Disco Elysium đã ra đời từ 2019, đã được người ta sờ mó, dòm ngó chán chê và đến tận bây giờ tôi mới có thể tự vỗ ngực mình cũng đã hoàn thành game mà điểm TOEIC chưa vượt qua ngưỡng 200. Vừa kết thúc khung cảnh cuối cùng, những dòng credit lạnh lẽo hiện lên cùng với những suy nghĩ ngổn ngang không chỉ của riêng tôi mà bất cứ ai trải nghiệm cũng sẽ đọng lại một chút gì đó. Liệu con người có thể chạy trốn khỏi quá khứ điên cuồng? Liệu con người có thể tìm thấy thiên đường nơi xưa hay chỉ là một chút bình yên? Disco Elysium là một mảnh ghép trả lời mà bạn có thể đang tìm kiếm. Đừng ngại ngần đứng trước cửa Whirling in Rags nữa, bước một chân vào quán, ngồi nghe nhạc và nhấp một ngụm cafe để cùng chìm đắm trong thực tại ở Revachol.
Tỉnh dậy trong một căn phòng bừa bộn, trạng thái vật vờ của một kẻ nát rượu và hàng nghìn câu hỏi còn vương vấn trong đầu. Bạn sẽ làm gì? Một trong những motif cơ bản của nhiều game đã được xào nấu lại đến mức “cliche” nhưng không hề gây nhàm chán. Trái lại, nó đã vận dụng cực kì tốt và đẩy người chơi vào cùng tình thế và cùng câu hỏi, mục đích của nhân vật chính: “Mình đang làm cái quái gì và bắt đầu từ đâu?”. Rõ ràng tôi đã quên khuấy mất ý định trước đó của mình là gì để thật sự để câu chuyện dẫn dắt, đắm chìm vào nhân vật và tìm hiểu thế giới quan của xung quanh, . Không phải tất cả chúng ta đều đang RPG trong chính thế giới của mình hay sao? Disco Elysium chỉ là một phương thức “isekai” để ngắm nhìn ai đó qua một lăng kính khác: lăng kính của Harry Du Bois.
Dạo một vòng quanh 36 phố cổ, bạn biết được mình là một thằng thám tử quèn – một trong những mắt xích của bộ máy tư bản. Tất nhiên người ta có phân chia cấp bậc rõ ràng thay vì một group nào đấy có đến 3 admin và đều là chính clone của mình. Và đừng mong chúng ta có súng bắn tia laser, phương tiện bay hay chống phá người ngoài hành tinh bởi vì bối cảnh được đặt vào thế kỉ 19,20 gì đó. Dĩ nhiên khi là thám tử thì chắc chắn sẽ có những “case” (vụ án) để giải quyết và tin tôi đi những vụ án này chắc chắn được xây dựng vô cùng logic, có chiều sâu cùng câu chuyện nền tàng bên lề. Cú mất trí nhớ ở trên chỉ là một động tác reset để bạn hứng thú với các công việc ngập mặt sắp tới.
Để giải quyết các vụ án mà chương trình đưa ra, các nhà phát triển đã ném “bôm bốp” vào mặt người chơi một công cụ có tên “skill”. Skill là sự mô tả tiệm cận về công cuộc khai phá cảm xúc, tiếng “lòng” của con người. Chúng được chia thành 4 thuộc tính chính: Intellect – Psyche – Physique – Motorics. Những sự lựa chọn về mặt chỉ số thực sự sẽ áp dụng lên chính bản thân của nhân vật trong game: một thằng trai tơ dẻo mỏ nhưng sự suy đoán và nhanh nhạy bằng không, một thằng người to óc bằng quả nho chuyên đi mạt sát vô lối người khác hay một thằng khôn vặt nhưng sự thấu cảm với người khác dưới mức âm,…. 4 nhánh skill lớn lại rẽ nhánh ra 24 skill – 24 khía cạnh khác nhau. Chúng đều được mô tả khá chung chung, đại khái nhưng khi áp dụng và nâng điểm, sự hiệu quả mang lại với mỗi người chơi lại khác nhau. Bạn sẽ nghĩ mình hay yêu đời và thân thể bất tử cường tráng. Nhưng bạn tôi ơi, năm 2021 hãy trầm cảm lên với hai thanh hiển thị: máu (do số điểm đầu tư vào Endurance) và tâm trí (do số điểm đầu tư vào Volition). Nghịch ngu như: đạp cửa, nâng tạ, khịa bọn đô con,… mất máu. Chơi đồ thì vui đấy nhưng đạo đức của bạn như một thằng đờ bờ rờ rờ. Và dĩ nhiên khi một trong hai thanh này tụt xuống, bạn chắc chắn sẽ được lên báo trang nhất về đám tang của mình. Hãy luôn để ý tới điều này nếu như không muốn phải load lại việc “đi cảnh” thêm một lần nào nữa.
24 kĩ năng tượng trưng cho 24 tiếng lòng sâu thẳm bên trong của nhân vật. Đôi khi cuộc đấu tranh lớn nhất không phải ở bên ngoài, mà nó xuất phát từ chính nội tâm bên trong. Mỗi khi có một vấn đề nào được đặt ra, chúng sẽ tham gia tranh luận, xâu xé mẩu chuyện và việc của bạn là phải đắn đo, suy xét xem mình sẽ làm gì với mớ lộn xộn đấu tranh tâm lý xảy ra. Giống như việc bạn đổ tiền vào mua PS5, tiếng nói bên trong sẽ xâu xé và chỉ ra những sự lựa chọn như: một là sẽ khuyên nhủ bạn tiết kiệm tiền mua bỉm sữa; hai là sẽ bảo bạn lừa vợ lừa con rằng đấy là máy lọc không khí hàng đầu thế giới; ba là nó sẽ bảo bạn dùng tiền đấy đi “đầu tư” vào lúc 6h30 để sinh lời,… Việc đa dạng và có nhiều những mảnh ghép skill tiếng nói này đã tạo một thế giới nội tâm muôn màu. Chính vì vậy mà những lựa chọn câu thoại lại càng ảnh hưởng đến hành động của bản thân hơn. Dĩ nhiên là các game RPG nào cũng cho bạn khả năng này. Ngoài ra những item liên quan đến “răng tóc là góc con người” thì cũng có khả năng tăng các chỉ số này lên để bạn tối ưu hóa lối chơi của mình.
Việc loại bỏ hoàn toàn những màn gunfight hay combat hoàn toàn hợp lý. Nó khiến giá trị của việc “đi cảnh xem thoại” được chú trọng hơn thay vì những thằng non-RPG như tôi (hoặc là GIỐNG QUÝ NGÀI NÀO ĐÓ) sẽ cố skip để đến màn đánh nhau loạn xạ xì ngầu. Câu thoại là một trong những trò đùa kệch cỡm nhất mà tôi thấy trong game. Bạn có thể là một thằng cảnh sát lạnh lùng, ngầu lòi nhưng sau vài dòng thoại thì có thể nhận ngay được achievement: “Unbelievably Boring F**k như thường lệ. Ngoài ra mỗi lần lựa chọn một quyết định hệ trọng, hệ thống sẽ đưa ra một giả định dựa trên những chỉ số bạn đã chọn ở trên. Nếu theo suy nghĩ logic thông thường, điểm đầu tư càng cao – tỉ lệ thành công càng cao và bạn sẽ được thấy hệ quả bất thình lình ngay trước mắt dù có thành công hay không. Game sẽ tạo ra ảo giác về sự lựa chọn mặc dù thi thoảng sẽ có một vài trường hợp ngoại lệ như việc: dù chỉ vỏn vẹn có 3% nhưng tôi vẫn sút vào đầu Measurehead… Hãy thử khi còn có thể, lời khuyên của tôi nếu như bạn muốn thấy một điều gì đó mới mẻ hơn. Nếu không thành công trong việc kiểm tra hành động, nó vẫn sẽ hiện hữu ở đấy, kích thích sự tò mò và làm chúng ta cảm thấy khó chịu và phải cân nhắc phân bổ điểm kỹ năng để khám phá bí ẩn vẫn đang còn tồn đọng đó.
Thought Cabinet là nơi sẽ hình thành thế giới quan của bạn sau khi quyết định một vấn đề nào đó. Thought Cabinet sẽ đặc tả miêu tả nội dung sâu bên trong suy nghĩ của bạn, đồng thời chúng sẽ đưa ra các lời mời hấp dẫn. Tuy nhiên mỗi khi bắt đầu có một suy nghĩ mới, người chơi phải bỏ ra kha khá thời gian để thích nghi và sẽ mất thêm một slot cùng với một điểm cộng kĩ năng. Sự đánh đổi hoàn toàn là hợp lý khi Thought Cabinet dựa trên cơ chế “high risk – high reward” vì không phải tất cả các suy nghĩ đều tốt và hoàn toàn có lợi cho bạn. Bạn phải suy nghĩ thật kĩ nếu như không muốn lãng phí tài nguyên. Vì khi nó ăn sâu vào não, chả có cách nào phẫu thuật hay cắt bỏ ngoại trừ lại phải hi sinh một điểm kỹ năng. Bạn biết đấy! Không dễ gì để quên đi mấy chuyện xấu hổ hay là quên đi người yêu cũ cả.
Disco Elysium như đã nói là một game đi cảnh “xem thoại”. Việc sở hữu một lượng lớn từ ngữ đồ sộ như vậy thì nó đã chạm đến rất nhiều góc cạnh, mặt tối của xã hội: những con người tàn dư của cuộc chiến tranh, những cuộc khởi nghĩa và sự phân chia giai cấp, thế giới quan và quan điểm về thế giới của mỗi nhân vật. Bạn sẽ không cần thiết phải trách bản thân về khoản tiếng Anh đâu, chỉ là ngôn ngữ và chủ đề trong game khá khó nhằn và bao la mây mù (tôi cũng xin thú thật mình đã skip vài đoạn vì đọc khá buồn ngủ và khá ngớ ngẩn). Sự tỉ mỉ về ngôn ngữ càng giúp bạn hiểu cái gì đang xảy ra xung quanh, hiểu được từng cá tính, quan điểm sống của mỗi nhân vật. Mỗi nhân vật không được xây dựng nên để cho có, qua loa mà chúng đều có một câu chuyện hấp dẫn đằng sau chờ bạn khám phá (trừ thằng Measurehead và lũ edgy punk rock nửa mùa). Xem chừng nhiệm vụ lúc đầu của chúng ta là giải quyết cái xác treo cổ ở vườn đằng sau khách sạn nhưng không vì thế mà sức nặng của những nhiệm vụ phụ lại giảm đi. Chỉ cần mở mắt ra mỗi ngày, một mớ công việc ùn lên và bạn chẳng thể nào biết được đâu là việc cần làm đầu tiên đâu. Chúng sẽ cứ phân bổ ở đấy, trộn lẫn vào nhau và xóa bỏ đi suy nghĩ rằng: “Mình phải nói chuyện với ông ABCXYZ, mình phải hoàn thành nhiệm vụ chính thay sau đó mới làm nhiệm vụ phụ”. Chính sự “hòa tan” nhiệm vụ này khiến cho nhân vật nào cũng có quyền lên đề xuất và cũng đáng để khám phá. Thời gian trong game cũng khá đặc biệt. Thời gian chỉ trôi vùn vụt khi bạn và NPC nói chuyện, tán nhảm với cô em đứng ở cầu thang, trêu người thằng Cuno. Game cũng cho bạn những khoảng lặng, nghỉ ngơi: đi ngủ, ngồi ghế đá ngắm chim đọc sách, chơi board game, hay chỉ là vô tình gọi điện thoại và nghe giọng nói quen thuộc trên đó,….. Vì vậy đừng lo mà phải chạy lông bông như thằng điên trong cái quận Martinaise 24/7.
Ngoài gameplay hấp dẫn như kể trên, một thứ làm nên tên tuổi của Disco Elysium là sở hữu đồ họa cực kì trừu tượng và bắt mắt. Tôi không chắc chúng thuộc trường phái hội họa hay nghệ thuật nào nhưng bất kì nhân vật nào, những mảnh ký ức nào, những hình ảnh skill nào cũng được phác họa và mô tả cực kì nghệ thuật. Nhưng vì game cũng không được “trẻ con” cho lắm nên toàn bộ khung hình nào cũng đều những tone màu lạnh lẽo, ảm đạm. Các hình ảnh sặc sỡ lại thường là những hình ảnh ẩn dụ làm nổi bật và giúp người đọc hình dung về thực tại đang diễn ra (như hình ảnh nhân vật chính treo cổ trong vườn với ánh đèn tỏa sáng). Hoặc một vài chi tiết nhỏ tôi có thể tìm kiếm trong đồ họa của họ như: Kim – người đồng nghiệp của chúng ta, có chiếc vòng hào quang phía sau y hệt những vị thánh thần gì đó, đi theo và bảo hộ cho nhân vật chính như cái cách anh ta làm trong game. Đúng là không có ranh giới gì giữa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật nhưng được cài cắm trong game. Suy nghĩ, cảm nhận như thế nào đều là của mỗi cá nhân khi nhìn vào những bức tranh muôn màu ấy. Cảm thấy không cảm thụ được art, về nhà cộng thêm điểm Conceptualization đi các người bạn.
Âm nhạc trong game không quá đỗi kinh điển như những con game indie kéo khách khác. Chúng chỉ dìu dịu, vừa đủ thay đổi theo môi trường. Lúc thì khá vui tươi khi ở trong quán Whirling in Rags, khi thì nhè nhẹ vỗ về chúng ta khi đi ra biển, khi thì dữ dằn đột ngột khi chúng ta phát hiện ra điều gì đó khúc mắc, bí ẩn. Riêng bài hát khi chúng ta đi lên hòn đảo, lời bài hát như ám ảnh tôi. Có lẽ ngoài 24 góc khuất trong tâm hồn ở trên, bài hát như một sự tha thiết muốn được tự do như lời bát hát: “Want to be free. It won’t last forever”. Liệu những người ở trong Martinese, hay chúng ta người chơi đã một lần muốn thật sự tự do không? Âm thanh đôi khi sẽ khiến bạn giật mình bởi những tiếng động vô cùng kỳ quái hay những tiếng kim loại khô khốc vang trong không khí rất chân thực. Mặc dù có thể về phần hình ảnh không miêu tả được rõ hành động bạn đang làm, nhưng âm thanh khiến việc đang làm thật sự có tác động và nhập vai thực sự khi phá án,
Cái kết có lẽ làm khá nhiều người cảm thấy không hài lòng. Nhưng tôi đã thỏa hiệp với nó và cái mà thông điệp game mang lại. Chỉ vỏn vẹn 40 tiếng đồng hồ, game đã cung cấp một lượng lớn kiến thức, khai thác được những chiều sâu góc khuất trong con người hay chính xã hội mà họ đang sống trong đó. Disco Elysium như một thiên đàng, một ánh hào quang để mọi người có thể hướng đến, quên hết buồn đau hay gột rửa tội lỗi. Mỗi cá nhân khi đặt chân đến Martinsese đều đang chạy trốn khỏi thứ gì đó, đều đang muốn xóa đi những vết nhơ, tội lỗi của mình trong quá khứ. Từ đứa trẻ con, từ ông già cho đến những người đang khao khát chạy trốn khỏi thực tại này. Bạn đã bao giờ một lần một quên sạch đi quá khứ như cái cách nhân vật làm trong Thought Cabinet, hay muốn tìm kiếm những chân trời mới như Disco Elysium để thanh lọc tâm hồn chưa? Bạn đã bao giờ bị rằng xé bởi phần con (ancient reptilian brain) hay phần người (limbic system) mỗi khi nhắm mắt qua ngày mới chưa? Hay mỗi khi bạn có quyết định gì, 24 tiếng nói kia đã giằng xé tâm can bạn chưa? Disco Elysium có thể sẽ là nơi cho bạn những câu trả lời như vậy. Một trải nghiệm rất thật, rất đời không chỉ trong game mà trong thâm tâm, bản ngã của mỗi người. Nếu bạn muốn hiểu một phần con người bên trong mình, Disco Elysium có lẽ phù hợp với bạn.