Hồi nhỏ mình thường hay chơi điện tử bằng một cái máy chơi game mà sau này mình mới biết nó là NES. Mặc dù game mình có hồi đấy không nhiều nhưng khi ấy cũng đủ cho đến khi mình có máy tính riêng và đến khi ấy mình mới có dịp chơi nhiều hơn vì có thể down rom từ trên mạng rồi chơi trong phần giả lập. Hồi đấy mình lại hay chơi thể loại RPG chiến đấu theo lượt đồng thời thời điểm đấy cũng bắt đầu tò mò với thể loại kinh dị (dù bản thân mình còn nhát) và một trong những game ấy mang tên Sweet Home.
Thực ra lúc tìm hiểu thêm thông tin về game này thì mới biết trước đấy cũng có phim thật và mình đã xem. Theo cá nhân mình nghĩ thì bản game vẫn hay hơn, vì không giống như phim, người chơi sẽ trực tiếp điều khiển những con người không may kẹt vào chốn nguy hiểm nên giờ phải tìm cách sống sót. Họ không phải là anh hùng giải cứu thế giới hay thợ sửa ống nước. Phải dò dẫm, chiến đấu với sự hỗ trợ hạn chế và kết như thế nào còn tùy vào khả năng của người chơi.
Game này làm mình nhớ những lúc mình thích được làm quản trò trong “Call of Cthulhu” trong khi mấy đứa bạn chơi cùng lại thích làm Elf với Dwarf trong D&D – thật không dễ để làm động chủ sao cho vừa lòng cả đôi bên…
Trong khi mình cũng hay chơi game kinh dị vào ban đêm thì mình lại thích hóa thân vào những con người bình thường nên mình rất hứng thú khi được điều khiển một nhóm làm phim tài liệu (có thể thay đổi tên trước khi chơi – mình thích tự tạo thay vì được game cho sẵn). Mỗi thành viên mỗi khác về thanh máu, tốc độ cũng như sở hữu những món đồ riêng trong trò chơi này. Chỉ là mình nghĩ là họ đã không chuẩn bị gì hết nếu có gì đó không ổn khi vô cái biệt thự này: căn nhà đó quá hiu quạnh xung quanh toàn là rừng với sông chứ không phải nơi nào gần khu dân cư nên nếu có chuyện gì không ổn thì chả biết kêu cứu ai.
Thực sự đồ họa trong game này so với mấy game nes khác thì lại khá là chi tiết trong tạo hình mấy con ma khi chiến đấu theo lượt ở góc nhìn thứ nhất (khá là chi tiết và vài kẻ thù còn làm mình sợ – đã thế nhiều con ma còn chơi đánh úp), mấy bức tranh trên tường cũng như mấy đoạn cutscence (và có vài cảnh khi nhân vật mình điều khiển bỏ mạng khá rùng rợn để khiến mình phải cẩn thận hơn vào lần sau). Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là game NES đáng sợ nhất về hình ảnh…
Thực ra mình không thích điều khiển mấy cái icon ở góc nhìn từ trên xuống cho lắm. Chí ít thì tạo hình nhân vật lúc chơi thì vẫn còn đẹp hơn Alone in the Dark (1992) – nhìn khác xa so với hình ảnh chỗ chọn nhân vật, nói thẳng ra nhân vật mình điều khiển mới là thứ đáng sợ nhất khi chơi game này (theo quan điểm của bản thân).
Nói chung thì bầu không khí trong game cũng khá tốt so với một game NES. Mình rất thích nghe bản nhạc nền của game này (đeo tai nghe). Hiếm khi nào mình lại mở âm thanh trong khi chơi game (vì chơi lén vào ban đêm) cho đến khi chơi trò này. Chỉ là những tiếng động khác thì lại hơi ít như lúc tấn công kẻ thù hay khi sử dụng vật phẩm… Đó là chưa nói việc cái căn biệt thự này cũng có nhiều mối nguy hiểm bất ngờ có thể lấy mạng nếu không nhanh tay.
Còn hành trình chạy thoát khỏi căn biệt thự bị ma ám của đoàn làm phim thì chỉ là phụ – câu chuyện được kể bằng những đoạn cutscence và những manh mối rải rác xung quanh – chỉ là hồi trước mình lại không để ý nhiều do lười đọc tiếng Anh (và nếu cần biết cách giải đố thì đã có hướng dẫn trên mạng)… Tuy nhiên, thứ kinh dị nhất trong game này lại chính là câu chuyện về những người chủ sở hữu căn nhà này (may là mình đã không chơi game nes này lúc còn nhỏ). Tiếc là mình chắc sẽ không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra sau cái kết ngỡ như mỹ mãn nhất… giống như rắc rối của đoàn làm phim vẫn chưa kết thúc. Mà rốt cuộc thì cái kết nào mới là chính thức?
Gameplay
Mình không biết là game này có manual để hướng dẫn không nhưng lúc đầu bản thân mình cũng có gặp khó khăn do cơ chế điều khiển khá là thách thức… dẫu mình đã vừa chơi vừa đọc mấy cái hướng dẫn trên mạng. Lúc chưa phải đánh với ma thì là nhìn từ trên xuống trong thời gian thực. Mình không thể hiểu nổi tại sao không cho cả năm người đi cùng nhau. Game này chỉ cho đi thành nhóm có 2 hoặc 3 người hoặc là đi một mình. Dĩ nhiên là trong lúc chiến đấu thì có thể gọi những người khác ngoài nhóm tham gia chiến tuy nhiên mấy lần cứu viện không kịp do khoảng cách quá xa – đã thế khả năng mang vật phẩm của cả 5 người khá hạn chế (có lần mình đã vứt một món đồ nào đấy vì nghĩ nó vô dụng cho đến khi cần – may là để đâu còn đấy vì còn nhớ chỗ).
Mình biết là nhân vật mà mình điều khiển không phải là những chiến binh thiện chiến nhưng nếu không phải vì cần phải đánh để level up thì mình đã lựa chọn chạy cho mọi cuộc chiến ngẫu nhiên trong biệt thực này. Những lần đánh nhau theo lượt với mấy con ma này không những giảm cột máu mà còn có thể bị dích độc hay bị nguyền rủa – cái bộ cứu thương ấy có thể chữa được nhưng thứ này không thể giúp 5 người trong game này hồi máu được còn thứ có thể làm được thì số lượng cũng hạn chế chỉ có thể kiếm được bằng cách lụm. Và nếu nhân vật đang điều khiển mà bị bỏ mạng là không có cách nào để hồi sinh dù vẫn có thể phá đảo game này nếu vẫn còn người sống sót. Và tiện thể cũng phải nói về cơ chế cầu nguyện có thể dùng lúc giải đố hay chiến đấu – rất hữu dụng nhất là khi chiến đấu với những đối thủ mạnh nhưng số lần sử dụng cũng có hạn.
Chính vì gameplay khó nhằn nên giá trị chơi lại của game này tùy vào khả năng chơi của bản thân: khi hoàn thành lần đầu thì mình đã mất tới hai người trước khi ra khỏi cái nhà này đã khiến mình cảm thấy phải chơi lại… nhưng một khi mình đã đạt được cái kết tốt nhất đều sống thì hứng thú ấy không còn nữa vì không những đã thành thạo cơ chế và vì chơi lại nhiều lần đến mức hiểu được cả cốt truyện của game này không còn hứng thú như lúc đầu khi chơi nữa. Tóm lại, cơ chế điều khiển của game này khá khó nhằn kết hợp với sự trợ giúp hạn chế cũng như mối nguy hiểm bất ngờ đã khiến cho trò chơi này đúng là địa ngục vào những phút đầu – mọi thứ chỉ dễ thở hơn khi người chơi lên tay còn nhân vật thì tiếp thu được kinh nghiệm.
Lúc đầu trước khi chơi thì đã không nghĩ sẽ được chơi game NES kinh dị – chứ hồi còn nhỏ mình lại chơi những trò với lối chơi đơn giản với tiết tấu nhanh hơn. Bầu không khí trong game này khá tốt nhờ hình ảnh cũng như tiếng động và đáng sợ mà không cần pha hù rẻ tiền. Cốt truyện trong game khá hay nếu đủ kiên nhẫn để đọc và sắp xếp dữ kiện (tiếc là mình lại không biết gì nhiều về năm nhân vật mà mình điều khiển. Mong là ngày nào đó sẽ có bản remake của game này… Nói chung nếu một ngày nào đó bạn muốn thử hoài cổ bằng cách chơi game xưa (hãy chuẩn bị tinh thần và đọc mấy hướng dẫn trên mạng để biết cách chơi – lần đầu mình đã chuyển sang game khác chỉ vì nó hơi phức tạp) thì hãy thử Sweet Home.