Onimusha: Warlords, vắt kiệt doanh thu hay phép thử cho sự đổi mới

Khách quen

  

Trong kỷ nguyên hiện đại, chúng ta đã, và đang phải sống qua một loại đại dịch, đại dịch Đặc Sâu hóa gaming. Khi sự thành công của Dark Soul trở nên quá lớn, nên là từ các nhà đánh giá tới các journalist chuyên hoặc không chuyên, đâu đâu cũng có cái công thức thế này “Gêm ABC, Dark Soul phiên bản XYZ”. Những thứ không hề liên quan, cũng được lôi ra đứng cạnh Dark Soul một cách bất đắc dĩ, đến mức bản thân người đang type mấy cái dòng này cũng không hiểu phải nên ưa hay ghét Dark Soul nữa. Thành công của game này cũng không thể phủ nhận. Nhưng nếu để hỏi, ai là biểu tượng của dòng Action-Adventure, Dark Soul không phải là cái tên mà tôi sẽ lựa chọn mặc dù cho nó có thành công như vậy. Cái tên được tôi đề cử, sẽ là Onimusha franchise. Cho nên thông tin Capcom quyết định remaster Onimusha: Warlords – phiên bản đầu tiên của franchise này lên các hệ máy thế hệ hiện tại, chưa biết người khác thế nào nhưng với bản thân tôi thì “Quất. Quất luôn và ngay.” do bản thân là người rất yêu thích dòng game này.

Nói đến Onimusha, thì có lẽ nhà nhà người người sẽ nghĩ ngay tới phiên bản thứ ba mang tên Onimusha 3: Demon Siege, đơn giản vì đây là phiên bản tiếng tăm và thành công nhất của dòng game. Những người muốn chơi lại phiên bản đầu tiên cũng không quá nhiều khi mà game không phải là current-gen, ra mắt vào năm 2001 thời kỳ đầu của PS2, chất lượng cực kì hạn chế so với gu và thị hiếu của người chơi hiện tại. Cùng với sự bùng nổ của các sản phẩm con cháu đồng thể loại đi sau, có thể kể đến Dark Soul, God of War 2018, Tomb Raider (Square Enix reboot), hay kẻ mang đậm bản sắc Onimusha nhất hiện tại theo đánh giá của tôi, là NioH. Sắp tới trong năm 2019 này sẽ là NioH 2, Ghost of Tsushima, Sekiro: Shadows Die Twice. Nước đi mang tên Onimusha: Warlords của Capcom không thực sự là nước đi khôn ngoan trong thời điểm hiện tại. Nhưng dù sao thì vẫn là một sản phẩm cực kì đáng tiền với cái giá 276.000đ trên Steam Việt Nam.

Onimusha 3: Demon Siege – tựa game mà tác giả rất thích tới nỗi phải khổ công tìm mua cho bằng được một copy PS2 JP của nó.

Nói về remastered ở mọi trường hợp, vì nó không phải remake hoàn toàn nên những cái gì hay nhất của game gốc sẽ được bê nguyên sang phiên bản remastered của nó. Từ đấy mà nhiệm vụ lớn nhất của bản remastered lại này chỉ là cải thiện thêm về đồ họa và tinh chỉnh một chút về gameplay cho phù hợp với các hệ máy hiện đại.

Đồ họa là một trong những thứ ngay lập tức đập vào mắt của người chơi. Và Onimusha: Warlords không phải là game làm tốt trong việc phát triển từ những thứ đã vốn sẵn có, nếu như không muốn nói là Capcom đã quá lười biếng trong việc này. Thứ duy nhất được cải thiện là Model Rendering của các nhân vật chính và kẻ thù. Rõ nét đến mức chúng ta có thể nhìn thấy Samanosuke trợn mắt một cách thô cứng nhất có thể, như là đặt engine thời PS2 lên các hệ máy current-gen hiện tại. Còn lại như các effect khi thi triển đòn đánh, hay quan trọng nhất là phần background đều có độ phân giải cực thấp, nếu các bạn chỉnh setting chơi trên độ phân giải Full HD, các bạn sẽ có cảm giác như một Samanosuke 720-1080p đang thi triển các đòn đánh trên nền đất 144-240p vậy, cực kì mất cân đối. Ngoài ra, các đoạn cắt cảnh pre-rendered cũng vẫn giữ nguyên chất lượng. Nên đây là một điểm trừ cực kì lớn đối với phiên bản Remastered của Onimusha: Warlords.

Nhân vật dù sắc nét nhưng biểu cảm vẫn quá thô cứng

Hình ảnh quá khập khiễng về Render nhân vật và Background

Về mặt gameplay, như đã nói ở trên, vì là phiên bản re-release nên những điểm cộng của phiên bản gốc sẽ được giữ nguyên, những gì nhà phát triển phải làm là chỉnh sửa một chút để phù hợp, để có thể vươn tới người chơi thế hệ hiện đại. Và đúng vậy những gì mà dòng game Onimusha nói chung và bản thân phiên bản Warlords nói riêng được game thủ thế hệ trước ca tụng đều ở lại. Là ông tổ cho dòng Hack n’ Slash và Adventure với những cơ chế Counter Attack, Parry, One-Hit-Parry,… được các game thế hệ sau áp dụng triệt để, cùng với lối chơi phiêu lưu giải đố trên góc camera cố định được thừa hưởng lại từ franchise Resident Evil cùng thế hệ. Là cơ hội để những người lớn lên từ thế hệ PS1, PS2 trở lại và hoài niệm, hoặc để những người chơi thế hệ sau trải nghiệm những thứ đặt nền tảng cho các tựa game thành công sau này.

Issen, Critical Strike. Tuyệt kĩ ngầu với sát thương cực mạnh nhưng không hề dễ thực hiện.

Nhưng nhìn ngược lại, nếu việc remaster các tựa game cũ là để dễ dàng tiếp cận với người chơi thế hệ hiện tại, thì bản thân gameplay của tựa game cũng phải được tinh chỉnh sao cho hợp lý với các tựa game hiện đại. Nhưng không, đây lại là một sự lười biếng khác của Capcom. Mọi thứ trong gameplay đều được giữ nguyên y đúc. Đồng nghĩa với việc những thứ khiến người chơi thế hệ trước phải vò đầu bứt tóc trong phiên bản gốc năm 2001 cũng trở lại.

Ví dụ, trong một phân cảnh của game, chúng ta phải đi qua hai unskippable cutscene cùng với liên tiếp ba cái puzzle cực đau não, nếu thất bại ở bất cứ màn puzzle nào, game sẽ ngay lập tức sút bạn về với màn hình chính Tittle Screen một cách tàn bạo và lạnh lùng nhất có thể mà không có một checkpoint nào để bạn có thể retry, thứ duy nhất để bạn bám víu vào chỉ có một phần save data, sau đó bạn sẽ lại tiếp tục trải qua những màn cutscene không thể bỏ qua được, tiếp tục lại đau não với những màn puzzle của game. Và khi đã qua được màn puzzle đó rồi, nếu bạn không về lại đúng cột Magic Mirror (dùng để save và nâng cấp đồ) mà bạn đã dùng để save trước đoạn puzzle đó để lưu lại sự struggle bạn vừa trải qua, phải đi một đoạn đường khá xa mới tới được cột save tiếp theo, và trên đoạn đường đó bạn sẽ liên tục bị những bộ xương hay một đám ninja nhảy xổ ra đòi lấy mạng bạn. Và tất nhiên, nếu bạn không cẩn thận, bạn sẽ lại bị sút ra Tittle Screen, và bạn sẽ lại phải chơi lại tất cả, và nó khiến cho bạn muốn nện cái bàn phím vào màn hình vậy.

Nơi chan chứa đầy nỗi đau của người chơi cổ điển hay hiện đại

Theo tìm hiểu trên các diễn đàn lớn về game trên thế giới thì khá nhiều người chơi kể cả từ thế hệ trước lẫn hiện đại đều đã phải trải qua sự đau khổ này. Vậy mà Capcom không hề tinh chỉnh một chút nào, không rõ do bên nhà phát triển lười, hay là do họ muốn người chơi hiện đại trải qua đúng nỗi đau mà người đời trước đã phải trải qua, từ đó cho họ thấy gamer thế hệ trước hardcore tới nhường nào.

Ngoài ra, nếu bạn chơi Onimusha: Warlords bằng bàn phím thì thực sự bạn là một tên có máu M cực nặng, phần tinh chỉnh control của game rất tệ, khác hẳn với bản port PC của Onimusha 3 trước kia. Người chơi không được key binding sang các phím như Shift, Ctrl. Trong khi mặc định các phím Attack hay Ready Target lại là Mouse 1 và Mouse 2. Không rõ ý Capcom là gì khi cho một game có camera cố định sử dụng phím điều khiển bằng chuột. Mà thông thường sẽ là các phím mà người chơi bàn phím cực quen thuộc như Shift dùng để Dodge hoặc Block,… Trong khi control bằng gamepad lại khá ổn định.

Một trong những bind control khó hiểu nhất làng game

Mặt âm thanh của game cũng được cải tiến và cải thiện, và đây là sự cải thiện lớn nhất của bản Remaster so với bản Original. Người chơi đã được thưởng thức Onimusha: Warlords với âm thanh HQ sắc nét và rõ ràng. Rõ rệt nhất là về phần BGM và Sound Effect. Nhưng, phần lồng tiếng của game rất tệ, nếu không muốn nói là cực kì tệ. Nếu có thể chấm thì tác giả xin được chấm độ Cringe Worthy của ENG Dub là 11/09. Nhưng thật may mắn, phần setting của game cho người chơi tùy chọn được chuyển phần Dub của game từ ENG sang JP. Và như tất cả mọi người đều biết, lồng tiếng của Nhật rất tốt và rất chuyên nghiệp. Nên là hãy chỉnh ngay phần audio sang Japanese để trải nghiệm game của bạn không bị phá hủy. Nghiêm túc đấy.

Takeshi Kaneshiro – Người thổi hồn vào cả hình dáng lẫn giọng nói cho Akechi Samanosuke

Nếu để đánh giá, Onimusha: Warlords rất hay và tuyệt vời dù không hoàn hảo. Nhưng đó là của 18 năm về trước. Hiện tại, game quá lép vế so với những hậu duệ đi sau do chính mình tạo ra, nhất là sau những gì phiên bản Remastered này đã làm được. Nhưng so với các nước đi gần đây của Capcom, liệu đây có phải là phép thử để Capcom tái khởi động dòng game này để nó có thể cạnh tranh với những dòng game Action-Adventure hiện đại, như là cách mà Capcom đã làm với các dòng game Resident Evil, Megaman và Devil May Cry. Và nếu dòng game này có được tái sinh, hy vọng rằng nó sẽ được đối xử chu đáo và cẩn thận hơn so với Onimusha: Warlords Remaster. Như một cách để Capcom đền đáp lại cho hy vọng cũng như sự chờ đợi của những người hâm mộ dòng game này.


Rating: 5.5/10

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện