Thời gian là một con dao hai lưỡi khủng khiếp nhất mà tôi được biết. Nó có thể bào mòn và phá hủy những niềm tin yếu đuối. Nhưng ngược lại đôi lúc nó hun đúc, trui rèn những giấc mơ, hoài bão và tạo nên những kỳ tích. Điều đó càng được khắc sâu hơn trong sự phát triển đến chóng mặt của ngành làm game. Với một “ông cụ non” 10 năm tuổi như Owlboy, quả thực nó là một điều khó tin nhưng tuyệt vời. Thú thực, với 1 Studio phát triển game độc lập như D-pad Studio, tôi không nghĩ rằng họ sẽ bắt tay và tạo ra được Owlboy nếu ngay từ đầu (năm 2006) họ được cho biết nó lên tới 10 năm trời để hoàn thành 1 tựa game như vậy. Một ước muốn thuần khiết tạo nên những sản phẩm game mang hơi thở cổ điển nhưng quyến rũ, tạo cảm hứng cho suy nghĩ lẫn cảm xúc. Ước muốn ấy cháy lên 10 năm và cứ tiếp tục như vậy mặc cho sự thay đổi đến chóng mặt của thời đại. Owlboy được ra đời như thế, từ một ước muốn thuần khiết như vậy.
Câu chuyện Owlboy của chúng ta bắt đầu với Otus – chàng người cú bị câm. Otus luôn bị chỉ trích vì những thiếu sót của bản thân. Là một sản phẩm indie mang yếu tố phiêu lưu, điểm chết người mà một trò chơi có thể vấp phải là một cốt truyện quá dở tệ hoặc rất lớn nhưng nó dễ dàng tới mức một thanh niên lan man nào đó có thể “gáy” vanh vách diễn biến truyện như thể anh ta là tác giả của nó. Trái lại, Owlboy là một trong những trò chơi xuất sắc về mặt xây dựng cốt truyện mà tôi đã từng trải nghiệm. Owlboy của D-pad kể về những thứ nhỏ bé, bình dị mà đôi khi là quá yếu nhược, mong manh khi đặt vào một kịch bản phiêu lưu khi rắc rối to lớn xảy đến – như Otus, Geddy và những người dân làng Vellie. Đối với tôi, việc chọn Otus và những người bạn làm nhân vật chính phát triển xuyên suốt tựa game này là một nước đi cực kỳ mạnh mẽ trong việc thiết lập một cốt truyện. Không phải hạng người có sức mạnh “lấp biển vá trời”, cũng không hung hãn đến độ “phần thiên chử hải”, D-pad đã chọn một xuất phát điểm nhỏ nhất có thể, đó là những tạo vật nhỏ bé, bình thường của thượng đế như Otus và những người bạn để bước đi trên cuộc hành trình vĩ đại, một thế giới bao la ngoài sức tưởng tượng của họ.
Mười năm phát triển là thời gian chín muồi để tạo nên một tuyệt tác. Với Owlboy, đó là sự tỉ mỉ trong việc xây dựng từng bit “cảm xúc” mà nó sở hữu. Trong Owlboy, những nỗi buồn không thể bị cuốn đi bởi một sự lạc quan mạnh mẽ nào đó mà thay vào đó, nó ở lại với những nhân vật của bạn. Và mỗi một sự kiện, buồn hay vui, mất mát hay thắng lợi, những cảm xúc đó không trôi tuột, nó bám lại và phát triển theo chiều hướng khác nhau, thay đổi cách nhìn của từng nhân vật cụ thể trong từng phân cảnh cụ thể một cách đáng ngạc nhiên. Owlboy là một câu chuyện tốt vì nó chạm được đến trái tim của người chơi mặc cho vẻ ngoài hoạt họa quá đỗi quen thuộc với một người chơi lớn đầu như tôi. Một phần công sức có thể kể đến sự kỳ công trong việc xây dựng xuất sắc tuyến tính các nhân vật, các sự kiện có trong Owlboy cùng với một số plot twist tốt. Ở cuối của chặng hành trình này, tôi chưa bao giờ nghĩ câu chuyện này phát triển như vậy.
Owlboy là thứ rượu mà ta nguyện dành trọn thanh xuân của mình để say mèm. Nó là một game không quá đặt nặng về mặt kỹ năng, chơi Owlboy giống kiểu đọc 1 cuốn truyện hấp dẫn. Cảm giác chơi Owlboy giống khi ta đọc sách, mỗi một trang giấy lật lên, thế giới và bầu trời của nó rộng mở, không thể đoán trước và hấp dẫn vô cùng. Owlboy hứa hẹn những làn gió tự do thôi thúc những kẻ mộng mơ trong cơn đói cồn cào thèm phiêu lưu.
Chưa bao giờ một đứa trẻ như tôi lại cảm thấy thích thú khi lạc bước vào một thế giới xa lạ thế này. Không có sợ hãi, không có than thở và trì trệ, tôi in dấu chân lên những tàn tích bằng đá của một nền văn minh cổ đại bị quên lãng trong dòng lịch sử. Tận mắt tôi trầm trồ với những thứ máy móc kỳ lạ chạy bằng hơi nước. Và đôi khi cố gắng giữ lấy cái mũ trên đầu mỗi khi những con thuyền hải tặc lướt bay trên những đám bông mềm mại của bầu trời. D-pad tạo nên một thế giới Owlboy rất tuyệt. Cái khoảnh khắc được chứng kiến sự giao hòa giữa ngày và đêm, rồi những khi các hòn đảo nổi ẩn dần khi mà sắc cam của chiều hoàng hôn nhường chỗ cho ánh tím ma mị mà hùng vĩ của những đốm sao trời. Thú thật, đôi khi tôi chỉ muốn một lần dắt người tôi yêu sống cho qua ngày đặng tháng trong chốn tươi đẹp này.
Được lấy cảm hứng chủ đạo từ sự hoài cổ, D-pad Studio chọn pixel art là thứ “màu vẽ” cho tác phẩm tinh thần của họ. Thực tế Owlboy không hoàn toàn là một game retro, điều đó được thể hiện đạm nét trong phong cách đồ họa của nó. Bạn không còn thấy nó là thứ 8 bit hay 16 bit cổ xưa mà thay vào đó, team D-pad đẩy đồ họa của Owlboy lên đến tầm cao mới. Owlboy không có một bảng pallette màu giới hạn. Độ phân giải pixel của nó thay đổi dựa trên từng khung cảnh khác nhau của game. Khi ta bước vào những khoảng rộng mở của game, camera màn hình dường như zoomout lại, các chi tiết, các cấu trúc môi trường co lại. Và ngược lại, vào những không gian chật hẹp, mọi thứ được đưa vào gần hơn, chi tiết hơn.
Đi cùng với đó là các thiết kế đồ họa tạo nhiều chiều sâu không gian cho game. D-pad đặt hàng loạt các layer ảnh nền di chuyển song song với sự tinh chỉnh về tốc độ khác nhau. Các nhân tố tạo nên 1 hiệu ứng 3 chiều cực tốt giống với việc người chơi dùng thao tác cuộn (scroll) làm phần nền di chuyển chậm hơn so với tiền cảnh.
D-pad dành nhiều thời gian thiết kế đến mức họ tỉ mỉ cho những thứ nhỏ nhất như gốc cây, ngọn cỏ đung đưa trong gió. Hay đáng nể là sự chăm chút cho những áng mây bay nhẹ trên bầu trời… Lạy chúa, Owlboy sở hữu những phông nền đẹp đến khó tin.
Và cuối cùng, thứ làm Owlboy thực sự xuất sắc và đáng khen hơn cả khi những vật thể, các cấu trúc môi trường của game gắn bó chặt chẽ và nhất quán với chủ đề nghệ thuật mà nó hứa hẹn mang lại. Ở đây dường như không hề có sự tì vết về xung đột quá lớn.
Với những game thủ khó tính của thời đại này, một trò chơi xuất sắc không chỉ sở hữu một vẻ ngoài hào nhoáng, gameplay của nó cũng phải phù hợp và tương xứng (Phụ nữ cũng nên như vậy 🤜🤛). Và Owlboy thực sự là một game indie xuất sắc trong từng thiết kế nhỏ bé nhất. Thời điểm khi tôi bắt đầu làm quen với chàng nhân vật chính của chúng ta – Otus, thú thực đó là một trải nghiệm khó quên. Khi bạn hóa thân vào 1 anh chàng cú trẻ tuổi, lang thang xung quanh những hòn đảo nổi, tán chuyện với những người thú vị trong thị trấn Vellie. Bầu trời trong Owlboy thì thoáng đãng và rộng mở với những khoảng màu tươi sáng.
Chưa bao giờ tôi thấy nhàm chán trong suốt quá trình chơi Owlboy. Bởi lẽ, D-pad tạo ra nhịp độ và tiết tấu chơi quá đỗi xuất sắc. Giống như một bản nhạc bắt tai, hay, nó phải khi thì nhẹ nhàng bình yên, có những quãng chậm rãi, tăng trưởng từng nhịp chậm cho đến khi đoạn cao trào bùng nổ, rồi sau đó lại chậm rãi, hòa hoãn và hồi hộp. Owlboy chính xác là như thế khi mà bố cục và tiết tấu của nó “dắt mũi” bạn “say” nó lúc nào không hay. D-pad khéo léo ở chỗ họ làm bạn yêu mến vùng đất yên bình này, yêu mến từng con người, từng gốc cây ngọn cỏ của nó. Sau đó Owlboy tạo ra những quãng chậm rãi, nhưng nhanh dần đánh dấu cho cao trào chuẩn bị tới. Đó là khi lũ cướp biển đặt chân tới, tấn công cộng đồng mà bạn trót gắn bó, “phải lòng” nó. Đó là cách mà D-pad giăng ra chiếc võng hoàn hảo mà bạn không thể chối từ. Owlboy nó không bắt ép bạn phải trở thành một tên diễn viên dở tệ với kịch bản bạn không mong muốn. Thay vào đó, nó thôi thúc bạn bằng cả trái tim và ước vọng của chính bản thân để đi theo nó. Cuộc phiêu lưu của Otus và những người bạn là thứ khó kiếm trong thời buổi bão hòa những sản phẩm game indie nói riêng và game nói chung như thế này.
Một trong những cảnh tôi thích là rượt đuổi trong game. Sự phối hợp trong gameplay được đẩy lên đến đỉnh điểm. Ta cần súng của anh chàng Geddy để đối phó với những chướng ngại bằng đá, súng lửa của Alphonse để dọn dẹp những cây gai chằng chịt ngáng đường, trong khi đó thác nước đổ xuống làm Otus phải cắt cua, “đánh võng” và bứt tốc qua những lối thoát chỉ trong gang tấc. Không cần tác động ngoại lai của những chất kích thích, từng dòng adrenaline bùng cháy, những tế bào của cơ thể chúng ta run rẩy vì hưng phấn. Đó là cảm giác “Chơi Game” đúng nghĩa mà người chơi tìm kiếm được trong Owlboy.
“Bánh mỳ phải có pa-tê”, xen kẽ với những cảnh hành động chiến đấu là những màn giải đố đầy chậm rãi, căng thẳng và hồi hộp đến mướt mồ hôi bẹn. Owlboy giữ cho mình một mức độ thưởng thức khá nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy lôi cuốn, thú vị. Không như những sản phẩm hardcore, Owlboy không bắt người chơi phải “nằm gai nếm mật” hay gặm xương ngay từ tutorial với những thử thách có độ sâu không thấy ngày về. Thay vào đó, D-pad lựa chọn con đường phát triển Owlboy khác hơn, là vứt càng nhiều thứ mới mẻ và thú vị liên tục, luôn giữ mọi thứ ở mức tươi mới cho người chơi cảm nhận.
Điểm đáng khen nhất là ở thiết kế chiến đấu của Owlboy. Các cách thức tấn công nó cho người chơi sở hữu rất đa dạng. Nó không chỉ là việc bạn spam khẩu súng hay một cú đánh. Thay vào đóm người chơi có thể sử dụng spin của Otus và phản đạn (Deflect) về phía kẻ thù. Hoặc bạn có thể chọn style tạo cloud gây mưa rồi làm băng đá để tấn công, v.v… Những thiết kế như vậy tạo nên những cảm giác thú vị khi tương tác vật lý để tấn công. Tạo ra cảm giác ham muốn, khám phá, thử nghiệm và sáng tạo ra nhiều phong cách chiến đấu cho riêng bản thân và cho từng hoàn cảnh khác biệt là một phần thưởng ngọt ngào mà khó có người chơi nào bỏ qua. Owlboy làm được điều đó ngay cả khi nó không phải là thứ game đặt chiến đấu lên làm chủ đạo.
Và đó cũng chẳng phải là hết những gì Owlboy sở hữu để trở thành một game indie xuất sắc. Các mechanic của Owlboy tốt tới mức nó hợp lý hóa và phù hợp với mạch truyện và mô tả nhân vật của chính nó. Bạn sẽ thấy được tính anh hùng mạnh mẽ mỗi khi chàng cú Otus của chúng ta cất cánh bay vút lên bầu trời hay trong những động tác roll hay spin đáng ngạc nhiên và bắt mắt. Những thiết kế như vậy trong Owlboy tốt đến mức nó không hoàn toàn đánh mất sự trói buộc của nguy hiểm và thử thách đặt ra cho người chơi trong Owlboy.
D-pad Studio là những người cực kỳ sáng tạo trong những thiết kế về cơ chế chiến đấu của Owlboy. Với phần cốt truyện khắc họa những con người nhỏ bé muốn cứu thế giới nhưng đều sở hữu những điểm yếu, việc trao vào tay Otus hoặc một người nào đó tất cả những gì diệu kỳ quả là một điều ngớ ngẩn. Ta không thể highlight thứ cốt truyện viết tốt như vậy với một anh chàng người cú bị câm lại đôi khi vụng về như Otus bằng cách cho anh ta khả năng bắn súng thiện xạ như Clint EastWood được. Và D-pad biết điều đó, chính vì vậy mà họ đã phân bổ hợp lý tất cả những khả năng độc đáo cho chuyến phiêu lưu lên toàn bộ những người bạn của Otus. Owlboy là một tựa game đẹp về tình cảm bạn bè và D-pad đã đúng khi khắc sâu nó vào trong xương tủy của game khi yêu cầu người chơi phải thay đổi luân phiên và sử dụng các kỹ năng khác nhau của những người bạn. Dần dà tình cảm của người chơi cũng như của Otus với những người bạn của anh ta sẽ phát triển và gắn bó sâu đậm. Một nước cờ quá thông minh để kịch bản và gameplay không bị xa rời nhau, mọi thứ gắn kết thật là tốt.
…Ừm, xí quên! Thấy hơi thiêu thiếu một thứ làm nên điều tuyệt vời trong những trải nghiệm gameplay của Owlboy. Đó là đối tượng để nó giải quyết, là thứ đòn bẩy tương xứng – những kẻ thù AI trong game. Đối với 1 game indie thường thấy, theo tôi AI của Owlboy được liệt vào hàng khá tốt. Nó không chỉ là vấn đề về số lượng. Ngoài số lượng, D-pad cho thấy sự đầu tư khá tốt vào hành vi và những điểm yếu của AI trong game. Thêm vào đó là sự thêm nếm khi đưa ra nhiều vị trí phân bổ AI trong phân cảnh để tạo ra những tình huống thách thức đa dạng. Và cũng đừng quên một điều rất tuyệt khi nói đến hiệu ứng hạ gục và 1 số phần thưởng khi hạ gục.
Những con trùm trong Owlboy không thực sự mới mẻ. Đôi khi Owlboy yêu cầu sự khéo léo trong di chuyển và những thao tác tốt với nhân vật hoặc môi trường. Hoặc có đôi khi bạn cần sáng tạo ra một combo đủ mạnh mẽ để chiến thắng. Tuy vậy, D-pad nên cân nhắc lại một lần nữa đến các thiết kế về độ khó của những màn đấu boss trong Owlboy bởi nó hơi dễ dàng đối với một game thủ có sức chơi trung bình như tôi. Đôi khi tôi hay đùa thế này về Owlboy “Game này trông dễ thương thế mà thách thức trên từng pixel đó nha.”
Tạm kết
Bạn có thể sẽ không quay lại chơi Owlboy lần sau khi đã “phá đảo” nó. Đơn giản bạn không thể vắt tiếp những cảm xúc chảy ra như lần đầu tiên nữa. Nhưng những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của nó sẽ ở trong tâm trí của bạn đến rất nhiều, rất nhiều năm sau đó, thậm chí kể cả khi cuối đời. Và đó cũng là tinh thần sâu sắc và ý nghĩa nhất mà bản chất một game oldschool như Owlboy cần có được.
Chủ thớt viết hay quá!
Bao giờ chủ thớt mới về được Sài Gòn để uống beer đây =))
TÔI KHÔNG!