Far Cry Primal: Thời kì đồ đá hoang sơ

Khách quen

  

Sau kha khá lần dạo chơi ở quần đảo Rook nhộn nhịp xứ nhiệt đới trong Far Cry 3, giải quyết bọn hải tặc giải cứu bạn bè, hay du hành vùng núi Kyrat xứ Himalaya hùng vĩ choáng ngợp trong Far Cry 4, lật đổ chế độ độc tài và tìm ra đường đi lối về cho một đất nước nội chiến. Tận hưởng không gian rộng lớn với những màn quẩy tung nóc với tiếng súng ống đì đùng, những pha rambo với lựu đạn, bazooka cày nát pháo đài,… Thì bây giờ, tạm biệt những kho súng đạn đầy ắp, tạm biệt những âm mưu đen tối với cốt truyện hack não, để đổi khẩu vị trước khi bước vào Far Cry 5, Ubisoft chào đón chúng ta đến thế giới thuở hồng hoang 10.000 năm trước Công Nguyên, tìm hiểu thế giới loài người tiền sử trong Far Cry: Primal.

Thật sự nói cho cùng thì thời tiền sử, thế giới còn ban sơ và còn rất đơn giản, nên suy ra ngẫm lại cốt truyện của Far Cry Primal thì cũng không quá phức tạp. Trong vai Takkar, một thợ săn tộc Wenja duy nhất sống sót sau khi một cuộc đi săn voi Mammut bất thành. Chúng ta sẽ được du hành đến vùng đất Oros hoang sơ để gầy dựng lại bộ tộc của mình với vai trò trưởng tộc, cũng như để cạnh tranh địa bàn với tộc Udam tàn bạo thích ăn thịt người, và tộc Izila cuồng tín thờ thần Mặt Trời chuyên săn nô lệ. Có vậy thôi. Đồng thời, đây là lần đầu tiên Ubisoft đưa vô cơ chế cốt truyện phi tuyến tính, không còn phải chơi theo một lối mòn nữa mà chúng ta có thể làm theo bất cứ trật tự gì tùy thích. Điều này dĩ nhiên ưu điểm là cốt truyện sẽ tùy biến và hứng thú hơn, nhưng ngược lại, nó cũng tương đối rời rạc và thiếu mạch lạc, nhưng những gì cốt truyện Far Cry Primal đem lại thì vẫn còn… được. Cái hay của dòng game Far Cry, là một cốt truyện thú vị với những âm mưu đen tối, thâm sâu, sự phản bội với nhân vật phản diện ấn tượng. Nhưng chúng ta cũng đâu thể mong đợi những điều đó ở một thế giới tiền sử, với những con người thưở hồng hoang vốn suy nghĩ đơn giản thiệt đúng không? Ngoại trừ Tensay, pháp sư của tộc Wenja với lối kể chuyện hút hồn thần bí ra, thì hầu như đa số các nhân vật còn lại ít có dấu ấn gì lắm, nên tính ra thì thôi ta không nên xét nét làm gì. Còn so với 2 bộ tộc đối thủ Uma và Izila thì Wenja thật sự nhạt nhòa. Đám Uma thì cứ như dân Neanderthal khát máu đập phá lung tung ấy, còn Izila thì như một đám Aztec thích làm nông và thờ mặt trời, ít ra còn đặc trưng gì đó, chứ Wenja thì cứ như một cộng đồng săn bắt hái lượm. Thế thôi.

Tính ra, cốt truyện chính của Far Cry Primal thật sự không hề dài, nhưng thời gian bạn phải bỏ ra là kha khá nhiều. Bởi vì nói thẳng là hơn 70% thời gian bạn bỏ ra để khám phá thế giới nhằm… lượm đồ và chế tác. Đúng chất người tiền sử nhỉ, mọi thứ chỉ xoay quanh thu, hái, lượm, chế, và sinh tồn. Thời tiền sử có quá nhiều thứ bạn muốn làm, nhưng rồi bạn chẳng được làm gì mà cứ phải chạy long nhong khắp nơi, spam nút loot để lượm gỗ, đá,… để liên tục chế thêm lao, tên,… vũ khí, bomb… vốn vơi liên tục theo thời gian. Bạn còn phải chạy long nhong lượm lá để chế đồ thuốc, vì cơ bản thời này làm gì có tiền tệ mà mua sắm. Không những thế, là tộc trưởng của Wenja, bạn cũng phải xây dựng lại ngôi làng của mình bằng cách lượm đồ và chế đồ. Ghét nỗi, dù bạn có làm gì đi nữa, thì cái vụ chế đồ nó nản không tưởng. Vì suy ra cho bạn không hề tùy biến một cách tự do và thoải mái được (như một số game sinh tồn khác, mà cái này là thuần sinh tồn luôn còn gì). Bạn luôn bị bó buộc trong một giới hạn nào đấy, không thể kết hợp món này với món kia cho mạnh hơn, nguy hiểm hơn được. Vũ khí thì cũng nhiêu đó, bạn không thể kết hợp cho mạnh thêm, cũng không thể xây dựng ngôi làng của mình tự do hơn theo kiểu mình thích được mà luôn theo một lối mòn định sẵn. Chạy long nhong, lượm đủ nguyên liệu, về làng nhấn cái nút và xong, thêm một túp lều mới xuất hiện. Hết. Điều đó khiến ban đầu mình kiểu “thôi cũng được vậy”, nhưng lâu dần bạn sẽ chán không tả nổi. Xây dựng một cộng đồng thì dễ, nhưng để gắn kết với họ mới khó và có lẽ Ubisoft đã bỏ lơ cái mảng này vì… thật sự có mấy khi bạn ở làng đâu. Oros có quá nhiều thứ để làm, và cứ như mọi chuyện bạn làm cũng vì bản thân bạn vậy, còn bộ tộc của bạn thì có nghĩa lí gì đâu. Bạn có thể đi khắp mọi nơi mà không lo ngôi làng của bạn bị tấn công, thiên tai, hiểm họa,… vì mọi thứ đã có cốt truyện lo. Chỉ cần lâu lâu về nâng cấp 1 tý để mở khóa vật phẩm, điểm kinh nghiệm hay trang bị là được rồi. Và bạn cứ làm như vậy mãi… như vậy mãi…

Vùng đất Oros của Far Cry Primal thì thật sự là đẹp, tuy nhiên không thật sự ấn tượng nếu so với Rook, Kyrat hay sau này là Hope County. Đành rằng vùng đất Oros rất hoang sơ, rất đẹp với những tán rừng nguyên thủy bí ẩn, những thảo nguyên mênh mông bao la, những thác nước hùng vĩ hay những đầm lầy, hang sâu bí ẩn chưa dấu chân người khám phá. Phía bắc là vùng núi tuyết khắc nghiệt, còn phía nam nóng bức với những đầm lầy bất tận ẩn sâu những mối nguy hiểm chực chờ. Nhưng vùng đất này lại không có những nét riêng biệt đặc trưng gây ấn tượng như những nơi khác. Vì thật sự hầu như Oros không có những nét riêng biệt mà cứ từa tựa như những nơi còn lại, mỗi tội hoang sơ hơn, ít người hơn mà thôi. (Chưa kể lại có một số tin đồn Oros lấy nguyên bản đồ của Kyrat chỉnh sửa lại nữa). Bởi vì vắng bóng chân người, nên Oros lại ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm hơn, với những động thực vật ẩn giấu, những con voi Mammut đi theo đàn, những con hổ răng kiếm cổ đại đi săn mồi, những bộ xương khủng long còn chưa hóa đá hay… cái xe hơi tiền sử của gia đình Flintstones. Vùng đất Oros thì luôn tồn tại những mối nguy hiểm, nhưng thiệt sự bạn sẽ chẳng thấy nguy hiểm gì mấy khi nhân vật chính có thể xiên được bất cứ loài kẻ địch nào. Voi Mammut, hổ răng kiếm, sói cổ đại, tất cả sinh ra chỉ để anh Takkar lột lông đi chế tạo trang bị hoặc thuần hóa làm pet thôi. Nói chung thế giới của Far Cry Primal thì rộng thật, lớn thật, nhưng thật sự thì vẫn chưa hề có chiều sâu mấy. Nhưng so ra cái việc cưỡi hổ răng kiếm đi long nhong khám phá, buồn buồn đi đập mấy cái động thổ dân thì cũng vui đấy chứ.

Ố là la cái gì đây???

Dĩ nhiên ở thế giới tiền sử ấy, ta cũng sẽ không còn những món súng ống đạn dược các kiểu nữa. Tất cả chỉ còn là giáo mác dao rìu búa cung các kiểu mà thôi. Cung thì có tầm xa tầm gần, hay bắn 2 tên cùng lúc, giáo mác búa chùy thì chủ yếu dùng để đập hoặc phóng chọi nhau cho vui. Mà ngộ nhất là không hiểu sao thời đồ đá mà còn chế ra tên độc, bom ảo giác hay móc đu để leo núi như đúng rồi ấy. Đành rằng không còn vũ khí tầm xa, đáng ra Ubisoft phải nâng cấp cận chiến lên cho thú vị hơn. Tuy nhiên cầm mấy cái chùy hay giáo trong tay, bạn chỉ có thể đập đập, chọt chọt, hự hự như một người tiền sử thứ thiệt mà không có đỡ, gạt, né gì cả. Đơn thuần là đập nhau các kiểu thôi. Chính vì cơ chế combat quá nhàm, khiến cho thú vui duy nhất của bạn sẽ là stealth mọi lúc mọi nơi, lao vào một cái đồn như cơn gió, ám sát hết mọi kẻ địch và bỏ đi mà không có ai phát hiện, vì nom ra nó còn thú vị hơn đôi chút. Nhưng seriously? Một người tiền sử mà lại steath như một sát thủ lành nghề qua nhiều năm kinh nghiệm. Hư cấu quá đi. Nhưng thật sự chính những món đồ chơi tiền sử đó, lại chính là tiền đề để sau Ubisoft lại đưa vào Far Cry 5 thành những món vũ khí cận chiến dưới dạng xẻng, ống nước, gậy, cờ lê… các kiểu. Bản chất cơ chế cận chiến này thì cũng không khác gì Primal nhưng không hiểu sao khi trải nghiệm ở Far Cry 5 tôi lại thấy thú vị hơn rất nhiều nhiều. Không hiểu phải do tôi quá cảm tính thiên vị gì hay không? Hay vì bên cạnh những pha rambo cầm súng càn quét hầm hố náo nhiệt, thì cái việc cầm xẻng steath hay chọi nhau sẽ làm gameplay dịu lại và cân bằng hơn, nhẹ nhàng hơn… Nói chung thật sự cơ chế cận chiến của Primal tôi thấy khá nhạt nhòa, nhưng nếu biết dùng và cải thiện đúng cách thì sẽ được hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Takkar cũng được ban một thiên khiếu có thể thuần hóa và chế ngự động vật, khiến anh có thể kết nối và điều khiển một con cú đồng đội giúp Takkar có thể nhìn qua đôi mắt của nó để theo dõi bản đồ từ trên cao, đánh dấu đường đi của địch, quấy rối, thăm dò,… (mà rõ ràng cái tính năng này sau được bê nguyên xi vào Assassin’s Creed Origins và Odyssey). Không những thế, để thay thế cho mấy chiếc xe tải, xe máy trong bản trước, lần này chúng ta sẽ di chuyển bằng…thú :v, nghe ngầu hơn nhiều so với mấy cái động cơ máy móc kia. Thú cưỡi là một người bạn đồng hành thân thiết của chúng ta, giúp ta di chuyển giữa các vùng đất, là trợ giúp đắc lực của ta khi đối đầu với kẻ địch và đánh đồn. Có rất nhiều loại thú có thể thuần hóa và trở thành bạn được như sói, gấu, hổ,… nhưng đồng thời cũng có một số nhiệm vụ đặc biệt để thuần hóa những con thú hiếm như Gấu khổng lồ, Hổ răng kiếm,… và dĩ nhiên là hàng hiếm thì cũng phải chất lượng tốt, đồng thời cũng khiến trải nghiệm thú vị hơn rất… rất nhiều. Nhưng nói thì vui vậy chứ thật sự bạn sẽ không cảm thấy gắn kết với con thú của mình. Nó không có tên, không có kỹ năng, không có nâng cấp rèn luyện, và có quá nhiều con thú với chỉ số khác nhau, nên thật sự nó chả khác gì một món hàng, thấy con này cao hơn thì đổi, thấy con kia dở hơn thì đá ra. Khi gặp nạn và con thú mình chẳng may bị sao mất mạng thì, cùng lắm đắp cho miếng thuốc rồi vài phút sau nó xuất hiện lại như chưa hề có cuộc chia ly mà thôi. Thế đấy. Nhưng nói thật, ai chả thích cưỡi hổ tiền sử hơn lái xe hơi chứ.

Như vậy, thật sự nếu xét khía cạnh đánh giá một tựa game hành động, thì mình cảm thấy Far Cry Primal lại không quá đặc sắc; còn nếu xét về khía cạnh game sinh tồn, thật sự có quá nhiều game hơn hẳn Primal. Thậm chí, nếu xét về những giá trị cổ điển của Far Cry thì nó vẫn chưa có nét riêng gì nổi trội, thậm chí đôi chỗ còn thụt lùi. Nhưng mà nói gì thì nói, tôi nghĩ rằng có lẽ đối với Ubisoft, Far Cry Primal là một bước đệm để họ chuyển mình đến một giai đoạn mới, là nơi Ubisoft thử nghiệm những tính năng mới lạ (bởi vậy họ chẳng buồn làm DLC cho Primal làm gì) để mà sau này, họ có thể ứng dụng vào những tựa game tiếp theo như Far Cry 5, Assassin’s Creed Origins,… Nếu hiểu thế, có lẽ cũng không nên quá khắt khe với Primal làm gì, cũng như chê trách nhiều Ubisoft lười nhác, cẩu thả hay gì được khi phát triển tựa game này. Và vì nếu bản chất mục đích của Far Cry Primal là để thử nghiệm, thì thật sự game cũng đã hoàn thành tốt vai trò của nó và suy ra cho cùng cũng có một giá trị nhất định. Dù sao đi nữa, bối cảnh thời tiền sử cũng thú vị đó, nhưng có lẽ nếu Ubisoft chú tâm hoàn thiện hơn chút nữa thì sẽ tốt hơn nhiều.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Ken Longbottom - 24.11.2018

    thật sự hình như mỗi mình mình yêu thích con này :))


    • Quang Huy Nguyễn - 24.11.2018

      Thiệt ra mình viết hơi phiến diện và gay gắt quá chứ có lẽ con này làm khá tốt nhiệm vụ của nó là làm nền để chuyển tiếp giai đoạn thôi. Kiểu nó có tiềm năng nhưng đầu tư chưa đúng mức nên…