PS: Bài viết này giành tặng ông bố gamer của năm vừa có tin vui mới. Chúc bé Mây Bông và gia đình lão chủ quán luôn mạnh khỏe, vui tươi, hạnh phúc.
Nội dung
Trên đời này luôn có thứ gì đó thúc đẩy một con người. Một ý tưởng, một trái tim mạnh mẽ – đó là hai thứ đồng hành khi bạn muốn thực hiện cuộc hành trình đời mình….ngay cả với những giấc mơ hoang dại nhất. Ngay cả khi bạn bước tiếp trong đau đớn, ngay cả khi bạn không còn lý trí và đưa mọi thứ vô tội chìm vào chết chóc. Là những hành trình điên rồ…nhưng ta mặc kệ vì đó mới thực sự là sống, sống một cuộc sống mà mình khát khao.
Cách chúng ta hơn 8000 hải lý, vào những năm đầu của thế kỷ 19, một cuộc sống như thế đến rất nhanh với bạn. Đặc biệt là khi bạn muốn đội lên đầu mình chiếc mũ Tricorne cao quý của thuyền trưởng và gây dựng nên hải đoàn săn cá voi khét tiếng trên đại hải.
Nantucket (sau đây xin mạn phép gọi tắt là Nan) vốn là cái tên nổi tiếng trong lịch sử văn học Mỹ với hành trình của con tàu The Essex và thuyền trưởng Ahab trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với chú cá voi trắng Mobydick huyền thoại. Chúng ta đều biết kết cục của hải đoàn (trừ Ishamel) là trở thành một phần của đại dương sâu thẳm. Chà, có vẻ thì những chàng trai của Picaresque Studio không muốn quên đi những câu chuyện bed-time-story của mình cho lắm. Và họ muốn viết tiếp lên cuốn nhật ký đã chìm vào đáy biển của Ahab, một hành trình đầy phấn khích, thú vị của riêng mình. Lần này tôi mời các bạn đến với Nantucket – một sản phẩn indie game độc đáo ra lò đầu năm 2018.
Câu chuyện của Nantucket mở ra vào năm 1820 – khoảng thời gian Capt.Ahab và The Essex toi mạng trong khi săn lùng Mobydick. Picaresque Studio xây dựng thế giới hư cấu mới từ cốt truyện nhà văn Herman Melville. Màn dạo đầu của Nan sẽ hướng dẫn các thao tác cơ bản và lồng ghép phần plot của mình. Người chơi vào vai người may mắn sống sót trong tai nạn của The Essex, từ đó bạn dấy lên ước vọng trở thành một thuyền trưởng vĩ đại như quý-ngài-Ahab-đã-xanh-cỏ và tiện thể trả thù cho việc uống no nước biển của một năm trước.
Nền tảng gameplay của Nan về cơ bản khá giống với một tựa game đang hot trong thời gian qua mà quán đã phục vụ đồ uống: Darkest Dungeon. Nantucket mang trong mình dòng máu của game “chiến thuật” pha lẫn yếu tố logistic. Bạn phải chiến đấu trên hai chiến trường trong Nantucket: Một là trên đại dương; Hai là trên những cảng biển rải rác khắp nơi. Không bắt đầu với sự dày dạn kinh nghiệm cùng với chiếc la bàn thần kỳ và con tàu Ngọc Trai Đen huyền thoại như Cáp Tần Chim Sẻ như trong Hollywood. Xuất phát điểm trong Nantucket của bạn là con tàu khá rách mướp cộng thêm một túi tiền eo hẹp và vài anh chàng tay mơ dạng-intern trong hải đoàn. Để vươn lên đến đỉnh cao, người chơi phải ngụp lặn trong chu kỳ “Kiếm Tiền” và “Nâng cấp” liên tục cho đến khi nới đủ vòng tròn sức mạnh để phá đảo trò chơi. Nantucket sử dụng một cơ chế chơi quá đỗi quen thuộc với chúng ta nhưng đó là một cơ chế tốt và mẹ ơi nó gây nghiện dù rằng nó được áp dụng rất nhiều rất nhiều lần trước đó.
Vài giờ đầu tiên trong Nantucket giành cho sự thất bại. Bạn sẽ quyên sinh cho đại hải vài lần cho đến khi học được cách tiếp cận và nhập cuộc trong cuộc sống mưu sinh của nghề săn bắt cá voi. Tuy vậy độ khó trong Nantucket không quá choáng ngợp hay quá dữ dằn đối với người chơi. Trò chơi này được thiết kế đẻ người chơi nó học cách xoay xở với tốc độ của cá nhân từng người. Khi bạn đã quen thuộc với vị biển mặn mòi hơn, bạn sẽ không phải gặp những tình huống “án tử” chớ trêu như để thiếu nguồn cung hay không bán được sản phẩm khai thác hoặc tan xác trên biển cả dữ tợn…
Một nửa hành trình của người chơi sẽ diễn ra trên những đại dương mênh mông. Bạn phải sẵn sàng cầm lái và rong ruổi qua từng phân tấc của cuốn hải đồ trong tay. Mọi việc chỉ đơn giản là đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì mà trái tim bạn khát khao. Nhưng cuộc sống chưa bao giờ là đơn giản. Chữ “NGHỀ” luôn kèm theo chữ “NGHIỆP”. Ở những năm 1820, đánh bắt cá voi chưa bao giờ là một nghề nghiệp “thanh bình” gì cho cam. Đấu với trời đất, đấu với con người và đấu tranh với cả bản thân – đó là những gì bạn phải chiến đấu trong Nantucket. Kỹ năng đi biển của người chơi sẽ được thử thách và tôi luyện qua rất nhiều event lớn nhỏ mà trò chơi này khéo léo cài cắm ở nhiều nơi và nhiều thời điểm. Đồng thời việc này qua đó phát triển tiến trình mạch cốt truyện của trò chơi một cách tự nhiên. Phần event được setting rất tốt, nó cho tôi cảm giác vừa phải để trải nghiệm nhập vai vào chủ đề vừa giữ được sức hút của nó mỗi khi đưa ra những thử thách để người chơi thử sức và không ngừng khám phá khả năng bản thân. Hệ thống các event trong Nan thực sự không quá đồ sộ nhưng với mỗi lần chơi kèm sự phát triển và tùy chỉnh khác nhau của hải đoàn người chơi mà cho ra những kết quả khác nhau. Điểm đặc biệt tôi thích là các option của Nantucket đều kèm ở dưới phần trăm thành công và kết quả của nó. Quyết đoán, may rủi hay tính toán ? Nan đặt trong tay người chơi quyền quyết định đó một cách tự nhiên nhất có thể.
Phần chiến đấy trên biển là một trong những thứ cần được nhắc đến ở trò chơi này. Giành giật mạng sống của bản thân bằng máu của kẻ khác, trong Nantucket, người chơi phải chạm trán với hệ thống sinh thái biển của đại dương và bọn cướp biển tàn bạo. Nói tóm gọn nhất, combat trong Nantucket là sự kết hợp của 3 thứ: Tung-xúc-xắc; skill của nhân vật và hiệu ứng thời tiết. Trong những giai đoạn đầu của trò chơi này, việc chiến đấu xảy ra ngắn ngủi, dễ dàng. Nhưng càng về cuối game, chiến đấu sẽ càng được đẩy lên cao, khó khăn và nguy hiểm hơn. Thực lòng mà nói ấn tượng về cách xây dựng chiến đấu ban đầu của Nantucket trông rất thú vị. Nhưng gắn bó với trò chơi này lâu, bạn sẽ thấy một số điều rất không ổn. Đó cũng là những điểm trừ đau đớn làm trò chơi này chỉ dừng lại ở mức khá. Đầu tiên, việc lặp đi lặp lại chiến đấu mà không đầu tư sự đa dạng hay độ khó hoặc một số cơ chế độc đáo làm cho người chơi khá “ngấy” (Trừ khi ai đó thực sự là fan cứng cựa của những thể loại grind train dạng JRPG). Chiến đấu trong Nan được xây dựng khá “thô”. Lấy ví dụ: Trong một trận chiến, một turn của bạn có thể roll xúc xắc cho các nhân vật của mình, nhưng bạn chỉ có thể lựa chọn một hành động cho một chiếc thuyền mà thôi. Trong khi đó hầu hết khoảng thời gian ban đầu người chơi chỉ có một thuyền. Điều này không có gì với giai đoạn đầu game, bạn có thể làm gỏi đối thủ trong những cuộc tay bo 1v1 với vận may và sự khéo léo. Nhưng điều đó khác hoàn toàn khi trò chơi trở nên khó khăn hơn với những màn “hội đồng” threesome hay foursome ╮(╯_╰)╭. Yếu tố random trong việc reo xúc xắc combat trong giai đoạn đầu tiên của trò chơi thực sự là một canh bạc điên rồ so với một game mang cái mác “chiến thuật”. Có những trận đấu tôi may mắn đến độ chạm trán combat liên tục mà không tổn thất một xị máu nào. Nhưng những lúc thần đen đủi nhập người thì tự khắc quăng chuột đi là vừa. Tuy nhiên vào khúc giữa và cuối của game, phần nâng cấp và phân nhánh kỹ năng của các thành viên trong hải đoàn dần dần đưa chiến đấu trong trò chơi này về quỹ đạo của content “chiến thuật”. Ngoài ra Nantucket còn đưa vào cơ chế Auto combat thực sự là thừa thãi so với hiệu quả của nó (làm ơn đừng thử !!).
Ra biển trong Nan thực sự mang đến cho người chơi thấy cái vận vị đầy lênh đênh, nguy hiểm nhưng cũng thật thú vị và đáng giao phó cho những trái tim yêu tự do và khám phá.
Để phá vỡ sự nhàm chán cho việc bươn chải trên biển, Picaresque Studio đưa vào Nantucket dạng gameplay thứ hai cho người chơi thử sức trên những cảng biển. Đó sẽ là một cuộc chiến còn đáng sợ hơn nhiều so với việc đổ máu trên biển – cuộc chiến của tài nguyên. Máu và nước mắt trên biển của bạn sẽ đánh đổi lại tài nguyên và tiền tệ. Bạn muốn những thuyền viên tốt hơn, kinh nghiệm hơn ? Bạn muốn con tàu của mình to hơn, chắc chắn hơn, vươn xa hơn trên những con sóng ? Bạn muốn sự tự vệ mạnh mẽ hơn nữa đối với Mẹ Thiên Nhiên… Đó là những gánh nặng vô hình trên vai một người chơi trước khi họ lại tiếp tục ra khơi. Nantucket xây dựng sự chênh lệch nhất định giữa tài nguyên tối đa người chơi có thể kiếm được và những lựa chọn nâng cấp mà người chơi có thể làm. Một cơ chế khan hiếm đẩy tính thách thức và mức độ tính toán, phân bổ tài nguyên của người chơi lên một độ cao mới. Hệ quả của những lựa chọn luôn tiềm tàng và bộc phát trong mỗi chuyến đi. Những bài học luôn khắc sâu vào đúng thời điểm và nhấn mạnh hơn nữa về tính thách thức của trò chơi. Thêm vào đó việc xây dựng một hải đoàn phát triển theo thời gian làm gia tăng tính gắn bó, tình cảm một cách vô thức của người chơi đối với trò chơi ảo làm những mất mát thực sự có sức sát thương mạnh hơn bạn tưởng. Một cuộc chiến tồn tại về mặt tâm lý mà người chơi phải thường xuyên đối mặt.
Điểm thành công lớn nhất khiến trò chơi này được nhắc đến là việc nó đưa ra một chủ đề thú vị và khai thác, phát triển nó ở một độ hòa quyện, phù hợp rất cao trong nội dung, gameplay và mọi thứ của trò chơi.
Thứ đầu tiên phải kể đến là Nantucket dạy cho bạn trở thành một Thuyền trưởng của một hải đoàn săn bắt cá voi. Bạn phải học cách đưa ra những lựa chọn khôn ngoan. Mình phân ra làm 2 độ phê mà Nantucket gây ra cho người chơi. Cấp độ đầu tiên là khi trò chơi này làm bạn cảm thấy mình là một thiên tài chiến lược. Ở cấp độ cao hơn là khi Nantucket biến bạn trở thành một tay thuyền trưởng cự phách trên đại dương.
Nantucket vẽ lên những nét chân thực về cuộc sống bấp bênh mưu sinh trên biển. Cái cán cân mong manh giữa sống và chết, giữa nguy hiểm và những món hời luôn chờ đợi người chơi đặt sự mạo hiểm của mình vào đó hay không. Bạn có thể lựa chọn ra đại dương bao la hết lần này đến lần khác vì lý tưởng, vì cuộc sống mưu sinh, vì những tấm bản đồ kho báu chưa biết thực hư hoặc vì trả thù… Một người thuyền trưởng hợp cách phải là người kiểm soát những mạch sống thiết yếu của con tàu như lương thực, nước, nhân lực, trang thiết bị. Để xây dựng được một hải đoàn thiện chiến như ý cũng không phải là một bài toán đơn giản.
Điểm tâm đắc thứ hai của Nantucket là xây dựng nên gameplay kết hợp quá tốt giữa lịch sử, thực tế. Picaresque Studio làm người ta mê mẩn từ những đồ vật nhỏ nhặt nhất nhưng gắn bó mật thiết với cuộc sống trên biển thời đó. Các bạn có thể thấy tấm hải đồ cũ kỹ, phai màu cho đến những mẩu báo đưa tin chứa đầy những cột mốc lịch sử. Trò chơi này tái hiện xuất sắc một thời đại hoàng kim của nghề săn cá voi thế kỷ 19 ở Phương Tây. Nói về nghề săn cá voi, thực ra có nhiều thứ để kể nhưng sự tuyệt vọng và ám ảnh của nó là nổi trội hơn cả. Bạn sẽ gặp nhiều mối nguy hiểm đến từ thiên nhiên, con người, bệnh tật, …những tình huống hiểm nghèo kiểu uống nước đái và lênh đênh nhiều ngày đói khát trên biển. Bỏ ra vài chục giờ chơi trong Nantucket, bạn sẽ vẽ nên một bức tranh tranh chứa vị mặn của nước biển và mồ hôi và nước mắt, vị đắng của lòng người và vị tanh của máu thịt. Đâu đó bạn thấy ánh rạng ngời của hừng đông trên biển hay sự lấp lánh của những món hời kếch xù từ việc săn bắt những con thú của đại dương. Tiếng rít của gió chớp, tiếng hét giữa sống và chết hay những tiếng rên trong khu ổ chuột. Hãy nói Picaresque Studio đã thành công trong việc làm người chơi lạc vào cuốn tự truyện săn cá voi của họ. Những hiệu ứng âm thanh được xây dựng rất tuyệt vời. Những tiếng cót két của tàu thuyền, Những bài ca của thủy thủ biển, tiếng chuông ngân vang nơi những cảng biển…Thật tuyệt vời
Nói thêm về nghề săn cá voi, nó thực sự là một nghề đánh đổi mạng sống nổi tiếng trong những nghề đi biển vào đầu thế kỷ 19 tại những nước phương tây. Nghề đánh cá voi cũng rất phức tạp. Từ việc tìm hiểu các bãi cá voi hay việc di cư theo mùa để săn bắt. Hay cho đến việc thể hiện độ mạnh yếu của từng cá thể (ví dụ: con mẹ mới đẻ con non hay khu vực giao phối thường sở hữu những cá thể khỏe mạnh, hung dữ hơn). Hay như bài toán logistic để kiếm lợi nhuận từ trò chơi đã phản ánh hiện thực của nghề này. Bạn sẽ phải làm quen với cảnh con thuyền của mình giống một cái nhà trọ hơn. Mọi người cứ đến rồi đi. Và khách hàng ruột thịt thường là thần chết.
Tạm kết
Những cơ chế chơi trong Nantucket không còn mới lạ gì đối với một gamer ngày nay. Nhưng chủ đề thể hiện và cách đưa chủ đề thú vị như nghề bắt cá voi của Nantucket thực sự rất hấp dẫn và thú vị. Đó là thứ đáng để ta bỏ qua những khuyết điểm trong trò chơi này và ủng hộ một những nhà làm game indie có triển vọng như thế này. Xin chào và hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết sắp tới