Paper Please của Lucas Pope chắc chắn là một trong những tựa game đáng nhớ nhất mà tôi từng được chơi. Nhưng nó không khắc ghi trong tâm trí bạn bởi thứ gì hào nhoáng, tươi sáng, đẹp đẽ. Vượt qua khuôn mẫu của một game mô phỏng, trong Paper Please có gì đó rất riêng, rất “đời”. Paper Please thực sự là một game đáng chơi nếu bạn muốn thấy sự thú vị về cái cách mà video game khai thác và thể hiện những đề tài gai góc trong cuộc sống này.
Việc đầu tiên bạn cần làm khi đến với Paper Please là hãy vứt sạch ra khỏi đầu bạn những khát khao về sở hữu hay cơ hội sở hữu những sức mạnh kỳ ảo, dị thường. Trong Paper Please bạn là một anh nhân viên di trú bình thường của đất nước Arstotzka. Công việc hàng ngày “đều như vắt chanh” của bạn diễn ra tại trạm kiểm soát Grestin vùng biên giới giáp với đất nước Kolechia. Arstotka là một đất nước giả tưởng giống Liên minh Xô-viết. Một cơ thể muốn khỏe mạnh thì luôn phải trao đổi chất và bảo vệ, đào thải các tác nhân gây hại đến nó. Và Arstotzka không nằm ngoài lẽ dĩ nhiên đó. Những âm mưu đánh bom liều chết, những tên tội phạm cặn bã, những loài “giòi bọ” luôn muốn ký sinh trên mảnh đất màu mỡ… tất cả đều phải bị chặn đứng. Và bạn là một phần không thể thiếu trong trách nhiệm đó.
Đứng trên góc độ cơ học là một game mô phỏng (simulation) thì Paper please đã làm tốt phần thiết kế của nó. Mọi việc trong Paper Please xoay quanh những cái “bẫy” về tiêu chuẩn và việc bạn có thể phản ứng với công việc. Phần lớn thời gian công việc là kỹ năng về đối chiếu, kiểm tra chéo các thông tin trong giấy tờ. Một phản ứng nhanh nhạy, một chiến thuật về sắp xếp giấy tờ và đáp ứng yêu cầu của mệnh lệnh đưa ra sẽ là những gì bạn cần để vượt qua thách thức của Paper Please.
Nhưng phải chăng Paper Please đạt được mức đánh giá “Overwhelmingly Positive” đơn thuần chỉ bằng mechanic tốt kết hợp với một đồ họa không trau chuốt? Không, những gì kể trên chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Những gì mà Lucas Pope lồng ghép với cơ chế chơi đã “thổi hồn” vào những gì tưởng chừng máy móc, nhàm chán đó.
Mỗi quyết định, mỗi bước đi trong Paper Please đều để lại hệ quả là sự tự vấn lương tâm và các quyết định kế tiếp của bạn. Cụ thể hơn, đầu tiên là về GIA ĐÌNH BẠN. Trong Paper Please bạn không cô đơn, bạn có một gia đình đang trông chờ vào những đồng lương của bạn. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu lương bạn là cố định như công chức viên chức ở Việt Nam. Paper Please cho bạn 5 credit với mỗi lần giải quyết hộ chiếu. Vậy là đứng trên góc độ người đàn ông trụ cột của gia đình liệu: bạn có đạp đổ mọi chướng ngại, vứt bỏ mọi giới hạn về lương tâm để gia đình mình được hạnh phúc, no ấm. Hay bạn sẽ đau khổ, dằn vặt bước tiếp nửa quãng đời còn lại của bạn với một trái tim vỡ vụn vì biết rằng mình chưa nỗ lực hết sức để cứu gia đình mình.
Giờ ta hãy chú ý lại vào CÔNG VIỆC CỦA BẠN. Nhiều người có lời khen về cơ chế kiểm tra, đối chiếu chéo của game. Tạm khoan nói đến nó, cái tôi muốn lưu ý ở đây là cái cách mà Lucas Pope mô phỏng công việc bạn phải làm. Paper Please cho bạn một khởi đầu nhẹ nhàng để làm quen nhưng các màn chơi sau đó trở nên “khó thở” khi khối lượng và chất lượng của bạn “vít ga” nhanh chóng. Trách nhiệm gia đình kết hợp với từng chiếc kim đồng hồ đang điểm sẽ nuốt chửng bạn. Thậm chí môi trường làm việc cũng là một kẻ thù “khó nhằn” trong Paper Please. Bị trói chặt trong không gian tù túng, chật hẹp biến bạn trở thành tù nhân trong chính công việc của mình. Sự tra tấn còn chưa có kết thúc. Các bảng pallete màu ảm đạm (xám, nâu vàng,..) và dòng cảm xúc tiêu cực (giận giữ, chán nản, nóng vội, lo lắng,…) kết hợp trong lời nói và khuôn mặt của những con người khốn khổ sẽ đẩy sự tồi tệ trong công việc của bạn lên đến đỉnh điểm. Và mọi việc đâu chỉ dừng lại ở đó!
Hãy dành sự chú ý tới con đường mà bạn sải bước mỗi ngày để đến nơi làm việc. Con đường mà bạn nhàn nhã bước đi mỗi ngày lại là khát vọng mãnh liệt của những người đến tìm bạn. Paper Please lồng ghép rất nhiều yếu tố đạo đức vào trải nghiệm của bạn. Càng chơi lâu, bạn sẽ càng thấy hai con dấu DENIED và APPROVED “nặng” hơn bạn tưởng rất nhiều. Những lời năn nỉ thống khổ, những lời mời chào tham nhũng, những lời đề nghị hấp dẫn để bạn tạm thời quên đi nghĩa vụ với quốc gia của mình của những thế lực xấu xa muốn thẩm thấu vào đất nước, những quả bom (holy sh!t)… đó là những gì bạn phải đối mặt. Những bài báo sau trước một ngày mới có thể làm bạn chạnh lòng hoặc trầm tư suy nghĩ hơn những gì bạn ngờ tới. Tôi đã tự nhủ với lòng mình sẽ bất chấp tất cả để đổi lấy sự bình yên cho gia đình mình. Nhưng làm ơn tôi là một con người chứ không phải một cái máy chơi game. Phần lương tâm và lẽ phải luôn nhắc tôi về cái lý phải đi đôi với cái tình. Và sự xung đột giữa những gì tôi muốn và tôi cần phải làm trong Paper Please luôn để lại những vết sẹo khó quên. Lucas Pope khôn khéo ở chỗ đưa bạn đối mặt với những lựa chọn về đạo đức ở một nhịp độ chậm và thường xuyên. Và lương tâm của bạn sẽ “ngấm” nhanh chóng và việc tự vấn về những quyết định của bản thân là điều không thể tránh khỏi. Bạn không thích hệ thống này, nhưng bạn là một phần của hệ thống. Và bạn sẽ phải tiếp tục trên con đường này dù mỗi bước đi bạn càng rỉ nhiều máu hơn,đau đớn hơn.
Tạm kết
Paper Please có một phần thưởng giành cho bạn là một trong 20 ending dựa trên các lựa chọn và hành động của bạn và một chế độ endless mode. Thiết nghĩ từ “thắng” trong Paper Please chỉ giành cho những cỗ máy chơi game. Còn đứng trên cương vị một người bình thường, tôi dùng từ “trải nghiệm”. Và Paper Please để lại cho tôi những ký ức khó quên. Dưới đây sẽ là phần trailer hấp dẫn của game. Cám ơn các bạn đã đọc. Tạm biệt và hẹn gặp lại sớm thôi.