Từ câu chuyện về Mortal Kombat và liệu một game đối kháng có cần một story mode hay không và hay thế nào?

Khách quen

  

Hello anh em lại là tôi đây, lâu lắm không viết bài nào nên hôm nay phủi sạch bàn phím và ghé quan beer “nhậu nhẹt” chút.

Lời mở đầu

Những tuần sắp Tết lịch học của mình bắt đầu dày hơn và công việc ở ngoài cũng vậy nên mình không có nhiều thời gian để chơi thêm những game dài rồi viết đánh giá, thế nên nghĩ bản thân sẽ chuyển qua một thể loại giải trí hơn những game có tiết tấu nhanh và không cần tốn nhiều thời gian suy nghĩ như những game horror, RPG mình thường chơi. Và mình chọn game đối kháng, những game như DOA 3, Mortal Kombat 9, Street Fighter 4, mình cũng tiện xem hết walkthrough của MK X (xin phép viết tắt Mortal Kombat là MK nhé vì tôi sẽ nhắc cái tên này khá nhiều). Sau đó tôi bắt đầu hình thành một suy nghĩ rằng liệu những gì MK đã và đang làm liệu có đem đến một làn gió mới cho dòng game đối kháng? Hãy đọc và nêu ý kiến nếu bạn quan tâm đến vấn đề nhé.

Liệu game đối kháng có cần một story mode tốt hay là không?

Từ xưa đến nay khi ngành công nghiệp game mới bắt đầu, người chơi đã được tiếp cận đến một hình thức giải trí mới, sau này có thể nói là nghệ thuật, nhưng mục đích ban đầu là giải trí. Game ban đầu xuất hiện từ những hình thái rất đơn giản, những game như đánh bóng (Pong), bắn ruồi (Space Invader), Tetris, Pacman, Mario, v.v…

Kết quả hình ảnh cho pac man

Pacman của Namco

Space Invader trên máy thùng

Dễ thấy những game này đem đến những yếu tố giải trí đơn giản nhưng lại vô cùng cuốn hút, chẳng ai quan tâm đến lý do tại sao hai thanh ngang trong Pong lại đánh bóng về phía nhau, hay người ngoài hành tinh đến xâm lăng thế nào trong Space Invader, người chơi chỉ quan tâm đến việc đánh bóng ghi điểm và bắn người ngoài hành tinh là rất vui. Khi đến Mario thì có thể nói mọi chuyện có vẻ phức tạp hơn một chút, chúng ta được kể một câu chuyện có phần hoàn chỉnh hơn như là anh thợ ống nước đi cứu công chúa khỏi một con rồng rùa khè lửa. Chúng ta có quan tâm gì nữa không? Không! Cùng lắm là phần âm nhạc của game (khá hay), bên cạnh đó với dòng game FPS như Wolfenstein 3D cũng vậy, câu chuyện là về nhân vật chính bắn Phát xít trong một lâu đài cổ. Giờ nhìn sang game đối kháng nhé với Heavy Weight 1976 và một cái tên chắc quá quen thuộc với gamer Việt Nam, Street Fighter hay chiến binh đường phố năm 1987. Có thể thấy dòng game đối kháng có sự phát triển rất nhiều từ xưa đến nay, những động tác chiến đấu, kĩ năng, môi trường số lượng nhân vật càng ngày càng được cải thiện thêm, thế nhưng cũng giống những game đã kể trước, chúng hoàn toàn không kể một câu chuyện rõ ràng, yeah có thể bạn nói Street Fighter có cốt truyện nhưng dù gì nó cũng chỉ là một đoạn text cụt lủn, chẳng mấy liên quan đến nhân vật khác cũng như các sự kiện còn khá mù mờ và phê cần, và hầu hết những câu chuyện mà bạn cho rằng khá chi tiết thì được kể ở ngoài game thông qua những ấn phẩm truyện tranh manga hay comic, rồi cao hơn thì animation, live action… Thế nhưng theo thời gian nhu cầu của người chơi cũng dần thay đổi, họ cần những game có cốt truyện hay hơn trong game hoặc nói cách khác cái game đó bằng tất cả những phương tiện có sẵn truyền tải được cốt truyện. Thậm chí thời nay đặc biệt là với những game được làm bởi Telltale Games hay những game có motif làm như vậy mà người ta hay gọi là quick time event ấy, chỉ vì cốt truyện mà nhiều lúc người chơi sẵn sàng bỏ qua những nhược điểm to lù nếu xét về dòng game chính mà chúng xuất phát, dòng adventure, thậm chí đôi khi lực lượng fanboy còn lập ra cả khái niệm dòng game “cốt truyện”. Tuy nhiên chúng ta tìm đến game không phải chỉ vì cốt truyện mà yếu tố quan trọng là gameplay, nếu không tin hãy làm một cuộc vote… kết quả quá rõ ràng, và nếu chỉ nhắc dòng đối kháng hay thể thao thì người ta quan tâm đến gameplay nhiều hơn là cốt truyện, những cái tên tiêu biểu từ trước đến nay như Tekken, Street Fighter, Mortal Kombat classic, King of Fighter, Dead or Alive hay nói thẳng là mọi game đối kháng từ trước đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi làn sóng thay đổi theo nhu cầu. Tôi không nói những game này không có cốt truyện bởi mọi fan của những tựa này đều muốn hãng làm game đưa ra lore của từng nhân vật, cái tôi muốn nói là những người chơi không quan tâm là những tựa game này có truyền tải được cốt truyện trong thời gian chơi hay không chứ chưa nói là truyền tải hay hay dở. Kể cả khi game có một story mode đi chăng nữa thì yên tâm đi nó cũng chẳng khác các mode khác là bao đâu, vẫn là những cắt cảnh vô hồn hầu như là stop motion, nhân vật độc thoại, các sự kiện gần như chẳng ăn nhập và liên kết, sau đó là bam vào game đập một lèo rồi nhận một cái cắt cảnh ending mang phong cách như cái đầu tiên nhồi nhét thêm tí lore nữa là ổn… nhưng có sao đâu tôi chỉ quan tâm đến move của nhân vật, ngoại hình, độ cân bằng và đồ họa, và nếu gọi bạn qua nhà chơi có vui hay không vì nói thật chơi game đối kháng một mình tù lắm.

Vậy để trả lời cho câu hỏi đầu mà tôi đặt ra liệu một game đối kháng có cần có một story mode tốt hay không? Không cần thiết vì game đối kháng có những sức hút riêng rồi, nếu bạn chơi cùng bạn bè trên máy thùng, PC hay console thì ai mà quan tâm đến cái story mode và background của các nhân vật chứ? Hơn nữa chẳng may đầu tư vào cốt truyện và cách thể hiện chúng qua story mode, tốn kém nhiều thời gian và tài nguyên hơn rồi ảnh hưởng đến gameplay thì sao? Điều đó không được phép xảy ra trong game đối kháng. Hmm… nan giải đấy nhưng từ từ đã 2011 và Mortal Kombat 9 thì sao?

Kết quả hình ảnh cho Mortal Kombat 9

Từ câu chuyện về Mortal Kombat mới và việc làm story mode hay

Mortal Kombat đã có một hành trình dài từ những năm 1992 đến nay nhưng sau bản 4 fan của tựa game liên tục gặp phải những cú sốc khi tựa game này đi lùi đặc biệt là phần game MK vs DC. MK giai đoạn này giới thiệu được một story line gọi là chắc hơn các game khác trong phần thể hiện tức là chơi game thôi cũng hiểu story ấy, nhưng vì cái gameplay chán đời và đồ họa lỗi thời nên vị thế của họ dần đi xuống, cho đến khi MK 9 ra đời chấn chỉnh lại gia môn. Đúng vậy một cú bật của dòng game huyền thoại, không chỉ với việc làm mới lại game play, làm mới góc quay camera trở về góc 2D cũ với model 3D, thay đổi hoặc thiết kế lại ngoại hình cũng như từng chiêu thức của các nhân vật sao cho nổi bật, rồi hệ thống bar và x-ray mới mẻ, những pha fatality cực đẹp mắt, âm thanh, đồ họa lồng tiếng đều được chuốt lại, họ còn giới thiệu một story mode mà theo tôi là rất hay. NetherRealm Studio sẵn sàng đập đi tất cả những lore họ đã từng xây dựng và reboot hoàn toàn cốt truyện bỏ đi những nhân vật “sai lầm” tạo ra một cốt truyện gắn kết hơn khi áp dụng việc quay ngược thời gian để thay đổi timeline tạo ra một dòng thời gian mới. Một story mode đúng nghĩa chứ không phải kiểu như này.

Không phải như này :))

Một story mode thực sự kể một câu chuyện, để người chơi dễ dàng hiểu được diễn biến của game, sự nổi bật từ tính cách của nhân vật, mối quan hệ cũng như tương tác giữa các nhân vật, ví dụ như mối thù của Scropion Hanzo Hasashi với Sub Zero Bi Han, tình đồng đội giữa Sonya Blade và Jax Brigg, hay tình thầy trò giữa Raiden, Liu Kang và Kung Lao. Mọi tình tiết của sự kiện xảy ra trong giải đấu đầu tiên đều được thống kê lại qua từng chapter, mỗi chapter là hành trình của một nhân vật trong roster chính (chủ yếu là good guys), và kết thúc sau mỗi một cuộc so tài sẽ là một cắt cảnh ngắn hoặc dài. Vậy là MK9 đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn gần như hoàn chỉnh về cốt truyện mà gần như không phải tìm hiểu ở bất cứ nguồn nào khác. Nhà phát triển đã có những bước đi cho thấy họ thật sự quan tâm đến việc phát triển story mode hay phần chơi đơn chứ không phải làm cho có. Vậy đánh giá story mode này thế nào? Thứ nhất story mode chi tiết đi kèm với gameplay hay chứng tỏ họ đã đạt điều kiện đủ và chuẩn để làm nó, những game khác có gameplay hay nhưng MK9 có cả story mode hay.

Kết quả hình ảnh cho mortal kombat 9

Yeah we kick it!!

Giờ quay sang phần story, nhiều người cho rằng một game đối kháng sẽ chẳng bao giờ cần một story hay hoặc chẳng bao giờ có, cũng có lý vì để thể hiện một cái story qua gameplay của game đối kháng là không thể vì làm peep gì có chuyện bị đánh nát cả sọ khi dính x-ray mà vẫn sống, thế nên mọi thứ xảy ra trong cắt cảnh theo tôi mới thuộc canon để làm rõ ý này ra thì tôi xin lấy một ví dụ giả định nhé, bạn có thể điều khiển nhân vật Johnny Cage đập nát Raiden trong chapter của mình thế nhưng sau khi vượt qua màn đấu đó và đến đoạn cắt cảnh bạn phải tạo được lý do hợp lý mà Johnny có thể đập được Raiden… như ông thần sấm cố tình thua chẳng hạn. Mortal Kombat thực sự đi vào thế khó khi tạo ra một số nhân vật có background hơn hẳn những nhân vật khác, những thần thánh, hoàng đế, bán thần với sức mạnh phá nát cả một cõi để rồi lại cho match up với mấy ông dân thường. Giờ thì việc tạo cắt cảnh hợp lý là một điều bắt buộc để không nhân vật nào bị overrated hay underrated cả, bản thân MK9 cũng làm việc này chưa tốt bởi căn bản nó khá là khó. Họ có thể thay đổi match up trong từng chapter nhưng như chúng ta đã thấy roster thì có hạn mà chapter thì nhiều những 16 chapter mỗi chapter một nhân vật sẽ đánh với 4-5 nhân vật khác giờ nghĩ lý do cũng khó mà sắp xếp kiểu gì? Như chúng ta thấy đấy những nhân vật như Reptile, Baraka, Noob, Johnny Cage và đặc biệt là Sheeva bị cho hít đất hoài thật sự như thế là hơi bất công vì cái hàng tấn thủ như Goro, Kintaro và Sheeva toàn có background thuộc dạng V.I.P. Nhưng không cho ra mắt thì kéo dài story mode cũng khó. Tuy vẫn khen MK9 nhưng tôi sẽ nêu ra vài ví dụ cho vấn đề để từ cái xấu ta suy ra cái hay.

Đúng match up của Stryker là ví dụ điển hình cho việc sắp xếp không tốt và làm cutscene sơ sài. Tôi đồng ý với việc đập Reptile, đập Mileena nhưng sau đó Stryker đánh bại Kintaro kẻ mà vài giây trước take out Kabal đồng nghiệp của Stryker (trang bị giống nhau và khả năng same same) trong một chưởng vậy mà không có lấy một cái cutscene giải thích hợp lý nào cả, và tệ hơn tiếp theo anh ta match up với Ermac một vũ khí mới cực mạnh của ShaoKahn với khả năng telekinesis. Stryker đánh bại Ermac êm xuôi).

Đọc đến đây có thể nhiều bạn đọc sẽ bắt đầu chất vấn tôi tại sao lại hạ thấp Stryker thế vì còn vô số thường nhân khác trong MK như Sonya Blade hay Johnny Cage mà… nhưng hãy nhìn vào match up của họ, những đối thủ ngang tầm hơn nữa đừng tị nạnh với Sonya vì cô ta là chỉ huy của một lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đeo một cái vòng tay phát ra tia năng lượng có thể cắt qua kim loại như không vậy, hoặc gần hơn nhìn vào nguồn gốc của Kabal nhé, từ một chiến binh bình thường hắn có được siêu tốc độ dựa vào việc tiếp xúc với Outworld (điều này đã được Raiden giải thích qua cutscene) . Vậy Stryker có lý do gì để mạnh thế? Nothing, thực ra nếu nhìn vào lịch sử phát triển của MK từ trước thì Stryker lúc nào cũng nằm trong top những kẻ chán đời nhất.

Và điều này đã được cải thiện rất nhiều trong MKX ra mắt vào năm 2015. Phải nói thẳng MKX làm cutscene quá tốt và hợp lý, match up cũng tuyệt vời. Thêm vào đó họ cho thêm những đoạn quick time event để cho các nhân vật show hàng nữa, ví dụ như cho Kano match up với Kotal Kahn nè, quá hợp lý luôn thua cũng đáng… hay trong chapter của Kungjin khi cả đội đối đầu với Torr và Ferra một đoạn quick time event hợp lý khi để cho Torr khống chế từng thành viên của đội Cassi cCge và Kungjin phải hỗ trợ họ bằng cách bắn tên vào Torr điều này cũng lý giải tốt lý do Jin đánh bại một kẻ to xác như Torr (một tên bắn vài đích).

Giờ nhìn thì nhìn một chút vào tính hồi hộp kịch tính của câu chuyện mà MK mới đang kể. Có thể dễ dàng thấy MK9 làm rất tốt từ chapter 1-5, đỉnh điểm là khi LiuKang đánh bại lần lượt từng đối thủ và bước đến màn đối đầu với Goro sau đó là Shang Tsung. Sau đó dần nhạt đi mãi cho đến chapter của Cyber Subzero về đến cuối, mặc dù tôi không đồng ý đoạn cutscene khi Sindel giết tất cả trong một nốt nhạc (đoạn cut này bị chỉ trích khá nhiều bởi những người đã chơi story mode của MK9), tại tình huống đó theo tôi là cơ hội tốt để các nhân vật như Ermac, Mileena, Cyber Cyrax, Secktor hay Reptile có cơ hội trả thù các anh hùng của Earth Realm thì mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều. Ngược lại với MKX họ làm rất tốt với những đoạn cinematic dài tường thuật nhiều sự kiện một lúc chứ không chỉ theo chân mỗi nhân vật chính của chapter, hơn nữa MKX còn sẵn sàng tạo ra thêm các NPC trong cả cut và gameplay nhằm tạo được không khí chiến trận cũng như sự đa dạng, lấy ví dụ đoạn đối thoại của Rain và Kotal hay Kitana và Serena (có hint về Noob), và đặc biệt hơn nữa khi không đặt nội dung của mình theo lối mòn anh hùng đánh kẻ xấu khi còn cho phép người chơi nhìn mọi chuyện qua mắt của phe Kotal Kahn (Lawful Evil), vậy là chúng ta có một thế trận xung đột phức tạp hơn rất nhiều. Hi vọng trong tương lai chúng ta có thể có được thêm những chapter tường thuật dưới góc nhìn của bên phản diện.

Thế còn việc khắc họa nhân vật thì sao? Vấn đề này đương nhiên chúng ta sẽ nhìn vào tạo hình của các nhân vật trước, và MKX có rất nhiều sự thay đổi về ngoại hình của nhân vật sao cho ăn nhập với các sự kiện xảy ra trong game lấy ví dụ Kenshi và Jax. Về tính cách thì có thể nhận thấy những nhân vật Jax hay Johnny Cage được làm rất tốt, Johnny từ một gã hề của Earth Realm trở thành một chiến binh dày dạn hơn, vẫn hài hước nhưng thú vị chứ không ngớ ngẩn như MK9, vị thế như một người cha tuyệt vời cũng được MKX làm rõ và tất nhiên đối với Jax cũng vậy, Sub Zero vẫn giữ nguyên phong độ như một chiến binh khôn ngoan và mạnh mẽ, có một sự tương phản thú vị giữa thế hệ những chiến binh trẻ và thế hệ đi trước khi đội của Cassie trải qua những bài học quan trọng để rồi gánh trọng trách to lớn, background của các nhân vật được làm rõ để tránh người chơi khó hiểu.

Kết quả hình ảnh cho MKX New earth realm heroes


Còn về phe còn lại thì đầu tiên ta nhắc đến Kotal Kahn một nhân vật từ khi xuất hiện ở MKX cũng như bản truyện tranh luôn được so sánh với Shao Kahn về việc ai sẽ là hoàng đế tốt hơn của Outworld và chắc chắn Kotal sẽ thắng tuyệt đối, khi ông ta là một kẻ dũng mãnh nhưng khôn ngoan, và sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để bảo vệ Outworld gọi Shinnok. Về phe phản diện chính thì nói thật Shinnok như mọi khi không thể hiện được background nguy hiểm của mình, nhưng Quan Chi đã bù vào vị trí đó như một kẻ ác thực sự nguy hiểm sẵn sàng hi sinh mạng sống để đạt được mục đích. Nhìn ngược về MK9 thì chúng ta có Shaokahn luôn nằm trong top những kẻ phản diện nổi bật rồi, còn lại thì chỉ có Raiden, LiuKang, Kung Lao là được khắc họa tốt, khi Kung Lao là một chiến binh suốt tuổi trẻ phải nấp sau cái bóng của Liu Kang và luôn muốn chiến đấu thể hiện bản thân, Liu Kang luôn tin rằng số phận chỉ có thể thay đổi nhờ năng lực của bản thân  đến nỗi tuyệt vọng và giận dữ đối ngược với Raiden uyên bác nhưng quá tin tưởng vào các Elder God thay vì chính mình để rồi bị dằn vặt bởi cái chết của bạn bè.

Cái chết của Liu Kang trong timeline mới

Tổng kết

Tóm lại theo tôi nghĩ việc một story mode được làm trong game đối kháng tuy không cần thiết, nhưng nếu đã làm đủ tốt với gameplay rồi thì việc đầu tư chút công sức để làm một story mode hay cũng tốt. Và story mode ấy có có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cutscene, match up, tình tiết và cuối cùng là thiết kế nhân vật. Mọi thứ phải hợp lý và ăn nhập với cả những nguồn khác ví dụ như comics, mặc dù việc thiết kế một story mode của game đối kháng gặp trở ngại nhiều hơn những dòng game khác do không thể truyền tải qua quest, thiết kế thế giới, hội thoại hay sự lựa chọn của nhân vật, nhưng với những gì mà Mortal Kombat đã làm được và đang hướng đến tôi thực sự hi vọng vào những story mode tương lai, đặc biệt là MK 11. À sẵn nói luôn là bài viết không hề tuyên bố rằng MK có cốt truyện hay hơn những game đối kháng khác nhé, tôi chỉ nói nó làm story mode hay hơn thôi! Cảm ơn vì đã đọc.

Kết quả hình ảnh cho Scorpion MKX

Get Over Here

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện