Gris là thể loại game cảnh phiêu lưu được phát triển bởi một hãng game indie đến từ Tây Ban Nha, Momada Studio và được phát hành bởi Devolver Digital. Được phát hành lần đầu vào tháng 12 năm 2018, Gris được nhiều người đánh giá là có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Đây là một tựa game nổi tiếng với nền màu nước nghệ thuật, được tạo nên bởi nghệ sĩ người Catalan – Conrad Roset. Hiện tại, Gris đã có mặt trên Steam và nhận được vô số lời đánh giá tích cực lên đến 97%, The Verge – một phương tiện truyền thông nước ngoài còn nhận định đây xứng đáng là tựa game đẹp đến xao xuyến của năm 2018.
Tên của game là Gris, nghĩa là màu xám trong tiếng Tây Ban Nha, nơi bắt đầu của game studio Nomada, cũng là thứ đã định hướng được đề tài của trò chơi này rồi. Ban đầu, khi tôi xem trailer của GRIS được đăng tải bởi Devolver Digital, tôi đã bị hớp hồn ngay bởi những cái nhìn đầu tiên, một bức tranh đầy màu sắc tuyệt đẹp kèm với quả nhạc du dương làm xuyến xao con tim, thế là không nghi ngờ gì nữa, đây đích thị sẽ là một game cực kì đầy hứa hẹn và ngay khi game ra mắt, tôi đã không chần chừ và mua ngay chơi cho nóng. Và game đã đáp lại đúng như kì vọng của tôi, sau 4-5 tiếng trải nghiệm, những gì đọng lại trong tôi vẫn còn cái tiếng nhạc du dương vang vảng trong đầu, những khung cảnh màu sắc tuyệt đẹp và kèm theo trong đó là một sự tiếc nuối và cảm giác man mác buồn.
Trong game người chơi sẽ vào vai Gris, game mở đầu khá khó hiểu với cảnh Gris thức giấc trên một bàn tay của một bức tượng người phụ nữ đang vỡ vụn. Cô cố gắng hét to nhưng bàn tay của pho tượng lại vỡ vụn và cô rơi xuống vực sâu. Để thoát khỏi ngục tối, cô phải cố gắng đi về phía ánh sáng và mở ra những hướng đi mới. Cốt truyện của Gris mang ngụ ý rằng những ai đang mắc phải căn bệnh trầm cảm, tuyệt vọng, hãy đi theo ánh sáng trong tâm trí của họ để thoát khỏi những suy nghĩ đen tối.
Kỳ thực, với yếu tố đi cảnh và giải đố chỉ ở mức cơ bản, Gris là một tựa game rất dễ chơi và tiếp cận. Trò chơi gây cho tôi ấn tượng mạnh với phong cách mỹ thuật độc đáo, sử dụng những gam màu tương phản nhau hết sức ấn tượng như trắng đi với xám hay xanh đi với đỏ v.v… Đáng nói là đồ họa của trò chơi nhìn khá đơn giản với những thiết kế trông rất đối xứng và tinh tế, mang đậm tính hình học, cho thấy người họa sĩ đã bỏ khá nhiều công sức để tạo nên những bức tranh hoàn mỹ như thế. Một trong những khoảnh khắc khiến tôi cảm thấy choáng ngợp là khi nhân vật rơi từ trên không xuống với ánh mặt trời rọi sáng cả một khoảng trời giữa một số đường kẻ dọc tương phản màu sắc khác nhau.
Nhịp độ của GRIS rất nhẹ nhàng, không có một sự thôi thúc nào mà hầu như tự người chơi đã tự ý thức được điều đó. GRIS chỉ cho người chơi một sự lựa chọn duy nhất để tiến lên, không quay đầu. Từng chút, từng chút một GRIS khai phá những chân trời mới, những trải nghiệm mới có thể đóng góp xây dựng cho một cái gì đó phức tạp dần về sau trong một hình hài đơn giản chỉ là thu thập những ngôi sao bé nhỏ để tạo nên những cây cầu để có thể đi tiếp.
Animation trong game cũng được làm rất tỉ mỉ. Chẳng hạn, bạn có thể nhìn chiếc váy của cô gái bay lất phất mỗi khi nhân vật di chuyển hay những lúc thực hiện một kỹ năng đặc biệt nào đó, như lặn dưới nước hay biến nó thành một “quả tạ ngàn cân”, một kỹ năng chỉ được mở khóa về sau trong trải nghiệm. Không chỉ thể hiện đồ họa ấn tượng trong không gian màn chơi, Gris còn gây ấn tượng cho tôi với hệ thống menu đơn giản nhưng đẹp tuyệt, được thiết kế gợi nhiều cảm giác như lấy cảm hứng từ những vật phẩm mà người chơi phải thu thập trong trải nghiệm game để mở khóa màn chơi và kỹ năng mới cho nhân vật chính.
Có những trường đoạn được nhà phát triển thể hiện vô cùng tuyệt vời trong từng khoảnh khắc. Không có một lúc nào mà tôi không muốn dừng lại, trố mắt, há hốc mồm và xuýt xoa trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của GRIS. Tiêu biểu là đoạn rượt đuổi của con cá chình đen đang há cái mồm to sắp nuốt lấy bạn và ngay khi đó chú rùa màu hồng mà bạn đã giúp đỡ lần trước đã bơi xuyên qua con cá cứu lấy bạn, phân đoạn này kết hợp với quả nhạc nhưng một trái bom bùng nổ ngay trong đầu tôi khiến tôi suýt phải rơi nước mắt vì nó quá đẹp, quá hoành tráng! Đó chỉ mới là một phần nhỏ của game, sẽ còn nhiều phân cảnh sẽ khiến bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tin tôi đi!
Nhắc tới game GRIS, thì chắc chắn điều đầu tiên hiện lên trong đầu của những người chơi đó là là những khung hình được dựng tuyệt đẹp, một sản phẩm đầy tính nghệ thuật. Nhưng đối với bản thân tôi, nó là một trải nghiệm về sự đồng cảm trong vô thức. Nhưng tại sao lại là đồng cảm? Thì tôi tin chắc đó là qua câu chuyện mà tựa game đã gửi gắm cho chúng ta. Game không có một câu thoại nào cả mà nhẹ nhàng lồng ghép trong đó một câu chuyện về những cung bậc cảm xúc khi con người đang mắc kẹt trong mớ hỗn độn đau buồn. Và theo đó thì có 5 giai đoạn cảm xúc mà con người sẽ trải qua, trong game được nhà phát triển thể hiện thông qua 5 map với 5 gam màu sắc khác nhau.
5 giai đoạn mà con người phải trải qua khi ta đón nhận một sự đau buồn nào đó. Và hơn thế nữa, nhà phát triển không chỉ lồng ghép những giai đoạn này vào mà còn cho chúng mỗi giai đoạn là một màu sắc riêng biệt
Đầu tiên là Denial – Sự chối bỏ. Khi biết tin buồn, thì phản ứng trước tiên của chúng ta đó là từ chối sự thật. Ta không hề muốn tin điều ta mới biết đó đã xảy ra hay thậm chí là ta tự lừa dối bản thân rằng sự thật không phải như vậy đâu. Và khi nỗi đau đó càng lớn thì ta càng không mong muốn chấp nhận.
Tiếp theo là Anger – Sự giận dữ. Giận dữ là giai đoạn thứ hai khi ta không thể làm chủ được cảm xúc và hành động, sẵn sàng sử dụng những biện pháp tiêu cực nhất như đập phá hay tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc. Đây có thể nói là giai đoạn bốc đồng của con người.
Giai đoạn thứ ba là Bargaining – Sự mặc cả. Tất nhiên đây không phải là sự mặc cả trong vấn đề tiền bạc mà là sự mặc cả trong suy nghĩ, lời nói, cảm xúc. Và để dễ dàng tưởng tượng hơn về giai đoạn này, ta có thể lấy ví dụ điển hình nhất của sự mặc cả đó chính là câu nói “giá như…”. “Giá như mình nên làm điều đó sớm hơn” “Giá như tôi có thể biết được sự thật sớm hơn”. Có thể hiểu rằng sau khi thực hiện chuỗi các hành động ở giai đoạn hai để giải tỏa cảm xúc, thì giờ đây ta sẽ tới với chuỗi suy nghĩ.
Thứ tư là Depression – Sự suy sụp. Đây có thể nói là giai đoạn nguy hiểm nhất của sự đau buồn. Sau khi nghĩ quá nhiều, ta sẽ tự tạo cho bản thân rất nhiều áp lực. Bộ não cũng sẽ bị vận hành quá mức. Lúc này khi tinh thần suy sụp ta dễ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, làm những điều nguy hiểm hay tệ nhất là có thể tự tử. Khi ở giai đoạn này chúng ta thường cảm thấy cô đơn cho dù vẫn có người thân hay bạn bè bên cạnh. Cảm giác chỉ muốn chạy trốn khỏi cuộc sống. Tuy nguy hiểm nhưng nếu ta vượt qua được giai đoạn thứ tư này, thì ta có thể sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều và trưởng thành hơn. Đặc biệt là khi tiến vào giai đoạn năm.
Và cuối cùng là Acceptance – Sự chấp nhận. Sự chấp nhận thực tại là một bước cần thiết để ta có thể quay trở lại với cuộc sống. Có thể đó là một thực tại khó khăn, mất mát nhưng khi ta đã bắt đầu chấp nhận thì ta sẽ bắt đầu di chuyển, bắt đầu thay đổi để ta trưởng thành và phát triển.
Game có hai Achivements tên là mementos và childhood để các bạn có thể hiểu rõ cốt truyện game hơn tuy nhiên tôi sẽ không đi sâu phân tích nó để tránh spoil mà những achievements này các bạn tự trải nghiệm sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn!
Nói về GRIS mà không nhắc về mảng âm nhạc trong game sẽ là một thiếu sót lớn, đây chính là một mảnh ghép quan trọng tạo nên sự thành công của game. Game có nhạc nền thực sự quá xuất sắc, cứ mỗi stage khác nhau thì nó lại có một âm cụ đặc trưng riêng, khi thì những bài hát du dương trên những đoạn đi cảnh, khi thì dồn dập trong những phân đoạn rượt đuổi, khi thì nổi lên sôi động trong những phân cảnh đầy tính cảm xúc. Hoặc những đoạn rơi chuyển màn thì có phần nhạc cực cao trào từ pipe organ. Hoặc là sự tối giản nhạc cụ trong phần sáng tạo âm thanh làm người chơi tập trung cảm thấu một âm thanh hơn, và cùng lúc đó nó đặc tả sự cô độc của nhân vật hơn. Tất cả đã hòa quyện lại với nhau tạo nên một bức tranh GRIS tuyệt đẹp cả về thị giác lẫn thính giác.
Tổng kết: Không khoác lác nếu chấm điểm game này trên thang điểm 10, tôi chấm điểm 11. Đây không còn đơn thuần là một game nữa mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật đương đại mà ai cũng nên trải nghiệm. Không phải tự nhiên mà GRIS mang về cả hai giải thưởng Best Game và Best Art tại sự kiện BIG Festival năm nay, cũng như các giải thưởng tương tự từ những sự kiện khác như Game Developers Choice, Webby, SXSW Gaming, National Academy of Video Game Trade Reviewers…