Tại sao đa phần các thương hiệu game lớn đang ngày càng xuống dốc?

Khách mới

  

Có một sự thật mà có lẽ đa phần các game thủ đều nhận thấy những năm vừa qua, đó là những thương hiệu game lớn, lâu năm và cực kì tên tuổi như Call of Duty, Battlefield, Halo, Assassin’s Creed, Fallout,… thường có sự xuống dốc rõ rệt với từng phiên bản (dù cho có thể có một số phiên bản tốt lên). Ngoại trừ Resident Evil, The Legend of Zelda, God of War, Doom,… là đang phát triển rất thịnh vượng cho đến nay thì các phần lớn các thương hiệu tên tuổi khác đều có sự đi xuống rõ rệt về nhiều mặt, bao gồm cả các thương hiệu chưa thực sự lâu năm như Saints Row, Mass Effect, Gears of War,… khiến cho game thủ không còn quá mặn mà với các phiên bản mới của chúng, hỏi thật rằng lần cuối bạn thực sự hóng một game Call of Duty mới là từ khi nào? Vậy câu hỏi mà tôi tự đặt ra, đó là tại sao mà các dòng game lớn vốn cực kì chất lượng và phổ biến một thời thì nay lại đang có tương lai ngày càng kém sáng sủa đi như vậy?

Các thương hiệu lớn đang mất đi chính bản sắc của chúng.

Có thể nói một điểm chung đều có thể thấy ở các thương hiệu game lớn, đặc biệt là khi nhìn vào thời kì đỉnh cao của chúng đó là chúng đều cực kì tiên tiến, mang tính cách mạng và đi trước thời đại ở một khía cạnh nào đó, qua đó giúp chúng nổi bật và chiếm lĩnh thị trường. Điển hình nhất có thể nói chính là Call of Duty với bộ 3 game Modern Warfare huyền thoại đã định hình thể loại FPS thời kì Xbox 360/PS3 với ảnh hưởng vẫn còn rõ rệt cho đến nay. Điều này giúp chúng trở thành những tựa game dẫn đầu xu thế FPS quân sự hiện đại thời đó với vô số các tựa game khác copy theo để bắt trend, bao gồm cả đối thủ lâu năm Battlefield khi cũng cố có được phần chơi campaign ngắn mà đậm chất điện ảnh như COD.

Tuy nhiên với sự thất bại của Call of Duty: Ghosts, người ta đều thống nhất rằng COD đã quá lặp lại và cần sự đổi mới. Thời điểm đó cũng là lúc mà Titanfall, Rainbow Six Siege, Overwatch, Destiny, PUBG… bắt đầu mở ra các xu thế mới như movement shooter, hero shooter, social hub, battle royale… bởi vậy mà các phiên bản Call of Duty cũng bắt đầu áp dụng những yếu tố trên cũng như bối cảnh mang tính viễn tưởng trong tương lai từ hầu hết các sản phẩm đó. Từ kẻ tiên phong mở ra xu thế cũng như đi đầu trong xu thế đó, COD lại trở thành kẻ đi bắt trend game khác.

Và vấn đề cần phải lưu ý đó là các game mà COD cố sao chép cơ chế vốn đều được xây dựng xung quanh các cơ chế đó ngay từ đầu, cụ thể là Titanfall, bởi vậy nên chúng hài hòa, tự nhiên và có bản sắc hơn. Trong khi đó COD thời kì này cảm giác vô cùng tạp nham với các cơ chế không ăn khớp nhau, đơn giản vì vốn các cơ chế đó không thực sự dành cho gameplay chạy bắn truyền thống của nó. Bởi vậy mà đến nay thời kì COD: Ghosts cho đến Black Ops 4 vẫn bị fan coi là thời kì đen tối của dòng game FPS này cho đến khi COD: WWII nhen nhóm lại hi vọng và Modern Warfare (2019) thực sự đưa nó về thời đỉnh cao khi đưa gameplay của COD về với gốc rễ.

Điều này cũng tương tự đối với thảm họa Battlefield 2042 gần đây khi game cũng chạy theo xu thế hero shooter và battle royale từ các game khác như Fortnite hay Apex Legends. Đúng là cái gì đó lặp lại quá nhiều cũng sẽ chán và cần có sự cải tiến, thế nhưng nếu game thủ tìm đến Call of Duty hay Battlefield thì họ đang muốn chơi gameplay cốt lõi của những tựa game đó, nếu không họ đã chơi những game mà chúng bắt trend theo rồi. Việc chạy theo trend không chỉ gây mất chất của game mà còn có thể làm gián đoạn nghiêm trọng quá trình phát triển khi các yếu tố mới đột nhiên bị yêu cầu nhồi nhét vào game, dẫn đến màn ra mắt tệ hại như của BF2042.

Và đây cũng là điểm chung đối với các dòng game có dấu hiệu xuống dốc, cả trước đây lẫn bây giờ. Dòng game Resident Evil từng bị chỉ trích thậm tệ vì chạy theo gameplay hành động của COD, Gears of War và Uncharted với đỉnh điểm là RE6 cho đến khi phần 7 phục hồi danh tiếng. Dead Space cũng chính thức “dead” do phần 3 chạy theo mốt co-op, crafting,… cho đến khi Dead Space remake được công bố gần đây. Halo 4 và 5 cũng bị coi là chạm đáy do chạy theo Call of Duty cho đến khi Halo Infinite đưa gameplay truyền thống trở lại (hiện tương lai cũng không sáng sủa lắm). Assassin’s Creed từ bản Origins cũng bị coi là mất chất do học theo yếu tố RPG từ The Witcher 3,… Việc chạy theo trend không những làm mất chất nhiều tựa game mà còn gây bội thực cho game thủ bởi có quá nhiều sản phẩm tương tự nhau trên thị trường cùng một lúc, điển hình như thời điểm sau khi Overwatch hay PUBG ra mắt.

Còn vô số các ví dụ khác nữa, chỉ có số nhỏ điển hình như God of War (2018) hay Wolfenstein: The New Order có thay đổi gameplay đáng kể cũng như học tập nhiều từ game khác nhưng vẫn thành công lớn. Không phải tự nhiên khi COD: WWII, Modern Warfare (2019), Assassin’s Creed: Mirage, Halo: Infinite, Resident Evil 7: Biohazard,… được fan chào đón nồng nhiệt. Đơn giản là bởi chúng hứa hẹn đưa dòng game về với gốc rễ, về với những giá trị mà người ta biết đến và yêu thích ở chúng.

Chúng đang ngày trở nên tốn tiền hơn với chất lượng ngày một đi xuống.

Bên cạnh việc sao chép các xu thế gameplay phổ biến thì một xu thế khác đang rất nguy hại cho ngành nhưng được các nhà phát hành tận dụng triệt để đó là live-service (hay game as a service). Để cho dễ hiểu thì nó giống như các game online miễn phí thường thấy trước đây khi liên tục update nội dung mới và kiếm tiền chủ yếu qua việc mua bán vật phẩm ảo trong game. Điểm chung của các game live-service đó là luôn muốn tạo ra thời lượng chơi không giới hạn, buộc người chơi bỏ ra nhiều thời gian và tiền của để cày cuốc và trên hết là đa số (dù không phải tất cả) đều cực kì hút máu.

Những năm qua thị trường game đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt số lượng các game live-service, nhiều loạt game lâu năm cũng đi theo xu hướng này. Lí do bởi theo lí thuyết thì game live-service có vốn đầu tư tương tự các game truyền thống thế nhưng lợi nhuận thì lớn và lâu dài hơn rất nhiều khi bao gồm cả doanh thu từ lootbox và microtransaction, những thứ có thể dễ dàng cập nhật thêm. Nếu bạn search google giá cổ phiếu của EA, Activision Blizzard hay T2 Interactive thì có thể thấy từ khoảng năm 2012, cố phiếu của các công ty game này đều tăng gấp 5-6 lần, thậm chí có lúc là 10 lần về giá trị, nguyên nhân cũng chính là nhờ các tựa game live-service như GTA Online, FIFA, Apex Legends, Call of Duty, Overwatch,… Không phải tự nhiên mà giờ đây hãng game lớn nào cũng muốn có thị phần live-service cho riêng mình.

Và như nhắc đến ở trên, game live-service như Destiny luôn hứa hẹn “chuyến hành trình kéo dài 10 năm” với nội dung mới liên tục được cập nhật. Điều này vốn đã ít khả thi bởi không phải game nào cũng giữ được sự hấp dẫn lâu dài đối với một thị trường thay đổi liên tục như video game, chưa kể việc nếu thực sự như vậy thì gần sẽ chả có chỗ cho các game live-service mới. Đơn giản vì một hoặc vài game như vậy đã yêu cầu bạn đầu tư phần lớn thời gian và tiền bạc rồi thì liệu bạn có thực sự cần thêm những game nữa như vậy không. Đa phần những ai nói thích game live-service, ý của họ là họ muốn chơi một vài game mà họ đang chơi về lâu dài cũng như muốn có thêm nội dung từ chúng, không phải là họ muốn có thêm những game như vậy.

Và nếu game mới không có chỗ đứng thì nhà phát hành cũng sẽ lại xào mãi một game, điển hình như GTA V/GTA Online, đơn giản vì kiếm tiền dễ, nhanh với nhiều hơn là làm game mới. Và việc duy trì hỗ trợ về lâu dài cho game cũng lại càng không đơn giản khi cần nguồn lực lớn và ổn định để đảm bảo cập nhật nội dung mới một cách đều đặn, nếu không sẽ có kết cục như Halo: Infinite hiện nay.

Dù vậy đối với các công ty game lớn thì đương nhiên họ muốn kiếm được lợi nhuận cao nhất với mức đầu tư khiêm tốn nhất có thể, vậy nên họ cứ thế bơm thêm ra những game live-service mới. Mô hình live-service với việc update nội dung liên tục cũng tạo nên một tiền lệ xấu cực kì phổ biến hiện nay, đó là tung ra các game nửa vời, thiếu hoàn chỉnh, cực kì lỗi với lời hứa rằng “cứ chơi đi, game sẽ được patch dần”, tạo nên vô số các thảm họa ở thời điểm ra mắt. Và như nói ở trên nếu game không hiệu quả về lâu dài thì hãng game dễ ngừng hỗ trợ dịch vụ và cho người chơi leo cây. Đó còn chưa kể yếu tố microtransaction và lootbox cực kì gây tranh cãi như độ thao túng tâm lí cũng như yếu tố đánh bạc của chúng, đặc biệt là khi nhiều game đã yêu cầu phải trả 60-70 USD để mua.

Và nhìn vào danh sách những loạt game lớn xuống dốc vì mô hình này thì có thể nhắc đến các phiên bản gần đây của Battlefield, Assassin’s Creed, Far Cry, Ghost Recon, Battlefront, loạt game thể thao của EA, Halo… Trong đó lố bịch nhất vẫn là đa phần các game của Ubisoft khi bắt người chơi cày cuốc sấp mặt rồi tung ra “time saver” hay 1 số MTX tương tự để người chơi có thể bỏ qua phần lớn nội dung thừa của game, kể cả với game chơi đơn. Đây là nguyên nhân chính khiến người ta càng ngày càng ngán game thế giới mở của Ubi.

Sự thật ở đây đó là đa phần mọi người chơi game vẫn để giải trí là chính, dù dành ít hay nhiều thời gian vào nó, miễn là nó đáng với thì giờ game thủ bỏ ra. Và đa phần game live-service thường không hiểu điều đó và cũng không tôn trọng thời gian và tiền bạc của người chơi. Ở chiều hướng tích cực hơn thì thời gian qua, các hãng game bao gồm cả EA đang tích cực đầu tư nhiều hơn vào các game chơi đơn mới. Có lẽ họ cũng đã nhận ra rằng hỗ trợ các game live-service vận hành sẽ tối ưu về lâu dài hơn là cứ bơm ra game mới tương tự.

Những thương hiệu này không biết nên tạm dừng vào lúc nào.


Ở đầu bài viết tôi có đặt câu hỏi, đó là lần cuối bạn thực sự hóng một game COD mới là từ khi nào? Kể từ năm 2005 cho đến nay, năm nào cũng có một tựa game Call of Duty mới được phát hành. Game thủ đã kêu bội thực từ tầm 10 năm trước rồi, thế nhưng phải đến tận năm sau, 2023 thì lần đầu tiên không có một game COD nào được phát hành trong năm. COD phát hành thường niên nên nhanh gây bội thực là dễ hiểu, vậy nhưng với không ít các dòng game lâu năm khác, không ít đang thực sự trở nên kém thu hút và hấp dẫn hơn trước kia.

Nếu nhìn vào sự trở lại huy hoàng của God of War (2018), dòng game này đã ngủ đông trong 5 năm để Santa Monica Studio có thời gian xem xét, cải tiến và đổi mới, qua đó tìm ra lối đi mới cho dòng game này. Điều tương tự cũng có thể thấy ở một số các dòng game khác như Tomb Raider, Wolfenstein, Doom,… cũng như đa phần các dòng game lớn của T2 Interactive như GTA, Red Dead, Bioshock, Mafia, Borderlands,… Điều đó khiến cho chúng ta cực kì hào hứng đối với mỗi phiên bản mới của chúng, không chỉ bởi đã lâu không gặp mà còn vì những điều mới lạ chúng hứa hẹn.

Bởi vậy có lẽ đối với những dòng game lớn đang phát hành tương đối đều đặn hiện nay, các nhà phát hành nên tính đến việc cho chúng tạm giải nghệ một thời gian để tìm ra hướng đi đúng đắn hơn cho chúng về lâu dài cũng như cho game thủ có lí do đón chờ chúng.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện