biểu cảm vô cùng sinh động, đặc biệt là trong những phân cảnh thể hiện sự sợ hãi hay đau đớn, tuyệt vọng. Thiết kế các loài sinh vật đa dạng, mình đặc biệt thích con Rồng xà cừ, nhìn ngầu dã man. Animation được thể hiện rất tỉ mỉ, chuyển động mượt mà, các phân cảnh hành động được đạo diễn rất tốt. Background rất đẹp, nếu như phần trước là khung cảnh thiên nhiên đầy sức sống với cánh đồng hoa rực rỡ hay các thảm thực vật xanh mướt thì phần 2 lại ấn tượng bởi những cột đá cao sừng sững hay những ngọn đồi thưa thớt thực vật toát lên sự bí hiểm. Nhìn chung, hình ảnh của Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou có thể nói là xuất sắc.
Âm nhạc
Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou còn có phần âm nhạc rất xuất sắc. Opening là bài Katachi mang giai điệu sôi động, hào hứng như bước vào chuyến phiêu lưu. Ngoài ra, Opening còn rất chất về mặt hình ảnh khi phân chia khung hình nhằm kể hai tuyến truyện rồi dần liên kết chúng với nhau, cảm giác như đang xem một phần câu chuyện. Ending thì trầm lắng hơn rất nhiều, thêm phần da diết như tiếng lòng của các nhân vật. Đồng thời, phần hình trong ending loại bỏ màu sắc và art, chỉ sử dụng hai màu đen trắng để thể hiện sự hình thành, sinh sôi của những Narehate, sinh vật bị nguyền rủa. Nhìn chung, cả Op lẫn Ed đều mang lại cảm giác tuyệt vời cả về cả nhạc lẫn hình.
Về phần Soundtrack thì không cần phải nói quá nhiều khi được sáng tác bởi Penkin Kevin, người bảo chứng cho những sản phẩm mình làm ra. Đồng thời được chỉ đạo bởi Haru Yamada, người cũng chịu trách nhiệm âm thanh trong phần một. Dàn soundtrack hơn 30 bản được lồng ghép một cách tuyệt vời vào trong từng phân cảnh giúp bộc lộ vô vàn cảm xúc. Ta hòa mình trong những giai điệu sâu lắng cùng Tomorrowland, Old Stories; hay Eyes of Irumyuui; chìm trong bầu không khí vui tươi, hào hứng với Gravity ft. Arnór Dan, Carnival! Praise to Princess; “Ningyō x 龍”… Nhưng ấn tượng nhất phải nói đến những bạn nhạc buồn gợi lên bầu không khí u sầu, buồn thảm hay tuyệt vọng. Và nhắc đến sự tuyệt vọng, thì không thể không nói đến vai trò của các seiyuu, đặc biệt là Misaki Kuno (vai Faputa) những phân cảnh gào thét vì đau đớn thật sự đã đẩy khả năng của seiyuu đến giới hạn.
Tổng kết
Năm 2017, Made in Abyss xuất hiện và đã mang đến một làn gió mới cho thể loại fantasy để rồi năm 2022, Made in Abyss một lần nữa khiến người ta phải tấm tắc bởi sự xuất sắc gần như toàn diện của nó với world building vững chắc, cách kể chuyện khéo léo, hình ảnh hoành tráng và âm nhạc đầy truyền cảm. Với những gì đã làm được, không ngoa khi nói rằng Made in Abyss: Retsujitsu no Ougonkyou là anime xuất sắc nhất của năm 2022 và chắc chắn là một tác phẩm mà bạn không thể nào bỏ lỡ.
Overall: 9/10