Máu luôn luôn là thứ cực kỳ quan trọng, phải luôn có một nguồn máu ở trong đội cho dù bạn đang phòng thủ hoặc tấn công. Tùy theo tình hình mà bạn có thể chọn support khác nhau, ví dụ như có Soldier 76 hay Roadhog là hai hero có thể tự hồi máu được thì bạn có thể chọn Mercy để tranh thủ buff cho các hero khác, hoặc nếu cả đội chơi hổ báo và thích xông lên thì chọn Lucio.
Support cũng có thể phối hợp kỹ năng nhưng phải cần rất nhiều sự ăn ý từ đồng đội. Ví dụ như những chiêu mang tính tấn công như Ulti của Lucio phải được thông báo với đồng đội trước, tránh tình trạng lãng phí một lớp khiên dày cui mà không làm được gì.
Cũng tùy theo map mà bạn có thể chọn support cho phù hợp, kết hợp với đội hình hiện tại. Ví dụ như map có nhiều địa thế cao thì bạn nên chọn Mercy và đi theo những hero bay lượn hay leo trèo như Pharah – Hanzo. Còn map quá chật hẹp thì chọn Lucio, nếu địa thế trống trải hơn nhưng lại có thể chọn Ana hay Zenyatta.
Lucio nhìn vậy thôi chứ thật sự là support dễ chơi nhất game, cơ động có thừa, không cần phải di chuyển qua lại từng đồng đội mà chỉ cần bạn giữ vị trí trung lập sao cho kỹ năng tác dụng lên càng nhiều người càng tốt.
Luôn là lựa chọn hàng đầu cho các đội tấn công vì hồi máu diện rộng, bạn chỉ cần sống dai là đồng đội sẽ luôn có một bình máu di động vững chắc, rất cần thiết cho các hero thọc sườn và cả tank.
Chọn Lucio để chơi phòng thủ cũng được nhưng cũng không có nhiều việc để làm ngoài chạy vòng vòng giữa các đồng đội, xả đạn lên phía trước trong khi để chiêu hồi máu passive lo hết phần còn lại. Nhưng như vậy thì bạn phải thủ cho thật chắc và không được để chết, nếu không đối phương sẽ tận dụng cơ hội này để tràn lên.
2. Mercy

Không cơ động bằng Lucio khi ở mặt đất nhưng lại có khả năng bay lượn
Khó chơi hơn Lucio một chút vì phải chạy đi hồi máu cho từng người nhưng ngược lại Mercy có khả năng tăng sát thương cho đồng đội. Mệnh danh là thiên thần nên Mercy có thể đi theo đồng đội tới những địa hình cao hay hiểm trở, đặc biệt hơn là chiêu cuối có thể hồi sinh đồng đội.
Khi chơi tấn công thì bạn có thể chọn Mercy và quyết định mình nên đi chung với ai. Ví dụ như nếu có Pharah hay Reaper chơi khá thì bạn nên đi chung để tối đa lượng sát thương gây ra cho đồng đội, trường hợp khác thì bạn cứ đi chung với tank bị thịt như D. Va – Roadhog – Zarya – Winston.
Còn phòng thủ thì không phải tất cả thành viên trong đội đều nhận sát thương nên bạn có thể chạy đi hồi máu cho từng người. Đặc biệt hơn khi có nguồn sát thương chính thì bạn nên buff sát thương để đồng đội hạ gục kẻ địch nhanh hơn.
3. Zenyatta

“Bần tăng chưa ngán ai bao giờ” – thường sử dụng để tấn công vì hồi máu đồng đội vừa debuff đối phương
Không được thông dụng lắm vì khó chơi hơn hẳn với những support còn lại, mà lại phải có sự giao tiếp và phối hợp tốt với đồng đội thì mới hiệu quả được.
Mặc dù vậy Zenyatta vẫn phát huy được tác dụng ở 2 mảng tấn công và phòng thủ. Khi tấn công thì buff cho tank là chủ yếu, sau đó tìm nguồn sát thương lớn bên đối phương mà debuff thôi, công việc cũng khá đơn giản.
Còn phòng thủ thì sẽ khá tệ, nhưng cũng không hẳn là phế, vì Zenyatta không thể với được tới những địa điểm đặc biệt – không tăng được sát thương cho đồng đội. Bù lại Ulti hồi máu siêu khủng trên diện rộng có thể giúp đồng đội rất nhiều khi đối phương dồn chiêu thức, ngay cả lúc tấn công Ulti của Zenyatta cũng có vai trò tương tự như của Lucio.
4. Symmetra

Mạnh về phòng thủ nhờ dàn Sentry Turret và cổng Tele
Không hẳn là khó chơi nhưng Symmetra chỉ có duy nhất kỹ năng buff giáp mà thôi nên chỉ vai trò sub-support. Mà cũng ít khi ai sử dụng, vì có Lucio hồi máu khỏe hơn, nếu tính về việc xây trụ thì có Torbjorn là nhất rồi.
Tất nhiên là Symmetra thiên hoàn toàn về phòng thủ rồi, không ai đem Symmetra đi tấn công cả. Trụ của Symmetra cũng khá kén map, không phải ở đâu cũng sử dụng được, với lại phải xây số lượng lớn ở cùng một chỗ thì mới mạnh nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ thôi, Cổng Tele mới là món đáng nói tới.
5. Ana

Support sniper đầu tiên của game, thường không được chuộng vì khó chơi
Support khó chơi nhất từ trước tới giờ, với dàn kỹ năng đa dạng từ hồi máu cho tới kỹ năng khống chế, những người mới chơi có thể sẽ hơi rối một chút nhưng cũng giúp cho đồng đội được chút ít, chứ không hẳn cần kỹ năng cao để chơi.
Bù lại dàn kỹ năng đa năng là sự thiếu cơ động, tuy là sniper nhưng Ana không thể leo trèo lên các chỗ cao được mà chỉ đứng dưới mặt đất bắn thôi. Ulti của Ana cũng dễ sử dụng, nhưng cần canh đúng thời điểm phối hợp khi đồng đội đã sạc xong chiêu cuối, thường sẽ bắn vào hero có sát thương cao như Reaper – Genji – Soldier 76 – Roadhog để đồng đội quẩy.
Offense
Chọn lựa hero đúng còn phụ thuộc vào nhiều thứ, đây là trọng tâm để bạn có thể biến chuyển tình hình, từ thua thành thắng hoặc thua luôn và không gượng lại được. Nắm được lối chơi của đối phương – đội hình của cả hai bên thì bạn sẽ phải chọn hero thích hợp cho mình, kỹ năng cá nhân cao thì chọn những hero có khả năng tạt cánh mạnh và đi solo, nếu không chơi hay thì bạn chọn những hero có thiên hướng hỗ trợ và bảo kê đồng đội.
Muốn phối hợp tốt khi chơi hero offense thì bạn phải phụ thuộc vào đồng đội nhiều, nhất là từ tank và support, nhưng nếu thời cơ đến thì bạn cứ việc tỏa sáng mà thôi. Nhưng nên xem xét tình hình trước vẫn tốt hơn, chẳng hạn đồng đội có thể câu giờ cho mình hoặc có kỹ năng khống chế tốt hay không hay ít nhất là thu hút được sự chú ý của đối phương !?
Chọn hero tùy vào map cũng phụ thuộc ở kỹ năng cá nhân một phần. Ví dụ như khi chơi map Temple of Anubis, map này có nhiều đường tạt cánh nên bạn sẽ chọn Reaper – Genji để chơi, đúng là những hero này mạnh nhưng do bạn chơi không tốt nên không có tác dụng gì nhiều, nên chọn những hero có xu hướng đi chung và hỗ trợ đồng đội thì tốt hơn.
1. Genji

Khả năng “múa lửa” và quẩy rất ghê, tấn công hay phòng thủ đều được nhưng cần kỹ năng cá nhân
Tài leo trèo giỏi, tạt cánh mạnh. Genji thường có nhiệm vụ tìm và xử đẹp Bastion hay Torbjorn, cũng chính vì vậy mà support không thể đi theo vì quá nguy hiểm, chỉ có các dạng hero tấn công hay tank mới đi kèm với Genji được.
Nếu bạn chơi tấn công thì đây là lựa chọn số một khi đối phương canh cổng quá chặt, do dàn kỹ năng đặc biệt, Genji có thể luồn qua các điểm nhạy cảm trong map một cách thoải mái.
Khi phòng thủ thì Genji có nhiệm vụ chủ động tìm các hero đối phương đang có ý định thọc sườn để đánh chặn, những pha này thường là solo kill nên phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người chơi.
2. Reaper

“Đại gia quăng súng” rất mạnh trong mục thọc sườn, dùng để tấn công là chính
Nghề chính là đi thọc sườn nên bạn muốn luyện Reaper thì cứ tập riết là được. Bản chất đã mạnh sẵn, nên Reaper cũng không cần người chơi có kỹ năng thần quỷ khóc mới phát huy được hiệu quả.
Sử dụng chính để tấn công do có dàn chiêu vừa đến được những địa điểm hiểm trở, vừa có chiêu thoát thân, trong khi sát thương gây ra ở cự ly gần là cực kỳ mạnh.
Đem Reaper đi phòng thủ cũng được nhưng lúc này thì bạn phải phụ thuộc nhiều vào đồng đội hơn chứ không còn tự bơi vào solo kill được nữa.
3. McCree

Sát thương mạnh và ổn định, có thể đi chung hoặc thay thế Soldier 76 khi cần
Không xông pha lên trước như tank, không lùi hẳn phía sau như sniper, McCree hiện tại thường có nhiệm vụ là đứng sau tank xả đạn nhưng không lấn lên tuyến trước. Có thể nói McCree khó chơi cũng đúng mà dễ chơi cũng đúng, vì tùy cách và hướng chơi của bạn thì độ khó cũng thay đổi theo.
Chủ yếu để tấn công chứ hiếm người sử dụng McCree để phòng thủ. Đi vòng vòng với cây súng lục và lựu đạn choáng, bạn có thể đứng phía sau tỉa từ từ hoặc đi loanh quanh kiếm cừu lạc để thịt.
4. Soldier: 76

Công – thủ toàn diện, dễ chơi. Mạnh khi tấn công lẫn phòng thủ
Đúng nghĩa là lính, Soldier: 76 phải luôn xung phong lên tuyến trước, nhưng không tới nỗi quá hổ báo mà chường mặt ra cho người ta bắn. Soldier 76 toàn diện mọi mặt từ sát thương – hồi phục – cơ động nên người chơi chỉ cần kỹ năng trung bình là có thể chơi tốt.
Về mặt tấn công chắc không cần bàn nhiều rồi, vì cái gì Soldier 76 cũng có nên rất có lợi khi đi chung đồng đội lẫn solo. Thường thì bạn sẽ đi chung với một nhóm gồm tank và support để vừa được tha hồ xả đạn mà không bị chết vừa có nhiệm vụ bảo kê support.
Đem Soldier 76 đi phòng thủ cũng không có vấn đề gì, thậm chí còn hiệu quả hơn Genji hay Reaper chơi phòng thủ, Nhiệm vụ của Soldier 76 cũng đi chặn đánh các hero thọc sườn, hoặc tham gia với cả đội để phòng thủ tuyến trước, nhưng đi theo nhóm thì hay hơn để tận dụng được cọc hồi máu.
5. Pharah

Bay lượn và vũ khí hạng nặng là 2 điểm mạnh của Pharah, thường sử dụng để tấn công
Chuyên dùng khi các hero dưới mặt đất bị bắt bài quá nhiều, với khả năng bay lượn nhất nhì trong game cùng với vũ khí hạng nặng được trang bị tận răng nên cũng rất nhiều người thích Pharah.
Hầu như Pharah chỉ sử dụng để tấn công. Pharah cũng có thể sống khỏe khi đi solo, nhưng phối hợp với đồng đội thì tốt hơn, đặc biệt khi tuyến trước đã đủ cứng để thu hút đối phương rồi thì bạn nên bắt cặp với Mercy để vừa tối đa được lượng sát thương gây ra vừa tạo cho support một không gian thông thoáng dễ thở hơn.
Defense
Phòng thủ cũng cho bạn nhiều cơ hội để đổi hero, nhất là khi bạn đã biết rõ được đội hình đối phương – cách chơi – cách di chuyển. Mỗi lần mắc sai lầm là bạn nên cân nhắc chọn hero đã đúng chưa, hay phù hợp với tình hình hiện tại không, đôi khi cũng phụ thuộc vào kỹ năng và lỗi ở người chơi nữa.
Hero defense muốn phối hợp cũng phải phụ thuộc vào hero khác, đặc biệt là các kỹ năng khống chế mạnh. Nhưng mục tiêu chính là giữ không cho đối phương chiếm Objective nên phối hợp chiêu thức với nhau không phải luôn luôn cần thiết.
Tùy map mà hero defense sẽ có điểm mạnh riêng, những map nào chật hẹp có choke point thì chọn những hero có hỏa lực mạnh hay có khả năng xây trụ. Nếu map trống trải và có nhiều đường tạt cánh thì những hero sniper là tốt nhất.
1. Mei

Có thể làm sub-tank bất đắc dĩ, có hiệu ứng khống chế mạnh và khả năng câu giờ tốt, để phòng thủ thì tốt hơn
Không quá khó chơi nhưng cực kỳ gây khó chịu, khi đối đầu với Mei thì bạn sẽ hiểu cảm giác ức chế, nhưng khi thử chơi rồi thì phải nói là rất đã tay. Tuy cự ly vũ khí ngắn nhưng nhờ bộ kỹ năng “trời ban” của Mei nên khả năng quấy rối lẫn câu giờ rất hiệu quả.
Mei chủ yếu sử dụng để phòng thủ, nhưng trong vài trường hợp thì tấn công vẫn tốt, tường băng của Mei còn có tác dụng như khiên của Reinhardt, nên nhiều khi Mei đóng vai sub-tank “không chính thức”.
2. Junkrat

Việc nhẹ lương khá cao vì vũ khí có sức công phá lớn, tấn công hay phòng thủ đều được
Bậc thầy spam đạn, không cần làm gì nhiều trong trận chỉ cần bạn giữ mạng và spam liên tục là được. Nói đúng ra thì Junkrat chơi cực kì dễ vì không đòi hỏi nhiều ở kỹ năng, bản thân hero đã mạnh sẵn rồi.
Chơi tấn công hay phòng thủ đều vậy, công việc của Junkrat là quấy rối đối phương càng nhiều càng tốt bằng tất cả kỹ năng. Thường thì khi tấn công, Junkrat sẽ giữ khoảng cách rất xa để spam, nếu cứng tay rồi thì nhảy vào vùng nóng mà chiến, khả năng dồn sát thương của Junkrat cũng không phải dạng vừa đâu.
Đúng sở trường của Junkrat là phòng thủ, với các loại bẫy và mìn, Junkrat luôn là tai mắt ở mọi nơi canh gác không cho các hero thọc sườn đối phương mon men tới.
3. Hanzo

Cung thủ triệu người chơi nhưng không phải ai cũng giỏi. tấn công hay phòng thủ đều mạnh nhờ chiêu cuối bắn ra “2 con giun đất”
Tuy khó chơi nhưng lại được nhiều người chọn vì lối chơi thú vị, nhàn hạ cũng tương đương Junkrat. Hanzo khá cơ động vì khả năng leo trèo, bộ kỹ năng có sức công phá mạnh nhưng bù lại khả năng tay đôi không được tốt lắm.
Hanzo chơi phòng thủ hay tấn công đều được nhờ có chiêu chuối quá khủng. Tuy nhiên chơi phòng thủ vẫn tốt hơn, công việc chính của Hanzo cũng không có gì quá khó vì chỉ cần spam mũi tên vào đối phương liên tục là được. Hanzo còn là tai mắt của cả đội nhờ có Sonic Arrow – kỹ năng giúp cho các hero tạt cánh đối phương phải chùn bước.
4. Torbjorn

Khả năng phòng thủ rất chắc, có thể hỗ trợ đồng đội bằng những gói giáp
“Người tình” của Objective, đồng thời cũng là bạn của Bastion vì cả 2 đều giống nhau – cắm cọc một chỗ. Vì công việc chính là xây trụ nên cũng không có gì quá khó, thích hợp cho những người mới chơi, hơn nữa Torbjorn còn có khả năng hỗ trợ bằng cách quăng ra những gói giáp cho bản thân và đồng đội.
Tất nhiên xây trụ thì chỉ để phòng thủ mà thôi, cũng tương tự như Symmetra, nhưng trụ của Torbjorn có tầm bắn rất xa và bắt mục tiêu khá tốt nên lựa địa điểm cũng rất quan trọng, bạn phải chọn chỗ sao cho đối phương không nản đạn vào từ xa được nhưng vẫn đủ không gian cho trụ bắt mục tiêu.
5. Bastion

Sinh ra là để phòng thủ, nhưng đem đi tấn công cũng không có vấn đề gì, hơi dị một chút thôi :v
Hero dễ chơi nhất trong game, nhưng chắc vì vậy mà người ta thường trề môi không chịu chọn Bastion vì cách chơi “ngồi mát ăn bát vàng” quá hay sao nên không chịu.
Bastion sinh ra là để phòng thủ, một tình yêu dành trọn cho Objective, tuy dễ chơi nhưng biết hết các địa điểm cắm cọc mới là quan trọng. Đây là dạng hero dễ chơi chứ không dễ giỏi.
Đem Bastion đi tấn công thì sao?! Nghe có hơi ngố ngố một chút nhưng cũng phát huy hiệu quả lắm chứ đừng đùa.