DEATH’S DOOR – VIÊN NGỌC QUÝ CỦA LÀNG GAME INDIE

Khách quen

  

Đối với mỗi con người chúng ta, cái chết là sự kết thúc, là một điều gì đó rất kinh khủng mà không ai muốn phải nghĩ đến hay đối mặt. Nhưng trong Death’s Door, cái chết được khắc họa một cách rất nhẹ nhàng và là sự chuyển biến luân hồi như một vòng lặp để khi sinh linh này mất đi sẽ tạo ra một sinh linh mới, bắt đầu một cuộc sống mới. Đây là nền tảng vững chắc để viết nên một câu chuyện thú vị và tạo nên Death’s Door – một viên ngọc đáng quý trong làng game indie chất lượng trong những năm gần đây. Death’s Door thực sự là một trải nghiệm trọn vẹn mà đã lâu rồi mình mới được thỏa mãn đến như vậy, đó cũng chính là lý do bài review này được ra đời nhằm đánh giá Death’s Door thú vị đến mức nào và nó xứng đáng được nhiều người biết đến ra sao. Cùng vào việc thôi!

Sơ lược một xíu về bối cảnh và cốt truyện, trong Death’s Door, người chơi hoá thân làm một chú quạ vô danh, và là một tân binh làm việc cho tổ chức thần chết thu thập linh hồn của người chết. Lần này, nhiệm vụ của người chơi là đi thu hồi một linh hồn đặc biệt lớn từ một con boss. Trải qua một cuộc chiến cam go và cũng là con boss đầu tiên trong game, bạn đã hạ gục được nó và chuẩn bị thu phục linh hồn của nó thì linh hồn này đã bị một nhân vật bí ẩn mang hình dáng là một con quạ già đánh cắp ngay lập tức. Thế là chú quạ của chúng ta phải đuổi theo hắn.

Khi đến nơi, ta mới biết được rằng bác quạ già này cũng từng là một người đi thu thập linh hồn giống như ta, nhưng vì một lý do nào đó mà bác ta bị mắc kẹt lại trong một thế giới đầy quái vật và chết chóc. Để thoát khỏi thế giới này, bác ta cần phải mở một cách cửa có tên là Death’s Door nhưng yêu cầu phải cần có những linh hồn siêu khủng thì mới mở được cánh cửa này. Linh hồn mà bác ta vừa cướp được từ tay ta là 1 trong số đó nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải có thêm 3 linh hồn của 3 con boss khủng ở 3 địa điểm khác nhau, thu thập hết chúng thì mới đủ số linh hồn để mở cánh cửa. Thế là chú quạ của chúng ta bị cuốn vào mớ hỗn độn bất đắc dĩ này. Và cuộc hành trình của người chơi bắt đầu.

Death’s Door sở hữu một cốt truyện đầy thú vị và mới mẻ, càng đi sâu người chơi sẽ càng khám phá ra được nhiều điều thú vị, những triết lý nhân sinh được cài cắm khéo léo trong game, gặp gỡ những NPC với những tính cách thú vị và ai cũng thực sự rất đáng nhớ. Đến cả những con boss mà chúng ta hạ gục cũng có câu chuyện riêng và thực sự chúng đáng thương chứ không đáng trách như mọi người nghĩ. Đến cả những món đồ sưu tập mà chúng ta nhặt trên đường đi, chúng cũng có những câu chuyện riêng, nhiêu đó cũng đủ thấy sự đầu tư của nhà phát triển tâm huyết đến nhường nào.

Về gameplay, Death’s door là một tựa game Hành động – phiêu lưu nên yếu tố combat vẫn đặt lên hàng đầu. Hệ thống chiến đấu của Death’s Door rất đơn giản khi nhân vật chính được trang bị cung và kiếm vào đầu game, đồng thời có cả cơ chế lăn để né đòn. Tác dụng của cung thì dùng để tấn công địch tầm xa và giải quyết một số câu đố đơn giản, kiếm có thể dùng để cận chiến, đỡ đòn và phản đòn từ xa. Đôi khi chú quạ của chúng ta sẽ học được một kỹ năng mới từ ngục tối, nhưng những kỹ năng này thường là một công cụ giải đố hơn là một vũ khí (mặc dù bạn vẫn có thể sử dụng chúng để chiến đấu).

Trên đường đi, bạn còn có thể tìm thấy các loại vũ khí mới như một cặp dao găm với tốc độ tấn công chóng mặt, một chiếc búa khổng lồ với tầm đánh rộng, một thanh đại kiếm có sức sát thương lớn và một chiếc… ô dùng để che mưa???

Chúng có thể được nâng cấp bằng những linh hồn mà bạn thu thập được trong trò chơi. Để tránh việc người chơi spam những kĩ năng tầm xa thì cung tên và những kĩ năng phép đều có giới hạn sử dụng và sẽ tái tạo lại bằng cách đánh cận chiến, buộc người chơi phải dùng đến vũ khí cận chiến đáng tin cậy hơn và vận dụng kĩ năng nhiều hơn.

Vùng đất phía sau cánh cửa tử thần (Death’s Door) mà bạn sẽ khám phá trong game là một thế giới không rộng lớn nhưng được thiết kế thông minh và kết nối với nhau chặt chẽ. Nó có nhiều lớp, được nối với nhau bằng nhiều hành lang, cầu thang, hẻm núi và ngăn cách nhau bằng những cánh cửa, câu đố hoặc cầu có khóa. Nhờ góc nhìn từ trên cao, trò chơi cho người chơi thấy những gì đang chờ đợi và kích thích họ liên tục bước vào những câu đố mới, khám phá những bí mật mới nằm ngoài lộ trình chính của họ.

Game cũng đầy rẫy những câu đố hứa hẹn sẽ có thưởng cho game thủ sau khi giải được. Những câu đố này sử dụng các cơ chế quen thuộc như thu thập chìa khóa, mở cổng, kéo công tắc,… nhưng bạn sẽ hiếm khi cảm thấy nhàm chán vì chúng đủ thử thách và khiến bạn thỏa mãn với những phần thưởng xứng đáng sau mỗi lần tìm ra câu trả lời. Một số bí ẩn và câu đố cũng yêu cầu các vật phẩm mà nhân vật chính tạm thời không có, điều này kích thích game thủ phải ghi nhớ và quay lại khi chúng còn nóng, theo đúng phong cách của The Legend of Zelda cổ điển.

Về mặt hình ảnh có thể nói Death’s Door đã hấp dẫn mình ngay từ lần đầu tiên ra mắt trailer đó chính là vì nền đồ họa đơn giản nhưng đẹp một cách đầy tính nghệ thuật. Thế giới trong game được tạo ra với tông màu giống như màu nước hay đất nặn và có phần nhạt nhòa đem lại cho bạn ấn tượng về một vùng đất đã cổ xưa và không còn nhiều sinh khí – rất phù hợp bởi đây là miền đất nằm trong cánh cửa của cái chết. Những con quái trong game được thiết kế kết hợp giữa sự ma quái đáng sợ với nét ngộ nghĩnh hoạt hình, khiến cho không khí của trò chơi nhẹ nhàng mà vẫn giữ được bầu không khí hơi âm u cần thiết cho game.

Mình cũng muốn dành một lời khen ngợi cho tính bạo lực của game. Trong những tựa game khác, thường thì quái vật khi bị hạ gục sẽ biến mất trong một làn khói hoặc tan biến khi hết máu, nhưng trong Death’s Door thì không như thế mà chúng được áp hiệu ứng vật lý và rag-doll rõ ràng, khiến game thủ cảm nhận được uy lực của từng đòn đánh, từng phép thuật mình tung ra.


Về mảng âm thanh, có thể nói thứ đã giữ chân mình suốt hàng giờ liền đó là mảng âm nhạc của Death’s Door quá tốt, quá hay. Game sở hữu cho mình những bản nhạc do tác giả David Fenn thực hiện. Có những bản nhạc trầm, có những bản nhạc sôi động khi đánh boss nhưng bài nào giai điệu cũng cuốn và rất dễ đi vào lòng người. Chưa hết, có một số trường đoạn môi trường trong game cũng chuyển động khớp với giai điệu của bài nhạc tạo ra một trải nghiệm thực sự thú vị.

Có thể nói, Death’s Door là một trải nghiệm trọn vẹn. Từ gameplay, đến hình ảnh, đến âm thanh và kể cả cốt truyện, thực sự mình đã chơi suốt 15 giờ đồng hồ nhưng vẫn không thể tìm ra được nhược điểm của tựa game này để mà chê trách cả. Hiếm lắm thì chỉ có lỗi bug nhỏ nhưng chả ảnh hưởng gì đến trải nghiệm cả. Khá đáng tiếc khi Death’s Door đã không giành được giải The game cho game độc lập xuất sắc nhất của năm 2021 mà nhường lại ngôi vị này cho Kena: Bridge of Spirits nhưng việc Death’s Door đã bước chân vào đề cử thì thật sự chất lượng của game không phải dạng vừa. Chính vì thế Death’s Door xứng đáng có một chỗ đứng trong lòng mỗi gamer chúng ta, nếu bạn thích hành động hack-and-slash và cần một trò chơi chặt chém đã tay nhưng lại đủ thử thách để chinh phục, hãy chơi Death’s Door và bạn sẽ không phải thất vọng.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện