9 Hours, 9 Persons, 9 Doors – cái bánh ngon một nửa

Khách quen

  

Lưu ý: review có spoil nội dung câu chuyện.

Cốt truyện:

Bạn vào vai Junpei, một chàng thanh niên bình thường bỗng dưng bị bắt cóc lên 1 con tàu đang chìm dần. Sau khi thoát khỏi căn phòng, cậu gặp mặt 8 người khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. 1 trong số đó là Akane, cô bạn thời thơ ấu của Junpei. Mỗi người đều bị đeo trên tay một chiếc đồng hồ với số thứ tự từ 1 đến 9, đặc biệt hơn, chiếc đồng hồ có 1 lượng thuốc nổ tuy nhỏ mà cũng có thể làm họ tan xác. Và “Zero”, người sắp đặt nên trò chơi này sẽ khiến 9 con người phải chơi trò chơi sinh tử của hắn. “Chỉ có 2 cách giúp các ngươi tháo chiếc đồng hồ ra, hoặc là thoát khỏi chiếc thuyền, hoặc nhịp tim các ngươi trở về 0”. Để thoát ra khỏi con tàu, bạn phải lần lượt vào các căn phòng, thu thập manh mối để giải câu đố nhằm thoát khỏi căn phòng (escape room) và từng bước tìm ra sự thật phía sau cuộc chơi chết người này.

Ưu điểm:

Với cá nhân mình, 999 ăn điểm ở 2 cái: thứ nhất là câu chuyện về một người hoàn toàn bình thường bỗng dưng bị kẻ bí ẩn bắt cóc và ép phải chơi trò chơi chết chóc mang lại cho 999 1 thiết lập ly kì, hồi hộp và bí ẩn. Tại sao Junpei, 1 chàng sinh viên hoàn toàn bình thường lại bị bắt cóc? Zero là ai? Tại sao hắn mất công sắp đặt cả 1 con thuyền đắt tiền và ép 9 người này chơi trò giải đố? Mục đích của Zero sau tất thảy những chuyện này là gì? 9 người bọn họ có thật sự trong sạch, hay mỗi người đều có những bí mật riêng muốn che giấu? Zero có thể là 1 ai đó trong số 9 người bọn họ chăng?

Việc ép 9 nhân vật này lên bàn cân sinh tử khiến cho 999 trở thành visual novel nghiêm túc nhất mà tôi từng chơi, không có những đoạn cợt nhả bông đùa như visual novel main char tuổi học sinh, hay những tình tiết phi thực tế như xử án hài hước Phoenix Right. Ngay từ đầu 999 đã thể hiện đây là 1 visual novel trưởng thành và có nét trinh thám (khá hiếm thấy trong cơ số visual novel). Tác giả còn biết gia tăng sức nặng cho câu chuyện bằng các tình tiết giật gân: sau khi gạt cần, bạn chỉ có 90 giây để chạy thục mạng tìm máy xác nhận… và thậm chí là máu me: người đàn ông mang đồng hồ số 9 bạo gan muốn phá luật và kết quả bị nổ tan xác, máu me ghê lắm… @@ Câu chuyện càng tiến triển, các bí ẩn dần được bóc trần nhưng cũng kèm theo đó là những người bọn họ lần lượt bị sát hại.

Ưu điểm thứ 2 là việc lồng ghép các yếu tố khoa học 1 cách hết sức tự nhiên và gọn gàng, không hề thấy gượng ép. Đẩy 999 lên 1 tầm cao hơn nữa, không chỉ trinh thám ly kì hồi hộp mà còn là 1 visual novel mang yếu tố khoa học giả tưởng, tất cả những thành phần này làm 999 trở thành 1 món ăn khoái khẩu cho tôi, 1 người vừa thích trinh thám vừa thích khoa học (nhưng ngại đọc sách chữ lắm chỉ ham truyện tranh, phim ảnh với visual novel thui =))).

999 đã trình bày những vấn đề khoa học sau:


– Hãy nhìn vào bức tranh trên, bạn thấy được gì ở bức tranh này?

Nếu bạn thấy đó là 1 con chó, thì chúc mừng, bạn đã đúng. Nhưng khoan đã, việc bạn nhìn ra đây là con chó có thật là do bạn tinh mắt không, hay là do một nguyên nhân khác nằm ngoài ý thức của bạn?

Một chương trình truyền hình ở nước Anh đã làm 1 thí nghiệm. Họ cho những người ở các đất nước xa xôi, nằm ngoài phạm vi phủ sóng của chương trình xem bức ảnh này, và chỉ có 3,9% người nhìn ra đó là con chó. Sau đó họ cho 1 số lượng lớn người xem chương trình ở nước Anh xem bức ảnh và cho họ biết đó là con chó. Họ tiếp tục thực hiện 1 cuộc khảo sát với một nhóm người mới ở xa nước Anh, chưa hề biết đến bức ảnh, thì kết quả đã tăng lên đáng kể, lần này có đến 6,8% người nhìn ra đó là con chó. Vậy, có thể giả định việc những người ở nước Anh biết kết quả, bằng cách thần kì nào đó đã tác động đến những người khác ở xa xôi và làm họ nhận ra đó là con chó, mặc dù 2 nhóm người này không hề tiếp xúc trực tiếp hay truyền đạt thông tin cho nhau?


– Trong suốt 150 năm kể từ khi con người tìm ra glycerin, các nhà khoa học đã tìm mọi cách để glycerin kết tinh vì glycerin kết tinh có giá trị rất cao so với glycerin không kết tinh (tương tự như kim cương và than chì vậy). Nhưng cho dù đã thử rất nhiều phương pháp khác nhau, họ vẫn không tài nào kết tinh được glycerin. Một ngày vào năm 1920, người ta phát hiện những mẩu glycerin được vận chuyển đến nước Anh bằng tàu thủy đã kết tinh trong quá trình vận chuyển. Các nhà khoa học đã lấy mẩu glycerin mang về nghiên cứu và kết tinh được glycerin mới. Tuy nhiên một sự lạ đã xảy ra, những mẩu glycerin ở gần đó cũng bắt đầu kết tinh, mặc dù chúng đang được niêm phong và chưa ai tác động đến. Chưa hết, sau ngày hôm đó, mọi glycerin trên thế giới đều kết tinh một cách tự nhiên khi được làm mát dưới 64 độ F. Trước đó, cho dù glycerin được làm mát đến bao nhiêu độ đi nữa, chúng vẫn từ chối kết tinh. Cứ như khi sự kết tinh bắt đầu xảy ra, các phân tử glycerin trên thế giới bằng cách nào đó đã giao tiếp được với nhau và đồng loạt kết tinh vậy.


– Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm với 1 bầy chuột, đổ nước vào 1 bể hình chữ U sao cho đủ để chuột có thể chết đuối. 2 lối thoát là A và B nhưng chỉ có A là lối thoát an toàn, còn B bị chặn bởi 1 tấm lưới điện. Lối thoát A rất tối ngay cả chuột cũng không nhìn thấy đường, lối thoát B thì sáng nhưng chuột không biết được đó là lưới nhiễm điện. Theo như thế, các con chuột đã chọn thoát ra bằng lối B. Nhưng sau rất nhiều lần chọn sai thì các con chuột bắt đầu chọn lối A. Các nhà khoa học đã lặp đi lặp lại thí nghiệm này với hàng trăm con chuột ở nhiều thế hệ nối tiếp, kết quả cho thấy, qua mỗi thế hệ, các con chuột mất ít thời gian hơn để chọn được lối thoát đúng. Cuối cùng, có một con chuột đã lập tức chọn lối thoát A mà không mảy may thử lối thoát B. Sau đó, một thí nghiệm tương tự được tổ chức ở 1 phòng thí nghiệm cách xa phòng thí nghiệm nói trên, và còn ngạc nhiên hơn nữa, các con chuột tìm được lối thoát đúng với tốc độ nhanh hơn hẳn so với thí nghiệm thứ nhất. Những con chuột ở thí nghiệm 2 không hề tiếp xúc với những con ở thí nghiệm 1, nhưng chúng lại dễ dàng chọn được lối thoát A, như thể chúng đã biết từ trước đó là lối thoát đúng vậy.

Những sự việc trên có thể giải thích bởi giả thuyết về trường hình thái của Sheldrake, một tiến sĩ sinh học tại Đại học Cambridge. Rằng “mỗi cá thể vừa đồng thời sử dụng vừa đồng thời đóng góp cho trí nhớ tập thể của chủng loài. Điều này cho thấy các kiểu mẫu hành vi mới có thể lan truyền nhanh chóng hơn so với lẽ thường. Lấy ví dụ, nếu một giống chuột nào đó học được một loại hành vi mới ở Harvard (Mỹ), thì những con chuột cùng giống có khả năng sẽ học được cùng một loại hành vi đó nhanh hơn trên khắp thế giới (ví như ở Edinburgh, Anh hay Melbourne, Úc)”. Đọc thêm về trường hình thái ở đây: https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/gia-thuyet-nha-hoa-hoc-co-rau-va-cai-nhin-ve-mot-vu-tru-ket-noi.html

Các hành vi của mỗi cá thể sẽ đóng góp cho kiến thức chung của chủng loài và kiểu hành vi sẽ được truyền thông qua một trường không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nói nôm na, là như thần giao cách cảm vậy. Vậy tại sao chúng ta lại có thể liên kết được với nhau bởi trường hình thái? Clover đã đưa ra 2 nghịch lý để diễn giải cho Junpei:


Đôi tất của Locke: hãy tưởng tượng, bạn có 1 đôi tất ưa thích, nhưng 1 chiếc tất bị rách, và bạn dùng vải để vá vào chỗ bị rách. Nhưng nếu rách thêm 1 lỗ, 2 lỗ,… và bạn cứ lấy miếng vải khác đắp vào chỗ rách, cứ thế tiếp diễn thì toàn bộ chiếc tất đó đã hoàn toàn bị thay thế bởi những miếng vải khác, liệu bạn có thể nói đó vẫn là chiếc tất như trước không?


Chiếc thuyền của Theseus: giả sử chiếc thuyền của Theseus bị hỏng 1 phần, và người ta lấy phần mới để thay vào, nếu nó cứ tiếp tục bị hỏng như vậy thì toàn bộ chiếc thuyền sẽ không còn các phần cũ. Và nếu họ lấy các phần cũ để đóng thành 1 chiếc thuyền mới, vậy chiếc thuyền nào mới là chiếc thuyền của Theseus?

Trong cơ thể chúng ta, mỗi ngày có khoảng 50 tỷ tế bào chết đi, các tế bào mới liên tục được tổng hợp và hình thành để thay thế tế bào cũ. Những thứ bạn nạp vào người dùng để tạo ra các tế bào mới cho bạn. Có thể cái tay của bạn được tạo ra từ con cá bạn đã ăn, hay một nửa phần thân của bạn được tạo ra từ con bò mà bạn đã ăn chẳng hạn. Và những con cá hay con bò lại được tạo ra từ những thứ khác. Theo lập luận đó, các cá thể sống sẽ được kết nối với nhau bằng một trường không thể nhìn thấy bằng mắt thường – trường hình thái.

Và 999 đã lợi dụng giả thuyết trường hình thái này để xây dựng câu chuyện của nó. Tuy nhiên, có thật sự thuyết phục? Câu chuyện của 999 có hoạt động được không? Đến đây thì lại là nhược điểm.

Nhược điểm:

– Việc Akane cùng Santa tái tạo lại trò chơi Nonary Game để Junpei giúp cứu Akane thông qua trường hình thái làm cho những ending khác ngoài True Ending không thể tồn tại được, bởi vì chúng vi phạm nghịch lý ông nội. Nếu ai chưa biết thì nghịch lý ông nội là 1 phản chứng đơn giản nhưng mạnh mẽ để chứng minh không thể có chuyện du hành thời gian: Bạn quay về quá khứ, vì 1 lí do điên rồ nào đó bạn giết chết ông nội của bạn trước khi ông ấy cưới, và vì thế bố của bạn không tồn tại, bố của bạn không tồn tại nên bạn cũng không tồn tại, vậy thì ai là người đã giết ông nội của bạn? Đó chính là nghịch lý. Những ending khác, khi không xảy ra việc Junpei giúp cứu Akane, thì Akane đã chết, vậy thì làm sao Akane sống đến tận bây giờ mà tổ chức trò chơi này? Những ending khác ngoài true ending đều là nhảm nhí hết.

Nếu ai đã từng xem phim Interstellar, thì đạo diễn Nolan đã khôn khéo tránh nghịch lý ông nội khi người cha chỉ có thể gửi 1 thông điệp ngắn ngủn chung chung: “Stay!” cho cô con gái. Vì nếu truyền đạt cả mớ thông tin tương lai về cho quá khứ thì sẽ vi phạm nghịch lý ông nội, họ sẽ biết trước tương lai như thế nào để tránh tương lai đó, nên tương lai đó không thể tồn tại được. Ngay cả bom tấn điện ảnh Interstellar còn phải khôn khéo tránh nghịch lý ông nội, thì các tác phẩm khác không có tư cách để phớt lờ nghịch lý này.

– Ngay cả true ending cũng khiên cưỡng, Akane và Santa tái tạo lại trò chơi để tránh nghịch lý thời gian, vậy tại sao mọi chuyện có thể suôn sẻ để cho ra 1 kết quả đúng như mong đợi vậy? Nếu Junpei giải đố thất bại thì sao? Nếu đột nhiên Junpei té chân bất tỉnh thì sao? Nếu phải giải thích, thì chỉ có thể cầu cứu đến 1 thứ: đó là định mệnh. Định mệnh đã sắp đặt để mọi chuyện diễn tiến theo đúng kế hoạch của 2 anh em đó, không có gì cản trở việc này. Nhưng như thế thì câu chuyện đã trở nên yếu ớt và thiếu thuyết phục, rõ ràng có rất nhiều khả năng có thể xảy ra nhưng định mệnh lại muốn 1 khả năng duy nhất xảy ra để không bị vi phạm nghịch lý thời gian? Sao lại quá may mắn cho Akane như vậy?

Thêm vào đó, có 1 lỗ hổng to tướng: Snake và Seven đã tận mắt chứng kiến Akane bị thiêu thành tro, và tác giả đã trả lời là “các bạn có thể nghĩ Snake và Seven đồng lõa với họ, hay bị thay đổi trí nhớ”. Xin lỗi nhé, cả 2 trường hợp đó đều rất khó xảy ra nếu không muốn nói là vô lý, không có lý do nào để Snake và Seven đồng lõa với họ hết, còn thay đổi trí nhớ của 1 người đâu phải chuyện dễ làm. Đây chẳng qua chỉ là lấp liếm cho 1 lỗ hổng to tướng trong cốt truyện của 999. Theo tôi, tác giả muốn viết câu chuyện li kì nhất có thể, nhưng lại sản sinh ra những lỗ hổng và cố vụng về lấp, nhưng không thể lấp được vì khi động đến nghịch lý thời gian thì rất khó để lấp.


– Việc Akane cute phô mai que là Zero, kẻ chủ mưu vạch ra kế hoạch giết người ghê gớm, theo tôi là 1 thủ pháp… rẻ tiền. Nó dùng để che đậy việc Akane là Zero, làm cho việc truy tìm Zero khó lường hơn bởi chẳng ai nghĩ Akane là Zero cả. Nếu muốn việc này hợp lý và thuyết phục, tác giả phải rải các tình tiết khơi gợi tính cách thật sự của Akane, nhưng không hề có, thành thử việc Akane là Zero trở nên không thỏa mãn, nó chỉ phục vụ việc che đậy bí mật của câu chuyện chứ không đóng góp tính hợp lý cho câu chuyện. Nếu muốn hợp lý, hãy xây dựng Akane phức tạp hơn, có nhiều bí mật hơn.

Vậy tại sao 999 lại được cộng đồng khen ngợi như vậy? Vâng, mặc dù 999 có nhược điểm chí mạng kể trên, nhưng nó vẫn được khen ngợi là 1 visual novel hay, lí do là 999 ra mắt vào năm 2010, ở thời điểm đó, tiêu chuẩn về visual novel khoa học viễn tưởng chưa khắt khe, và thậm chí là ở thời điểm đó 1 visual novel có thể cài cắm một giả thuyết lý thú như trường hình thái thì đã có thể gọi là đột phá rồi. Nên 999 ăn điểm bởi tính chất li kì, hồi hộp, cài cắm khoa học và do đó chiếm được cảm tình của cộng đồng, có thể hồi năm 2010 tôi trải nghiệm 999 thì cũng mồm há hốc đấy nhưng bây giờ thì không, tôi lại muốn 1 cách giải thích hợp lý và thuyết phục, nếu không thì tất cả những cái hay ho đều trở nên vô nghĩa, bởi đơn giản là chúng không work được, hoặc quá hy hữu để chúng work, dẫn đến thiếu thuyết phục.

Tóm lại, 7/10 thời lượng đầu tiên của 999 thì đúng hạp, nhưng 3/10 sau đó thì vỡ lẽ là 1 câu chuyện bị hổng, những ly kì bí ẩn cuối cùng được lí giải 1 cách không thỏa đáng. Nên tôi chỉ có thể cho 999 7 điểm thôi. Vẫn là 1 trải nghiệm thú vị, đáng thời gian, thỏa mãn máu trinh thám và khoa học, nhưng không còn hay nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly