eFootball/PES 2022: Nhà vua băng hà

Khách mới

  

eFootball 2022 (thường được biết đến với cái tên PES) đã được phát hành chính thức miễn phí trên Steam vào ngày 30/9. Vâng, ‘phát hành chính thức’ chứ không phải beta hay early access. Cho đến thời điểm bắt đầu bài viết này, eFootball 2022 đã nhận được gần 14000 lượt review, trong đó có khoảng 11500 review tiêu cực (Not Recommend) và 1200 review tích cực (Recommend), đạt tỉ lệ review tích cực 11,69% và phá kỉ lục về tỉ lệ review tích cực thấp nhất trước đó của Flatout 2.

Game cũng bị ‘tế’ ở mọi mặt trận, từ trong nước đến quốc tế, từ Steam đến web game, từ hội FIFA sang PES, đến cả những fanpage bóng đá. Tất cả đều xem game như trò hề, lấy ảnh từ game đi giễu cợt khắp nơi.

 

Vậy tại sao eFootball 2022 lại ra nông nỗi này? Bài viết này sẽ phản ánh một phần nguyên nhân khiến game bị ‘tế’ khắp nơi thế này.

Trước hết…

eFootball 2022 mới chỉ ra mắt được 2 ngày và chính KONAMI cũng thừa nhận đây cũng chỉ như bản Early access và sẽ còn khắc phục các vấn đề về sau (thực ra giống bào chữa hơn). NHƯNG việc cải thiện sự ‘lỗi’ về gameplay trong bản này gần như là không thể khi game đã thiết lập một hệ thống chặt chẽ. Việc khắc phục toàn diện sẽ phải mất ít nhất là 1 năm nữa.

Bài viết cũng chỉ xoáy sâu vào gameplay và sơ lược qua đồ họa. Chơi game bóng đá thì cái quan trọng nhất là gameplay, đồ họa đẹp mà gameplay tệ cũng vứt nhưng đồ họa lỗi thời mà gameplay tốt (như PES 6, 13) thì đến bây giờ vẫn sẽ có người chơi.

Mấy thứ phông bạt

Những yếu tố ‘phông bạt’ được thể hiện khá rõ trong tựa game này. Cắt cảnh tưới nước đầu trận, cảnh cầu thủ vào đường hầm, trong phòng thay đồ, v.v. Những cắt cảnh này ban đầu thì thú vị nhưng về sau chúng ta đa phần sẽ lờ đi, vì vậy mình chỉ up vài ảnh ‘cho có’.

Đồ họa

eFootball 2022 tối ưu rất tệ dẫn đến việc tuy đồ họa nhìn như bản mobile nhưng mình chỉ đá được ở mức medium, trong khi bản 21 nặng hơn nhiều mình có thể đặt mức high. FPS cũng thường xuyên bị tụt, chưa kể các lỗi chớp sáng, nháy cũng gặp phải thường xuyên. Lỗi cũng xuất hiện khá nhiều về mặt cầu thủ. Tay, chân và người đã thành một khối tuy nhiên vẫn chưa thực sự hoàn thiện, như ở ảnh dưới tay của cầu thủ bị lỗi cùng với việc phần đáy màn bị blur hết. Qua ảnh trên cũng có thể thấy ngoài phần blur rất tệ ra thì phần cỏ cũng không thật sự tốt. KONAMI cố làm cho thực tế, nhưng lại nhìn không thể ‘giả’ hơn.

Phần UI năm nay cũng làm rất tệ. Phối màu rất chói mắt và không ăn nhập, phông chữ ‘cách điệu’ trong tên đội ở ảnh dưới cũng ‘dị’ hơn là ‘đẹp’. Logo CLB cũng đặt nền hồng nên một số logo nhìn rất mờ.

Còn đây là ảnh bug trong game:


Giờ thì hiểu tại sao game ăn gạch rồi đúng không nào?

Gameplay

Bây giờ là phần quan trọng nhất và cũng là dài nhất, là phần cốt lõi của một game bóng đá. Nếu bạn có đá bóng trên sân 5 nhân tạo hay sân futsal thì ắt hẳn đã nghe đến bóng đúc/bóng chì. Chính xác thì bóng trong eFootball 2022 nó y chang như vậy. Cảm giác bóng bị ‘nặng’, thiếu độ nảy và đường lăn bị ngắn. Chuyền và sút với quả bóng này cực kì khó vì đa phần cần giữ lực mạnh không thì mất bóng. Đặc biệt là với những người chơi bằng bàn phím, bản năm nay như dấu chấm hết vậy. Nếu đặt mức trợ chuyền ở level >2 thì không thể đưa bóng theo ý được, còn ở level 1 thì sẽ thiếu tự do để triển khai bóng.

Trong bóng đá có 3 trạng thái chính là tấn công, phòng thủ và chuyển đổi trạng thái (từ tấn công sang phòng thủ và từ phòng thủ sang tấn công). Bản này làm tạm phần phòng thủ nhưng rất tệ ở 2 phần tấn công và chuyển đổi trạng thái. Vậy nên ở dưới mình xem chia làm 3 phần theo 3 trạng thái để anh em thấy rõ được vấn đề về gameplay. Phần này sẽ có nhiều hình vì phải có hình mới hình dung được vấn đề. Mức trợ chuyền được sử dụng là level 2. Sẽ có đánh số để dễ phân biệt.

Hình ảnh là do mình tự chụp trong 2 trận Viettel vs Pathum và Zenit vs MU. Lý do mình chọn 2 cặp trên là do ở cặp thứ nhất, cả 2 đội đều có chỉ số thấp ở tầm 6x và được soạn ẩu nên dễ bộc lộ gameplay. Còn ở cặp thứ 2 là do khoảng cách về chỉ số cầu thủ 2 bên khá lớn (~85 so với 7x) nên sẽ dễ bộc lộ khoảng cách chỉ số.Mình cầm Viettel và Zenit nên ‘đội bạn’ ở đây sẽ là Pathum và MU. Các phím bấm sẽ kí hiệu theo thứ tự phím tay PS/phím tay Xbox (ví dụ tam giác/Y).

Tấn công

1. Dưới đây là một pha giữ bóng trong vòng cấm. Cầu thủ giữ bóng có 2 phương án: nhả ngược về trung tuyến (mũi tên phải) và chọc bổng vào trước vòng 5m50 (mũi tên trái).

Mình chọn phương án 1 nên bấm tam giác/Y để nhả ngược về, kết quả là bóng bị nhả quá xa (theo đường mũi tên chéo) nên sửa lưng cầu thủ băng vào (theo đường mũi tên ngang). Một pha nhả căn bản như thế nhưng vẫn rất khó thực hiện (nếu bấm X/A để chuyền thay vì chọc thì bóng sẽ bị dính nên không thể dứt điểm).


2. Bây giờ hãy đến với một pha triển khai bóng ở từ phần giữa sân. Cầu thủ có 2 phương án để chọc khe (bóng sẽ đi đến 1 trong 2 vòng tròn tùy lực). Mình lại bấm tam giác/Y để chọc (tất nhiên là chỉnh hướng) nhưng bóng lại lăn thẳng đến vị trí đội bạn theo đường mũi tên (mức trợ chuyền là level 2 nhé):

3. Tình huống này là tình huống có khả năng dứt điểm. Hậu vệ đội bạn đã bị chôn chân do mải nhìn bóng (mũi tên xuống), thủ môn đội bạn cũng mải canh cầu thủ băng vào (2 mũi tên ngang) nên có cơ hội dứt điểm với góc rất rộng (mũi tên chéo lên).

Nhưng không hiểu bị ‘nặng chân’ thế nào mà dù góc rất rộng và đã chỉnh hướng (không cần phải sút quá sát cột) nhưng vẫn bị sút ra mép lưới.

4. Ở tình huống này khi chọc khe lên bình thường sẽ có 2 điểm đến của bóng (2 khoanh tròn). Mình gạt LS ngang sang trái kèm tam giác/Y để chọc lên với lực nửa thanh. Nhưng máy lại ‘tưởng’ mình chọc khe xuống bên trái (cho cầu thủ đang giơ tay dưới hình) nên lại chọc sáng trái, kết quả là vào vùng câu thủ đội bạn che được và mất bóng (hình dưới).

Nếu để ý kỹ anh em cũng có thể thấy phần chọn vị trí và chạy chỗ của các cầu thủ bên trên cũng không được tốt (hay không đủ tốt dẫn đến máy hiểu lầm nên đưa bóng sai chỗ?) nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề trong việc chuyền, bóng quá nặng cũng như chân thiếu độ nhạy. Gần như không có cách tấn công nào ngoài spam chọc khe bổng hoặc tạt cánh đánh đầu.

Phòng thủ

1. Đây là tình huống tấn công của đội bạn. Phần cài đặt nút phòng thủ không có nút gọi đồng đội (tam giác xám trên đầu) áp sát như bản cũ (nhưng lại có một mục ‘none’???) nên cầu thủ trong khoanh tròn nhấn L1/LB để chuyển sang mới dùng được. Trong khi đó cầu thủ đứng sau dù đã đứng dưới (không bẫy việt vị) nhưng lại chôn chân khá xa ở sau lưng cầu thủ đội bạn (thoải mái băng vào theo mũi tên). Một pha chọc khe bổng sẽ ‘đóng hòm’ được tình huống này.

2. Tình huống này phù hợp với phần ‘chuyển đổi trạng thái’ hơn nhưng cũng cho thấy cơ chế di chuyển khi phòng thủ của AI nên mình đưa vào đây luôn. Hình này chụp sau khi bóng rời chân cầu thủ áo xanh, tức là đã có 3-4 nhịp để 3 cầu thủ áo đỏ di chuyển tuy nhiên cả 2 cầu thủ trên đều lững thững đi bộ về, chỉ có cầu thủ thứ 3 (trên cùng) do mình điều khiển trực tiếp là kéo về (nếu không chắc cũng đi bộ về). Nếu di chuyển theo mũi tên thì 2 cầu thủ áo đỏ dưới có thế chặn ít nhất là một điểm chuyền, máy đội bạn sẽ mất thêm 1 nhịp xử lý bóng nên hàng thủ sẽ kịp dàn hàng để chống phản công. Lý do mình không chuyển điều khiển sang 2 cầu thủ trên vì có chuyển cũng mất thêm 1 nhịp cầu thủ mới theo lệnh và không kịp chặn.

3. Tuy đây là tình huống phòng thủ của đội bạn nhưng AI bên mình cũng di chuyển kiểu này (nếu giữ X/A kèm di chuyển) nên đưa vào luôn. Ở tình huống này, di chuyển theo 1 trong 2 mũi tên đỏ sẽ tối ưu hơn (hoặc là ngăn thọc vào trung lộ hoặc là lấp khoảng trống bên cánh) nhưng thay vào đó cầu thủ áo đỏ lại dừng lại và chạy lên kèm cầu thủ áo xanh chạy lên vốn chỉ cần bên cánh chọc khe là qua người áo đỏ được.

4. Đây là tình huống tiếp sau tình huống thứ 3. Cái này gồm cả tấn công và phòng thủ. Mình định xộc bóng xuống biên nhưng di chuyển bị lỗi nên tình huống chuyển thành như dưới hình. Có quá nhiều vấn đề trong hình này của cả đội mình và đội bạn. Cầu thủ áo đỏ dưới cùng đã chạy cắt qua áo xanh và không thèm lấy bóng (đã có đà chạy nên không lùi được). Cầu thủ áo đỏ thứ 2 ở rìa vòng cấm cũng di chuyển rất khó hiểu khi chỉ đi bộ thay vì trám chỗ theo hình mũi tên. Cầu thủ áo xanh (mũi tên ngang giữa hình) cũng di chuyển rất khó hiểu, thay vì chạy thẳng xuống theo mũi tên để đẩy bóng sát đáy sân thì lại chạy vào trong nơi mà khoảng trống (khoanh tròn) vốn đã có 2 cầu thủ áo xanh trực chờ băng vào.

5. Cái này đơn thuần là đấu vật, không còn gì để nói.

Cơ chế phòng thủ này một lần nữa khẳng định sự hiệu quả của chiến thuật tacadada. Bên trên không có tình huống nào là tạt cánh đánh đầu vì nó quá hiệu quả, bên tấn công không lỗi lầm và bên phòng thủ cũng chỉ dùng chỉ số mà chống đỡ.

Chuyển đổi trạng thái

1. Đây là tình huống bên mình cướp được bóng. Bóng được chuyền bằng cách đánh đầu chìm từ chỗ vòng tròn theo đường mũi tên số 1. Cầu thủ nhận bóng (gạch ngang nhỏ) có thể đỡ bóng hoặc nhả ngay về theo mũi tên số 2.

Nhưng lại đưa đầu ra đỡ bóng chìm???

2. Đây là tình huống đội bạn đỡ chuyền bật ra.

Ba cầu thủ phía trên nên chạy theo đường mũi tên. Hai cầu thủ mũi tên chéo lên nên chạy theo mũi tên để chặn pha chuyền với (nhoài người) đến được với 2 cầu thủ áo xanh phía sau. Cầu thủ mũi tên hướng xuống phải ập vào cướp bóng. Tiền đạo cắm cũng có thể chạy về để nhận bóng chuyền sang.

Nhưng tất cả lại chôn chân, cầu thủ gần nhất lại áp sát phía sau lưng thay vì chuyền, để lộ khoảng trống lớn bên cánh (khoanh tròn).

3. Tình huống này khá buồn cười:). Cầu thủ áo xanh có điều kiện đưa chân ra chặn đường chuyền thì lại ‘tự giác’ quay lưng để nhường đội bạn.

4. Cái này không rõ là lỗi hay là tính năng. Cầu thủ áo xanh băng lên đỡ đường chuyền bằng ngực. Theo vật lí thông thường bóng sẽ nảy theo 2 mũi tên (dù không xa như mũi tên).

Nhưng bóng lại rơi thẳng xuống đất và bị cướp???

5. Tình huống rất thông thoáng, cầu thủ bên trái dâng lên để chuẩn bị nhận bóng, cầu thủ bên phải chạy xuống lấy bóng. Mình điều khiển cầu thủ bên phải.

Nhưng cả cầu thủ bên trái (AI điều khiển) lại cũng chạy thẳng xuống lấy bóng. Hơn nữa lại chạy 2 bên thay vì vào thẳng quả bóng???

eFootball 2022 gặp vấn đề lớn trong việc chuyển đổi trạng thái, đặc biệt là các cầu thủ đồng đội do AI điều khiển. Tấn công thì thường có xu hướng cắm hết và trung lộ chờ tạt thay vì lùi về hỗ trợ triển khai. Mất bóng thì cầu thủ tuyến trến thường rất hờ hững, không áp sát cũng không chạy về trám chỗ.

Kết luận

Mình nghĩ như trên đã là quá đủ để lột tả lý do eFootball 2022 lại bị ‘tế’ mọi nơi. Đồ họa mobile nhưng đòi cấu hình khủng, giao diện lòe loẹt đau mắt, gameplay quá nhiều lỗi. Một hệ thống chiến thuật đầy tiềm năng trong PES 2020 và 2021 lại bị đưa về lối chơi kick & rush và tacadada đến chết cũng như các màn đấu vật cuối sân. Hệ thống kĩ thuật bằng 2 núm LS và RS rất sáng tạo ở bản 20, 21 lại bị loại bỏ. Trong phần cài đặt phím tấn công và phòng thủ ‘đồng bộ’ với nhau, tức là bạn chuyển chức năng tấn công thì không thể giữ chức năng phòng thủ cũ. Không tự do chuyền, không tự do chỉnh phím nhưng lại là được rêu rao là thứ bóng đá sáng tạo?

KONAMI đã lừa mọi người một cú quá đau, mong ngóng chờ đợi suốt 2 năm cho một cuộc cách mạng đi thẳng vào lòng đất. Quả không hổ danh là công ty cờ bạc đội lốt game.

Văn tế KONAMI tới đây là hết, không mong chờ gì ở công ty cờ bạc này được đâu. Có lẽ chúng ta nên mắc kẹt mãi ở PES 2021 vậy (hay 6, 13, 17 nếu anh em thích những thứ xưa cũ).

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện