Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, nếu một ngày bạn ngủ dậy, khi mở mắt dậy trước mắt bạn không còn là căn phòng yên bình hay những khung cảnh quen thuộc của căn nhà bạn mà thay vào đó là một nơi hoàn toàn xa lạ, một nơi đầy rẫy sự chết chóc và máy móc khoa học bị bỏ hoang, khi đó bạn sẽ làm gì chưa? Đó chính là hoàn cảnh của nhân vật chính trong game Soma bị vướng phải và giờ đây anh phải tìm cách thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt trước khi cái chết ập tới anh.
Đây là một tựa game mà sau 6 giờ đồng hồ hoàn tất hết cốt truyện của game, đã để lại trong lòng mình rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ, nên nhân một ngày rảnh rỗi ở nhà giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, mình đã quyết định lên đây hàn huyên và giãi bày vài cảm xúc khi chơi con game chất lượng này, chứ giữ mãi trong lòng không chia sẻ cùng ai thì cũng day dứt phết :D.
Trước khi đi vào cảm nhận, mình nói qua một chút về thông tin của game nhỉ!
Soma là một game kinh dị – sinh tồn của hãng game Frictional Games – một studio có trụ sở tại Thụy Điển đã luôn theo đuổi thể loại kinh dị kể từ khi thành lập vào năm 2006. Kể từ khi Amnesia: The Dark Descent ra mắt thành công rực rỡ, Frictional Games đã chuyển cho studio The Chinese Room để phát triển Amnesia: A Machine For Pigs, tuy nhiên tựa game này không thành công như bản gốc. Với khó khăn của Amnesia: A Machine For Pigs, Frictional Games đã quay lại tự phát triển SOMA và phát hành vào 27/08/2015 dành cho đa hệ máy.
Nói qua một chút về series Amnesia, mình đã trải nghiệm và hoàn tất cả Amnesia: The Dark Descent và Amnesia: A Machine For Pigs và thực sự 2 con game này đã chiếm trọn tình cảm của mình với lối chơi độc đáo mà không hãng game nào có thể “đụng hàng”, đó chính là cơ chế cầm nắm vật lên cho phép bạn có thể ném, xoay hay giải các câu đố trong game. Bên cạnh đó cơ chế vật lý của game cũng rất ấn tượng và tự nhiên. Đó chỉ mới riêng về gameplay thôi, còn cốt truyện thì khỏi bàn rồi vì game đã vẽ nên một cốt truyện rất có chiều sâu và không thể tốt hơn. Chính vì thế không lý do nào mà mình không mua Soma để mà trải nghiệm cả. Và đó chính là khởi đầu cho hàng đống cảm xúc đang chảy trong người mình mà mình chuẩn bị tuôn ra đây! 😀
Game lấy bối cảnh vào một buổi sáng nọ, Simon Jarret – nhân vật chính của game, theo lịch hẹn đến gặp bác sĩ David Munshi điều trị các chấn thương về não mà trước đó anh đã mắc phải trong một vụ tai nạn. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi anh tới phòng khám. Toàn bộ căn phòng trở nên lộn xộn khác hẳn với cảnh đông đúc thường ngày, sau khi tìm cách bước vào trong, anh cũng gặp được vị bác sĩ đó. Và ông bảo anh bước lên một chiếc máy quét não để tiến hành xem xét tình trạng hiện tại.
Khi máy bắt đầu chạy, bỗng dưng khi mở mắt ra, anh thấy mình đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lạnh lẽo, tối tăm, khác xa hoàn toàn với thành phố Toronto nhộn nhịp mà anh đang sống. Nơi đây cũng hiện đại hơn hẳn với những trang thiết bị, máy móc tân tiến, những chất lỏng màu đen nhầy nhụa vương vãi khắp sàn và những con robot bị chết nằm ngổn ngang mà anh chưa từng thấy hay biết đến.
Và thế là sau một thời gian mò mẫm trong bóng tối, anh tìm được một chiếc máy thiết bị cầm tay có tên là Omnitool cho phép anh mở khóa các cánh cửa. Sau đó anh đã nhận ra nơi đây đầy rẫy sự chết chóc và đồng thời anh cũng không hề đơn độc nơi đây, có một thứ gì đó đang săn đuổi anh, buộc anh phải tìm đường trốn khỏi nơi này càng sớm càng tốt.
Trên đường đi anh gặp một nhân vật mới có tên là Catherine, hay còn gọi là Cath. Đây là một nhân vật cực kì quan trọng để phát triển cốt truyện suốt game. Cô trước đây từng là con người nhưng vì một tai nạn nào đó (mình sẽ không spoil) và cô đã không giữ được mạng sống của mình nên người ta đã chuyển ý thức và trí nhớ của cô dưới dạng số hóa vào một con robot. Tuy nhiên khi Simon gặp Cath thì lúc đấy cơ thể robot của cô đã bị hư hỏng nặng nên cô đã nhờ anh dùng con chip có lưu ý thức của cô gắn vào chiếc máy Omnitool mà anh đang cầm trên tay để anh có thể mang cô đi bất cứ đâu.
Về lối chơi thì game vẫn thừa hưởng những tinh túy của đàn anh đi trước là Amnesia nên những cơ chế cầm nắm đồ vật và cơ chế vật lý vẫn giữ nguyên. Nhưng nền đồ họa của game đã phát triển vượt bật, game đã vẽ nên một bức tranh của một cơ sở khoa học bị bỏ hoang dưới lòng biển cực kì chân thực và bóng bẩy với những trang thiết bị khoa học, những con robot được chăm chút rất tỉ mỉ. Những hiệu ứng ánh sáng, quang cảnh tranh tối tranh sáng rất ấn tượng, cùng với đó vân phủ bề mặt cũng được chăm chút kĩ lưỡng, với các vệt máu thấm lên từng mảng kim loại trông rất thật.
Đó là những điểm cải tiến của game, nó vốn đã tốt rồi nên cũng không có gì phải bàn nhiều. Điều mà khiến mình rất rất thực sự ấn tượng, đó là mảng âm thanh và lồng tiếng của game!
Đầu tiên là về mảng âm thanh. Phải nói là nhà làm game rất khéo léo khi biết cách sử dụng âm thanh từ môi trường. Game không sử dụng các jumpscare rẻ tiền để hù dọa người chơi mà thay vào đó game đã tạo nên một bầu không khí yên ắng tối tăm cùng với tiếng bước chân của những mối nguy hiểm đang chực chờ để tấn công bạn bất cứ lúc nào bạn mất cảnh giác. Nếu chơi vào ban đêm cùng không khí yên ắng vắng vẻ, chắc chắn không ai lại không giật mình khi nghe tiếng la thất thanh văng vẳng bên tai, hay ép tim vào lồng ngực khi nấp vào bức tường chờ tiếng bước chân rầm rầm cùng tiếng rít chói tai trôi qua. Amnesia được yêu thích bởi cảm giác hồi hộp và căng thẳng tột độ khi bạn biết rằng có thứ gì đó đang tiến đến gần mình trong khi vẫn phải tiếp tục lay hoay tìm cách mở một cánh cửa để tiến về phía trước. Về cơ bản SOMA cũng giống như vậy. Tồn tại nhiều loại quái vật dị dạng trong game, mỗi con trong số chúng lại mang một đặc điểm khác nhau mà bạn cần phải hiểu rõ để qua mặt chúng, chứ không đơn thuần chỉ có nấp và chạy.
Điều ấn tượng thứ hai là mình rất có lời khen cho các diễn viên lồng tiếng, hiếm có tựa game nào mà mình thấy có lồng tiếng tốt đến như vậy, họ đã thực sự thổi hồn vào cho Simon và Catherine một cách cực kì xuất sắc như thể chính họ nhập vai vào nhân vật trong game luôn vậy. Chỉ cần nghe giọng thôi bạn sẽ biết ngay được họ đang vui, đang buồn, đang hoang mang, đang tức giận mà không cần nhìn thấy họ trước mắt. Và sự tương tác giữa 2 người họ rất chặt chẽ và tự nhiên, những câu tâm sự rất đời thường, rất con người như thỉnh hoảng Simon hỏi han Catherine rằng “cô có khó chịu khi biết mình không có cơ thể không?” hay “cuộc sống trước đây của cô thế nào?” hay “mếu như giờ này đang ở cuộc sống bình thường cô sẽ làm gì?”. Và ngược lại nếu bạn thọc tay vào những cái “hồi máu” trên đường đi, lập tức Catherine sẽ hỏi bạn “làm như vậy để làm gì” hay có một nhiệm vụ bảo bạn phải đi từng phòng để kiếm vật phẩm, trong đó có cả phòng của Catherine, nếu bạn ở trong phòng cô ấy quá lâu cô ấy sẽ bảo “đừng làm trò hề nữa, đi tiếp thôi” hay “đừng lục lọi lung tung nữa, không hay ho đâu” vì tính ra cũng là phòng con gái mà haha! Và rồi cứ thế trên cuộc hành trình họ cứ tương tác, chia sẻ, giãi bày những tâm sự cho nhau, khiến cho game như một bộ phim với 2 diễn viên đang đóng chứ không đơn thuần chỉ là một game kinh dị.
Tuy rằng đây là một game kinh dị nhưng cảm xúc để lại cho mình khi hoàn tất game là một cảm xúc đượm buồn và đầy suy nghĩ chứ không thực sự là hoảng sợ, không khí trong game đã buồn, cốt truyện game đã vậy còn buồn hơn. Game đã lồng ghép các triết lý nhân sinh về giá trị sống, về lòng dạ con người một cách xuất sắc. Đoạn kết game thực sự có thể khiến cho những ai yếu lòng rơi nước mắt và hụt hẫng, tuy nhiên mình sẽ không spoil vì mình muốn mọi người tự trải nghiệm game và mang về cảm xúc cho riêng mình.
Tổng kết
Một tựa game kinh dị hay vẫn đồng hành cùng bạn sau khi đoạn phim cắt cảnh cuối cùng kết thúc, khiến bạn phải lăn tăn suy nghĩ về những gì xảy ra trong thế giới đáng sợ ấy trước khi chìm vào giấc ngủ, và SOMA của Frictional Games chắc chắn là một sản phẩm như vậy. Nếu yêu thích thể loại game kinh dị “nguyên chất” không súng đạn, không chiến đấu, chỉ có đôi chân khôn khéo đối mặt với những nỗi sợ hãi thường trực ẩn nấp sau từng góc khuất ngã rẽ cùng với một cốt truyện xuất sắc với những nhân vật thú vị, bạn chắc chắn không nên bỏ qua SOMA.
“NẾU SỐNG VỚI MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG ĐÁNG SỐNG, LIỆU ĐÓ CÓ PHẢI LÀ SỐNG KHÔNG?”
Rate: 8,9/10