Mỗi một dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những huyền thoại thuộc về mình. Ngay trong hiện tại, trên mỗi tấc đất mà tôi cũng như các bạn đang đứng đều lưu giữ những cái tên, những câu chuyện, những bóng dáng….cổ xưa mà ta hay gọi là “huyền thoại”. Một số trong đó được ghi chép lại. Một số khác được lưu giữ theo một cách dân dã hơn là truyền miệng. Nhớ lại thời xưa, cái lúc bọn trẻ con “mặc quần thủng đít” như tôi rất thích được quây quần bên người lớn tuổi để nghe về những tích nọ, chuyện kia, những huyền thoại dưới hiên nhà hay một bóng mát của một cây đại thụ nào đó. Có khi nghe say sưa đến mức quên cả ăn cơm, học hành nên nhiều khi bố mẹ lo lắng đi tìm rồi “thương cho roi cho vọt” ở nhà. Nhưng mèn ơi kệ chứ, được nghe chút thơ, chút ngâm, chút chuyện về những người, những thần linh thời xưa là cái thú mà có đánh chết cũng không bỏ.
Ngẫm lại thời đại nay sống vội quá, trẻ con bị nhấn chìm trong thứ công nghệ của kỷ nguyên Khai Sáng. Điều này vô tình giết dần những “huyền thoại” khi vứt nó đi mãi mãi trong tâm tưởng của các thế hệ kế cận. Nhưng tôi cũng thấy may mắn vì không phải tất cả đều thế, vẫn có một bộ phận các bạn trẻ thậm chí những người đứng tuổi vẫn đang từng ngày kể chuyện, từng ngày làm mới cách thức để truyền tải. Beletsky và Scvachko ở thành phố Perm bé nhỏ của nước Nga là những người như vậy. Là những con người trẻ đam mê game nhưng cũng trăn trở không muốn lịch sử và nền văn hóa của dân tộc bị mai một. Họ bắt tay kết hợp đam mê và cảm hứng để tạo nên một The Mooseman với hứa hẹn là một hành trình trải nghiệm kỳ lạ, hấp dẫn và đáng nhớ rất lâu rất lâu trong cuộc đời chơi game của tôi.
Gameplay
Có lẽ nên mở đầu khi nói về thể loại gameplay của The Mooseman. Điều này làm tôi thực sự lúng túng. The Mooseman là một: Platform? Puzzle? …Tôi chịu! Nhưng có một thứ tôi khẳng định chắc chắn với bạn là The Mooseman sở hữu một nhịp độ chơi khá là “phê cần” (Các bạn sẽ sớm yêu cần thôi =D).
Bắt đầu một trò chơi với chúng ta thường là:
Tutorial? Phần hướng dẫn của tựa game này thuộc vào dạng “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Phần thao tác của nó đơn giản đến mức “khó chịu”. Thật khó tin một con game trên nền tảng 2D như The Mooseman còn chẳng có nút nhảy. Mọi việc chỉ xoay quanh “đi phải, đi trái, chuyển đổi không gian với một nút ấn và 1,2 công cụ đơn sơ nhu tạo một cái shield hay bật một nguồn sáng”.
Intro? Màn trình diễn mở đầu của The Mooseman là sự kết hợp của những dòng phấn cứng cáp kết hợp với một giọng kể bản địa đầy khỏe khoắn, mạch lạc. Không chỉ phần Intro, xuyên suốt toàn bộ The Mooseman đều lấy phụ đề là tiếng Anh và giữ nguyên tiếng Nga làm giọng kể cho trò chơi này. Tôi đặc biệt thích cách để những mẩu tin tức theo kiểu tượng hình rồi từ đó được chuyển hóa dần thành tiếng Anh. Có rất nhiều người phàn nàn về kiểu chữ tượng hình này cũng như giọng Nga rất khó nghe. Với cá nhân tôi, khi đặt bản thân thứ game này giữ nguyên cốt tủy của nền văn hóa Perm, Komi cũng như tiếng mẹ đẻ “quốc hồn quốc túy” trong những tựa game như The Mooseman là thứ sống còn, tôi tán thành điều đó.
The Mooseman bắt đầu với người chơi trong một sự vô định đến khó chịu. Cảm giác đầu tiên của tôi trong trò chơi này là việc thức tỉnh trong một khu rừng già với một cái đầu rỗng tuếch. Tôi vào vai một người đàn ông độc hành với một cây gậy gỗ. Một hình tượng đặc trưng của khổ hành giả hay những nhà tiên tri. Sự tĩnh mịch của không gian xung quanh bao phủ lên bạn. Thậm chí nơi đây còn không có nổi tiếng chim kêu hay quạ ỉa nào cả. Nhưng có lẽ việc cắt bỏ mọi thứ xao nhãng làm trò chơi này thành công khai mở sự tò mò ẩn dấu sâu trong lòng người chơi. Điều này khiến cho chúng ta tập trung nhiều “công lực” hơn đến việc tìm kiếm, suy đoán về mọi thứ xung quanh và tìm hiểu chính bản thân nhân vật của mình.
Ngay sau những giây phút ngỡ ngàng ban đầu, bạn sẽ dũng cảm đi tiếp. Và sau đó The Mooseman mở ra với tôi một trải nghiệm mà tôi hiếm khi bắt gặp ở một trò chơi. Đó cũng là điều lý giải cho việc tôi băn khoăn liệu gọi The Mooseman là một trò chơi liệu có đúng hay không? Bởi gameplay của The Mooseman xuyên suốt hầu hết giống như một cuộc dạo bước trong bảo tàng nghệ thuật vậy. Ý tôi là cái thú chơi tự đi tham quan bảo tàng một mình chứ không phải kiểu đi bảo tàng xếp hàng theo kiểu “quân đội” gò bó mà vô thưởng vô phạt như hồi còn học tiểu học đâu.
Trong The Mooseman, bạn có thể tùy thích khám phá. Không có ai thu thêm tiền hay “đánh thuế” thời gian đối với bạn khi chơi nó. Bạn có thể tùy ý nghỉ chân tại khu rừng già tĩnh mịch của nó. Hoặc bạn có thể tận hưởng mùi lúa thơm của vụ mùa trong ánh chiều tà đang dần tắt nơi bình nguyên trù phú của Trung Giới. Hoặc đơn giản là trò chơi này chẳng có gì hứng thú nổi với bạn trừ cái kết của nó và bạn cứ rush một mạch thẳng để vượt qua đích cuối. Thực ra còn một cách cục súc hợn để thưởng thức một game đó là ấn Alt + F4 =)).
Cá nhân tôi, The Mooseman là một hành trình kỳ thú trong cảm nhận, trong linh hồn. Và lẽ dĩ nhiên như bao con đường khác, hạnh phúc của The Mooseman nằm nhiều ở hành trình trải nghiệm nó hơn là cái đích đến cuối cùng.
Hàm lượng giải đố trong The Mooseman khá thấp. Đây là một điểm trừ của game đối với rất nhiều người chơi và nhà đánh giá. Thực ra chúng ta đều hiểu một trò chơi hàm chứa những nội dung then chốt và có ý nghĩa nên được đặt ra những “rào chắn” chắc chắn thách thức người chơi để tôn lên năng lực giải quyết vấn đề của họ. Bản thân tôi cũng là người chơi mong chờ một cơ chế giải đố tốt hơn nữa trong The Mooseman. Nhưng ngẫm lại cho cùng thì The Mooseman thực sự cũng không cần sỡ hữu điều đó. Khi mà tựa game này được làm ra với trải nghiệm chủ yếu là tự tìm tòi và giống với một cuộc tản bộ không xô bồ trong một viện bảo tàng. Và ta nhớ lại rằng chẳng có thứ gì cản trở ta trong một hành trình trải nghiệm trong The Mooseman trừ chính con tim và bộ óc hiếu kỳ của chính chúng ta.
Đó là lý do mà nhắc đến The Mooseman như một thứ “khác loại” trong vô số các tựa game giống nó ở thời điểm hiện nay. Ngày nay người chơi mong muốn những cú mindblow tột bậc trong lối chơi kịch tính, nghẹt thở hoặc những cú plot twist “xoắn cmn quẩy” và lấy đi hàng dài suy ngẫm và nước mắt…hoặc cũng có thể đó là một thế giới mà người chơi có đến muôn vàn sự lựa chọn chẳng “đụng hàng” bố con thằng nào hết. Đó là những điểm chính mà một trò chơi muốn chinh phục người chơi đến độ dán mắt vào màn hình trong hàng giờ thậm chí hàng chục giờ liền. The Mooseman thì không thế, nó nằm ở mặt kia của đồng xu. Nó chậm rãi, ổn trọng, tùy ý nhưng cũng đầy huyền bí, lôi cuốn và cần sự kiên nhẫn cùng một gu taste game khá riêng. Và khi bạn nhìn bằng “lăng kính” cầu thị đối với The Mooseman, bạn sẽ thấy mình đứng trên một không gian với vẻ đẹp cô độc, kỳ lạ mà hấp dẫn với một cá tính riêng.
Điểm “cốt tủy” cuốn hút người chơi của The Mooseman là nằm ở tính nghệ thuật trong nó. The Mooseman cho tôi cảm giác “như si như say” khi đắm chìm trong những bức vẽ trừu tượng kể về cuộc sống hoang sơ, nguyên thủy của loài người trên hang động cổ đại hay những khoảnh khắc cuối cùng khi mặt trời ấm áp phía Nam dần chìm vào giấc ngủ phía chân trời, được cảm nhận những làn gió trên chín tầng trời này nâng đôi cánh tự do của chú chim đại bàng khổng lồ dưới chân bạn và cả trong tâm hồn khát khao mãnh liệt…Team Mortreshka mang đến một chiều sâu trong cảm xúc khi thời gian và không gian của The Mooseman hòa vào bạn.
Các cổ vật, các biểu tượng được vẽ bằng những công cụ như đá vôi thô hay sơn than thực sự rất độc đáo và đẹp. Những nội dụng ẩn trong từng mảnh cổ vật bạn tìm được thậm chí còn là món quà quý giá hơn nữa. Nó gửi gắm trong đó văn hóa, kiến giải rất độc đáo của con người trong bộ lạc qua các thế hệ. Mọi thứ trong The Mooseman, cây cối, tạo vật, những con trùm đều được thể hiện hài hòa với chủ đề nó đem lại, một cái hồn rất riêng. Thứ cuối cùng đánh cắp trái tim tôi chính là âm nhạc và hiệu ứng âm thanh của The Mooseman. Cụ thể hơn là do Mikhail Shvachko thực hiện từ đầu tới cuối. Chất liệu nhạc dân gian Komi thực sự rất độc đáo ngay kể cả đối với một tay mơ về âm nhạc như tôi. Tôi đặc biệt thích thú trong việc sử dụng những khoảng lặng để làm nổi bật nên sự huyền bí của khu rừng lúc đầu game.
Game Story (Note: Viết đến đây tôi nhận thấy mình spoil khá nhiều nhưng xét cho cùng bài viết này giống một bài cảm nhận hơn là một bài đánh giá. Vì vậy bạn nào tìm kiếm một bài review thì mình đành xin lỗi)
The Mooseman là câu chuyện đưa bạn băng qua 3 tầng thế giới trong vũ trụ cổ đại của người Chud. Hành trình vạn dặm đó được thực hiện bởi nhân vật chính của chúng ta: The Mooseman. The Mooseman là người đàn ông sở hữu một món quà đặc hữu – một đôi mắt cho phép nhìn thấu thế giới linh hồn (Linh Giới) và The Mooseman có thể hành tẩu qua hai mặt không gian đó. Như Uncle Ben đã “gáy” với Spidey trước khi lâm chung: “Sức mạnh lớn lao đi kèm với trách nhiệm nặng nề”. Trong suốt quá trình chơi, ta thấy sứ mệnh của The Mooseman là tìm kiếm những tạo vật cổ đại (artifact) của các bộ lạc người Chud và ngược dòng tìm hiểu những huyền thoại cổ xưa của dân tộc anh ta – Nhóm dân tộc ngữ hệ Phần Lan – Ugric. Bản thân The Mooseman mang trong mình một nội hàm mạnh mẽ và hấp dẫn. Dẫu cho cùng thì The Mooseman chỉ mang trong mình đôi mắt đặc biệt cho phép anh nhìn thấy và xâm nhập Linh Giới, còn lại thì người đàn ông đó chẳng có gì khác. Không thao túng được thời gian, không có khả năng tele, cũng chẳng dash hay roll gì, cũng chẳng có sức khỏe vô biên hay được “vũ trang” đến tận chân tơ kẽ tóc để chống lại nguy hiểm ngoài đó. “Chân cứng đá mềm”, nhân vật của chúng ta với sức lực của con người nhỏ bé bước đi trên hành trình xa xôi đầy hiểm nguy. Một hành trình trải qua muôn mặt thế thái của nhân gian, sự lột xác về cảm xúc. The Mooseman thấy được sự đau đớn, gào thét và giận giữ của những linh hồn lang thang hay bị tù đày ở Hạ Giới. Có khi là sự trù phú, sùng đạo của con người nơi Trung Giới. Và rồi là tán thán, nhỏ bé, cô độc trên vùng đất cư ngụ của những vị thần cổ xưa nơi Thượng Giới. Ở The Mooseman lột tả thành công thứ cốt tủy của một trò chơi nói về một nền văn hóa. Nó làm người chơi hứng thú với những lý giải độc đáo của văn hóa đó, dân tộc đó. Tại sao thế giới có hình tròn vậy? Vì nó sinh ra trong một quả trứng của Thần Yên. Tại sao có kỷ băng giá lâu đến thế? Vì có người mang chiếc cung thần bắn rụng mặt trời…và có người trong cuộc hành trình tìm lại mảnh ghép mặt trời khôi phục hơi ấm cho nhân loại và cho thế giới.
Và câu hỏi mà có lẽ trong tâm khảm tôi cũng như các bạn đều thắc mắc khi chơi trò chơi này: “Tại sao The Mooseman phải thực hiện sứ mệnh này?” Tôi không nghĩ The Mooseman là một thứ gì đó cao siêu. Đối với tôi The Mooseman là người đàn ông ích kỷ một cách đáng yêu. Con người chúng ta đều ích kỷ, điểm khác biết chỉ là có đáng yêu hay không mà thôi =)). Toàn bộ The Mooseman là một hành trình tâm linh giữa dòng chảy thời gian. Nó không chỉ là hành trình của The Mooseman trong tựa game này, nó còn là hành trình của Team Mortreshka khi họ cố gắng tìm hiểu một nền văn hóa mà rất có thể là nguồn gốc của tổ tiên họ. Và đối với cá nhân mỗi người chơi, The Mooseman là hành trình trong tâm khảm của chúng ta với trách nhiệm tìm về nguồn cội của tổ tiên và gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai của các thế hệ. Tại sao tôi lại nói The Mooseman lại ích kỷ một cách đáng yêu? Bởi vì đối với cá nhân tôi The Mooseman là một kẻ tham lam khi muốn tổ tiên mình sống mãi mãi. Tôi thích sự tham lam đó và hầu hết trong bản tính các bạn đều vậy. Khi tôi chết đi, tôi mong muốn lại được sống mãi, sống trong những câu chuyện, sống trong những ký ức của con cháu. Tôi không muốn con mình, cháu mình thức tỉnh trên cuộc đời này mà không có một ký ức nào về nguồn cội của nó. Điều đó giống hệt với cảm giác đầu tiên khi tôi đặt chân trên khu rừng tĩnh mịch của The Mooseman, trống rỗng, sợ hãi và gần như tuyệt vọng và mịt mờ về con đường phía trước.
The Mooseman hấp dẫn tôi phần nhiều bởi cái cách mà nó được phát triển và ra đời. Mortreshka Team – cha đẻ của The Mooseman chỉ là hai anh bạn người Nga trong một thành phố bé nhỏ ở đất nước được coi là “Thánh địa của giới Pirate”. Với The Mooseman, Vladimir Beletsky, Mikhail Shvachko cho thấy ngày nay đam mê lịch sử, văn hóa có tiềm năng lớn lao khi kết hợp với nhiều sở thích hay đam mê khác, trong đó có game. Đó là một xu hướng phát triển dòng game không thể chối cãi và không thể ngăn cản. The Mooseman cũng là bài học cho lớp trẻ chúng ta học cách yêu văn hóa và lịch sử theo những cách khác biệt, những cách riêng của bản thân chính chúng ta.
Tạm Kết
Nếu ít nhất trong bạn có một mối quan tâm đến các nền văn hóa và thần thoại nước ngoài, The Mooseman sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Ngay cả khi các bạn là người vô thần hay đang chỉ trích những thứ được coi là “mê tín”, “dị đoan”, The Mooseman là bằng chứng không thể chối bỏ về cái cách mà tôn giáo và văn hóa đã định hình loài người trước khi bạn tiếp tục phán xét nó.
Đây có lẽ không phải là một bài review hay khi mà những suy nghĩ, “cái tôi” của người viết hiện lên quá nhiều trong bài viết. Nhưng đó cũng là bằng chứng chắc chắn cho thấy The Mooseman có thể đưa đam mê của người chơi sâu thẳm đến nhường nào.