Vũ trụ The Elder Scrolls (P.2): Quân nổi dậy Stormcloak

Khách mới

  

Từ bài trước nói về Imperial Legion, lực lượng đối chọi với Stormcloak tại Skyrim vào năm 201 thuộc Kỷ nguyên Thứ tư (4E). Thì bây giờ chúng ta sẽ đến với Stormcloak, lực lượng quân nổi dậy đậm chất Nord. Một trong hai thế lực đã gây nên war rất to giữa cộng đồng fan TES về việc nên chọn phe nào. Dưới đây sẽ là tổng quan đầy đủ về Stormcloak:

Bằng máu và danh dự của bản thân tôi xin thề sẽ phục vụ Ulfric Stormcloak, Lãnh Chúa thành Windhelm và cũng là Vị Vua đích thực của Skyrim. Xin Talos chứng giám, lời thề này sẽ trói buộc tôi tới khi tôi đã chết và tới cả kiếp sau… cũng như với chính Lãnh Chúa của tôi và các anh chị em cùng chiến tuyến.

Stormcloaks muôn năm, những người con đích thực của Skyrim mãi trường tồn!

― Lời tuyên thệ của thành viên Quân Nổi Dậy Stormcloaks ―

I. Tổng quan

Cờ hiệu của quân nổi dậy Stormloak.

Stormcloaks là một lực lượng dân quân nổi dậy trong sự kiện Cuộc Nổi Dậy Stormcloak gây ra nội chiến tại Skyrim. Được thành lập và lãnh đạo bởi Lãnh Chúa Ulfric Stormcloak, lực lượng này bao gồm những người ủng hộ Ulfric để chấm dứt lệnh cấm thờ phụng Talos, cũng như biến Skyrim thành một vùng tự trị, ly khai khỏi Đế Chế. Phe Stormcloaks có thủ phủ là thành Windhelm, luôn tự xưng là những người duy nhất xứng đáng với danh hiệu ‘Những người con trai và con gái đích thực của Skyrim’, mặc dù đội quân này không giới hạn chỉ dành cho người Nord.

II. Lịch sử hình thành và phát triển

Ulfric Stormcloak, Con Gấu thành Windhelm, Lãnh Chúa xứ Eastmarch, lãnh đạo của Quân Nổi Dậy Stormcloaks.

Quân Nổi Dậy Stormcloaks dưới sự lãnh đạo của Ulfric Stormcloak.

1. Khởi nguồn

Vào cuối năm 175 của Kỷ nguyên thứ tư, Cuộc Đại Chiến (Great War, 4E 171 – 4E 175) giữa Đệ Tam Đế Chế và Khối Liên Hiệp Aldmeri Đệ Tam kết thúc bằng Hiệp Ước White-Gold, theo đó tục thờ cúng Talos bị cấm trên toàn lãnh thổ Đế Chế và tổ chức Thalmor có thể tự do xử lý bất cứ ai vi phạm. Điều khoản này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và hiềm khích trong nội bộ Đế Chế, đặc biệt là đối với dân Nord của Skyrim bởi Talos là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng của người dân nơi đây. Trong số đó, có một legionnaire trẻ tuổi tên Ulfric Stormcloak, con trai của Lãnh Chúa Hoag Stormcloak xứ Eastmarch.

Trước đó, Ulfric là một thành viên của Quân Đoàn Đế Chế tham gia cuộc chiến chống lại Thalmor, nhưng không may bị bắt làm tù binh khi trận chiến chỉ mới bắt đầu; bị tra tấn bởi Thalmor, Ulfric đã đầu hàng khai ra toàn bộ thông tin chúng cần. Một khoảng thời gian ngắn sau khi Cuộc Đại chiến kết thúc, bằng một cách nào đó Ulfric đã trốn thoát khỏi nhà tù của Thalmor, trở về đoàn tụ cùng cha tại thành Windhelm và nghe tin chiến tranh đã kết thúc. Thế nhưng không đồng tình với bản Hiệp Ước, Ulfric đã nung nấu ý định quyết mang tín ngưỡng thờ phụng Talos trở lại Skyrim.

Talos, được mô tả dưới con mắt của người Nord

2. Sự kiện Rối Loạn tại Markarth (Markarth Incident, 4E 171 – 4E 176)

Người Reachmen, nguyên nhân gây ra sự kiện rối loạn Markarth

Trong khoảng thời gian Cuộc Đại Chiến xảy ra, lợi dụng việc các Quân Đoàn Đế Chế đồn trú tại xứ Reach đã bị triệu tập về Cyrodiil để tham gia cuộc chiến, những bộ lạc người Reachman (các bộ lạc bản địa của xứ Reach, hay còn gọi là Forsworn) đã nhân cơ hội nổi loạn, chiếm toàn bộ vùng Reach. Sự việc này khiến Lãnh Chúa thành Markarth phải gửi tin cầu viện đi khắp nơi, yêu cầu sự trợ giúp khẩn thiết. Người duy nhất đáp lại tin cầu viện lúc đó chính là Ulfric (trở về sau khi thoát khỏi nhà tù của Thalmor), thỏa thuận rằng Ulfric sẽ giúp chiếm lại quyền kiểm soát xứ Reach nhưng đổi lại vùng đất này sẽ tự do thờ Talos bất chấp bản Hiệp Ước White-Gold. Và thỏa thuận đã được chấp nhận bởi cả hai bên.

Ulfric đã ngay lập tức dẫn đầu đội dân quân của gia tộc Stormcloak tới trợ giúp Markarth, dùng Thu’um để đánh tan bộ lạc Reachman, bắt sống vua của chúng Madanach, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn xứ Reach và trả lại cho Lãnh Chúa thành Markarth. Tuân theo thỏa thuận, xứ Reach tiếp tục thờ phụng Talos tới cả khi trở lại dưới quyền kiểm soát của Đế Chế, về phía Đế Chế cũng đã tôn trọng thỏa thuận của Ulfric, che giấu sự việc này bất chấp bản Hiệp Ước. Nhưng rồi những hành động của Ulfric đã đến tai lũ Thalmor, bọn chúng liền nhân cơ hội để dùng bản Hiệp Ước gây sức ép lên Đế Chế, buộc Đế Chế phải đưa chỉ thị cấm tín ngưỡng thờ Talos tại xứ Reach, đồng thời tống giam Ulfric cùng những binh lính Stormcloak tham gia vì vi phạm hiệp ước.

Trong khoảng thời gian Ulfric bị giam giữ, cha ông, Lãnh Chúa Hoag Stormcloak xứ Eastmarch đã không may qua đời, đau xót tột độ, nhưng Ulfric chỉ có thể gửi một bài văn tế cha về thành Windhelm; sự việc này đã phần nào khiến Ulfric căm hận Đế Chế. Sau khi được thả về quê nhà, Ulfric Stormcloak trở thành Lãnh Chúa xứ Eastmarch, thừa kế danh hiệu Con Gấu thành Windhelm (The Bear of Windhelm) từ cha mình.

3. Cái chết của Vua Torygg

File:SR-npc-High King Torygg.jpg

Nhà Vua Skyrim Torygg, tại Sovngarde

Sau khi Vua Istlod của Skyrim băng hà, con trai của ông, Torygg đã được chỉ định trở thành Vua của Skyrim. Nhân sự kiện này, Ulfric đã công khai bày tỏ ý định muốn Skyrim ly khai khỏi Đệ Tam Đế Chế, và muốn có một cuộc gặp mặt với Vị Vua trẻ tuổi của Skyrim. Vua Torygg luôn rất tôn trọng và coi Ulfric là một anh hùng, tin tưởng rằng Ulfric chỉ muốn một cuộc đàm phán hữu nghị nên nhà Vua đã chấp nhận cuộc gặp mặt và mời Ulfric tới thành Solitude. Vua Torygg đã xem xét lời đề nghị và có ý định chấp thuận nó vì sự tôn trọng ngài dành cho Ulfric; thế nhưng, không ai có thể ngờ được rằng Ulfric đã lật lọng và cũng đã quá muộn để có thể can thiệp.

Ngay khi đặt chân tới thành Solitude và diện kiến trước nhà Vua, Ulfric liền lên tiếng cho rằng Torygg không xứng đáng làm Vua, rằng nhà Vua yếu đuối chỉ là con rối của Đế Chế; mặc sức can ngăn, Ulfric đã thách đấu Vua Torygg một trận đấu tay đôi theo truyền thống của người Nord để giành lấy Ngai Vàng. Về phía Vua Torygg đã vô cùng sửng sốt, nhưng buộc phải chấp nhận lời thách đấu theo truyền thống dù biết rằng mình nắm chắc phần thua; đối với Ulfric thì đây là một trận đấu hết sức dễ dàng, và đối với những người chứng kiến thì không khác gì một “trò ăn gian” khi Ulfric sử dụng Thu’um để quật ngã Vua Torygg và kết liễu ngài bằng lưỡi kiếm xuyên qua lồng ngực.

Sức mạnh khủng khiếp của Thu’um

Ngay sau đó, Ulfric chạy khỏi Solitude, trở về thành Windhelm tuyên bố rằng Torygg là kẻ phản bội tộc Nord, rằng bản thân mới là nhà Vua đích thực của Skyrim sau chiến thắng “oai hùng” đó. Với những người tham dự buổi gặp mặt và chứng kiến trận đấu tại Solitude, đặc biệt là Hoàng Hậu Elisif thì chiến thắng của Ulfric không có một chút danh dự nào hết và phỉ báng Ulfric là một tên sát nhân hèn hạ.


4. Thời kỳ chiến loạn, đổ máu vì Ngai Vàng bỏ trống

Tộc Nord đổ máu, chém giết lẫn nhau trong cuộc nội chiến tại Skyrim.

Sau cái chết của Vua Torygg, chính quyền Đế Chế đã ngay lập tức phải can thiệp. Ban đầu là nỗ lực đàm phán với Ulfric tại Windhelm, nhưng thất bại hoàn toàn khi Ulfric liên tục đòi hỏi phá bỏ Hiệp Ước White-Gold, và yêu cầu Đế Chế rút quân khỏi Skyrim. Dưới sức ép từ Thalmor với bản Hiệp Ước và chính quyền xứ Haafingar, đứng đầu là Hoàng Hậu Elisif muốn đòi lại công lý cho người chồng quá cố, Đế Chế buộc phải ra chỉ thị đàn áp và bắt giữ Ulfric để thực thi công lý.

Đại Tướng Tullius được đích thân Hoàng Đế Titus Mede Đệ Nhị phái tới Skyrim một mình để lãnh đạo quân địa phương đàn áp phiến quân; còn về phần Ulfric, sau khi đàm phán thất bại đã phát đi lời hiệu triệu từ Windhelm đi khắp Skyrim, kêu gọi “những người con đích thực” của Skyrim tham gia cuộc nổi dậy, lấy tên gọi là Quân Nổi Dậy Stormcloaks với mục đích đưa tín ngưỡng thờ Talos trở lại Skyrim và kết thúc sự ảnh hưởng của Đệ Tam Đế Chế, biến Skyrim thành một vùng tự trị đơn phương chiến đấu với Khối Liên Hiệp Aldmeri. Chính thức chia cắt Skyrim và gây ra cuộc nội chiến giữa Quân Nổi Dậy Stormcloaks và phe ủng hộ Đế Chế.

– Dự định sau khi chiến thắng:

Ulfric Stormcloak và các tướng lĩnh của mình đã lên kế hoạch sau khi đánh đuổi Đế Chế và ổn định tình hình tại Skyrim, họ sẽ tổ chức quân đội và tiến đánh quốc đảo Summerset, cơ quan đầu não của Khối Liên Hiệp Aldmeri để răn đe loài Elf, nhưng liệu họ có thể thành công hay không thì đó là phần còn lại của lịch sử…….

III. Tổ chức và hệ thống cấp bậc

Một doanh trại của quân Stormcloak

Xuất thân là một đội dân quân phục vụ cho gia tộc của lãnh chúa, Quân Nổi Dậy Stormcloak không có tổ chức đa dạng cũng như không được huấn luyện bài bản như những người lính của Quân Đoàn Đế Chế. Thế nhưng họ là những chiến binh mạnh mẽ bẩm sinh, sử dụng sự liều lĩnh để tấn công phủ đầu làm lợi thế, đi kèm với đó là tinh thần chiến đấu cao nhờ niềm tin bất diệt vào vị thần tối cao của họ, Talos. Chiến thuật chủ yếu được sử dụng là đội hình tường khiên và đánh phục kích nhờ lợi thế sân nhà, đồng thời cũng thường xuyên cử sát thủ đi xử lý các đối thủ đáng gờm ở phe đối lập (điển hình là vụ ám sát Lãnh Chúa Balgruuf thành Whiterun, tuy nhiên đã thất bại thảm hại). Một chiến thuật khá độc đáo của Stormcloaks là Shield-Sibling, quân lính áp dụng chiến thuật này sẽ đi thành từng cặp, một người chỉ dùng khiên để đỡ đòn, còn một người tập trung tấn công.


Hệ thống cấp bậc của Stormcloaks không phức tạp và nhiều như Quân Đoàn Đế Chế, chỉ có sáu danh hiệu tượng trưng cho cấp bậc (từ cao tới thấp) được phong dựa trên chiến công của người lính:

  • Battle-Maiden (danh hiệu chỉ dành cho nữ Healer).
  • Stormblade.
  • Snow-Hammer.
  • Bone-Breaker.
  • Ice-Veins.
  • Unblooded.

IV. Trang bị

Trang bị của một binh lính Stormcloak thông thường

Lính tiên phong Stormcloaks

Vì là một đội dân quân địa phương nên trang bị của đội quân này cũng rất nghèo nàn, tất cả quân lính đều được trang bị giáp vải nhẹ kèm giáp lưới và mũ chóp nhọn như quân đồn trú thông thường với vũ khí tùy chọn. Kiểu trang bị này không cung cấp quá nhiều sự bảo vệ, nhưng bù lại thì họ sẽ nhanh nhẹn và linh hoạt hơn khi đối đầu với những kẻ địch nặng nề. Những sĩ quan cấp cao thì có trang bị tốt hơn là giáp thép và một tấm da gấu, vừa để giữ ấm cũng như tăng thêm một chút sự bảo vệ.

Galmar Stone-Fist, cánh tay phải của Ulfric mặc quân phục phổ biến của sĩ quan Stormcloak

Ngoài ra, quân đội Stormcloaks có sử dụng máy bắn đá (catapult) để phá vỡ hàng phòng thủ, chiếm lợi thế trong những trận công thành.

Bài sau sẽ là về đế quốc Aldmeri Dominion nhé. Và sau này sẽ có một series prequel viết về toàn bộ những chủng tộc từng tồn tại tại Nirn.

Hợp Tác Cùng Hiệp Sĩ Bão Táp và Skyrim Việt Nam

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện