Kể từ khi loài Lekgolo gia nhập Covenant chính thức vào năm 784 BCE, không có quá nhiều biến động xảy ra trong nhiều năm sau đó. Đến tận năm 648 BCE, loài San’Shyuum công bố với toàn thể đế chế rằng Janjur Qom, hành tinh cội nguồn của chúng, đã bị phá hủy, do sự sụp đổ của hệ sao Janjur Qom.
Từ đó, kinh đô thánh High Charity được chính thức trở thành nguồn cội thay thế của chúng, sau hơn hai thế kỉ xây dựng.
Tuy chỉ là một phần nhỏ của Janjur Qom, kinh đô thánh này cũng rất to lớn và đồ sộ, thậm chí có cả những quận và tỉnh lỵ riêng của mình. Hơn nữa, bao quanh nó là những hạm đội đồ sộ nhất của quân Covenant, trong đó có Hạm đội Homogenous Clarity Đệ Nhị (Second Fleet of Homogenous Clarity), hạm đội lớn nhất và mang sức hủy diệt cao nhất luôn bảo vệ High Charity một cách nghiêm ngặt.
Sơ lược về High Charity
Đường kính: 348 kilomet Độ cao: 505 kilomet Khối lượng tổng: 100 nghìn tỉ tấn (ước tính)
High Charity là một cấu trúc hình nấm khổng lồ, và được cung cấp năng lượng từ con tàu Anodyne Spirit mà loài San’Shyuum đã trưng dụng được trong cuộc nội chiến giống loài hàng nghìn năm trước.
Động cơ mạnh mẽ của con tàu đủ sức giữ cho những hoạt động trên High Charity diễn ra một cách trơn tru. Con tàu này cũng là trung tâm của toàn bộ High Charity.
Xung quanh nó là một cấu trúc mái vòm khổng lồ, và bên trong đó là một thành phố đa tầng cũng đồ sộ không kém. Với lượng cá thể San’Shyuum lên đến 28 triệu, và hơn 7,7 tỉ cá thể nô dịch, lao động, v.v., “Thành phố Vàng” (The Golden City) bên trong Kinh đô Thánh trở thành một điểm đến cho những con chiên ngoan đạo của đế chế Covenant.
Cấu trúc mái vòm này cũng được bảo vệ bởi một hệ thống khiên năng lượng, giúp bảo vệ cư dân lẫn thành phố khỏi những mối nguy hại từ bên ngoài.
Ở phía dưới Thành phố Vàng này, khối đất đá mà tàu Anodyne Spirit đã xé ra khỏi Janjur Qom trở thành nền móng nâng đỡ mái vòm của High Charity. Ở đây, những chiến hạm lẫn kho vũ khí của phe Covenant được sắp xếp thành một cấu trúc như tổ ong.
Ở trung tâm mái vòm này, trên đỉnh con tàu Anodyne Spirit là một ngôi sao nhân tạo, với ánh sáng có thể tăng hoặc giảm để mô phỏng một ngày trên High Charity. Một ngày ở đây kéo dài gần 265 giờ Trái Đất, gọi là một “chu kì”.
Bầu khí quyển của High Charity được giữ lại bởi những trường trọng lực. Điều kiện tự nhiên của High Charity cũng khá giống Trái Đất, với trọng lực nằm ở khoảng 0,95G, nhiệt độ từ 10 độ C đến 24 độ C, và bầu khí quyển được cấu thành từ khí ni-tơ, ô-xi, và argon.
High Charity không chỉ mang tính biểu tượng cho sức mạnh của phe Covenant, mà còn là trung tâm hành chính lớn nhất của chúng. Trong đó, những kiến trúc đã được xây dựng bên trong những tòa tháp cao chọc trời bên trong High Charity, như Phòng Hội Đồng Tối Cao (High Council Chamber), nơi diễn ra những cuộc họp lẫn xét xử những kẻ ngoại đạo. Không thể không kể đến Lăng Mộ Phán Quan (Mausoleum of the Arbiters), nơi bảo toàn thi thể của những cá thể Sangheili từng xuất sắc đến mức được trở thành Phán Quan (Arbiter), cánh tay phải của những Nhà Tiên Tri (Prophet), tức Hội Đồng Cấp Cao của phe Covenant. Tính đến năm 2552 CE, đã có 128 đời Phán Quan, và tất cả trong số họ đều đóng vai trò cực kì quan trọng trong sự sống còn của đế chế Covenant.
Một trong những cấu trúc quan trọng nhất của High Charity là các Xưởng Chế Tạo (Assembly Forges). Đúng như cái tên, Xưởng Chế Tạo đóng vai trò sản xuất những vũ khí và phương tiện di chuyển của đế chế Covenant.
Quá trình sản xuất này được hoàn thành bởi những đám mây robot nano, tuân thủ theo các quy trình mà những kĩ sư Covenant đã đặt ra. Những Xưởng này thực chất là một sự sao chép kiến trúc Forerunner không hoàn hảo, nên đôi khi cũng có một số sai sót trong khâu sản xuất. Tuy nhiên, những lỗi này có thể nhanh chóng được sửa bằng cách tái khởi động bộ máy của chúng.
Có 3 loại Xưởng Chế Tạo bên trong High Charity, được đánh giá dựa trên kích cỡ. Các Xưởng Chính đóng vai trò lớn nhất trong việc sản xuất những tàu chiến và phương tiện hạng nặng, các Xưởng Hai sản xuất tàu chiến hạng nhẹ, trong khi những Xưởng Ba sản xuất vũ khí, dụng cụ, tàu vận chuyển quân trong biên giới hành tinh (VD: tàu Phantom), tàu chiến cá nhân, v.v.
Trong nhiều thế kỉ tiếp theo, không có nhiều sự kiện nổi bật trong lịch sử của phe Covenant. Mãi đến năm 1112 của CE (Kỉ nguyên Hiện tại, không phải BCE – Trước Kỉ nguyên Hiện tại), loài Yanme’e mới gia nhập Covenant, được biết đến với cái tên “Drone” hoặc “Bugger” trong các phần game chính.
Yanme’e
Tên khoa học: Turpis rex
Hành tinh gốc: Palamok
Chiều cao trung bình: 177,8 cm – 205,8 cm (5,83 ft – 6,75 ft)
Cân nặng trung bình: 77,0 kg – 127,0 kg (169,7 lb – 279,9 lb)
Đặc điểm sinh học và xã hội học
Loài Yanme’e thuộc Ngành Chân Khớp, là kết quả sự tiến hóa của các sinh vật chân khớp sống trên cây trên hành tinh Palamok. Nhờ một phần phụ được làm từ kitin trên tay chúng, đóng vai trò như ngón cái của con người, loài này đã phát triển được khả năng cầm nắm hiệu quả, và dần dần xây dựng được nền văn minh của mình từ đó.
Từ thuở xa xưa, loài Forerunner đã lưu ý đến loài Yanme’e như một trong số rất ít những loài chân khớp có khả năng tiến hóa hiện đại đáng kể như vậy. Nhờ những sự tiến bộ ấy, loài Yanme’e đã đạt được Bậc 4 trong Thang đo Sự Tiến bộ của loài Forerunner đặt ra, tức chúng có khả năng du hành không gian xuyên nhiều hệ sao.
Tuy tiến hóa là thế, nhưng cách chúng tổ chức xã hội vẫn còn tương đối nguyên thủy. Tức là, chúng vẫn theo chế độ mẫu hệ mà tự nhiên đã đặt sẵn cho chúng: những tổ Yanme’e bao gồm cá thể Nữ hoàng, các cá thể đực với khả năng sinh sản, các cá thể Yanme’e thợ và Yanme’e lính không có khả năng sinh sản.
Cách bố trí hệ thống của chúng có rất nhiều điểm tương đồng với loài kiến ở Trái Đất.
Quá trình gia nhập đế chế Covenant
Đến năm 1112, chúng chạm trán phe Covenant lần đầu tiên. Những cuộc đụng độ nhanh chóng diễn ra, và nhờ lợi thế quân số đáng kể, loài Yanme’e đã chiếm được ưu thế trước lực lượng Covenant đang đi tìm cổ vật Forerunner. Sau khi khả năng bắn phá (“glass”) hành tinh Palamok bị loại bỏ, do Hội Đồng Tối Cao e sợ vẫn còn cổ vật Forerunner trên hành tinh này, trận chiến đi đến một đợt ngừng bắn không chính thức.
May thay, loài San’Shyuum đã nhanh chóng tìm ra được cách giao tiếp với giống loài mới, và thuyết phục chúng gia nhập đế chế Covenant để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh.
Loài Yanme’e đồng ý, và rất nhanh chóng, chúng đã thể hiện được khả năng sử dụng máy móc xuất sắc, và vì thế, chúng nắm vai trò thợ cơ khí trong các Xưởng Chế Tạo của đế chế Covenant.
Như loài Lekgolo, chúng không có nhiều khái niệm về tôn giáo cũng như các hoạt động khác, và cộng thêm với sự bất đồng ngôn ngữ thì loài Yanme’e cũng chẳng lấy gì nhiều làm hứng thú.
Còn về đế chế Covenant, ngoài việc có thêm một giống loài khác để sản xuất vũ khí, thì việc loài Yanme’e biết bay là một lợi thế to lớn khi lập kế hoạch chiến đấu trên bất kì tiền tuyến nào.
Kig-Yar
Tên khoa học: Perosus latrunculus
Hành tinh gốc: Eayn
Chiều cao trung bình: 190 cm – 210 cm (6 ft 2 in – 6 ft 8 in)
Cân nặng trung bình: 88 kg – 93 kg (195 lb – 206 lb)
Đặc điểm sinh học
Giống loài tiếp theo được đồng hóa vào đế chế Covenant là Kig-Yar, một loài có ngoại hình giống chim trên Trái Đất, với thị giác, khứu giác và thính giác mạnh hơn gấp nhiều lần.
Chúng có nguồn gốc từ hành tinh Eayn, nằm trong hệ sao Y’Deio. Tuy nhiên, loài Kig-Yar có nhiều chủng tộc khác nhau với những hình dáng khác nhau, song nhân loại chỉ phân loại chúng vào hai loại là “Jackal” và “Skirmisher“.
Như đã đề cập ở trên, loài Kig-Yar nói chung có nhiều điểm tương đồng với những loài chim lớn trên Trái Đất.
Do tiến hóa trên các hành tinh có trọng lực thấp, nên chúng đều có cơ thể dẻo dai và linh hoạt, để bù đắp lại cho cơ thể tương đối mỏng manh của chúng.
Chúng có khả năng tránh né rất linh hoạt cũng như bật nhảy cao. Các giác quan của chúng đều tiến hóa vượt trội, nhất là khứu giác và thị giác, nên khi gia nhập đế chế Covenant, chúng thường nắm giữ vai trò xạ thủ tầm xa và trinh sát.
Tuy thường xuyên bị nhầm là loài ăn thịt do vẻ ngoài hung tợn, chúng thực chất là loài ăn tạp. Vậy nên, khi bị bỏ đói quá lâu, chúng có khuynh hướng ăn xác của kẻ thù, và trong một vài trường hợp là những cá thể phạm nhân sống.
Máu của chúng có màu tím.
Các chủng tộc Kig-Yar
Kig-Yar từ Ruuht
Kig-Yar từ siêu lục địa Ruuht có thể được xem là loại Kig-Yar phổ biến nhất, xuất hiện trong 3 phần Halo đầu. Da chúng có màu nâu nhạt, và có kết cấu tương tự bò sát. Mỏ chúng có hình chữ V, với một hàm răng sắc nhọn và hai răng nanh nổi bật nhất ở phía trước hàm.
Kig-Yar từ Ibie’sh
Các cá thể Kig-Yar đến từ lục địa núi lửa hoang sơ Ibie’sh trên bề mặt hành tinh Eayn là những cá thể Kig-Yar nguyên thủy nhất. Khi so sánh với những người họ hàng xa của mình, thì Kig-Yar từ Ibie’sh có nhiều điểm tương đồng với tổ tiên bò sát của chúng hơn cả. Hàm của chúng lớn hơn, mũi ngắn hơn và chúng giống với T-Rex trên Trái Đất hơn là chim.
Tuy nhiên, chúng không có quá nhiều điểm nổi trội về thể chất khi so với họ hàng của mình. Cả hai loại Kig-Yar từ Ibie’sh và Ruuht đều bị nhân loại gọi là “Jackal”.
Kig-Yar từ T’vaoan
T’vaoan là tên một thuộc địa của hành tinh Eayn. Gọi là thuộc địa, nhưng kích cỡ của T’vaoan còn lớn hơn Eayn, song vì sự nghèo nàn tài nguyên cũng như điều kiện sống quá khắc nghiệt nên Eayn vẫn được xem là hành tinh chủ yếu của loài này.
Các cá thể Kig’Yar sống trên T’vaoan do phải chịu đựng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lẫn trọng lực mạnh hơn của Eayn nên chúng tiến hóa rất khác những cá thể trên Eayn. Cơ thể của cá thể Kig-Yar đến từ T’vaoan cứng cáp hơn, có lông vũ bao quanh đầu và tay, và có màu da tối hơn hẳn những Kig-Yar khác.
Quân đội loài người gọi những cá thể Kig-Yar từ T’vaoan là “Skirmisher”, do sự cứng cáp và linh hoạt tự nhiên cho chúng khả năng giao tranh theo nhóm nhỏ rất tốt.
Đặc điểm xã hội học
Trước khi gia nhập Covenant, loài Kig-Yar cổ đại sống trên hành tinh Eayn theo bộ lạc. Và thú vị thay, chúng thậm chí có một nền văn hóa như nhân loại, không như loài Lekgolo hay Yanme’e. Chúng dùng thuyền để vượt đại dương, tìm những bộ lạc khác để xâm lấn và chiếm tài nguyên, như những tên hải tặc của nhân loại.
Cấu trúc của những bộ lạc này cũng tương đối đơn giản: Các bộ lạc đồng minh sẽ bảo vệ nhau khỏi những bộ lạc thù địch, và tập trung tài nguyên tại để đóng góp cho sự phát triển của bộ lạc. Trung tâm bộ lạc thường là một “nhà bộ lạc”, nơi được dành cho các cá thể Kig-Yar cái chăm sóc cho con non.
Thời cổ đại, chúng thậm chí còn có một nền văn hóa xoay quanh những võ sĩ giác đấu, tương tự như người La Mã cổ. Vẫn chưa rõ rằng thời đại này của chúng kéo dài bao nhiêu thế kỉ, nhưng khi thời đại ấy kết thúc, loài Kig-Yar đã đồng lòng thống nhất các bộ tộc lại để cùng phát triển. Nhờ đó, chúng phát triển nhanh chóng về mặt khoa học kĩ thuật, và thậm chí đã phát minh được phương tiện du hành không gian.
Tuy tồn tại một nền văn hóa giác đấu, văn hóa hải tặc mới đóng vai trò lớn nhất trong nền văn minh của loài Kig-Yar. Những anh hùng trong truyện cổ Kig-Yar đa số là những hải tặc lừng lẫy trên biển Eayn, và cách sống ấy cũng ảnh hưởng đến loài Kig-Yar trong đế chế Covenant đôi chút.
Quá trình gia nhập đế chế Covenant
Vào năm 1342 CE (Kỉ nguyên Hiện tại), đế chế Covenant tiếp xúc với hệ sao của loài Kig-Yar lần đầu qua những hạm đội viễn chinh nhỏ. Những hạm đội này nhanh chóng trở thành mồi cho hải tặc và lính đánh thuê Kig-Yar.
Động thái này nhanh chóng thu hút sự chú ý của đế chế Covenant, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa hai bên. Tuy phe Covenant áp đảo về lực lượng, lợi thế vẫn nghiêng về loài Kig-Yar bởi sự thông thạo môi trường trong hệ sao của chúng.
Tàu chiến Kig-Yar khá nhỏ, song có sức sát thương cao nên chúng có thể luồn lách giữa các vành đai tiểu hành tinh trong hệ sao Y’Deio. Phe Covenant bị choáng ngợp bởi độ dày của vành đai này nên gặp rất nhiều vấn đề trong việc điều động quân đội.
Song, chúng nhanh chóng cân bằng tình thế, và phe Covenant bắt đầu áp đảo ngược lại quân Kig-Yar. Cuối cùng, loài Kig-Yar phải chấp nhận các Nhãn Thư, tức những yêu cầu thuê làm việc trong đế chế Covenant.
Các thuyền trưởng hạm đội lớn của loài Kig-Yar chấp nhận những Nhãn Thư này, nhưng chúng chỉ xem đó là cái cớ để tiếp tục lối sống cướp bóc của mình bên trong đế chế Covenant.
Cuối cùng, loài Kig-Yar cũng gia nhập đế chế Covenant, nhưng đại đa số chúng chỉ đảm nhiệm vai trò lính quèn, cao nhất là lính bắn tỉa, và tệ nhất là bia thịt.
hay
hay,đợi mãi :))