Phantasy Star II – từ thiên đường tới phản địa đàng

Khách quen

  

Khi nhắc tới mấy game RPG chiến đấu theo lượt thì chắc là mọi người sẽ nghĩ tới mấy series như Final Fantasy với Xenogears… Vậy bạn đã từng chơi Phantasy Star II chưa? Mình đang nói tới bản Sega Genesis chứ không phải online.

Cần câu con cá

Khi mình còn là học sinh thì những việc mà mình làm chỉ là cắp sách đến trường rồi ăn với ngủ và cúp học chơi nét. Đến hồi là sinh viên thì cũng chẳng khá gì hơn khi mà chỉ có ăn, ngủ và chơi còn thả cửa hơn vì không còn ai rảnh để quản lý nữa – thế là phải đến khi 28 tuổi mới tốt nghiệp. Khi ra trường đi làm để bương chải rồi mới biết thế nào là tự lực gánh sinh thì mới biết thế nào là trách nhiệm – nhiều lúc chỉ ước đi làm trước hay đi nghĩa vụ đã rồi hẵng học đại học. Nhiều lúc mình chỉ ước không làm mà vẫn có tất cả mọi thứ… Và trong Phantasy Star II lại có một hành tinh xanh nơi mà người dân không làm mà vẫn có ăn! Tất cả là nhờ Mother Brain đã chăm sóc hành tinh này – vốn trước kia chỉ là sa mạc.

Trong mấy tựa game RPG khác vì lấy bối cảnh trung cổ nên nếu muốn hồi sinh lại những người đã ngã xuống thì hãy đi… nhà thờ. Cứ chịu khó save thường xuyên – dù việc này lúc đầu khá phiền toái trong game này – rồi load lại nếu có gì không ổn. Còn ở trong Phantasy Star II do lấy bối cảnh khoa học viễn tưởng với công nghệ hiện đại tới mức có thể thay đổi cả thế giới tự nhiên mà thay vì hồi sinh bằng phép màu có trả phí ở nhà thờ thì sẽ là phòng thí nghiệm để… nhân bản. Tệ thay là lần chơi hoàn hảo nhất của mình thì nhân vật mình đã điều khiển đã phải nhân bản lại một lần – chả biết đây có vẫn là nhân vật mình điều khiển hay cũng có thể là gì đó khác… Tóm lại là mình không thích cách hồi sinh này tí nào đặc biệt là sau khi được chiêm ngưỡng “dung nhan” của người chủ của khu này!

Tiếc là mình không được điều khiển người dân bình thường để được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ở nơi này vì nơi này hiện tại đang có rắc rối. Thay vào đó mình lại phải hóa thân thành Rolf, một đặc vụ của chính phủ đi điều tra xem tại sao hiện tại lại có quá nhiều con quái hung dữ quanh bên ngoài thành phố như thế. Tệ hơn nữa là nhân vật của bạn sẽ phải làm việc này một mình cùng với một chút sự trợ giúp từ người thân cũng như những tình nguyện viên từ nơi khác đến mà đa phần họ còn không phải là lính – họ chỉ đơn giản là bác sĩ, nhà sinh vật học, thợ cơ khí hay thậm chí là những ngành nghề chắc chắn sẽ không được pháp luật ở đây thừa nhận như đạo chích hay thợ săn quái vật. Và đây là game đầu tiên mình chơi có những người bạn đồng hành phải tự dẫn xác tới tận nhà mình để được về đội với nhân vật chính!

Hồi đi học thì mình không bao giờ đồng tình với câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên lúc đầu mình chơi thì mình đã nghĩ “Mother Brain” không thể là người xấu được cho dù mình mới phá đảo Metroid với Chrono Trigger không lâu. Nhưng mà nếu một ngày nào đó trí thông minh nhân tạo này mà không còn nữa thì người dân hành tinh này sẽ sống như thế nào khi mà đa số đã quen há mồm chờ sung rụng từ rất lâu đến nỗi rất ít người quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra ngoài kia?

Đó là chưa kể cuộc sống này tuy không làm mà vẫn có ăn nhưng xã hội trong hành tinh này không được hoàn hảo cho lắm: Những người làm nghề phi công hay thủy thủ thậm chí cả shipper thì coi như thất nghiệp hết ở đây vì phương tiện giao thông đã được thay thế bằng cổng không gian kèm đường bộ. Mà giờ nghĩ lại thì tại sao Rolf lại phải tự bỏ tiền đi mua trang bị, vật phẩm cũng như dịch vụ y tế? Sao không cung cấp miễn phí vũ khí cho đặc vụ chính phủ? Tại sao mình không gặp nhân viên an ninh nào khác ngoài Rolf? Đừng nói là không cần có lực lượng tự vệ: ngoài kia có những con quái vật sinh học cực kì hung dữ ra còn có cả băng đảng con người – nguyên nhân có thể là do sướng quá hóa rồ và vũ khí được bán thoải mái mà không cần có giấy chứng nhận gì – đi làm những việc như cướp phá và bắt cóc – vấn đề mà mình đã tự nguyện đi “giải quyết” dù không ai ra lệnh làm thế.

Kẻ phản diện thực sự trong phần đầu tiên cũng như hai tựa game sau đó cũng xuất hiện nhưng lại không phải là phản diện chính trong game này. Và khi chiến đấu với tên này cũng khá khó nhằn nhưng cũng trong cuộc chiến ấy mình nhận ra mình có trong tay thứ vũ khí có thể tống khứ con ma này ra khỏi bất cứ thứ gì mà nó đã nhập vào nhưng rồi lại không thể thay đổi được gì – giống như những con người đứng đằng sau chuyện này họ vốn là kẻ xấu sẵn rồi chứ không bị thế lực tà ác nào nhập vào hết. Nhưng liệu mình không chắc việc mà nhóm của Rolf đang làm liệu có đúng không khi mà việc này sẽ ảnh hưởng đến xã hội toàn những con người đã không còn biết đến việc tự chăm sóc bản thân mình… Game này có cái kết mở mà phải đến phần thứ tư mới giải thích được chuyện gì đã xảy ra sau đó.

Ấn tượng sau khi chơi lần đầu

Game này là phần thứ 2 trong series gốc gồm 4 trò xoay quanh về sự kiện xảy ra trong hệ mặt trời Algol. Và cứ mỗi phần là thêm cái tương đối mới mẻ so với những game khác cùng thời: hết nhân vật chính là nữ, cốt truyện nghiêm túc hơn, phân nhánh qua các thế hệ cho đến những màn combo phối hợp giữa các nhân vật với nhau…

Đây không phải là tựa game chiến đấu theo lượt đầu tiên mà mình chơi. Và cũng không khó lắm dù mình chơi giả lập – vì mình vừa mới chơi một game đối kháng đi cảnh của hệ này, chỉ là mất vài giờ làm quen dù đã đọc manual với hint book trên google. Nhạc mở đầu trong game cũng khá – kiểu như pha trộn giữa việc dùng phép thuật kết hợp với vũ khí hiện đại. Hi vọng bạn không ghét việc cày cuốc lực chiến liên tục để lên level khi chơi game này. Điều này khá mất thời gian nhưng không thể không luyện vì phải đánh quái dù muốn hay không trong khi hệ thống chiến đấu trong game này hơi rối đối với mình – vì những phép thuật với vật phẩm được dùng trong chiến đấu sở hữu những cái tên như Gra hay Monomate mà mình chả hiểu nó có nghĩa là gì. Dù sao thì mình đa phần kết hợp trang bị mới nhất và chỉ hồi máu rồi dịch chuyển nếu MP gần cạn. Có những mê cung rối đến nỗi nếu mình không tự vẽ tay ra giấy làm bản đồ thì dễ đi lạc.

Vì đây là game ra đời vào 1989 nên đồ họa hơi cũ như mấy cái anime cyberpunk của thập niên 80 – gam màu khá là tươi sáng dù bối cảnh tối tăm. Nhưng nói tóm lại thì đây vẫn là game bạn nên thử chơi qua nếu là fan JRPG giữa kỳ ảo với khoa học viễn tưởng, thích hoài cổ và muốn có gì đó khác biệt về mặt cốt truyện so với những game cùng thể loại như bây giờ. Hi vọng bạn đồng tình với câu “Thất bại là mẹ thành công” bời vì xuyên suốt trong cốt truyện của game vốn khá tuyến tính tới mức nếu như mình điều khiển được thì chuyện này chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì thế  mà nhóm của Rolf sẽ vấp phải thất bại khá nhiều lần – trong đó có cả trường hợp như của Aeris trong FF7 – ngã nhiều đến mức bạn sẽ tự hỏi liệu bản thân mình có thể làm nên được trò trống gì ở game này hay không…

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện