Darkest Dungeon. Không hề khoa trương. Nó là cái tên đẹp nhất và thích hợp nhất để đặt cho trò chơi này. Trong hơn chục năm trời mài đít với hàng loạt các game mác content dungeon, mình thấy hiếm có thứ nào “dữ dằn”, “mặn mà” và “đáo để” như Darkest Dungeon (hệ quả của thói lười biếng nên mình gọi tắt game là D2). D2 đúng chất là 1 game phiêu lưu dungeon. Mỗi lần tôi chơi nó, bóng tối, chết chóc, sự mục rữa và lạnh lẽo lại tràn về căn phòng bé nhỏ của tôi. Sự ẩm thấp, những mối nguy hiểm của D2 ẩn sau thứ đèn đuốc nhá nhem là thứ ma lực khủng khiếp chỉ chực chờ bóp chặt những trái tim bé nhỏ mộng mơ tìm kiếm sự kỳ thú trong những chuyến phiêu lưu.
Cốt truyện
Nếu bắt đầu với màn Intro của Redhook, người chơi khó lòng “thấm” được hết cái tăm tối ẩn chứa trong trò chơi này. Plot game của D2 đặc biệt “phản dame” với 1 thanh niên vốn có cái nhìn hơi khác về câu chuyện được kể. Bạn sẽ thấy nó không hề rùng rợn hay gây ra những tâm lý ảm ảnh như đôi dòng tôi viết ở trên sau khi đọc phiên bản “remix khá là trẩu” của tôi về cốt truyện của D2.
Ông bà ta nói rằng “Nhàn cư vi bất thiện” đôi lúc cũng không có sai. Tay “daddy” yêu dấu của gia tộc bạn là người nắm trong tay món gia sản kếch sù mà dòng tộc để lại. Trong lúc rảnh rỗi “nhặt lá đá ống bơ” trong thư viện cổ, ông ta đã vô tình mò mẫm về những câu chuyện phủ bụi về nguồn năng lượng, những thứ ma thuật, sức mạnh huyền bí được cất sâu dưới nhiều tầng đất trong căn nhà tổ truyền mà tổ tiên để lại. Uống rượu bia đôi là không tốt khi bạn không kiểm soát được bản thân (mặc dù có vẻ hơi ngớ ngẩn khi tôi đang làm vại bia này trong một quán đầy những kẻ nghiện ngập với tay chủ quán hay say xỉn nhất quả đất). Với vài ba vại bia thiếu lý trí, vị cha già kính yêu của chúng ta thuê nhân công giá rẻ đào bới chính căn nhà của mình. Rất không may giải Viettlot cho sự nhiệt tình + ngu dốt là bóng tối vĩnh hằng đến từ thời cổ đại. Nó hung tợn, lan rộng và tha hóa vùng quê bình dị đã nuôi lớn bạn.
Trước khi tâm trí tan vỡ trong đau khổ và tuyệt vọng, 1 lá thư kèm một niềm hy vọng lớn lao được gửi cho bạn – đứa con trai hoang tàn đã từ bỏ cái lồng gò bó của làng quê từ nhiều năm trước và đặt chân qua nhiều vùng đất mới lạ:
“Con trai yêu dấu! Hãy trở về thừa hưởng những gì gia tộc để lại. Hãy đập tan thứ bóng tối đang nuốt chửng nơi này và hãy xây dựng một tương lai mới.”
Đứng ở góc độ nhìn nhận, đó là một cốt truyện khá quen thuộc đối với dòng fan của những game phiêu lưu. Với một giọng kể trầm thấp pha chút khàn nhẹ, thêm 1 vài phân cảnh rời rạc với những dữ kiện ngắn ngủi giành khoảnh trống cho trí tưởng tượng của khán giả lấp đầy. Màu ảm đạm của ánh đuốc hèo hắt, màu đỏ của ánh dương tịch mịch đầy tăm tối pha chút ẩm thấp của không khí. Nó là dấu hiệu báo trước Darkest Dungeon không phải là một trò chơi dark fantasy mà mọi người thường tìm kiếm.
Gameplay
Sau vài giờ chơi đầu tiên, D2 chứng tỏ bản thân nó khác xa so với những “đồng nghiệp” trong thể loại của mình. Cái tăm tối của 1 game dungeon bình thường sẽ dừng lại ở những hiệu ứng vật lý hoặc 1 số hiệu ứng hình ảnh nhất định (thứ mà những người chơi như tôi đã chai sạn từ rất lâu). Đôi khi sự thể hiện cái “phiêu lưu” (từ thiết kế gameplay, plot cho đến art) trong thể loại game này đa phần là việc hấp dẫn người chơi nhiều hơn ở những món trang bị hay những sức mạnh đa dạng, mạnh mẽ, những màn chơi có nhiều cấp độ. D2 khác xa so với chúng, nó mang người chơi đến mặt còn lại của đồng xu: Thứ chiến đấu sống còn, khốc liệt, tàn bạo kèm theo những cảm xúc tiêu cực của cái thứ chúng ta gọi là “cuộc phiêu lưu”. D2 cho ta thấy “phiêu lưu” không phải là những câu chuyện cổ tích cho bé yêu trước giờ đi ngủ. D2 cho thấy “phiêu lưu” là hơi thở của những câu chuyện cổ Grim, những câu chuyện rùng rợn của người Bắc Âu theo một phong cách khắc nghiệt nhất – 1 cuộc chiến không hề lấy một hơi nghỉ cho sự sống còn và khỏe mạnh của thể xác và tâm trí.
Tôi sẽ đưa ra nhận xét khái quát nhất về D2, đó là 1 từ bao trùm lên tất cả trong gameplay của nó: PHỨC TẠP. Và đây là 1 bài review game (trước là tính chuyện kiếm chút tiền “mua bỉm sữa” cho cái acc Steam, sau là chuyện hứa hẹn review khi ăn được GA game), mình sẽ đi vào việc bóc tách từng bộ phận của D2 để cung cấp phần nào góc nhìn cho các hiệp sĩ về game này.
Darkest Dungeon có 2 dạng gameplay chính (có 1 giai đoạn chuyển tiếp khá quan trọng):
- Một là phần chơi khám phá, phiêu lưu trong những hầm ngục (thường gọi là dungeon crawl) lấy chiến đấu theo lượt (turnbase) làm chủ đạo.
- Hai là phần chơi có thiên hướng xây dựng thành phố mang tính chiến lược.
- Phần chuyển tiếp là giai đoạn chuẩn bị hành trang và chọn đội hình cũng như khu vực chiến đấu.
Hệ thống gameplay của D2 khá phức tạp và để hiểu hết cái hay của nó cần phải spoil một chút. Mong các bạn thông cảm và cũng hãy yên tâm bởi việc đó không ảnh hưởng nặng nề đến trải nghiệm của riêng bạn đối với một game như Darkest (Hãy cứ chơi đi rồi sẽ hiểu những điều mà Long muốn nói). Nói theo một cách nghệ sĩ chút, Darkest là một đóa hoa dại với những nét đẹp ẩn sâu bên trong. Nó chỉ làm bạn cảm thấy rực rỡ và mê đắm với những người chịu bỏ nhiều thời gian và công sức để chia sẻ, tìm hiểu và gắn kết lâu dài với nó (PS: Điều này khá giống với chàng trai đang gõ phím làm nên vại bia này, vẻ ngoài khá xấu xí nhưng nếu quen biết bạn sẽ thấy mình hay đáo để. Hic, hơn 20 mùa mít rồi mà vẫn cô đơn). Giờ thì hãy đi sâu vào những gì Darkest Dungeon có:
Cứ mỗi tuần trăng, bạn phải cử dàn sao “tứ đại danh bổ” của mình thăm dò, khám phá trong những khu vực nguy hiểm của D2. Phần đi cảnh trong Darkest được thiết kế khá đơn sơ. Map của Darkest trong toàn bộ các màn chơi gồm các phòng chính nối liền bởi khối dãy hành lang với 4 điểm chính. Lang thang qua những khu vực tăm tối trong D2 sẽ là một trong những ván bài đỏ đen nhất của cuộc đời chơi game mà bạn có thể trải nghiệm. Đó có thể là túi đồ chứa đầy tài phú xoa dịu lòng dạ của những kẻ tham lam nhất. Nhưng có khi nó là thứ dịch bệnh kinh khủng nhất ẩn nấp trong những túp lều bỏ hoang. Có đôi khi là những cạm bẫy chết chóc nhất trong rừng rậm. Cũng có khi là thứ tế đàn của một vị thần rừng tốt bụng chúc phúc cho bạn và những người đồng hành. Rồi những lúc chình ình cả đống xương cốt to đùng chắn ngang lối đi… Và tất nhiên đặc sản của Darkest là những thứ giời ơi đất hỡi làm bạn phải khốn khổ nhiều hơn là vui mừng.
Sau cùng là một thứ mà bạn thường xuyên phải đối mặt trong Darkest – những trận chiến. Mình có cảm tưởng RedHook lấy ý tưởng thiết kế cơ chế chiến đấu cho Darkest từ trò kéo co vậy. Lấy thể thức “theo lượt” (turnbase) làm nền với một số cơ chế khá quen thuộc như crit, evade, heal… Thêm vào chút sắp xếp lineup 2D giống trò kéo co giữa địch và ta. Tuy nhiên, Darkest có phần khác xa so với 1 số game trong dòng turnbase, đó là việc Darkest loại bỏ mana và thay vào đó lấy Vị trí của nhân vật là điều kiện cần thiết để thi triển kỹ năng. Phải nói đó quả là một thiết kế khá mới lạ, thông minh và hợp lý. Bắn tên, phi đao, vung kiếm, quật xích, hồi máu,v.v… trên thực tế chỉ có thể thực hiện được ở những vị trí khác nhau khi chiến đấu xảy ra. Việc thiết kế thế này biến chiến đấu trong Darkest Dungeon biến thành thứ câu đố gai góc nhưng quyến rũ bởi vị trí là thứ “lô đề” điển hình mà người chơi phải trải nghiệm. Có quá nhiều thứ tác động vào vị trí chiến đấu trong Darkest. Đó có thể là chính kỹ năng của nhân vật, hay đôi khi là kỹ năng của đối thủ. Cũng có khi có là vài cái xác ngáng đường khá “vô duyên” của kẻ thù.
Đừng có nóng lòng suy tưởng trong thích thú về chiến đấu trong Darkest. Nó là thứ hệ thống phức tạp và “cục súc” nhất mà tôi từng thấy. Hiếm có trò chơi nào thay vì khuyến khích người chơi sáng tạo Darkest bắt ép người chơi nó làm điều đó <Nếu bạn bỏ ra vài trăm nghìn để mua và chơi Darkest như 1 thằng ngáo ngơ thì hãy nhẹ nhàng bỏ qua những dòng này>. Tiết tấu chiến đấu trong D2 là thứ thay đổi liên tục. Chính vì thế Darkest thúc dục sự thay đổi, biến hóa liên tục về mặt chiến thuật của người chơi. Một trò turnbase xuất sắc là khi tính chiến thuật trong nó biến đổi nhanh chóng và đa dạng tạo nên những khoảng trống đủ để người chơi sáng tạo và phát triển lối chơi của mình liên tục. Darkest Dungeon thậm chí còn xuất sắc hơn thế khi nó không cần thêm nếm những cơ chế quá phức tạp và rườm rà.
Những cuộc chiến trong Darkest không hề nhàn nhã chút nào bởi nó đích thực là một cuộc đua. Khi mà mỗi lượt qua đi, nhân vật của bạn càng tiến gần đến vực thẳm không lối về. Thứ mà tôi nhắc đến không phải là những con quỷ hút máu dữ tợn, hay những sinh vật dãi dớt với hàm nanh sắc nhọn. Hay bọn cuồng tín tôn thờ một tay tà thần nào đó,v.v… Kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất trong Darkest mà người chơi phải đối mặt chính là NHÂN TÍNH của bản thân. Đó cũng là một trong những nét chấm phá mạnh mẽ nhất mà tôi khẳng định Darkest Dungeon là một GOTY đích thực.
Stress là đứa con cả của nhân tính. Tôi thú thực rằng mỗi trận chiến căng thẳng luôn gây ra stress. Hãy nhìn nhận 1 sự thật là mỗi trận chiến trong Darkest đều căng thẳng hết mức. Trận bình thường nào cũng như đánh boss vậy (thứ mà tôi hay đùa nhưng nói không ngoa nó đúng là thế!). Hơn nữa, xét đến bối cảnh của trò chơi, chúng ta là những kẻ lăn lộn trong những hầm ngục tối nhất, chết chóc nhất có thể, chiến đấu với lũ quái dị, những thế lực tà ác nhất với một cường độ kinh khủng… không stress mới là lạ. Thậm chí trong Darkest nó trở thành một cơ chế hệ thống và tấn công lên tinh thần của cả người chơi lẫn những nhân vật trong game mà chúng ta có.
Nếu là 1 tay giáo viên ngữ văn, tôi sẵn sàng cho “cậu học trò” Darkest Dungeon miễn kiểm tra môn này cả năm học (thậm chí cả khóa học nếu có thể). RedHook đã đưa vào vận hành ý tưởng thực tế vào game quá đỗi xuất sắc. Đó là ý tưởng về những cuộc chiến tranh thực tế xảy ra. Nó cho thấy có những vết thương thể xác và cao hơn là những vết sẹo về tinh thần không thể xóa nhòa trong những người lính sống sót trở về từ cuộc chiến. Những Tu viện, Nhà thổ, Quán rượu hay Nhà thương là những ý tưởng giải pháp khắc họa thực tế cho việc ta cần bỏ chi phí chăm sóc và chữa lành cho những cựu binh chiến tranh. Đó là đề tài hấp dẫn mà hơn chục năm qua, hiếm có game RPG hay turnbase nào diễn tả sâu sắc điều đó.
Mũi dao thứ 2 của nhân tính khá sắc nhọn mà cụ thể trong Darkest nó gọi là Affliction/Virtuous. Hệ quả của Stress tích tụ trong tâm trí của một người sẽ chuyển hóa dần thành đau khổ về cả thể xác, cảm xúc và hành vi. Affliction (tạm dịch là: thống khổ) đem lại sự trừng phạt khắc nghiệt nhất trong nhiều phương diện (cụ thể có thể kể đến sự suy giảm những thứ mà nó chắc chắn đưa bạn về con số 0 tròn trĩnh như: – stat, “trên bảo dưới không nghe”, pass turn,… đau đớn nhất vẫn là gia tăng stress của cả đồng đội). Virtuous (tạm dịch là: “lên đồng” hay bất khuất) là mặt trái ngược của Affliction đưa cho bạn một số lợi ích (ví dụ: + stat, +% heal, -stress, v.v…)
RedHook thực sự mô tả trần trụi về thứ được gọi là nhân tính của 1 con người (từ hiệu ứng gameplay cho đến những đoạn thoại mô tả cảm xúc và hành vi). Một chiến binh có nhiều năng lực kỳ lạ nhưng rốt cuộc anh ta vẫn là con người bằng xương bằng thịt, anh ta cũng có cảm xúc như chúng ta, cũng có can đảm mới có sợ hãi. Có cao thượng mới có ích kỷ. Có mạnh mẽ mới có yếu đuối. Có khí phách nên mới có tuyệt vọng.
Mũi dao thứ 3 trong nhân tính của Darkest là Light Mechanic (tạm dịch là: hệ thống ánh sáng). Từ thuở hồng hoang của con người, bóng tối đại diện cho cái chết, cho điều bí ẩn mà ta không thể hiểu được. Nỗi sợ ấy được di truyền qua từng tế bào, từng mã gen mà tổ tiên để lại cho hậu đại. Khắc chế hay là mặt đối lập của bóng tối, ánh sáng hay cụ thể hơn hình ảnh ngọn lửa đuốc trong Darkest là thứ hạt giống của sự sống, của hy vọng cứu rỗi nhân loại. RedHook đã đưa 2 thứ tuyệt vời này hóa thân vào trong thế giới Darkest một cách đặc sắc. Light mechanic là thứ cán cân hoàn hảo giữa sự sống và cái chết, giữa phần thưởng và rủi ro. Người chơi Darkest sẽ là người phải cân nhắc kỹ càng giữa năng lực và tham vọng của mình để sống sót và phát triển.
Darkest còn là bài toán mà người chơi phải đối mặt mỗi khi đến thời điểm hoàn thành nhiệm vụ (task) của mình. Chơi an toàn hay ở lại và lang thanh nốt những % còn lại trong map với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh để làm bản thân mạnh mẽ hơn trong những lần đi sau (nâng skill, trang bị, v.v…). Nhưng việc ở lại khác gì kiếm sống trên đầu lưỡi đao, lỡ chân một cái thì thiên đao vạn quả. Khi mà có những nguy hiểm khủng khiếp mà ta không thể gánh chịu đang ẩn núp phía trước hay khi Stress là lưỡi dao đang gần tiến sát đến cuống tim của bạn và tỷ thứ hắc ám chết chóc có thể đưa đoàn đội của bạn trở về hư vô.
Sống sót có thể là một ân huệ trong 1 game có độ khó challenge nhưng Darkest luôn biến nó thành một thứ chẳng đáng một xu. Khi mà nó để lại cho bạn 1 đội hình sống leo lắt như ngọn nến trước gió, què quặt như những ngọn lá cuối thu. Nó để lại một đội hình mỏng manh dễ vỡ trong cái thế giới hung tàn vô tận chỉ muốn nuốt chửng người chơi. Thú thực, hiếm có trò chơi nào làm cho tôi cảm thấy mỗi khi thất bại là một sự giải thoát, một niềm hạnh phúc.
Mọi thách thức và áp lực trong Darkest cũng trở nên dễ hiểu với những thiết kế của nó, đặc biệt là lũ AI hung tàn mà bạn phải đối mặt trong những hầm ngục. Những con AI chiến đấu được thiết kế theo một cách ghê gớm về ngoại hình (thứ mà lạy chúa tôi rất thích ở nó) đi kèm cùng với đó là những kỹ năng hiểm hóc với sự âm hiểm trong chiến thuật. Bạn sẽ nhận ra điều đó khi chú ý quan sát đến những đoạn thoại chế giễu hay tự than để đánh lừa về tình trạng của chúng. Đối với tôi, bất cứ trận đấu nào của Darkest cũng đều hung hiểm vạn phần và chẳng khác gì trận đấu trùm.
Darkest cho bạn thấy nhân tố gây ra sự hỗn loạn không phải thứ khác ngoài bản thân bạn. Lòng tham của bạn là thứ kích hoạt những nguy hiểm ẩn sâu trong Darkest. Darkest cho khẳng định một người chơi giỏi khi họ cân bằng tốt giữa năng lực tính toán và tham vọng của bạn.
Trải qua hàng loạt những trận huyết chiến, vượt ngàn những thứ sóng to gió lớn muốn nhấn chìm bạn, cuối cùng bạn trở về The Hamlet yêu dấu. Ơn giời! Một thành thị trong 1 game RPG turnbase + dungeon crawl là thứ xoa dịu những tâm hồn đau đớn, là nơi bạn tiêu những đồng tiền xương máu trong vui sướng và thích thú. Ôi những cửa hàng vũ khí với những món vừa đẹp đẽ lại uy lực, ôi những phép thuật hữu dụng. Một số game thậm chí tạo nên những cảnh đẹp đến mức “thôi chém giết làm gì, cứ ở đây cưới 1 cô vợ cho quên ngày đặng tháng”. Nếu tìm kiếm những thứ đó, bạn có thể Alt + F4 cái game củ >?./;!^#$& này. D2 là thứ máy xay thịt khủng khiếp. Hoặc là tiến lên hoặc là thất bại. Hiếm có thứ trò chơi nào tạo ra bầu không khí căng thẳng liên tục, các cuộc chiến làm người chơi không nghỉ lấy hơi được giây phút nào.
Hamlet là thứ chiến trường không dao không kiếm nhưng có thể đốn hạ những trái tim quả cảm nhất. Không cần sự hoa mỹ, Hamlet là nơi bạn dốc toàn bộ số tài nguyên xương máu của mình vào việc nâng cấp sức mạnh của bản thân cho đến khi đánh bại trùm cuối của trò chơi. Một Hamlet nhuốm màu thê lương, ảm đạm, mục rữa, tăm tối và đổ nát. Hamlet đang than khóc chờ những người hùng đến giải cứu nó.
May thay Hamlet vẫn là nơi che chở và nuôi dưỡng đấng cứu thế của nó. Chiều về là khi Hamlet vang lên những tiếng thổi bể và tiếng búa thợ rèn sẵn sàng nâng cấp những trang bị mạnh mẽ giành cho bạn. Ở một góc ngôi làng là nơi chiếc xe caravan bụi bặm cư ngụ ẩn chứa những tài năng mạnh mẽ với những kỹ năng siêu phàm. Nó còn là nơi những võ sư bí ẩn truyền thụ và huấn luyện những kỹ năng chiến đấu.
Hamlet còn là nơi chữa lành những vết thương – thứ dai dẳng theo đuôi bạn trở về sau những trận chinh chiến. Đó cũng chính là thứ thử thách làm nên sự hấp dẫn của Darkest. Trong trò chơi này, bạn không thể tạo nên một đội hình all-star được bởi những thứ như Stress hay quirk. Darkest Dungeon cũng sở hữu hệ thống lên cấp (đúng hơn nên gọi là rank up) không giống những trò cổ điển trong thể loại. Rank up giúp hero của bạn có sức mạnh lớn hơn, tiếp cận nhiều nâng cấp hơn nhưng cũng tước đi khả năng cày (farm) map của bạn. Khi mà rank của 1 hero quá cao so với map mà bạn chọn, anh ta từ chối nhiệm vụ đó vì sự chuyên nghiệp của mình (thật mỉa mai cho bọn nuôi ong tay áo!). Những cơ chế như vậy luôn làm tươi mới sự phát triển trong chiến thuật (theo một cách ép buộc khó chịu). Tại sao tôi lại ví Hamlet là cái máy xay thịt chạy không ngừng nghỉ? Bởi Hamlet là phiên bản mini của cuộc chiến về kinh tế. Khi mà độ khó trong Darkest không ngừng được nâng cao thì cuộc chạy đua về khả năng tối đã hóa lợi nhuận kiếm được trở nên “khó thở”. Một số Item bạn kiếm được trong game có những thuộc tính khuyến khích bạn khai phá nhân vật phát triển theo hướng build mới. Đó là thứ tạo nên chiều sâu của Darkest quá tốt. Và có khi từ “Darkest” không hoàn toàn là điều xấu xa… bởi đưa mọi vật về trong bóng tối, những kẻ can đảm cả về tinh thần lẫn trí tuệ mới có thể đi không ngừng nghỉ mà không quan tâm đến những thứ xung quanh. Điều đó cũng dễ hiểu khi tay Đăng già đầu say xỉn đưa câu hỏi “bạn đã hoàn thành được Darkest Dungeon chưa?” trong bài phỏng vấn tuyển dụng.
Giai đoạn chuẩn bị cũng là một hồi vũ môn trong Darkest. Trước tiên là là việc chọn đội hình 4 người. Lúc đầu khá đơn giản nhưng tiết tấu Darkest phát triển sau này có thể nuốt chửng bạn. Khi mà 1 số quirk được unlock có thể biến đội “Expandable” của bạn trở thành những thằng hề ngáng chân nhau không hơn không có. Thậm chí RedHook còn khốn nạn đến độ thêm thắt vào đó 1 số điều kiện đối lập vô hiệu hóa khả năng 1 số nhân vật ở cùng nhau trong 1 team (Crusader từ chối đồng hành với thứ hoang dại như Abnomition). Am hiểu tường tận về những gì mình có, phát huy điểm mạnh, che đậy, giảm thiểu điểm yếu, tạo nên những sợi xích liên kết bền chặt là một thành tựu khó đạt được trong Darkest.
Darkest Dungeon dạy cho tôi nhiều bài học. Nổi bật trong số đó là câu chuyện về sự chuẩn bị trước khi vào mỗi màn chơi trong Darkest. Trước tới nay tôi thường hay bô bô cái mồm và dè bỉu cái thứ “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Tôi đã phải thay đổi bản thân khi đụng phải con game Darkest này. Rốt cuộc chi ly quá trong một số trường hợp rất tốt. Nó trở thành một trong những phẩm giá tốt đẹp nhất trong trò chơi này. Từ những cái xẻng, chai thuốc giải độc, băng gạc, chìa khóa, nước thánh, thức ăn,v.v… Trong khi túi đồ chúng ta không phải cái túi thần kỳ của Doremon mà ngược lại nó rất hạn chế. Chọn quá nhiều thứ sẽ khiến chúng ta mất đi diện tích loot đồ trong dungeon. Cũng như khi hết slot, việc chọn hay bỏ thứ nào trở nên đắn đo hơn cả.
Có quá nhiều thứ phải tính toán trong Darkest Dungeon. Tôi cảm thấy bội phục RedHook sau khi trải nghiệm trò chơi của họ. Đưa càng nhiều yếu tố trong 1 hệ thống cơ chế thì rất dễ. Nhưng đảm bảo các yếu tố đó vận hành một cách xuất sắc và trơn tru trong một hệ thống đồ sộ là cả một thách thức. Đặc biệt là với những đội ngũ làm game Indie như RedHook. Đối với tôi, dường như Darkest không phải là một tựa game hành động mang yếu tố phiêu lưu cho lắm, nó giống một game giải đố hơn. Darkest tạo nên một vòng tròn giải đố từ rất nhiều giai đoạn (đi cảnh, Hamlet cho đến khâu chuẩn bị để lặp lại điều đó). Hãy nhớ đến những tuyên bố hùng hồn kiểu dạng “Bạn có thể thua một trận đánh nhưng sẽ thắng cả cuộc chiến”. Đừng áp dụng điều đó bởi Darkest là một tựa game hardcore trừng phạt hà khắc người chơi ngay từ những sai lầm nhỏ nhặt nhất. Tôi sẽ khuyên bạn một câu theo đúng chất Moba: “Đừng để Darkest lăn cầu tuyết bạn!”.
Đồ họa và Âm thanh
Sở hữu một gameplay phức tạp khá mượt mà và thách thức hoàn toàn không phải là thứ chiếm nhiều tình cảm của người chơi đến vậy. Đặc biệt là nếu xét về tiết tấu chiến thuật biến đổi khá gắt và sự yêu cầu thời lượng chơi dài có thể gây ra nhàm chán với thị hiếu người chơi hiện nay khi họ thiếu thời gian và muốn tìm những cảm giác nhanh chóng mà hấp dẫn. Đối với những người chơi lâu năm, một tựa game như Darkest cần những thứ khác xuất sắc ngoài gameplay như Art, Sound,… Và sự thật chứng minh RedHook làm nó tuyệt vời đến thế nào. Darkest sở hữu lối hoạt họa mang phong cách Gothic cổ điển với những nét vẽ đậm pha chút lốm đốm nhìn rất hay. Những nét mực của Darkest diễn tả cảnh vật và con người rất xuất sắc. Trong những bước đi rệu rã đầy u buồn và mệt mỏi của những người lính. Trong những nét sắc thái đau đớn, tuyệt vọng, lạc lối của nhân vật. Cũng có khi tỏa sáng lòng can đảm, trung trinh. Kết hợp với “50 sắc thái” là những đoạn thoại đơn sơ tạo nên những nét “nhân tính” cho nhân vật (điều mà tôi tìm kiếm nhiều trong những thể loại game này). Điều đó là nét chấm phá tạo nên những câu chuyện riêng cho từng nhân vật. Những chất liệu này không phải là thứ gì mới mẻ cho cam nhưng vào tay của những người nghệ sĩ như RedHook thì nó trở thành những tuyệt tác.
Cuối cùng là một chút ý kiến với những gì tôi thường gặp khi đọc về Darkest. Người ta thường phàn nàn quá nhiều về yếu tố RNG trong Darkest đạt đến đẳng cấp cục súc, nực cười và lố bịch. Cũng giống nhiều người khác tôi cảm thấy vậy. Bạn sẽ biết cái cảm giác 10 lần loot đồ liên tục gặp thứ quái ác hay như khi mở màn trận chiến đầu tiên ăn nguyên 4 cái crit làm con nhân vật buff máu của mình “cửu tử nhất sinh” nó khốn nạn nhường nào khi gặp Darkest. Đôi lúc Darkest làm tôi cảm thấy nó giống 1 trò accident simulator thì đúng hơn. Nhưng chẳng phải cuộc đời chúng ta đều sóng gió như vậy sao? Darkest thành công nhất khi nó đem lại cảm giác hấp dẫn, cái thứ cảm giác “Dù cho trong đêm đen tối tăm nhất, một bình minh tươi sáng đầy hứa hẹn đang vẫy gọi bạn” và dĩ nhiên bằng trí tuệ, bằng hy vọng, bằng nghị lực và sự can đảm. Darkest Dungeon là thứ khó khăn, mọi thứ thành công đều phải đánh đổi bằng và chỉ bằng thất bại, chết chóc. Nó là thứ hành trình tối tăm nhất trong bản thân mỗi con người, cơ hội vượt qua nó chỉ như lỗ kim. Nhưng chắc chắn cảm giác trải nghiệm và đánh bại nó sẽ là thứ ngọt ngào, ấm áp và tràn ngập ánh sáng nhất mà bạn từng được đến.
Tạm kết
Nói nhiều quá giờ chẳng biết viết gì thêm =)). Cảm ơn Hai Anh Nguyen đã GA con game mình thích từ rất lâu. Gửi một bài trình diện anh chủ quán Mai Hải Đăng vì lâu lắm không thấy mình. Chúc anh em hiệp sĩ có những giây phút “vui vẻ” cùng với Darkest Dungeon và hẹn gặp lại các bạn vào một ngày đẹp trời nào đó.