Parkour là một chủ đề rất thú vị trong thế giới ảo nhưng vẫn chưa xuất hiện nhiều vì nó đòi hỏi sự chuyên tâm và khả năng đầu tư của nhà phát triển. Khi nhắc đến chủ đề parkour bạn sẽ nghĩ ngay đến tựa game nào? Assassin’s Creed? Dying Light? Hay Sleeping Dogs? Tuy nhiên vào năm 2009 đã có một tựa game mở đường cho chủ đề thuần parkour có tên là Mirror’s Edge – một tựa game tên tuổi ít tiếng tăm nhưng lại lột tả chân thực chất Parkour.
Thời gian vừa qua mình đã có thời gian trải nghiệm tựa game cũ kĩ này, tuy nhiên sau 3 tiếng đồng hồ để hoàn tất game thì những gì nó mang lại cho mình là rất nhiều, và hôm nay nhân một ngày rảnh rỗi mình lại lên đây ngồi chia sẻ từng cảm nhận và cảm xúc của mình khi trải nghiệm Mirror’s Edge, giờ thì vào việc thôi!
Đầu tiên phải nói qua một chút về hoàn cảnh ra đời của tựa game, Mirror’s Edge là một game hành động lấy chủ đề parkour góc nhìn thứ nhất được phát triển bởi DICE, phát hành bởi EA. Game được ra mắt vào năm 2008 trên hệ máy PlayStation 3 và Xbox 360, lên PC vào năm 2009. Trò chơi lấy bối cảnh một thành phố tương lai với nhân vật chính là Faith Connor, một người truyền tin mật đồng thời tránh khỏi sự giám sát của chính phủ đương nhiệm. Các hoạt động trong game chủ yếu mô phỏng các động tác của parkour và free-running để hoàn thành nhiệm vụ.
Sơ lược về nội dung: Sau cuộc bạo loạn November Riots, một số thành phần bạo động ngày trước nay đã trở thành những người truyền tin mật được gọi với cái tên là Runner. Faith Connor, một trong những Runner đang nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ đương nhiệm của The City, bị vướng vào vụ ám sát Robert Pope – người đã hỗ trợ cho chị em nhà Connor sau cuộc bạo loạn, khiến người chị của mình là Kate Connor, một cảnh sát, bị kết tội do khẩu súng giết Pope là của chị. Người chơi sẽ điều khiển Faith trên hành trình giải oan cho người chị của mình và tìm hiểu một dự án bí mật mang tên “Icarus” khiến Pope phải mất mạng.
Tuy rằng cốt truyện không phải là điểm mạnh của game vì vốn dĩ cá nhân mình cũng không thấy ấn tượng gì mấy về cốt truyện, bởi vì cốt truyện về lối kể chuyện của game không thực sự khiến mình hứng thú và nhân vật Faith cũng chưa thực sự có chiều sâu. Tuy nhiên điều làm game trở nên đặc biệt không phải là yếu tố cốt truyện mà chính là đồ họa và gameplay, thứ mình chuẩn bị khen hết lời đây!
Đầu tiên là về đồ họa, từ lúc chơi đến giờ mình vẫn thực sự còn ấn tượng với đồ họa của game vì vốn dĩ là một tựa game có tuổi đời 12 năm rồi nhưng đồ họa của game thực sự nhìn rất hiện đại và không lỗi thời. Nếu so sánh với những tựa game hiện nay thì chắc chắn Mirror’s Edge sẽ không thể nào bằng nhưng với một tựa game ra mắt năm 2009 thì như vậy đã quá ấn tượng rồi. Từ những tòa nhà, đến hiệu ứng đổ bóng, đến những cảnh vật xung quanh, tất cả đều rất chân thực và chi tiết, đến cả các mô hình người chơi và hoạt ảnh cảm xúc vẫn thực sự rất tốt bất chấp thời điểm ra mắt là 2009.
Chưa hết, yếu tố nghệ thuật cũng được nhà làm game lồng ghép vào khi đã chia môi trường trong game thành các mảng màu tone/tone. Những bức tường trắng, ống dẫn đỏ và bầu trời xanh chính là những thứ mang tính biểu tượng của trò chơi này mà khi được nhắc đến, người chơi sẽ biết đó là tựa game nào. Mirror’s Edge cho tới nay vẫn trông rất hiện đại bởi những đường kẻ rõ ràng và màu sắc táo bạo. Đôi khi bạn dừng lại, screen-shot một khung cảnh bất kì trong Mirror’s Edge và dù cho ở môi trường nào trong game, nó cũng sẽ trở thành một tấm ảnh đầy nghệ thuật, đây cũng là yếu tố chủ chốt khiến cho game ngoài yếu tố hành động ra còn có thêm yếu tố nghệ thuật nữa.
Về mặt gameplay cũng bánh cuốn không kém, game chọn góc nhìn thứ nhất có lẽ là chủ ý của nhà làm game muốn người được hòa mình vào nhân vật để khiến cho trải nghiệm parkour được chân thực hơn. Thường thì những tựa game có yếu tố parkour được làm ở góc nhìn thứ ba, bởi nó giúp người chơi quan sát dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thời gian và căn vị trí để nhảy. Thế nhưng Mirror’s Edge lại chọn góc nhìn thứ nhất cho trải nghiệm độc đáo này. Tất nhiên các hiệu ứng và động lực đi kèm có không được đẹp và sắc sảo, tuy nhiên, bất kể một cú nhảy nào dù là ngắn cũng sẽ mang đến cho bạn một cảm giác rất ly kỳ.
Điều mà người chơi cần phải thuần thục đó chính là kĩ năng chạy, nhảy, trượt dài và quan sát, vì chỉ cần sơ hở một chút là màn hình load game lại hiện lên. Có rất nhiều yếu tố sẽ khiến bạn mất mạng trong game nhưng chắc chắn thường là do bị rơi từ trên cao xuống hoặc bị kẻ địch úp sọt, găm vài lỗ đạn trên người. Có một số màn chơi mình phải chết tầm chục mạng mới thấm nổi, khổ thế cơ /_\ Nhưng điều đó không làm gì đi sự quyết tâm mà thậm chí còn thôi thúc bạn chơi lại đấy, vì sao ư? Vì hấp dẫn quá chứ sao, được leo lên những tầng cao của tòa nhà, nhảy qua các chướng ngại vật, trượt qua những song sắt, bám vào ống nước, đu dây,… hay đơn giản chỉ dừng lại và ngắm cảnh đẹp trong game thôi, nhiêu đó cũng đủ thấy sướng tê người rồi 😀
Âm nhạc cũng là thứ góp phần làm nên sự trọn vẹn của tựa game. Được sáng tác bởi nhạc sĩ người Thụy Điển là Magnus Birgersson, hay còn gọi là Solar Field, game sử dụng phối hợp các bản nhạc điện tử lúc chậm rãi sâu lắng, lúc mạnh mẽ dồn nhập với từng cú nhảy khiến cho adrenaline của bạn tăng vọt hẳn, đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời!
Sau khi trải nghiệm hết game, mình có lướt Google để tìm hiểu xem người ta nói gì về game này, và thật ngạc nhiên rằng khen có mà chê cũng có, theo đó nó vẫn nhận được rất nhiều những đánh giá khá tiêu cực mà trong số đó tiêu biểu như thời lượng chơi khá ngắn, quá nhiều khoảnh khắc khi cứ phải lặp đi lặp lại những cái chết gây bực bội làm giảm nhịp độ của game và cả những trận combat cũng thực sự chẳng mấy ai hài lòng.
Điều mà mình cảm thấy nhất trí đó chính là yếu tố combat của game, game không cung cấp cho người chơi súng đạn mà thay vào đó phải giật lấy từ kẻ thù, để làm điều đó thì người chơi phải đợi khi nào cây súng của kẻ địch hiện màu đỏ thì bấm chuột phải để giật lấy, nếu không bấm trúng thời điểm thì kẻ địch sẽ kết liễu mình ngay trong một nốt nhạc và khả năng bấm trúng là rất thấp, chính vì vậy game có thêm một cơ chế để trợ giúp người chơi đó là khả năng làm chậm thời gian khi bấm nút R khiến cho dễ canh trúng thời điểm hơn tuy nhiên điều này cũng không khá khẩm hơn vì đôi lúc vẫn bấm hụt như thường, và điều này làm ảnh hưởng đến mạch game, thử tưởng tượng đang chạy nhảy tung tăng tự nhiên gặp vài thằng ất ơ và buộc mình phải lấy súng nó, thế nhưng lại bấm hụt thế là load game, khá là tụt hứng. Đây là điều mà mình không hài lòng cho lắm vì nó khá là khó khăn cho người chơi.
Tuy nhiên thì có lẽ mình là một trong số ít người thấy những yếu tố đó chẳng mấy đáng kể, vì vốn dĩ game đã làm tròn được vai trò của mình là cho người chơi trải nghiệm cảm giác parkour thuần túy rồi, tuy rằng game có vài trường đoạn bắn súng nhưng đó chỉ là yếu tố phụ của game, bởi vì Mirror’s Edge là một game parkour và nó đã làm tốt vai trò của nó rồi. Nó có thể không làm hài lòng một số người nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một tựa game chất lượng trường tồn theo thời gian.
Lời kết: Trong mùa covid đang hoành hành thế này việc chạy nhảy ngoài đường là điều bất khả thi rồi, nên nếu anh em có muốn chạy nhảy trong thế giới ảo và đắm chìm trong những khung cảnh tuyệt đẹp với các gam màu nghệ thuật cho thỏa mãn cái con mắt và đã cái tay thì ngại gì mà không đến Mirror’s Edge. Khuyên thật, chơi đi! 😀