Những bản nhạc game mà tôi yêu thích nhất

Khách quen

  

Âm nhạc, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, cũng như là một trong những thứ cốt lõi để tạo nên vẻ đẹp và tính nghệ thuật của game phải không? Và điều gì xảy ra nếu game không còn âm nhạc? Nếu điều đó xảy ra, liệu game có còn ý nghĩa nữa không? Thật sự tôi không thể biết được, nhưng tôi tin chắc rằng, game sẽ không còn là game nếu thiếu chúng, đúng không? Và chắc hẳn bất kì ai, trong số các bạn đọc bài này, chắc hẳn cũng sẽ có những bộ soundtrack game dành cho riêng mình đúng không? Vẻ đẹp của game thì nhiều khía cạnh lắm, và âm nhạc, cũng là một cách để thể hiện vẻ đẹp tinh tế ấy ra để mọi người thưởng thức đấy. Mặc dù tôi cũng chơi cũng không nhiều, và cũng không nghe quá nhiều bài nhạc game, nhưng có lẽ cũng đã “cảm” một phần cái đẹp ấy, và giờ thì lại có mong muốn chia sẻ với các bạn để thưởng thức và cảm nhận chung, cũng như mở màn cho một trào lưu viết nhạc game mà vốn đó đi ngó lại chả thấy mấy bài (và dự sau bài này sẽ đẻ ra 1 loạt mấy bài tương tự theo). Nên dưới đây, đối với tôi là những bản nhạc mà tôi cho là đẹp nhất, và dĩ nhiên là yêu thích nhất, theo thứ tự tăng dần dù mang hơi tính chất tương đối và chủ quan vì cảm quan của cá nhân. Mong các bạn thưởng thức và có những phút giây thư giãn khi nghe những bản nhạc đẹp tuyệt vời này nhé.

16. Glory of Sparta – God of War 3

Với God of War, hầu như bản nhạc nào cũng mang đến một sự sục sôi kích thích tâm trí, nhưng tôi đặc biệt thích những giây phút khi tiếng nhạc này cất lên trong God of War 3, mà chủ yếu là khi Kratos đối đầu với thằng anh trai cùng cha cục súc Hercules trong trận đấu tay đôi vô tiền khoáng hậu. Với tiếng trống trận dồn dập, nhịp điệu sục sôi của bản nhạc như khiến ruột gan ta sôi lên, máu nóng hổi chạy khắp người và muốn đè cái console để cho Kratos càn quét khắp bản đồ, đem lại vinh quang cho người Sparta.

15. Fi’s Farewell và Fi’s Gratitude – The Legend of Zelda: Skyward Sword

Với tiếng piano cao vút, tiếng sáo trong vắt thoang thoảng dẫn lối, Fi’s Farewell đem đến một cảm giác thanh bình khôn tả, nhưng đọng lại nét nuối tiếc về một vùng đất thanh bình nơi chàng Link cầm gươm bảo vệ đất nước… Còn phiên bản song sinh của nó, Fi’s Gratitude thì tiết tấu chậm hơn, cao trong hơn, nhưng cũng chạm sâu hơn và đọng lại một nét gì đó lưu luyến kì lạ. Với tôi, 2 bản nhạc này mỗi bản đều một vẻ đẹp riêng, và đều thấm lại trong lòng bằng mỗi một cách khác nhau khó mà có thể nói được.

14. Fires of War – Shadow of War

Công tâm mà nói, Middle-Earth: Shadow of War thì cũng không hẳn là một tựa game đột phá so với người tiền nhiệm của nó, nhưng bù lại nó đã đem lại một bản nhạc cực kỳ tuyệt vời. Không những thế, qua giọng hát nội lực của Kelli Schaefer đã làm cho Fires of War trở nên cực kì xuất sắc so với khá nhiều bài hát chủ đề khác của những tựa game gần đây. Bản nhạc đã đem lại kha khá cảm xúc khi thể hiện những đau thương tàn khốc của những cuộc chiến tranh bất tận mà chàng Ranger Talion phải đối đầu ở xứ quỷ Mordor, và cũng đầy nuối tiếc khổ đau về những sự hy sinh mất mát mà chàng phải đánh đổi để cầm chân bảo vệ Gondor trước đà tiến quân của Sauron. Và bạn chỉ có thể tận hưởng bài hát sau khi đến được True Ending của tựa game này thôi nên hãy cố hoàn thành game sớm nhé.

13. The Wolven Storm – The Witcher 3

“Sẹo đã lâu cần tay âu yếm
Để bên nhau, vận mệnh xá gì
Xé toang tim, tỏ nỗi lòng
Sợi tơ rối rắm trói buộc đôi ta”

Khi đến Novigard để dò tìm tung tích người con gái nuôi Ciri, Geralt đã tình cờ nghe được bản nhạc này do Priscilla, bạn tâm giao của Dandelion người bạn thân anh hát cho nghe. Với những tiếng đệm đàn luýt mộc mạc với chất giọng nữ trong veo, The Wolven Storm đã mô tả mối tình đầy trắc trở của Geralt xứ Rivia và Yennefer thành Vengerberg, một cuộc tình lắm nỗi trắc trở dở dang, những cũng nhiều cảm xúc đẹp đẽ. Tôi phải công nhận đây là một trong những bản hay nhất của The Witcher 3, và nó khiến tôi cứ muốn lưu liền vào trong soundtrack để nghe mãi thôi.

Fun fact: Bạn có biết The Wolven Storm do Emma Hiddleston, em gái Tom Hiddleston cất lời hát không?

12. Into the Flames – Far Cry 5

Phải nói là Ubisoft rất chịu chơi khi mời Dan Romer, một nhà soạn nhạc đã có vài lần được đề cử Oscar và đoạt một giải Emmy về phối nhạc cho Far Cry 5, và ông đã không làm cho mọi người thất vọng. Into the Flames là một bộ Album dành cho những ai đam mê nhạc đồng quê Mỹ, mộc mạc, chân chất nhưng hào sảng, nhộn nhịp, rất là hợp với không khí của một quán beer vùng thôn quê. Bản thân nó, cũng giống như vùng đất Hope County vậy, rất đơn sơ, rất đồng quê, nhưng không hề yên ả một tí nào, và có một sức hút rất khó tả khiến cho bạn cứ muốn đắm chìm mãi vào bộ soundtrack này mãi không thôi. Hầu hết đây đều là những bản thánh ca của Hội Thánh Cổng Thiên Đường, và nó tuyệt vời đến mức nếu mà có một tổ chức tôn giáo nào chơi bộ này làm thánh ca, chắc tôi đi lễ nhà thờ mỗi ngày quá.

11. Remembrance – The Witcher 3


Trên đạo lộ hành hiệp của mình, đời anh Bạch Lang Geralt luôn không thiếu những bóng hồng lãng mạn, nhưng đặc biệt nhất là 2 người con gái Triss Merigold và Yennefer (éo có Ciri đâu, Ciri là con gái, là thánh nữ của lão rồi) đã luôn làm hao tốn bao nhiêu bút lực và là chủ đề để con dân the Witcher 3 cãi nhau về việc ai xứng đáng với Geralt hơn. Nhưng mỗi khi Geralt có những cảm xúc lãng mạn với Yen (hoặc Triss), bản nhạc này luôn cất lên, tiếng đàn bay bổng thánh thót, nâng bước cho cảm xúc nảy nở, tựa như đóa hồng khoe sắc phô ra vẻ đẹp của tình yêu vậy.

10. Main Theme – Assassin’s Creed Black Flag

Một bản nhạc mà bất kì ai cũng yêu thích khi nghe lần đầu tiên, một bản nhạc cực kì hợp với Edward Kenway, một Sát thủ hải tặc chỉ có đam mê vẫy vùng tự do nơi biển cả. Bản nhạc chủ đề của Black Flag mở đầu bằng những tiếng léo lắt dồn dập như sóng biển, và mạnh mẽ dần như chính cả đại dương mạnh mẽ đổ ập vào. Quả là không sai khi nói rằng đây chính là đại diện lý tưởng của một tựa game mô tả thời đại vàng của hải tặc xứ Caribbean, của những tên cướp biển, phóng khoáng, bất cần, dữ dội và hào hùng, mặc sức vẫy vùng tự do…

9. Kaer Morhen – The Witcher 3

Với bản nhạc này thì tôi không dám bàn nhiều, chỉ dám mượn lời anh Hùng Lý Bạch Tạng để cất hộ tiếng lòng vậy:


"...với những tiếng đàn trầm ngâm, phảng phất chút buồn tủi của sự cô đơn nhưng lại có những tiếng sáo vút cao kéo cả tâm trạng đến với sự yên bình... Một nơi cho ta được nhìn thấy chính bản thân, được sống thật trong bình yên mặc cho những niềm vui hay nỗi buồn... Kaer Morhen, còn có một nơi khác để gọi là nhà..."

8. Leonardo’s Inventions – Assassin’s Creed 2

Những điệu nhạc bay bổng dồn dập, rất đẹp và cũng rất thơ đã tái hiện lại một xứ Ý mộng mơ thời kỳ Phục Hưng với một vẻ đẹp rất riêng mà tôi khó có thể nói ra được, mà bản nhạc này là một đại diện tiêu biểu của nó. Dù đã chơi Assassin Creed 2 quá lâu, nhưng mỗi khi nghe đến đoạn nhạc này ở đâu đó, trong lòng tôi lại luôn mường tượng lại thành phố Venice thơ mộng đến thế nào, với những dòng kênh xen giữa những khu nhà khúc chiều tà, những chiếc Gondola hững hờ chèo nhẹ dưới ánh trăng mờ, những màn pháo hoa của đêm hội Carnival với những chiếc mặt nạ đầy màu sắc… Quả là những ấn tượng khó phai…

7. The Spirit Tree – Ori and the Blind Forest

Ori and the Blind Forest thì có quá nhiều bản nhạc hay rồi, và hầu như bản nào cũng là một tuyệt phẩm. Có rất nhiều bản nhạc mà tôi yêu thích trong đó, nhưng The Spirit Tree là bản nhạc tuyệt vời nhất mà Ori đã đem lại cho tôi, nó rất thần tiên, bay bổng và cũng rất thơ mộng đậm chất fantasy của khu rừng huyền bí Nibel. Mỗi lần vào game và xong một chặng đường nào đó, tôi cứ luôn muốn ghé lại dừng chân nơi dưới tán Thần thụ Nibel này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần tiên nơi đây, cũng như được nghe lại bản nhạc này.

6. To the Ancient Land – Shadow of the Colossus

Hầu như những tựa game của Nhật đều là những tuyệt tác với những bản nhạc nền lắng đọng lòng người, và Shadow of the Colossus, qua bàn tay của nhà soạn nhạc Kow Otani, cũng không phải ngoại lệ khi đã có được một bộ soundtrack tuyệt phẩm với những bản nhạc cực kì sâu lắng và mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, mà tiêu biểu trong số đó là To the Ancient Land. Lần đầu tiên tôi nghe được bản nhạc này khi tình cờ thấy trailer remaster của tựa game trên trong khi dạo youtube, và ngay lập tức đã bị choáng ngợp bởi nó. Mở đầu với vầng trăng tròn vằng vặc, những nốt nhạc thơ mộng hiện ra, tiếp nối là những điệu nhạc léo lắt với những tiếng sáo vi vu song hành cùng cảnh sắc đưa đường cho anh chàng Wander vượt qua bao nỗi gian nan vất vả. Cuối cùng, khi đã đến Vùng Đất Lãng Quên, thì bên cạnh góc quay lia máy dài, thì âm nhạc lại da diết nhẹ nhàng, réo rắt khơi gợi người xem cảm nhận sự cổ kính, đồ sộ và hùng vĩ của vùng đất nơi đây, mà thật sự lần đầu chứng kiến đã khiến cho tôi shock và bị áp chế thật sự với vẻ đẹp mà nó mang lại. Kể từ đó về sau, bản nhạc này luôn luôn nằm trong những bản soundtrack game mà tôi yêu thích nhất để giới thiệu với mọi người.

5. Now That This Old World Is Ending – Far Cry 5

Bên cạnh sự hỗn loạn náo nhiệt của Far Cry 5, thì bản nhạc này đã đem lại một sự bình dị chân chất và mộc mạc của đồng quê như để cân bằng lại, và chính vì điều đó đã khiến nó là một trong những bản nhạc game relax nhất mà rôi từng biết và yêu thích. Tiếng guitar mộc, tiếng cello kéo khiến tôi đắm chìm trong một vùng nông thôn Mỹ thanh bình yên ả, với những căn chòi gỗ ấm cúng giữa rừng, những cánh đồng cây trái ngọt lành, những dòng suối róc rách chảy đem lại sự bình yên và thư thái trong tâm hồn, khiến ta lưu luyến mãi không rời chân.

4. For River – To The Moon

Thực chất ban đầu tôi không để tâm đến bản nhạc này lắm, nhưng sau khi chơi xong 1 thời gian lôi ra nghe lại thì thích nó cực kì. Mở đầu chỉ có 2 nốt lặp đi lặp lại thôi, nhưng lại cuốn hút đến lạ và cực kì khó mà quên được cái giai điệu của nó, và rồi… thôi cứ nghe đi cảm nhận thì nhiều mà khó diễn tả quá.

3. Everything’s Alright – To The Moon

Mà đã nói đến To The Moon mà không nhắc đến Everything’s Alright thì quả cũng là một sự thiếu sót to lớn. Bản nhạc này thì tôi chẳng dám nói thêm rồi, không khéo viết thì ít mà khóc thì nhiều. Nội cái giây phút bài hát này được cất lên trong To The Moon thì tôi đã phải vội vàng đi kiếm khăn giấy mà thủ sẵn, nên… tôi nghĩ cứ nên tự trải nghiệm thôi vậy. Nói chung nhạc của Laura Shigihara thì mặc định là tuyệt phẩm, từ chất giọng đến bản nhạc, lời hát, và mặc dù giới thiệu vậy chứ tôi nghĩ phải trải qua cả tựa game, mới thật sự thấm bản nhạc này (dĩ nhiên không phải là ba lăng nhăng chơi cho có để trả hàng). Và như vậy, tôi dám chắc một điều, là nếu không có Everything’s Alright, thì chắc chắn, To The Moon sẽ không còn bao nhiêu ý nghĩa nữa, bởi vì bản nhạc đó chính là thổi hồn cho cả tựa game, khiến nó thăng hoa và trở thành một tuyệt phẩm.

Dưới đây là bản cover Everything’s Alright của Lizz Robinet, mà tôi cho là nó còn hay hơn cả bản gốc của Laura Shigihara nếu chỉ xét khía cạnh đứng riêng một mình so với game. Mà thật sự cũng hiếm có trường hợp Cover hay hơn bản gốc lắm.

2. Wish My Life Away – Finding Paradise

Hết Everything’s Aright thì lại đến bản này, và thật sự thì tôi vẫn không thể nói bản nhạc nào hay hơn cả. Dù sao, mỗi khi 2 bản nhạc được cất lên trong To The Moon và Finding Paradise thì con tim tôi tự có nghĩa vụ thổn thức và những giọt nước mắt chỉ có việc phải nhỏ xuống gò má mà thôi. Lời nhạc thì đem lại những ý nghĩa đáng quý của cuộc đời, còn giọng hát truyền cảm của Laura Shigihara thì đã thổi hồn vào nó. Ôi… Kan Gao, tại sao ông toàn viết ra những tựa game đau xé lòng và những bài nhạc mà không thể kìm nén được vậy? Âm điệu thì nhẹ nhàng sâu lắng, lời nhạc thì thật thấm, còn giọng ca thì cứ như không còn gì có thể so sánh được vậy. Thật sự, vẻ đẹp của âm nhạc là đây chứ đâu…

1. Ezio’s Family – Assassin’s Creed 2

Khi Assassin’s Creed 2 đã trở thành nền tảng chuẩn mực của cả dòng game Assasin’s Creed, thì Ezio’s Family cũng đã trở thành thánh ca của cả dòng game này, và gần như xuất hiện ở mọi tựa game về sau, chỉ là thêm thắt biến tấu tí giai điệu cho hợp với mỗi tựa mà thôi. Cổ kính lãng mạn của phần gốc AC2, trầm buồn da diết đầy muối tiếc của Rouge, dồn dập của Unity, thanh thoát léo lắt của Syndicate, hay huyền bí cổ kính Ai Cập của Origins… Nhưng dù sao, bản gốc vẫn là tuyệt vời nhất với những nét cổ điển Ý, hào hoa, phong nhã, đầy màu sắc, nhưng cũng thật bay bổng, thanh lịch và quý phái như chính con người chàng Sát thủ trẻ tuổi Ezio Auditore da Firenze vậy.

Nhạc nền Assassin’s Creed Rouge, một trong những bản Cover lại Ezio’s Family hay nhất trước giờ

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • Ken Longbottom - 22.10.2018

    Nghe lại mà cảm xúc dâng trào. Bao nhiêu tiếng đồng hồ, bao nhiêu ngày tháng hoà vào thế giới ấy vs những bản nhạc ấy, cảm giác muốn chơi lại hết tất cả các game ngay bây h luôn :))


  • Mimir's Left Eyes - 22.10.2018

    Mới đây nghe bản “The Summit” trong God of War 2018 ở khúc cuối của cuộc hành trình, không giống như các biến thể khác của bản này như “Ashes” hay là “Memories of Mother” trầm buồn và trưởng thành hơn, bản này âm cao và thanh như tiếng reo vui của đứa con được trở về nhà, nhưng mà lại trong khung cảnh quê hương không thể buồn thảm hơn, cho người chơi nhiều cảm xúc rất khó tả. Ai bảo game không phải là nghệ thuật.


  • Blackwood - 22.10.2018

    “Kaer morgan…còn gọi là nhà”
    mỉa mai nó lại là ngôi nhà mà “Một số Witcher” (ấy nếu họ còn sống sau Thử thách độc dược và hoàn thành khóa học, như Lambert) lại không mấy “Thiện cảm” lắm


  • Hưng - 23.10.2018

    Vẫn thích nhất là bản main theme của Valiant heart the great war. Mỗi lần nghe lại là lại nhớ đến một câu chuyện buồn 🙁