Lời mở đầu
Bài viết này là để dành tặng cho những người đam mê với những cuộc phiêu lưu miền viễn Tây, cho đề tài được khai thác ít nhất thế giới game trước sự xuất hiện của Red Dead Redemption, dành cho kẻ đã từng sánh vai với Desperados, GUN 2005. Chứng minh rằng game “cowboy” không chỉ có tắm bồn với vào bar như ngài Dank Ball từng chia sẻ. Đây là bài viết về Call of Juarez series, bài viết này bao gồm những suy nghĩ, chia sẻ của cá nhân tôi về series này, về những điều tôi thích và những thứ nhỏ nhặt không vừa ý lắm đối với một trong những tựa game bắn súng tuyệt vời nhưng bị lãng quên này. À mà bài dài đấy nên hãy chuẩn bị list nhạc của Ennio Morricone đi cho nó thêm cảm giác.
Nếu muốn tóm gọn gần như cả tựa game này trong vài từ thì tôi sẽ chọn: Vàng, Máu, Thù, Nước mắt. Và đó cũng sẽ là tiêu điểm tôi dùng để phân tích và chia nhỏ nội dung của game. Cốt truyện của game theo những tiêu chuẩn cũ hay mới đối với tôi đều hay. Tech Land studios đã khai thác cái chủ đề viễn tây thật khéo léo, sao cho cốt truyện hòa hợp được với gameplay và dù kể những câu chuyện có pattern khá cũ nhưng lại không hề nhàm chán. Vừa mang đến một cảm giác hoài niệm nhưng cũng cùng lúc phát triển những điểm mới đáng hoan nghênh.
Thực sự với tôi, bản thân từng cày đi cày lại những bộ phim lấy chủ đề viễn Tây như Once upon a time in the wild west, For a few dollars more, The good the bad and the ugly, Butch cassidy and the sundance kid, The original 7 magnificents, etc… thì việc đóng vai thành một tay thiện xạ bất cần trong cái bối cảnh ấy thật là tuyệt diệu và từ rất lâu rồi Call of Juarez đã cho tôi được trải nghiệm điều đó. Bài viết không bao gồm game Call of Juarez Cartel Aka Call of Duty wanabe aka không phải tự nhiên phần game cuối họ lại quay về bối cảnh viễn tây :v. Thôi dài dòng thế thôi ride to the country road with me.
Cạnh tranh với sức nóng từ những game bắn súng lấy bối cảnh chiến tranh được phát triển suốt từ đầu những năm 2000, Techland studios đã quyết định sản xuất một sản phẩm với một hướng đi mới trong thị trường game bắn súng và thế là vào năm 2006 phần đầu tiên của series Call of Juarez ra đời.
Call of Juarez 2006
Cảm nhận của tôi về phần đầu tiên của series thật mạnh mẽ, là một điểm nhấn so với rất nhiều game bắn súng cùng thời, Techland studios tại thời điểm đó đã quyết định ra tăng sự immerse và độ căng thẳng bằng cách đem vào game của mình một khối lượng nhỏ độ chân thực trong gameplay và mechanic. Game cho phép người chơi tiếp cận với peak mode để có nghiêng trái phải khi đấu súng, tốc độ và các hiệu ứng khi di chuyển cũng được chải chuốt, đặc biệt là khi nhân vật di chuyển trên các bề mặt khác nhau.
Về gunplay thì quá tuyệt vời luôn, một trải nghiệm bắn súng tuyệt vời nếu các game thủ đã ngán với việc nã đạn bằng vũ khí hiện đại, và muốn thử cảm giác nhanh tay với những khẩu six shooter hay winchester rilfe cũ. Từ âm thanh, animation, đến độ giật của súng đều làm tôi thấy rất hào hứng. Đặc biệt game cho phép người chơi duel wield những loại vũ khí ngắn và tự do kết hợp các combination như tay phải dùng colt tay trái dùng small shotgun. Bắn súng trong Call of Juaez thật sự rất đã khi bạn có thể bắn bằng cả hai bên chuột trái và phải, yếu tố hành động trong game được làm rất tốt từ những vụ cháy nổ, hiệu ứng đường đạn và và tác động của đạn với môi trường xung quanh, death animation của kẻ địch đa dạng và cuối cùng chính là hiệu ứng slow mo cực kì hấp dẫn khi người chơi phải tập trung nhắm bắn bằng hai cái tâm khác nhau :)) sau đó nhìn kẻ địch rụng như sung trước khi nhét súng vô bao :)).
Vũ khí trong game
Đã nói về game bắn súng thì chắc chắn không thể bỏ qua một trong những chi tiết quan trọng nhất của thể loại này là những khẩu súng có trong game. Nhìn chung Call of Juarez mô phỏng lại những loại hỏa lực đã được sản xuất và sử dụng rộng rãi vào thế kỉ 19 tại Mỹ và Mexico. Tuy nhiên nhìn chung tính thực tế trong tạo hình thì không có giá trị, thêm vào đó không có nhiều sự khác biệt khi bắn các loại vũ khí cùng loại. Tuy nhiên trong game người chơi sẽ được tiếp cận đến một số loại vũ khí phụ như roi và cung đối với nhân vật Billy Candle, hay kinh thánh hoặc bất cứ đồ vật tương tác nào đối với Ray Mcall như hòm gỗ hoặc ghế tựa chẳng hạn. Chiếc roi của Billy và mấy chiếc đèn dầu thực sự là một sự sáng tạo hết sức tuyệt vời và nó tuyệt vời thế nào thì well tôi sẽ đề cập đến ở dưới khi viết về màn chơi và thế giới của game.
Tuy có những nhược điểm như đã nêu ở trên, nhưng những khẩu súng lại có điểm sáng riêng có thể thu hút người chơi, đó là chúng sở hữu những features liên quan đến độ bền. Những khẩu súng bị giảm độ bền dần qua thời gian sử dụng của người chơi đặc biệt hỏng nhanh với những khẩu súng gỉ hoặc nếu bạn có thói quen nã đạn liên tục, và mỗi loại súng sẽ có độ bền khác nhau. Những khẩu súng hỏng sẽ có hiện tượng kẹt đạn và thiếu chính xác, nếu người chơi vẫn không chịu đổi vũ khí chúng sẽ nóng dần và cuối cùng là phát nổ gây sát thương cho nhân vật của bạn… same same với những feature về tính thực tế mà chúng ta vẫn thường khen hết lời trong Farcry 2. Đây cũng là một điểm thực tế vì với môi trường khắc nghiệt toàn gió và cát như ở miền Tây nước Mỹ thời xưa thì việc không bảo quản vũ khí có thể đem đến những tác hại chết người.
Game cho phép bạn đóng vai hai nhân vật là Ray và Billy, về mặt tương tác với vũ khí thì mỗi nhân vật lại có một khả năng khác nhau. Là một gun slinger khét tiếng, Ray có thể duel wield vũ khí và thực hiện slow mo khi sử dụng súng, Billy thì lại thuận tay với một vũ khí thầm lặng như cung và có thể sử dụng slow mo với vũ khí này. Ngoài ra loài ngựa trong game cũng có thể sử dụng rất tự do, điểm này thì giống với Alan wake ấy, một game tuyến tính rộng lớn để bạn có thể sử dụng các phương tiện di chuyển một cách thoải mái chứ không bị bó buộc bởi những trường đoạn game cụ thể.
Thế giới và các màn chơi của game
Call of Juarez là một game tuyến tính, nhưng vì lấy đề tài viễn Tây và luôn được hình dung bởi sự hoang dã và hùng vĩ của thiên nhiên, thế nên việc Techland thiết kế một không gian rất rộng lớn với một vài chỗ di chuyển tự do trong game là điều không đáng ngạc nhiên. Và thay vào đó chúng ta coi đó là một điểm mạnh vì nó phù hợp với bối cảnh mà họ hướng đến. Một thế giới hoang vắng nhưng khá chi tiết với những hiệu ứng hình ảnh và âm thanh, các loại thực vật và địa hình khá đa dạng, ngoài ra tại một số địa điểm sẽ được bố trí thêm những loài thú hoang như chó đồng cỏ, sói, rắn, nhện và đại bàng v.v… Địa hình trong game cũng khá đa dạng, qua suốt những màn chơi chúng ta sẽ được biết cảm giác trèo đèo lội suối hay mạo hiểm vượt qua những vác đá cheo leo, ngắm nhìn những cổng trời tự nhiên nơi hoang mạc. Nói tóm lại là thế giới của game cho chúng ta trải nghiệm một không gian nhiều chiều chứ không phải lúc nào cũng hướng góc nhìn vừa đủ trong tầm bắn.
Về các màn chơi của Juarez mới thật sự đáng nói, thực sự thì đối với khái niệm về những màn chơi tách hai nhân vật được cấu kết một cách chặt chẽ phục vụ cho cốt truyện tại những năm 2006 thực sự vẫn là hiếm. Khác với việc chọn nhân vật khác nhau cho một màn chơi giống nhau, thì Call of Juarez làm ngược lại. Có thể lấy Alone in The Dark new nightmare làm một ví dụ điển hình cho kiểu xây dựng màn chơi này. Hai nhân vật cùng bị kẹt trong một tòa lâu đài cổ trên một hòn đảo bí ẩn, hai người chơi sẽ có gameplay khác nhau đôi chút, sao cho mỗi nhân vật đều đem đến cho người chơi những trải niệm khác. Trong hành trình đôi lúc họ sẽ gặp lại nhau, rồi lại tách. Sẽ có những trường đoạn người chơi này đi qua con đường mà nhân vật còn lại đã đi qua và chứng kiến được những thay đổi ở màn chơi của nhân vật trước đó.
Điều này theo tôi có thể hỗ trợ rất nhiều đến việc potrait nhân vật thông qua gameplay thay vì nói cho người chơi biết nhân vật họ đang chơi là người thế nào, nhà phát triển thể hiện điều đó qua gameplay và để chúng ta có cái nhìn tự nhiên nhất. Giờ nhìn lại vào Call of Juarez chúng ta có hai loại màn chơi khác nhau được phân biệt qua hai nhân vật là Billy Candle và Ray Mcall. Màn chơi của hai nhân vật này thường được sắp xếp so le hoặc đôi khi cách đoạn sau 2 màn chơi. Billy Candle một thanh niên người lai với tính tình nhút nhát, thụ động nhưng lương thiện đang phải đối mặt với những vấn đề về sự chứng tỏ bản thân và định hướng cuộc sống được Techland thể hiện qua những màn chơi đặt mạnh vào yếu tố phiêu lưu, tìm đường, giải đố và giảm combat xuống tối thiểu. Cậu ta luôn ở thế thụ động và bị săn đuổi thế nên hành động lén lút sẽ là phong cách chủ đạo của Billy, chỉ cho đến gần cuối game khi nhân vật này tìm được ý nghĩa của bản thân mình thì chúng ta mới bắt đầu trải nghiệm những màn chơi có combat nhiều hơn.
Còn với McCall thì ngược lại, một cựu binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trở thành linh mục nhưng vì những lý do bất đắc dĩ sẽ bắt đầu với những màn chơi thuần túy quen thuộc với những tựa game fps. Ray là một kẻ mạnh mẽ, ngang tàn đã từng rong ruổi khắp chốn nhưng nay đã quy ẩn hướng thiện, chỉ vì lý do bất đắc dĩ mới phải cầm lại súng… hmmm một hình mẫu anh hùng quen thuộc trong những câu chuyện như thế này sẽ có những màn chơi truy đuổi kẻ thù, ra tay đòi công lý ngầu lòi nhưng sẽ không hé mở nhiều về những vấn đề chính trong câu chuyện cho đến những phút cuối.
Tính tương tác với thế giới game
Có lẽ với sự xuất hiện của half life thì cái tính năng “tương tác với hộp” nó đã là một cái gì đó được đem đi sử dụng rất nhiều ở thời điểm đó, cứ coi nó như một cuộc cách mạng đi vì tương tác với mấy cái hộp nó cũng sẽ chỉ là bước đầu. Trong Call of Juarez cả hai nhân vật đều có thể tương tác với một số đồ vật nhất định, như xô nước, ghế, hộp v.v…. với nhiều mục đích khác nhau và điều này vừa đem đến một gameplay immerse, tự do vừa có thể giúp để potrait nhân vật giống như việc thiết kế hai màn chơi như ở trên. Ray McCall là một người đàn ông vạm vỡ nhưng do tuổi tác và chiếc áo giáp sắt đang mặc ông không thể leo trèo hay nhảy nhót được, tuy nhiên Mcall có thể nâng những vật nặng mà Billy không thể và ném chúng vào kẻ địch hay dùng những chiếc ghế gỗ như những vũ khí melee.
Trái với Mcall, Billy Candle trẻ tuổi và nhanh nhẹn hơn, người chơi có thể dễ dàng leo trèo và nhảy nhót hoặc dùng trò xếp hộp để vượt địa hình, được trang bị một chiếc roi có khả năng gây sát thương với các loài thú, nhưng tác dụng của chiếc roi này lại nằm ngoài công dụng làm vũ khí, bạn có thể điều khiển Billy dùng chiếc roi này như một công cụ để bám và leo lên những bề mặt khác nhau hay để vượt qua những khoảng vực trống. Đây chính là ưu điểm mà tôi muốn nhấn mạnh về sự tự do của Call of Juarez, khi điều khiển Billy bạn hoàn toàn có thể di chuyển lên các khu vực cao một cách hết sức thỏa mái, hoặc đu bám vào các bề mặt xung quanh, bạn thậm chí còn có thể kéo một số đồ vật về phía mình để làm tấm chắn đạn.
Về mặt tương tác với vũ khí thì mỗi nhân vật lại có một khả năng khác nhau. Là một gun slinger khét tiếng, Ray có thể duel wield vũ khí và thực hiện slow mo khi sử dụng súng, Billy thì lại thuận tay với một vũ khí thầm lặng như cung và có thể sử dụng slow mo với vũ khí này. Với cây đèn dầu thì đơn giản bạn dùng nó như một loại throw projectile nhưng cái hay chính là sự chân thực trong physic của lửa trong game, bạn có thể thiêu cháy những tòa nhà hoặc bề mặt trong game và nhìn ngọn lửa lan rộng ra các vật xung quanh, tuy vẫn sẽ có một giới hạn nhưng thật sự việc bạn có thể thay đổi một môi trường trong game ở những năm 2006 là rất hiếm.
Thử thách trong game: Là một game bắn súng, hầu hết những khó khăn sẽ đến từ những tên AI có khả năng thiện xạ, và quả thật AI trong game chiến đấu rất kinh khủng, chúng nhanh, chuẩn xác và biết chuyển vị trí. Ray Mcall mặc giáp thế nên có thể chịu đựng sát thương kha khá, tuy nhiên Techland muốn nhấn mạnh rằng AI của họ biết bắn headshot :)) cũng là một điều khá mới lạ trong các game single player trên thị trường, và headshot tức là gameover luôn. Với Billy thì mọi chuyện còn tệ hơn khi không mặc áo giáp thế nên hầu như chỉ dính một đến hai viên đạn là bạn đã phải load game rồi. Chi tiết áo giáp và không mặc áo giáp cũng chính là một chi tiết mà tôi thấy rất hợp lý và có thể dùng để xóa nhòa cái vô lý trong video game với tiến trình của câu chuyện.
Game chỉ có duy nhất 2 phần đánh boss hoàn chỉnh và thật sự được làm rất tốt, hợp lý với bối cảnh, các đoạn cao trào còn lại được giải quyết qua màn show down không thể thiếu trong những drama liên quan đến miền tây nước Mỹ. Tuy là một ý tưởng hay ho nhưng tôi lại không hề thích những phân đoạn show down của phần game đầu tiên. Nói chung là gameplay của game đem đến những thử thách cực kì cao, người chơi sẽ liên tục phải căng mắt và nhanh tay để có thể vượt qua mưa đạn của kẻ thù. Call of Juarez còn trở thành cảm hứng cho sự ra đời của một game bắn súng sandbox multiplayer cực kì thú vị có tên Fistful of Frags.
Nội dung: Điều mà tôi thích ở cốt truyện đó là game kể một câu chuyện đơn giản nhưng mang đậm phong cách miền Tây, vì nó không quá khó hiểu nên tôi không muốn spoil nhiều. Hai nhân vật chính và kẻ phản diện đều nổi bật, mâu thuẫn giữa họ dần lây vạ sang những nhân vật phụ khác và một vòng tròn giết chóc và báo thù xảy ra. Billy trong cuộc hành trình tìm kiếm hi vọng dần tìm thấy ý nghĩa của bản thân, còn Ray từ một người có đức tin cao đẹp bị hận thù làm mờ mắt và dần đi lạc khỏi những giá trị mà ông ta thề sẽ giữ vững. Game tạo ra những tuyến nhân vật có vùng đạo đức xám, không có ai là thực sự thánh thiện ở đây cả và chính điều này đã làm câu chuyện hấp dẫn hơn rất nhiều. Những phân đoạn mà Ray và Billie giáp mặt được xây dựng thành những đoạn cao trào rất tốt, và giúp giải quyết được những cái plot hole tiềm năng.
Với hai phần game còn lại thì tôi sẽ chỉ tập trung vào một số điểm mà chúng làm tốt hoặc kém hơn phần đầu thôi vì thực sự gõ nhiều cũng chả ai đọc mà lại mỏi tay :v
Call of Juarez Bound in Blood 2009
Đây là phần 2 của serie, tuy là phần tiếp theo nhưng vai trò về cốt truyện là phần prequel của những sự kiện xảy ra trong game đầu. Game phát huy những điểm mạnh trong gunplay của phần 1, đem đến những loại vũ khí với chi tiết chuẩn xác và có sự khác biệt rõ rệt, thêm vào hệ thống stat để người chơi nhận biết trực tiếp qua thị giác. Đặc biệt là phần Show down của game được làm lại rất chi tiết và kịch tính. Hệ thống ngắm bắn của game cũng được thiết kể lại ổn hơn rất nhiều.
Đồ họa và các hiệu ứng ánh sáng được nâng cấp đối với tiêu chuẩn của tôi là vẫn chưa lỗi thời. Thanh inventory được thiết kế để thay đổi các combination và swap vũ khí rất nhanh chóng. Điểm sáng lớn nhất trong gunplay có lẽ là tính năng dynamic cover giúp bạn núp và bắn từ nhiều góc khác nhau ở cùng một vị trí nấp. Cốt truyện của game có lẽ là phần hay nhất trong cả series, nhiều cảm xúc và các tình tiết cũng như đoạn cao trào được làm rất tốt và chặt chẽ, dù vẫn là kể về về lòng tham và sự báo thù. Nếu đánh giá tổng thể tôi không ngại rằng cốt truyện cũng như ending của hai phần đầu của Call of Juarez ăn đứt Red Dead Redemption 1. Một ending có kết cục có hậu nhưng không hề sạch sẽ như kiểu Disney mà mang tính ám ảnh hơn nhiều.
Thật sự nếu cái kết thúc của Red Dead kết thúc với một cái kết thúc mở hơn là hành trình báo thù của cậu con trai thì nó đã khá hơn rất nhiều. Trong Bound By Blood yếu tố tình cảm gia đình được khai thác rất mạnh và cảm động gắn với bối cảnh nội chiến Mỹ. Call of Juarez cái concept này thật sự lại làm tôi liên tưởng đến Call of Cthulhu…. Tôi biết, tôi biết, đừng thở mạnh và gõ phím nhanh hãy nghe tôi giải thích đã. Techland khai thác cốt truyện hai phần đầu xoay quanh cái khái niệm về tiếng gọi về một kho báu cổ xưa mà ai cũng thèm muốn… nhưng toàn bộ tình tiết hầu như cũng chẳng tập trung gì nhiều về nó. Call of Juarez tồn tại như một bí ẩn, hấp dẫn và chết người. Người chơi sẽ luôn có cái cảm giác lờ mờ về sự hiện diện của nó và ảnh hưởng của nó đến nhân vật tuy nhiên nó không hề rõ ràng như tiếng thì thầm phát ra ở trong nhẫn :v.
Call of Cthulhu gián tiếp mời gọi chúng ta đến những sự thật nằm ngoài khả năng của trí não và dẫn đến sự điên loạn, và đó cũng chính là cách mà Call of Juarez đã áp dụng, chỉ có điều là đánh vào ham muốn của con người thay vì nỗi sợ.
Giờ chuyển sang những thứ mà tôi không thích ở phần game này
Điều đầu tiên làm tôi khó chịu chính là tính gò bó của game, sự tự do như ở phần đầu hoàn toàn bị biến mất. trong Bound in Blood, Techland cài cắm rất nhiều tình huống đã được script trước và đi theo là những đoạn cắt cảnh phiền nhiễu.
Thứ hai là tôi không hài lòng với cách mà câu chuyện trong game được kể, cốt truyện của game được kể theo cái cách mà họ vẫn thường truyền tải nội dung qua sách và điện ảnh thay vì chơi game. Đây có lẽ là một điểm thụt lùi lớn của game nhưng lại phù hợp với thị yếu thời đó “Game này hay và mang tính điện ảnh quá”.
Thứ ba, game bỏ đi cách làm hai loại màn chơi như ở phần 1 mà thay vào bằng cách cho người chơi chọn 1 trong 2 nhân vật trong một màn chơi. Mặc dù hai nhân vật có những kĩ năng và phong cách chơi khác nhau tuy nhiên những cái đặc biệt mà tôi nêu ở đoạn về phần 1 đã mất sạch, thay vào đó còn có khả năng tiêu cực là người chơi sẽ chỉ chơi mỗi một nhân vật cho quen. Game còn mở thêm một môi trường sandbox sau một vài nhiệm vụ đầu để giãn căng thẳng cho người chơi và add thêm hệ thống mua bán đồ cho để họ grind thêm một vài side quest nhưng cũng chẳng có gì đáng nói vì hệ thống vũ khí trong game đã bỏ đi tính năng độ bền :((.
Cuối cùng là chế độ slow mo được làm mới không hề đem được lại càng giác thích thú như phần đầu, thậm chí là vô dụng. Khi đã sử dụng thì nó sẽ trở nên rất rẻ tiền và ăn gian vì kẻ địch hoàn toàn không có khả năng đối kháng lại với người chơi.
Tóm lại dù phát huy được những điểm mạnh về gunplay, đồ họa và cốt truyện… tuy nhiên nhìn tổng thể gameplay thì Call of Juarez Bound in Blood là một sự downgrade so với phần đầu.
Call of Juarez Gunslinger 2013
Không phải nói nhiều, đây là game có gameplay giải trí nhất cả series, nếu nói đúng ra thì hướng đi của Gunslinger rất khác so với 2 phần đầu, và chỉ đồng nhất ở cái chủ đề viễn Tây. Và theo tôi đó là một điều tốt. Gunplay của game cực kì thú vị, giới thiệu thêm những tính năng lên level RPG như nâng cấp và điểm kĩ năng. Có lẽ sau những game như Biosock thì mấy game Fps sau nghĩ là việc thêm thắt yếu tố nâng cấp vũ khí và kĩ năng thì sẽ làm game trở nên immersive hơn :v.
Thôi nghiêm túc nhé, điều đầu tiên tôi thích ở Gunslinger chính là cái artstyle cel shading của mình (giống với Borderland) bạn có cảm giác như đang bước vào những khung cảnh minh họa trong những cuốn dime novel vậy. Đối với video game theo tôi những game nào có được artstyle riêng thì gần như có thể thoát được khỏi lời nguyền của đồ họa lỗi thời. Súng trong game có âm thanh, độ giật, animation cực chất, tính năng slow mo được thiết kế lại và lần này có tới hai kiểu slow mo riêng. Kiểu slow mo truyền thống giúp bạn ngắm bắn địch thủ tự do trong khi kẻ địch sẽ di chuyển và tấn công chậm hơn mà thôi. Kiểu slow mo thứ hai hoạt động như một đoạn quick time event giúp bạn né được một viên đạn đáng lẽ sẽ head shot :)) well Techland muốn nhấn mạnh là AI của họ có khả năng headshot đây mà :v.
Phong cách của Gunslinger bỏ đi hoàn toàn yếu tố chân thực đã có ở hai tựa game đầu, thay vào đó đẩy mạnh phong cách hành động đẹp mắt. Nhiều pha đánh boss hơn mà không cần có lời giải thích hợp lý là tại sao bắn vào đầu 3, 4 phát kẻ địch vẫn không chết. Game có những đoạn quick time event cực kì ảo diệu và đa dạng chứ không bị lặp lại như phần 2. Về gunplay game làm quá ổn luôn, cực kì sướng tay.
Hướng đi hay ho nhất có lẽ là cách kể chuyện và cách khai thác bối cảnh. Một câu chuyện được kể bởi nhân vật chính Silas Greaves trong cuộc nói chuyện của những nhân vật có mặt trong một quán bar cũ vào thời điểm mà những huyền thoại về miền viễn Tây đã mai một dần. Những tình tiết trong game diễn biến theo lời kể của Silas và cả những lời kể của những nhân vật còn lại, thế nên rất nhiều lần bạn đang đi đến một đoạn nào đó rồi thì game tua ngược lại với những tình tiết khác chỉ vì những gì bạn vừa trải qua không giống với điều Silas đã từng trải nghiệm… và theo tôi đây là một cách kể chuyện rất hay.
Game làm khâu thu thập collectible rất tốt, khuyến khích được người chơi bỏ thời gian đi tìm kiếm chúng bởi những cái fact mở ra sau mỗi trophies thu thập được cực kì bổ ích và thú vị, thay cho cái gameplay và cốt truyện hư cấu của game thì archivement của game đem đến cái nhìn chân thực hơn về miền Viễn Tây của nước Mỹ cùng những huyền thoại sống trong thời kỳ đó.
Thôi khen thế đủ rồi sau đây là…
Những điều mà tôi không thích ở game
Giống như phần 2, game cực kì bó buộc, nhiều lúc cảm giác như chơi game máy thùng chứ không phải game PC.
Bạn không được cưỡi ngựa nữa :)) chỉ đi bộ thôi. Bản đồ game chỉ đúng một đường đi thẳng và có đánh dấu objetive chả phải tìm đường đếch gì cả.
Map bị bó buộc đúng một đường thẳng, cứ chạy và bắn đến hết game. Số lượng vũ khí không đa dạng và bị trói buộc với một hệ thống nâng cấp nửa mùa.
Cốt truyện nhảm nhí và yếu kém, họ vứt một kẻ tên Silas Greaves vào những sự kiện và nhân vật nổi tiếng nơi miền Tây như kiểu Billy the Kid hay Butch Cassidy hay Jesse James và thực ra là kiếm lợi sẵn từ những câu chuyện đã hay sẵn và chỉ thêm thắt một vài thay đổi hi vọng sẽ làm người chơi cảm thấy sock nhưng éo :)) nó nhạt vô vùng. Ngay cả cái nguyên nhân báo thù của lão cũng nhạt toẹt và phải chơi đến gần nửa game mới thấy nhắc đến nhưng kiểu không nhắc thì cũng chẳng sao. Về hình ảnh nhân vật, plz chuyện gì đã xảy ra với Techland vậy? Cách Silas được xây dựng không bằng một nửa nhân vật Calm River ở hai phần game đầu… và đó là một nhân vật phụ. Theo tôi thì nội dung của Gun Slinger đang quan tâm nhất là những facts ở phần archivement đã nói ở trên.
Cuối cùng thì cũng là vấn đề nhẹ nhàng thôi :)) wtf tôi ghét nhất mấy game khóa độ khó…
Tổng kết
Call of Juarez thật sự là một series đáng chơi nếu bạn đang tìm kiếm một tựa game bắn súng có phần chơi đơn hay, hoặc đơn giản bạn chơi nhiều game bắn súng rồi và muốn những trải nghiệm mới lạ… Bạn muốn một cốt truyện hùng tráng và mang tính sử thi??????? Thế thì chơi ngay đi!
Đánh giá tổng kết:
Gameplay: 2006 > Gunslinger > Bound By Blood
Mức độ giải trí: Gunslinger > 2006 > Bound By Blood
Cốt truyện: Bound By Blood > 2006 > Gunslinger
Đồ họa: Gunslinger ăn chặt vì nó có artstyle :))