Đầu những năm 1800, Hội Sát Thủ tin rằng Sultan Selim III của Đế chế Ottoman đã sở hữu viên kim cương Koh-i-Noor, một tạo tác cực kì hùng mạnh. Khi mà Hội Dòng Đền lẫn Napoléon đều tìm cách chiếm đoạt viên kim cương này, Sát thủ Ahkbar được giao nhiệm vụ thâm nhập vào nội bộ của Sultan, và sớm trở thành cánh tay phải của Selim. Năm 1805, nghe tin rằng Hắc Thập Tự (đặc vụ của Hội Dòng Đền) Solomon Bolden và điệp viên Jan van der Graff của Napoléon tìm cách đột nhập vào cung điện Sultan, ông mở một cuộc phục kích đã giết chết Bolden và bắt giam van der Gaff. Tháng 7 năm 1808, Ahkbar đề nghị mua lại viên kim cương, nhưng Selim từ chối, vì thế ông đầu độc Sultan và lấy Koh-i-Noor, tuy nhiên bị giết bởi Jan van der Graff, vốn vừa trốn thoát khỏi tù. Mặc dù một số Sát thủ đã đối mặt với van der Graff, tuy hắn đã giả vờ giao tạo tác, nhưng thực chất đó là một cái hộp rỗng.
Ahkbar đối đầu với Jan van der Graff
Năm 1830, Hội Sát Thủ Canada đã đấu tranh với Château Clique, một hội nhóm các gia tộc Templar giàu có đang thống trị Quebec. Nhà báo Ludger Duvernay, một thành viên Hội Sát Thủ, đã viết một số bài báo cáo buộc Clique và phơi bày mối quan hệ của họ với Hội Dòng Đền, tuy nhiên sớm bị bắt giam vào tháng 1 năm 1832. Một thời gian sau Duvernay được các Sát thủ giải thoát, và đã xây dựng một tổ chức bí mật, Hội Thánh Saint-Jean Baptiste vào 8 tháng 3, 1834 nhằm mục đích hợp nhất người dân Quebec độc lập khỏi Canada.
Sát thủ Arbazz Mir
Những năm 1830, Hội Dòng Đền Anh Quốc chuyển sự chú ý của họ vào Ấn Độ, hy vọng sớm kiểm soát khu vực này thông qua cuộc chinh phục của Đế quốc Anh. Cho đến năm 1839, Đế quốc Sikh là pháo đài cuối cùng đối đầu với Đế Quốc Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, một nhóm Templar tập trung vào việc loại bỏ Maharaja Ranjit Singh, và chiếm đoạt Koh-i-Noor, nay thuộc về tay ông. Cố Vấn Sát Thủ Ấn Độ Hamid giao nhiệm vụ cho Arbaaz Mir lấy viên kim cương, và bảo vệ vị Maharaja khỏi kẻ thù. Ngày 27 tháng 6 năm 1839, Arbaaz giả trang làm một hoàng thân để đột nhập vào cung điện mùa hè của Ranjit Singh và lấy được Koh-i-Noor, tuy nhiên đã bị Templar Francis Cotton bắt được. Sau đó hắn và đồng bọn William Hay Macnaghten đầu độc Singh, tuy nhiên công chúa Pyara Kaur, nay đang sở hữu viên kim cương, đã thả Arbaaz ra khỏi tù giam, tham gia vào trận chiến với Cotton để bảo vệ cung điện. Vô tình, Pyara kích hoạt viên kim cương, và tạm thời hóa thân thành một “vị thần” Isu Durga khổng lồ. Cotton vô tình bắn vào Durga, phá vỡ viên kim cương tạo thành vụ nổ giết chết hắn. Một thời gian ngắn sau Koh-i-Noor tự hồi phục.
Sleeman và Burnes chiếm đoạt Koh-i-Noor
Cho đến năm 1841, viên kim cương vẫn thuộc quyền bảo vệ của Hamid, tuy nhiên ông bị bắt bởi 2 Templar William Sleeman và Alexander Burnes, kẻ đã lấy tạo tác. Arbaaz truy đuổi Sleeman đến Đền Amritsar, nơi hắn sử dụng Koh-i-Noor với Hộp Tiền thân để xác định vị trí Đền thờ Herat. Theo đuổi đến Herat ở Afghanistan, Arbaaz phát hiện ra ngôi đền đã bị phá vỡ, tuy nhiên sớm bị bắt. Anh trốn thoát, đánh bại Burnes và trở về Ấn Độ, giải cứu cho Pyara Kaur nay đang bị Sleeman bắt giữ. Cuối cùng, anh cứu được công chúa và viên Koh-i-Noor. Và sau đó anh trao lại cho Sát thủ Anh Ethan Frye giấu kín đâu đó tại Châu Âu.
Arbaaz trao Koh-i-Noor lại cho Ethan Frye
Kể từ cái chết của Edward Kenway vào năm 1735, Hội Dòng Đền đã thống trị London một cách mạnh mẽ. Kết quả, ảnh hưởng của Hội Dòng Đền đối với Đế quốc Anh là không thể đong đếm được, và Hội Sát Thủ bị đẩy ra xa phải hoạt động bên ngoài thủ đô Anh Quốc. Hội Dòng Đền đã luôn giữ vai trò đầu tàu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, và vào những năm 1860, Đại Sư Crawford Starrick đã lãnh đạo Hội Dòng Đền tại đây và tạo ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của London, đồng thời lãnh đạo một băng đảng tên Blighters.
Đại Sư Crawford Starrick trong thời kì Cách mạng Công nghiệp
12 tháng 4 năm 1861, Hoa Kỳ xảy ra nội chiến. Hội Sát thủ Mỹ hậu thuẫn cho Liên minh miền Bắc của Tổng Thống Abraham Lincoln, trong khi Liên bang miền Nam được hậu thuẫn bởi Hội Dòng Đền. Tháng 7 năm 1863, Cố Vấn Hội Sát Thủ tại Washington giao cho Sát thủ Varius ăn cắp một con dao làm từ một ngạnh chiếc Đinh Ba Địa Đàng từ Hội Aztec để giao cho tướng Ulysses S. Grant nhằm giúp Liên minh thắng cuộc chiến. Tuy nhiên sau khi thu hồi bảo vật, Varius bị Templar “Cudgel” Cormac – cháu trai Shay Cormac – tấn công và làm mất tạo tác. Sau cùng, Varius cũng đã lấy lại tạo tác trong tay Cormac, và đã đưa lại cho tướng Grant để giúp ông thắng trận. Sau vụ ám sát Tổng thống Lincoln dưới bàn tay Templar John Wilkes Booth, Hội Sát Thủ đã giết Booth vào ngày 26 tháng 4 năm 1865. Sau khi Ulysses S. Grant trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1868, Hội Dòng Đền xâm nhập vào chính quyền của ông, và họ giúp ông làm chủ sức mạnh của con dao bằng chiếc Hộp Tiền thân và bản thảo Voynich.
Jacob Frye, Evie Frye và Henry Green
Đầu năm 1868, cặp song sinh Sát thủ Jacob và Evie Frye ám sát hai Templar, Rupert Ferris và David Brewster ở Croydon, với vụ ám sát sau dẫn đến việc phá hủy một Quả Táo Địa Đàng. Chống lại quyết định George Westhouse cấp trên của họ, cặp song sinh Frye đi đến London để chiếm lại thành phố từ Hội Dòng Đền. Đồng thời, Hội Dòng Đền cũng biết rằng có một hiện vật được ẩn giấu trong lòng London, tấm Vải Liệm. Trong lúc Đại Sư Crawford Starrick kiểm soát thành phố, thì Lucy Thorne cố gắng xác định vị trí hiện vật. Khi cặp sinh đôi đến London, họ đã gặp Sát thủ địa phương Henry Green, con trai Arbaaz Mir và Pyara Kaur. Trong khi Jacob xây dựng một băng đảng the Rooks để đối đầu với Hội Dòng Đền và băng đảng Blighter của họ, thì Evie tập trung săn tìm tấm Vải Liệm. Trong vài tháng tiếp theo, Jacob ám sát hầu hết tất cả các thành viên chủ chốt của Hội Dòng Đền, còn Evie thì phải chạy đi giải quyết những hỗn loạn trong xã hội nảy sinh từ những cuộc ám sát này, bên cạnh việc xác định vị trí bảo vật. Cuối cùng, xác định được vị trí của Tấm Vải Liệm được cất giấu trong căn hầm bên dưới nền cung điện Buckingham, Starrick lên kế hoạch loại bỏ tất cả những người đứng đầu nhà nước tại một bữa tiệc được Nữ hoàng Victoria tổ chức. Trong khi Jacob giết tất cả các điệp viên của Starrick, hắn đã lấy được chìa khóa vào căn hầm và lấy được Tấm Vải Liệm. Mặc dù khi bất bại với tạo tác ở bên, cuối cùng cặp song sinh Frye với sự giúp đỡ của Henry Green đã giết chết được Starrick, và họ quyết định cất giấu hiện vật ở vị trí cũ. Sau đó, Henry kết hôn với Evie và chuyển đến Ấn Độ còn Jacob thì ở lại London để khôi phục Hội Sát Thủ tại nơi đây.
Cặp song sinh Frye đối đầu với Starrick
Năm 1872, trong một lần Henry và Evie quay về London, họ đã phá vỡ kế hoạch đột nhập vào bảo tàng Anh để ăn cắp Bản thảo Voynich của Alice, một đặc vụ Templar Mỹ. Với sự giúp đỡ của thám tử Pinkerton Tommy Greyling và Mark Twain, các Sát thủ đã dồn Alice đến đường cùng, tuy nhiên Alice tự tử cùng những trang bản thảo dưới lòng Đại Tây Dương. Năm 1874, Nikola Tesla tìm ra một Quả Táo Địa Đàng ở Tomingaj, Croatia. Khoảng năm 1883, Jacob đến Ấn Độ để học hỏi những chiến thuật gây sợ hãi ở đây, và đem về truyền lại cho tổ chức tại London. Tháng 6 năm 1884, Nikola Tesla đến New York và bắt đầu làm việc cho Thomas Edison, một Templar cho đến năm 1885. Sau khi độc lập, với những tri thức từ Quả Táo, Tesla đã phát minh ra điện và đối đầu với Edison trong cuộc đua cung cấp điện cho toàn thế giới, sự kiện sau được biết đến với tên gọi Cuộc chiến Điện năng. Đến những năm đầu thế kỉ 20, một số Templar đột nhập vào văn phòng Tesla và đánh cắp tạo tác, cùng với một số bản thiết kế của ông mang về cho Edison.
Tesla thí nghiệm về điện với Quả Táo
Trong triều đại của Sa Hoàng Alexander đệ Nhị, Hội Sát Thủ tại đây đã hoạt động dưới cái tên Narodnaya Volya (Ý chí Nhân dân). Năm 1881, họ đã ám sát Sa Hoàng, một con rối của Hội Dòng Đền, khiến cho con trai Alexander đệ Tam lên ngôi, trở thành một đồng minh của Templar và được trao một Quyền Trượng Địa Đàng. Năm 1887, Alexander đệ Tam hành hình Sát thủ Aleksandr Ilyich Ulyanov, anh trai của Vladimir Lenin.
Jack the Ripper, tên sát nhân khét tiếng London và là một học trò sa ngã của Jacob Frye