[Review] Genshin Impact và những sự hiểu lầm

Khách quen

  

Tôi thực sự chưa bao giờ coi Genshin Impact là một tựa Game chất lượng AAA, cũng chưa bao giờ coi Mihoyo là một trong những Studio game thuộc hạng Top, mặc dù cũng khá tận hưởng một vài sản phẩm của họ như là Honkai Impact hay là Honkai Gakuen. Bởi vậy, nó là một bất ngờ lớn khi dòng chữ Mihoyo bất chợt hiện ra trong show E3 cách đây 1-2 năm trước. Nhưng sau khi xem xong cái Trailer giới thiệu ấy, từ bất ngờ dần dần chuyển sang thành nghi ngờ vì lối chơi và đồ họa y hệt một trong những tựa Game đi trước rất thành công mà tôi không tiện nói tên. Nhưng tôi luôn chơi trước khi nhận xét. Sau 3 tháng trải nghiệm Game với thời lượng chơi (có thể coi) là đồ sộ khi tôi đang ở Adventure Rank 53, tôi xin mang lại cho các bạn những đánh giá chi tiết nhất về Genshin Impact.

Genshin Impact mang trong mình một lối tiếp cận mà tôi chưa từng được gặp bao giờ. Lai yếu tố của một tựa game RPG thế giới mở đúng nghĩa, và tất cả những “tinh hoa” của Gacha Game điện thoại vào trong một sản phẩm. Mỗi một khía cạnh đều góp phần bổ trợ cho phần còn lại tạo nên trải nghiệm đầy đủ và độc nhất dành cho người chơi. Và những khía cạnh đó lại nhắm vào những đối tượng Gamer cụ thể mà theo tôi, đây là chính sách phát triển và thu về lợi nhuận dành cho Genshin Impact. Nhưng trước hết, hãy cùng nhìn thử xem Mihoyo đã cóp nhặt những yếu tố gì và hiệu quả của nó mang tới mạnh mẽ ra sao.

Game thuộc thể loại nhập vai thế giới mở đi theo những công thức mà với tôi là đã quá bão hòa trong nguyên cả một thập kỉ vừa qua. Những cái tên nổi bật xuất hiện và gây chao đảo cho giới Gamer toàn thế giới, cũng như định nghĩa lại tiêu chuẩn dành cho một sản phẩm thành công ra sao. Từ đó mà đặt ra nguyên cả một công thức dành cho tất cả các nhà phát triển trên toàn cầu học và làm theo với mong muốn sản phẩm của mình cũng sẽ gặt hái được những thành quả tương tự. Các tựa Game nhập vai thế giới mở cứ thế mà đẻ ra một cách cực kì công nghiệp, người chơi dần dần sẽ ngấy với những công thức được nhào đi nặn lại như thế.

Ấy vậy mà Genshin Impact vẫn đâm đầu vào. Nên không hề lạ khi tất cả chúng ta bắt gặp những yếu tố rất quen thuộc trong các tựa Game RPG Open-world bên trong GI. Thả người chơi vào một thế giới nơi mà họ có thể làm tất cả những gì họ muốn. Họ có thể đi khám phá thế giới, mở các điểm Teleport, làm nhiệm vụ, tìm những bí ẩn rải rác trên khắp bản đồ, đi tích cóp những nguyên vật liệu để nâng cấp nhân vật, … Vẫn là những yếu tố kích thích người chơi làm để thúc đẩy nhân vật của họ tiến xa và đạt được nhiều sức mạnh hơn nữa để có thể đối đầu với những Boss hay quái vật một cách dễ dàng.

Đồng thời, các yếu tố này sẽ giúp nhà phát triển có tiềm năng để phát triển bối cảnh và khai triển cốt truyện cho tựa Game của mình. Và đây sẽ là những hoạt động mà người chơi có thể làm bất cứ lúc nào mà họ muốn, cũng như các Game Offline trả phí khác vậy.

GI có một hệ thống khích lệ người chơi nâng cấp sức mạnh của nhân vật khá tốt. Khi đạt tới một Adventure Level nhất định, người chơi có quyền nâng cấp 1 loại level là World Level. Cấp độ World Level càng cao, cấp độ của quái vật và boss ở trong đó cũng sẽ được nâng cao lên để ngang với sức mạnh của người chơi, thêm vào đó thì lượng phần thưởng mà người chơi đạt được khi chém quái giết Boss cũng sẽ được nâng cao lên. Hơi cồng kềnh một chút nhưng nó giải quyết được kha khá rắc rối mà các game RPG có yếu tố cấp độ khác đang dính phải, như khi hoàn thành được một mục tiêu quá sức của người chơi nhưng lượng phần thưởng nhận được không tương xứng với những gì người chơi cố gắng bỏ ra. Đồng thời cho phép nhà phát triển phân loại độ khó và tạo giới hạn tham gia cho người chơi trong các sự kiện sẽ ra mắt trong tương lai.

Nửa còn lại tạo nên Genshin Impact là nửa Gacha Game của nó. Nếu các bạn cũng chơi Gacha Game nhiều như tôi thì các bạn sẽ nhận ra khá nhiều sự tương đồng của GI với các Mobage khác như là Fate/Grand Order, Arknights, Granblue Fantasy, … Trước tiên là hệ thống “Gacha”, yêu cầu người chơi phải bỏ 1 lượng đơn vị tiền tệ để tìm cho mình ngẫu nhiên các nhân vật và vũ khí theo độ hiếm khác nhau. Điểm khác nhau chính ở hệ thống Gacha so với Loot Box khác nhau hoàn toàn khi mà Loot Box thường sẽ cho ra những vật phẩm không ảnh hưởng trực tiếp vào lối chơi mà chỉ mang tính thẩm mỹ.

Còn với Gacha, nó tác động trực tiếp vào quá trình chơi. Sức mạnh của nhân vật và vũ khí sẽ tăng dần theo độ hiếm. Tỉ lệ để ra được các vật phẩm 5* cũng rất “bèo bọt” khi Rate chỉ 0.6% , thảm hại hơn cả 1 tựa Game Gacha Hell khác là Fate/GO. Tuy vậy, bảo hiểm của Game trong vòng 90 Roll sẽ chắc chắn ra một 5* ngẫu nhiên. Nếu nói Genshin Impact là một tựa Game Pay2Win thì không hề sai, vì đây là tính chất của mọi Gacha Game. Nhưng mặt khác, các nhân vật 4* của Game không hoàn toàn là vô dụng. Có rất nhiều các nhân vật mạnh và dễ dàng để có được thông qua các loại sự kiện in-game khác nhau.

Xây dựng đội hình hợp lý để vượt qua thử thách.

Trong các game RPG Open-world khác, người chơi sẽ chỉ phải sử dụng 1 nhân vật duy nhất và dồn tất cả tài nguyên vào nhân vật đó. Còn đối với Gacha Game, chúng ta luôn có một “tập hợp” các nhân vật khác nhau, mà mỗi nhân vật đều có vai trò riêng cho mình. Genshin Impact cũng không phải ngoại lệ. Game phân biệt khá rõ ràng các Role cho nhân vật. Có nhân vật là DPS Carry, là nguồn gây sát thương chính cho cả team, có nhân vật là Healer, có nhân vật là Supporter CC, … Với mỗi Role chúng ta đều có các lựa chọn khác nhau trải dài từ 4* cho tới 5*.

Một team bao gồm 4 nhân vật, build team, roll gacha kiếm nhân vật, cường hóa và build nhân vật, … sẽ là những điều bạn phải làm nếu muốn có cho mình một tổ đội hoàn hảo nhất để đi Domain, giết Boss, đi Raid Boss hay là để leo tháp Abyss. Nếu bạn nâng nhân vật đủ mạnh, xếp team đủ tốt thì không cần tới các nhân vật hay vũ khí 5*, bạn vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành các End Game Content của GI. Nên tôi không hoàn toàn đánh giá Mihoyo là một nhà phát triển hút máu, vì ít nhất họ vẫn chừa đường cho các người chơi Free được tận hưởng Game một cách trọn vẹn.

Còn một điểm đặc trưng của Gacha Game nữa xuất hiện ở trong Genshin Impact, đó là hệ thống “stamina”. Đó là một dạng thể lực được dùng để người chơi thực hiện các loại hành động của người chơi, và nó sẽ được hồi phục dần qua thời gian. Ở trong GI thì hệ thống này được gọi là “Resin”. Các loại hoạt động quan trọng dùng để kiếm được các vật phẩm nâng cấp cho nhân vật sẽ đều yêu cầu Resin để thu thập. Ví dụ như bạn cần một loại nguyên liệu trong một con Boss, bạn vẫn sẽ được đánh con Boss đó. Nhưng để nhận thưởng sau khi hạ gục Boss sẽ yêu cầu bạn tiêu tốn 1 lượng Resin.

Tương tự thế, các loại Dungeon, trong GI gọi là Domain, cũng yêu cầu người chơi trả Resin để nhận thưởng sau khi hoàn thành. Đó có thể là các Domain dùng để farm các nguyên liệu nâng cấp nhân vật, vũ khí, hay là để kiếm thêm cho mình các loại Artifact, một set trang bị nâng cao sức mạnh và quyết định lối chơi của nhân vật. Đây là yếu tố tạo độ cân bằng giữa tất cả các người chơi khi ai cũng sẽ chỉ có một lượng Resin như vậy, hoặc là bạn chấp nhận trả tiền để được hồi phục thể lực và chơi tiếp. Điều này hoàn toàn hợp lý vì bản thân GI đã là một tựa Game Free to Play hoàn toàn. Nhưng nếu để xét về một khía cạnh khác, đây là cách mà Genshin Impact khiến người chơi ở lại với tựa Game lâu hơn nữa, giúp người chơi không bị chán nản khi phải chờ đợi những bản cập nhật mới.

Một trong những yếu tố chủ chốt để nâng cao sức mạnh. Nhưng mạnh tới đâu là tại Game quyết, chưa đến lượt bạn.

Về hệ thống Combat của Genshin Impact, theo bản thân tôi đánh giá là một sự rất cũ mà cũng rất là mới. Về điểm quen thuộc, đối với một người chơi rất nhiều tựa Game hành động góc nhìn thứ 3 nói chung và Hack n’ Slash nói riêng, tôi có thể làm quen rất nhanh với hệ thống chiến đấu này. Vẫn là những cách thức chiến đấu đơn giản mà quen thuộc bao gồm các phím di chuyển, một phím Light Attack, một phím Heavy Attack, 2 phím sử dụng skill và một phím né. Chỉ đơn giản là như vậy. Né tránh hiệu quả, trả đòn hợp lý và tối ưu lượng Stamina hiện có. Đó là công thức trên lý thuyết để bạn có thể sử dụng và triệt hạ tất cả các thể loại kẻ thù mà GI đem lại.

Nhưng bên cạnh đó là nguyên cả một cơ chế chiến đấu khác mà người chơi cần phải biết. Tạm gọi là “Elemental Reaction”, hay là “Phản ứng nguyên tố”. Tất cả các nhân vật mà người chơi có thể điều khiển được trong GI, đôi khi là kẻ địch nữa, cũng đều sở hữu cho mình những đòn đánh thuộc một nguyên tố nhất định. Khi thi triển sẽ gây hiệu ứng nguyên tố lên kẻ địch trúng phải. Nếu kết hợp các nguyên tố khác nhau sẽ gây nên các loại phản ứng nguyên tố khác nhau, mà mỗi loại phản ứng nguyên tố đó cũng sẽ có hiệu quả khác nhau. Ví dụ, nếu kết hợp hệ “Thủy” với hệ “Lôi”, kẻ địch sẽ bị phản ứng “Tích Điện” gây sát thương theo thời gian. Hoặc kết hợp hệ “Hỏa” với hệ “Lôi” sẽ gây hiệu ứng “Quá Tải”, phát nổ gây thêm một lượng sát thương lớn nữa vào kẻ thù.

Hệ thống này khiến cho lối chơi của GI trở nên linh hoạt và phức tạp hơn rất nhiều khi bắt người chơi phải thay đổi nhân vật liên tục để tạo các phản ứng nguyên tố hiệu quả nhất cho từng loại kẻ thù, cũng như khiến người chơi phải tính toán kĩ càng hơn khi xây dựng nhân vật và đội hình ưng ý cho riêng mình.

Nguyên cả một bảng tuần hoàn phản ứng của riêng Genshin Impact


Genshin Impact không theo phong cách tả thực, nhưng nếu nói “không đẹp” thì lại hoàn toàn không chính xác. Game có hình ảnh rất tuyệt vời, mà theo tôi thì màu sắc và ánh sáng là điểm tuyệt vời nhất. Model của các nhân vật, dù là NPC hay không cũng đều được trau chuốt. Thiết kế của các nhân vật cũng rất đa dạng và đem lại được bản sắc riêng, không bị trùng lặp. Các nhân vật có thể điều khiển được cho tới nay theo tôi là vẫn có những nét đặc trưng riêng, không có cảm giác một nhân vật bị nhét vào một cách mờ nhạt để làm “filler”, dù cho đó có là nhân vật Rarity thấp đi chăng nữa.

Tuy hình ảnh đẹp là vậy, nhưng nó lại là con dao hai lưỡi khi một trong những nền tảng phát hành chính của Genshin Impact là Smartphone. Dù cho công nghệ hiện tại thực sự đang có những bước phát triển vượt bậc, nhưng số lượng thiết bị có thể hoạt động mượt mà GI chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết thuộc phân khúc trung và cao cấp. Hiện tượng crash, giật lag khi trải nghiệm Game ở trên điện thoại vẫn còn tương đối. Nên theo tôi, đây vẫn là một Game PC/Console/Handheld, và có khả năng chơi được trên Smartphone. Thậm chí kể cả khi chơi GI ở trên PC, người chơi vẫn có thể gặp một vài lỗi và Bug không đáng có, cho dù đó chỉ là Bug hình ảnh và không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm của người chơi. Nhưng thực tình, mỗi lần người chơi tìm ra Bug và report cho Mihoyo, họ fix hay không thì tôi không biết, nhưng được đền bù Primogems và các vật phẩm khác cũng khiến tôi cảm thấy họ quan tâm nhiều thế nào đến trải nghiệm của người chơi rồi.

Âm thanh của Genshin Impact cũng là một khâu khiến tôi khá bất ngờ. Mặc dù game không có những bản nhạc khiến tôi phải rùng mình như là “Nier:Automata” hay “Persona 5”, nhưng chất lượng của từng bản nhạc đều được đầu tư rất kĩ lưỡng. Và với một Wibu chúa như tôi, giọng nói của các nhân vật mới là thứ khiến tôi quan tâm bậc nhất. Về điểm này, Mihoyo một lần nữa làm tôi há hốc miệng ngạc nhiên khi họ chi rất nhiều trong việc thuê các Seiyuu nổi tiếng, cả trong phiên bản tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Như kiểu người lồng tiếng cho Paimon lại chính là Kaguya trong bộ Anime đình đám “Kaguya-Sama: Love is War” chẳng hạn. Nên riêng trong khoản âm thanh, tôi mạnh dạn rộng rãi chấm luôn điểm 9/10 vì độ Wibu của bản thân.

Tổng Kết:

Ưu điểm

  • Một tựa Game dễ để làm quen, phù hợp cho những người chơi đại chúng, nhưng vẫn có những điểm phức tạp để chiều lòng người chơi chuyên.
  • Hình ảnh tuyệt đẹp, âm thanh được đầu tư kĩ lưỡng.
  • Kết hợp tốt những yếu tố sẵn có của thể loại RPG Open-World và Gacha Game
  • Một Game thích hợp cho những người không có quá nhiều thời gian để chơi Game

Nhược điểm


  • Gacha Game. Người không chơi là người thắng. Người chơi là người gấp đôi đến chết. Ngã ở đâu đứng dậy ở đó. Còn chơi còn gỡ.
  • Gacha Game. (Điều quan trọng phải nhấn mạnh 2 lần).
  • Hệ thống Loot-based và RNG gây nhiều khó khăn trong việc Grinding.
  • Vẫn còn tồn tại các lỗi và Bug kĩ thuật.
  • Game không cho phép tôi tương tác với chó và mèo.

Dù sao đi nữa, tôi cảm thấy việc so sánh Genshin Impact với một vài tựa Game “mà ai cũng biết là gì” là thực sự không công bằng. Tôi không coi nhẹ bất cứ Game nào vì tôi đều đã chơi cả 2 game và tôi đều tận hưởng cả 2. Nhưng những sự khác biệt tạo nên lối đi riêng của mỗi Game mới là những thứ thực sự cuốn hút và khiến người chơi muốn thưởng thức nó mãi. Nó cũng chứng minh sự đa dạng cần có ở trên thị trường Game, và người hưởng lợi nhất vẫn luôn là người chơi.

Tôi viết bài này vì tôi tạch Ganyu.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


6 cụng ly

  • ARI.Leisurely - 13.01.2021

    tui thấy game này rộng nhưng thiếu sâu, khá giống mấy game của cái hãng nào đấy đến từ nước Pháp


  • ARI.Leisurely - 13.01.2021

    media gaming content, bác làm việc gì liên quan đến gaming content thế, nói rõ thêm tui biết nào


  • Hio - 16.01.2021

    Hình ảnh tuyệt đẹp ư?
    – Tôi không cho là thế, nếu bạn chơi tầm 1 tháng và bắt đầu đi chiêm ngưỡng thì sẽ thấy, môi trường cực kì tệ, nó tạo cho tôi một cảm giác rất giống các game của Riot, nó như là một đống sáp/ đất sét được nhào nặn mà thành. Nhìn có một cảm giác rất thô và chóng chán.

    Phần tệ tiếp theo làm tôi bỏ GI sau 1 tháng ra mắt.
    Sao ông lại khẳng nó là hack’n’slash khi mà nó HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ DASH ATTACK, AIR ATTACK, AIR COMBO mà hầu như game h&s nào cũng có và CẦN có. Thiếu những cái trên, nó làm combat cực kỳ tù và chán nản khi nó hoàn toàn giới hạn hành động của người chơi. Noel đang chạy-> gặp quái-> nhấn attack là nhân vật sẽ khựng lại để tung đòn đánh, trông rất là khó chịu. Việc này cũng lặp lại với các nhân vật tung đòn nhanh như Xiaoling nhưng có vẻ không bị khựng lại nhưng do không có dash attack nên combo hay đòn đề ba hầu như là không.

    Cộng đồng thì thôi không muốn nói tới.

    Âm thanh thì công nhận chịu chơi, nhưng âm nhạc thì hoàn toàn không.

    Cốt truyện chưa hoàn chỉnh nên là chả có ấn tượng gì, ra vùng núi Tuyết nhưng tui có chơi lại thử nhưng mà có vẻ cũng khá là….chán? Để một cái hint để sau này tẩy trắng thay đen cho dễ, làm một cái plot twist siêu to khổng lồ đẩy cao trào lên để kéo lại?
    Side quest khá ok, có vài cái khá hay.

    Gacha thì tệ, mà sao tệ thì khỏi phải nói. Chơi game của Cygames quen rồi nên con GI này tệ khỏi nói.

    Về nhân vật thì tôi cực kì không thích cách Mihoyo nó lách luật nước nó bằng việc sao lại kéo cái áo liền quần của Jean như một bộ đồ bó? Mona thì mặc đồ bơi cách tân kèm tất chân?

    Và quan trọng nhất CAMERA TỆ KHỎI BÀN.
    Và còn leo núi nữa, một trong những việc phiền phức không đáng có nhất của game.


  • Dean - 28.01.2021

    @Hio
    Sao phải cay cú với game thế nhở. Tui vẫn khó tính nhưng vẫn thấy game hay.
    Và vì phần Núi tuyết bác chưa chơi nhưng vẫn phán là chán thì sorry bois, your opinion is not valid. Bấm nút dùm ^^


  • Nguyễn Trọng Long - 17.02.2021

    Mình cảm ơn bạn đã chia sẻ!


  • QA - 19.02.2021

    Em rất ít chơi game, đây là lần đầu tiên em chơi game kiểu này. Nhưng game cày mệt quá, nhiều lúc rảnh muốn bật game lên chơi nhưng nghĩ tới làm mấy cái quest bình thường đã tốn thời gian quá trời nên lại làm biếng. Cứ bỏ một, hai tháng rồi chơi lại, rồi lại thấy mệt mỏi với game và cốt truyện và làm biếng chơi.