Planet Coaster
Một tựa game mà chắc chắn sẽ đem bạn về lại với tuổi thơ khi mà những game mô phỏng đủ thể loại đang thịnh hành, phổ biến nhất là The Sims với nội dung về cuộc sống của con người, trong đó cũng có RollerCoaster Tycoon là game mô phỏng công viên vui chơi với chủ đề tàu lượn là chính. Vào thời đó thì tất nhiên đồ họa sẽ rất là củ chuối, nhưng khung sườn gameplay của các game mô phỏng thì lại rất hay và độc đáo làm tách biệt khỏi nhóm hành động hay platformer. Chính vì gameplay thu hút và đòi hỏi sự tính toán của người chơi về tài chính, quản lý tiền nong ra vào, tính thư giãn và giải trí cao nên thể loại mô phỏng mới trụ vững tới bây giờ. Tiếp nối thể loại mô phỏng công viên giải trí của Roller Coaster Tycoon là rất nhiều game khác nối tiếp, nhưng tới bây giờ thì có một tựa game mới bật lên được ở cả 2 mặt gameplay và đồ họa, đó là Planet Coaster.
Vừa nhìn thoáng qua là bạn sẽ bắt đầu thấy nhớ tuổi thơ với những màn mày mò xây đường ray cho tàu lượn. Nhưng nổi bật hơn hết chính là đồ họa của Planet Coaster mới là điểm mấu chốt gây ấn tượng, nó miêu tả một cách chân thực tới từng chi tiết nhưng vẫn giữ được nét hoạt họa vui tươi. Về nội dung gameplay thì tất nhiên bạn cũng sẽ quản lý và xây dựng một công viên giải trí với chủ đề chính là tàu lượn, nhưng rất có chiều sâu. Bạn phải nghiên cứu thêm nhiều công nghệ cũng như tìm cách quản bá hình ảnh cho công viên của mình, qua đó nắm được sở thích của khách hàng để xây dựng cho phù hợp. Và bạn không chỉ click tới lui đâu mà có thể cận cảnh quan sát những gì đang diễn ra với góc nhìn của một khách hàng, hoặc đã hơn nữa là bạn có thể tham gia trực tiếp những trò chơi trong công viên mà mình xây dựng.
House of the Dying Sun
Chủ đề không gian tương lai luôn là một thứ gì đó rất hấp dẫn và đầy tiềm năng phát triển. Từ chiến thuật theo lượt, quản lý tài nguyên giữa các hành tinh, khai phá hành tinh cho tới những cuộc chiến không gian. Những chủ đề cần suy nghĩ và động não thì thường kén người chơi vì nó cần nhiều thời gian để tìm tòi và chọn hướng đi tốt nhất, nhưng như vậy thì cần những người có kiên nhẫn, còn những game mang thiên hướng hành động thì lại rất dễ làm quen và không cần mày mò nhiều. Đó cũng là những điểm mạnh thu hút người chơi của game House of the Dying Sun, vẫn xoay quanh chủ đề không gian tương lai nhưng gameplay chính của House of the Dying Sun là trực tiếp tham gia vào những cuộc chiến. Người chơi sẽ ở trong buồng lái để điều khiển phi thuyền (góc nhìn thứ nhất) để chiến đấu với những phi thuyền đối phương, để chiến đấu thế nào thì chắc bạn cũng biết rồi – sử dụng vũ khí chứ còn gì nữa. Nhưng ngoài việc chiến đấu ra thì bạn còn chỉ huy đồng đội AI sao cho hợp lý, để bạn có thể phối hợp được với những chiến thuật mà mình nghĩ ra, như vậy để tăng độ khó mà không làm game nhàm chán bởi cách chơi lặp lại.
Nói một chút về đồ họa thì House of the Dying Sun không phải thuộc dạng đẹp tuyệt trần, vì theo phong cách high poly graphics, nó cũng giúp game toát lên được vẻ indie. Nhưng không phải vì vậy mà game là xấu mù, với hệ thống chiếu sáng mờ ảo khó nhìn, ngược lại bạn sẽ chỉ thấy phong cách đặc biệt này ở phi thuyền – vật thể hay thiên thạch mà thôi. Chứ không gian trong game thì lại rất êm dịu và dễ nhìn.
Tyranny
Game nhập vai hardcore cũng là một cái gì đó khá là trừu tượng, bạn chỉ thường nghe người khác nói loáng thoáng chứ thực chất không hẳn hiểu nó có cái gì mà gọi là hardcore. Game nhập vai nói chung nếu muốn hardcore, thì yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là cốt truyện, cốt truyện phải thu hút người chơi cực kỳ từ đầu tới cuối và nó phải làm cho bạn giống như đang theo dõi một bộ phim chứ không phải chơi game thì mới gọi là thành công. Ngoài cốt truyện ra thì tới yếu tố quan trọng thứ hai đó là gameplay, gameplay phải có chiều sâu phải khiến người chơi bỏ ra thời gian suy nghĩ – tìm hiểu – mày mò. Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ thì cứ chơi thử Tyranny hoặc ít nhất xem gameplay là sẽ hiểu. Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần ngồi lì khoảng vài tiếng, bởi vì ngay từ đầu bạn sẽ trải qua một giai đoạn mặc dù hơi khô khan nhưng lại có cốt truyện rất sâu sắc đó là lúc tạo nhân vật. Tạo nhân vật không giống như bạn nghĩ đâu, phần chọn ngoại hình chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là chọn nguồn gốc và lịch sử quá khứ của nhân vật, tiếp đó là bạn sẽ bắt đầu đọc cốt truyện mấy chục phút liền, cũng như chọn lựa những con đường mà sau này sẽ ảnh hưởng tới bối cảnh và tác động trực tiếp tới nhân vật. Sau khoảng thời gian gần 1 tiếng để ngấm được cốt truyện thì lúc đó bạn mới thực sự chơi.
Và khi đã chính thức bước vào chơi, thì bạn lại sẽ choáng ngợp thêm một lần nữa với những tình tiết và lựa chọn mà mình phải đưa ra, nhưng đó mới chỉ là những câu đối thoại hoặc xử lý tình huống thôi. Còn khi bước vào chiến đấu thì bạn sẽ phải động não một lần nữa với phong cách chiến thuật theo lược vừa lạ mà vừa quen. Chính vì vậy mà phải nói Tyranny là một game kén người chơi vô cùng vì nó yêu cầu bạn phải đọc rất nhiều và suy nghĩ cũng rất nhiều.
Owlboy
Thể loại platform rất nổi tiếng về những năm về trước, nhưng càng về sau thì lại càng bị mờ nhạt dần. Không phải vì thể loại này không hay mà là do bị chia phối bởi những thể loại khác như FPS, chiến thuật theo lượt hay các game RPG khác. Với lại từ khi sự xuất hiện của Ori and the Blind Forest thì dường nhưng những game platform theo sau luôn núp dưới một cái bóng, và khó có thể tìm cho mình chỗ đứng vững chắc khi so với một tựa game siêu phẩm như vậy. Nhưng cũng lâu lắm rồi, một game platform với đồ họa pixel cổ điển lại có dịp tỏa sáng như Owlboy. Owlboy nói về một cậu bé người cú bị câm bẩm sinh tên là Otus, cuộc đời của Otus cũng không có gì thú vị vì bản tính của Otus là một cậu bé hậu đậu làm đâu hư đó, ngay cả một chút tài năng bẩm sinh hay khéo léo cũng không có, đó cũng là nguyên nhân một ngày nọ Otus bị đuổi đi khỏi nơi từng là ngôi nhà của mình. Nhưng thời thế tạo anh hùng, cũng cùng lúc đó thế giới yên bình mà Otus đang sinh sống bị một đám hải tặc bầu trời tấn công, vậy là từ một cậu bé người cú hậu đậu vụng về – Otus giờ đây lại phải trở thành người hùng bất đắc dĩ. Nhưng trên con đường giải cứu thế giới, bạn không thể hành động một mình nên Otus được gặp gỡ nhiều người bạn với khả năng riêng biệt, qua đó vùng với Otus phối hợp để vượt qua tất cả khó khăn.
Owlboy có gameplay theo hướng thế giới mở cũng tương tự như Ori and the Blind Forest, nhưng với bối cảnh vừa mờ ảo vừa giống với thực tế. Hơn nữa thế giới trong game có rất nhiều thứ để bạn khám phá từ boss, tới chướng ngại vật, những câu đố hóc búa và cả dungeon nữa. Tất cả những thứ hay ho nhất dường như đều được tập hợp vào công sức 9 năm của nhà phát triển.
Another Brick in the Mall
Những tựa game quản lý và có liên quan tới kinh doanh luôn có những điểm hay nhất định mà nhiều người thường bị thu hút. Như quản lý nhà hàng thì bạn phải cân bằng giữa sự đa dạng thức ăn và hình thức cũng như vẻ bề ngoài của nhà hàng, còn những dạng như kinh nhưng nặng về tài chính thì điều quan trọng nhất là lợi nhuận. Những tựa game như vậy luôn mang tính giải trí cao, nhưng đi kèm đó là một dạng học hỏi kinh doanh nho nhỏ, tuy chỉ là game nhưng nó cũng tính thực tế và mô phỏng theo mô hình kinh doanh ngoài đời thực. Nhưng những dạng game này thường bị gò bó bởi quy mô và không thỏa mãn được người chơi ở một chừng mực nào đó, nhưng Another Brick in the Mall thì có thể dư sức cho bạn thử tài kinh doanh của một trung tâm thương mại. Nghe qua thì có thể hơi bình thường nhưng Another Brick in the Mall cho bạn quy mô rộng lớn cực kỳ, nếu tính ra kích thước giống thực tế thì thậm chí còn rộng hơn cả các trung tâm Aeon Mall nữa. Lúc đó bạn sẽ phải rối tung rối mù vì có quá nhiều thứ để quản lý, từ hàng hóa, nhân viên, lương thưởng cho tới đa dạng các mô hình vui chơi giải trí tích hợp.
Về đồ họa thì Another Brick in the Mall cũng có nét tương đồng giống như The Escapists hay Prison Architect. Nhìn rất đơn giản và nhiều người có thể thấy nó hơi nhàm chán nhưng thật ra cũng hợp lý, vì với quy mô lớn – nhiều thứ hoạt động và xử lý cùng một lúc mà nếu làm phức tạp quá sẽ không bảo đảm được FPS. Nhưng dù sao cũng không tới nỗi xấu, nên bạn vẫn có những giây phút thư giãn trong khi trổ tài kinh doanh của mình.
Farming Simulator 17
Những game simulator luôn là nơi mà người chơi muốn làm những thứ mà thường ngày mình không thể làm, từ quản lý kinh doanh cho tới những công việc không hẳn là đặc biệt nhưng nó lại thú vị. Chẳng hạn như Goat Simulator cho bạn cơ hội để trở thành một chú dê đi phá phách vì đâu phải lúc nào bạn cũng trở thành dê được, nhưng đó là phạm trù khá là nhí nhố và thực chất không có ý nghĩa gì ngoài tính giải trí thuần túy. Còn có những game simulator khác lấy ý tưởng gameplay một cách khá là nghiêm túc nhưng lại không khô khan, đó là Farming Simulator 17. Tiếp nối những phần trước, Farming Simulator 17 là một bản cải tiếng dần của những phiên bản Farming Simulator trước với đồ họa đẹp hơn, gameplay ngày một chi tiết và có chiều sâu hơn. Nhìn chung game sẽ ngày càng nâng cấp để cho người chơi một trải nghiệm tốt nhất có thể. Đến với phiên bản 17 và dòng game Farming Simulator nói chung thì có lẽ bạn cũng thừa biết bạn sẽ làm gì rồi, đó là những công việc đồng án hằng ngày, bạn sẽ trực tiếp trồng trọt và thu hoạch bằng những phương tiện cơ giới tiên tiến nhất. Và không chỉ trồng trọt không đâu mà bạn còn sẽ đụng tay đụng tay đụng chân tới chăn nuôi nữa, từ gia cầm cho tới gia súc các loại.
Farming Simulator cho người chơi trải nghiệm rất tốt không những về mặt đồ họa mà còn cả âm thanh nữa. Không những với cách chơi thú vị mà game cho còn bạn những bản nhạc nền rất thú vị, làm cho bạn như lạc vào thế giới riêng của game, tránh xa khi đô thị ồn ào náo nhiệt để hòa mình vào chốn đồng quê thanh bình để sống một cuộc sống chậm rãi.
Motorsport Manager
Làm quản lý luôn rất thú vị hầu như ở bất cứ lĩnh vực nào, nhưng hầu hết thì chỉ ở trong game mới thú vị thôi, chứ vụ sổ sách tiền nong thì rất nhức đầu. Nhưng làm quản lý trong game nói chung cũng có cái thú vui, đó là “chỉ trỏ” khắp nơi mà không cần động tay động chân nhiều. Ngược lại, nhiệm vụ của quản lý là phải bảo đảm được tài chính và hướng đi của cả nhóm hay ít nhất là bản thân để có cơm mà ăn. Nhưng quản lý bình thường thì xoàng quá, làm quản lý của một đội đua xe F1 thì mới thú vị. Lúc đầu nghe qua chắc bạn cũng không biết công việc làm như thế nào, vì nói chung thì nó cũng khá mơ hồ khi chưa miêu tả công việc. Công việc chính của bạn là quản lý cả một đội bao gồm: tay đua – đội thợ máy – đội chiến lược và cũng nhiều bộ phận linh tinh khác, nhưng quan trọng nhất là đưa đội đua lên đến vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng. Nói là quản lý chứ thực chất bạn sẽ lo hết mọi chuyện từ chăm lo cho tay đua, tới máy móc cho xe đua, tính toán về vấn đề tài chính cũng như tìm cho mình nhưng nhà tài trợ.
Không những lo chuyện giấy tờ không mà bạn cũng được trực tiếp theo dõi từng cuộc đua, hồi hộp qua từng khúc quanh khi tay đua của đội mình vượt lên dẫn trước hay tụt lại phía sau. Đây cũng là nơi để bạn thấy được thành quả của mình bỏ ra và công sức vắt óc suy nghĩ có hiệu quả hay không.
Dishonored 2
Hành động góc nhìn thứ nhất dần trở thành một xu hướng mới, thay thế cho dòng FPS thuần túy. Những pha hành động gần như lôi cuốn hơn và làm cho người chơi phấn khích hơn và thật hơn, để người chơi có cảm giác mình đang hòa vào những pha hành động đó hoặc ít nhất giống như đang xem một bộ phim. Đó chính là điểm hay của nhiều tựa game hiện nay, và quan trọng hơn nữa là đồ họa đẹp. Cũng với lối chơi đó, Dishornored 2 tiếp tục với gameplay hấp dẫn và cốt truyện lôi cuốn, tiếp nối với phần 1, phần 2 đặt bối cảnh 15 năm sau khi Lord Regent biến mất và bệnh dịch hạch bắt đầu. Ngai vàng của nữ hoàng Emily Kaldwin đã bị một kẻ khác chiếm giữ, khiến cho sự cân bằng của cả quần đảo đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Bạn sẽ vào vai Emily hoặc Corvo, quyết tâm tìm cho ra và lật đổ kẻ tạo phản nhằm lấy lại quyền lực vốn thuộc về Emily. Và không chỉ những màn đánh đấm thuần túy, mà bạn sẽ hòa vào một thế giới mà ranh giới giữa sự hiện đại của máy móc và sức mạnh phép thuật bí ẩn vẫn còn hiện hữu. Bạn cũng sẽ tự chọn cho mình sức mạnh, cũng như phong cách chơi từ ồn ào cho tới im thin thít, những sự lựa chọn trong suốt quá trình chơi cũng có ảnh hưởng và sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Thật sự thì Dishornored 2 không có điểm nào để chê vì đồ họa đẹp, cốt truyện hay, gameplay hấp dẫn vốn có. Nhưng có một khuyết điểm khiến game mặc dù nổi tiếng nhưng lại làm cho nhiều người đang e ngại khi mua, đó là vấn đề tụt FPS không đáng có. Mặc dù đã phát hành chính thức nhưng game vẫn chưa được tối ưu hoàn toàn và vẫn còn mắc một số lỗi khi chơi. Nhưng dù sao đây cũng là một game thuộc dạng bomb tấn đáng thử qua dịp gần cuối năm.
Yomawari: Night Alone
Game kinh dị – một đề tài vừa thú vị nhưng cũng làm nổi da gà đại đa số người chơi. Game kinh dị vốn dĩ không cần cốt truyện hay, mà chủ yếu là phải huyền bí đồng thời phải có logic, nhưng quan trọng hơn hết là tạo không khí u ám sợ hãi cho người chơi. Nhiều game đặt yếu tố sợ hãi lên hàng đầu nên lấy những màn hù dọa làm cột trụ chính, nhưng ngược lại càng làm quá thì càng lờn thuốc vì người chơi rồi sẽ quen dần với nó. Để thành công thì game phải tạo không khí đáng sợ xuyên suốt quá trình chơi, làm cho người chơi phải luôn dè chừng bởi môi trường xung quanh, để tăng độ khó hơn thì nhân vật chính thường sẽ có ít khả năng tự vệ, như vậy mới kịch tính. Cũng giống như Yomawari: Night Alone, bạn sẽ vào vai một cô gái đi tìm người chị của mình, người chị thì lại đi tìm chú chó đang đi lạc. Và chính vì một cô gái nên hầu như bạn không có khả năng tự vệ gì cả, trường hợp xấu nhất thì chỉ có chạy hoặc tìm cách trốn mà thôi. Bạn sẽ lang thang trong những khu phố trong một buổi tối lạnh lẽo vắng người, xung quanh thì u ám toát lên một không khí cực kỳ ghê rợn, dọc đường bạn còn phải làm sao tránh mặt nhưng thứ “quái dị” đang cố gắng ăn thịt bạn hay làm gì đó không biết.
Cốt truyện đơn giản nhưng bù lại gameplay lại khá hấp dẫn bởi độ rùng rợn kết hợp với độ khó mỗi khi bạn chạm những sinh vật ma quái. Và cũng xuất thân từ nhà phát triển Nhật Bản, nên game nào có gắn mác kinh dị thì bạn cũng nên uống thuốc trợ tim trước khi chơi. Game không hù dọa bạn như những game kinh dị kiểu Mỹ đâu mà làm bạn phải dựng tóc gáy với mỗi bước di chuyển.
Beholder
Những tựa game indie luôn là tâm điểm của sự đổi mới cả cốt truyện lẫn gameplay, đôi khi cũng là đồ họa nữa. Và những game indie hay hay luôn để lại tiếng vang khiến cho ngày càng nhiều người chơi tìm tới nó hơn, nhất là những game có cách chơi độc đáo và ý tưởng không đụng hàng, và trong đó có Beholder. Game nói về một thế giớ bị chính phủ kiểm soát mọi hoạt động và có thể nói là gần giống phát xít, bạn thì sẽ đóng vai chủ của một tòa nhà – nơi sinh giống của nhiều gia đình khác nhau. Bạn làm việc cho chính phủ, nhiệm vụ của bạn là điều tra những âm mưu mờ ám của từng gia đình, xóa bỏ mọi nguyên tắc về sự riêng tư để khai thác bằng được thông tin từ đó. Bạn sẽ đột nhập vào từng căn hộ, soi mói mọi nơi thậm chí lắp camera quay trộm để khi có “biến” thì báo ngay cho chính phủ tới hốt ngay lập tức. Nhưng bạn cũng được quyền lựa chọn mình có làm việc đó hay không, làm theo nhiệm đã được giao nhưng nhiều tình huống sẽ làm bạn cắn rứt, còn giúp đỡ những người dân trong khu căn hộ này thì bạn sẽ tự chuốc họa vào thân với nguy cơ mất mạng.
Không những có cách chơi hay và sáng tạo mà đồ họa của game cũng toát lên được vẻ tăm tối, u ám của một thế giới bị giám sát từng li từng tí. Game cũng lột tả được viễn tưởng của một đất nước bị tha hóa, mọi thứ đều bị kiểm soát và bầu không khí trở nên cực kỳ nặng nề, cuộc sống của những người dân dần trở thành một cực hình mỗi ngày.