Tiếp nối sau thành công của Amnesia: The dark descent, Frictional Games đã tiếp tục phát hành Amnesia: A Machine for Pigs, đây là một horror-survival game được phát triển bởi The Chinese Room và được xuất bản bởi Frictional Games. Ban đầu chỉ là một dự án thử nghiệm nhỏ của nhà phát triển của The Chinese Room và về sau được phát triển lên thành một tựa game hoàn chỉnh như hiện tại, game là phần tiếp theo gián tiếp của Amnesia: The Dark Descent, được phát triển và sản xuất bởi Frictional Games và phát hành vào ngày 10/09/2013 (3 năm sau Amnesia The Dark Descent).
Sau 3 tiếng đồng hồ trải nghiệm và hoàn tất game, mình đã ngồi nán lại bên cái laptop và lướt trên internet để xem người khác đánh giá tựa game này như thế nào và theo những gì mình thấy thì tựa game này nhận được khá nhiều ý kiến không mấy tích cực, và nó khá là khiến cho mình hơi thắc mắc vì cá nhân mình trải nghiệm mình thấy đây là một tựa game cũng chất lượng và cốt truyện hay ho phết đấy chứ, phải chăng do mình quá dễ tính hay vì tượng đài Amnesia the dark descent đã quá lớn? Để trả lời những câu hỏi này có lẽ mình sẽ mổ xẻ tựa game này để xem nó có đáng bị chê như thế không và lưu ý rằng mình sẽ không spoil, còn nếu có thì chỉ một ít chi tiết nhỏ và đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến tính trải nghiệm của bạn sau này nên bạn có thể yên tâm đọc tiếp hen! 😀
Cốt truyện
Đầu tiên phải nói qua một chút về bối cảnh cốt truyện, Câu chuyện kì bí của Amnesia: A Machine for Pigs xảy ra vào những ngày cuối cùng của năm 1899 tại thành phố London. Người chơi sẽ vào vai Oswald Mandus, một nhà tư bản công nghiệp giàu có thời bấy giờ. Oswald đã nằm bất tỉnh trong căn biệt thự của gia đình mình trong một thời gian dài và giờ đây khi ông mở mắt tỉnh dậy thì ông không thể nhớ nổi bất cứ chuyện gì đã xảy ra khi ông cùng gia đình có chuyến đi tới Mexico. Rồi những tiếng gọi của hai người con trai đã liên tục đưa Oswald khám phá những khu vực khác nhau trong ngôi nhà của mình. Mọi chuyện bắt đầu có chuyển biến xấu đi khi Oswald nhận được cuộc gọi từ một nhân vật bí ẩn tự xưng là Engineer, cho biết hai con của anh đã bị mắc kẹt dưới một cỗ máy mà chính Oswald đã tạo ra, nằm sau ở lòng đất phía dưới căn nhà. Và cuộc hành trình cứu con bắt đầu, thế nhưng mọi chuyện dường như còn nhiều điều bí ẩn chưa được giải đáp. Sự thật về con người của Oswald, những việc ông ta đã làm, là thiên thần hay ác quỷ, là một nhà tư bản bình thường hay một kẻ điên với những ý tưởng man rợ, tất cả sẽ khiến cho người chơi phải bất ngờ khi nó dần dần được làm rõ.
Gameplay
Về mặt gameplay, người chơi sẽ điều khiển Oswald di chuyển dưới góc nhìn thứ nhất, tìm kiếm khắp căn biệt thự những mảnh kí ức bị bỏ quên được lưu lại dưới dạng các mẩu ghi chú, những trang kí sự hành trình hay đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với một người đàn ông bí ẩn, kẻ có thể đã bắt cóc và giam giữ hai đứa con trai của ông bên trong nhà máy. Ban đầu là trong khuôn viên căn biệt thự và rồi dần về sau sẽ qua các môi trường khác như nhà kho bị bỏ hoang và một cơ sở khoa học nằm sâu bên dưới lòng đất – nơi đầy rẫy những nguy hiểm đang chực chờ. Tuy nhiên, nếu người chơi đã từng có kinh nghiệm với The Dark Descent thì họ sẽ nhận ra rằng A Machine for Pigs không hề khó như phiên bản tiền nhiệm của nó bởi một số cơ chế thú vị đã bị lược bỏ. Điều dễ thấy nhất đó chính là về cây đèn cầm trên tay, thay vì sử dụng cây đèn dầu khiến người chơi luôn phải trong tâm trạng lo lắng đến lượng dầu ít ỏi chứa trong đèn bị cháy hết như phần tiền nhiệm, giờ đây Oswald lại sử dụng một cây đèn chạy bằng điện nên người chơi không phải lo lắng bị hết nhiên liệu, điều cần làm chỉ là bật/tắt đèn đúng thời điểm để tránh gây thu hút sự chú ý với những con quái vật trong game mà thôi. Điều này có thể là điểm trừ với một số người vì nó giảm đi độ khó của game.
Cơ chế cầm nắm, xoay và ném đồ vật với nền vật lý ấn tượng của game vốn đã tạo nên sự độc đáo và thương hiệu của Frictional game vẫn được giữ lại. Nhưng giờ đây lại lược mất cơ chế nhặt vật phẩm và cất trong túi đồ dùng cho mục đích giải đố, thay vào đó người chơi lại nhặt vật phẩm và đem mang đi sử dụng trực tiếp để giải những câu đố trên đường đi – điều này lại một lần nữa khiến cho game trở nên dễ hơn vì đôi khi câu trả lời lại nằm ngay trước mắt, người chơi chỉ việc cầm lên và đem lắp vào mà thôi.
Bên cạnh đó, thanh đo sự hoảng loạn của nhân vật vốn đã từng gây ấn tượng tốt và là một trong những đặc điểm đáng nhớ nhất của Amnesia cũng đã bị lược bớt trong phần game này. Giờ thì việc nhìn trực diện vào con quái vật sẽ không còn khiến màn hình chao đảo, âm thanh bị biến điệu và nhân vật cũng sẽ không lăn ra chết vì quá đỗi sợ hãi nữa. Cái chết sẽ chỉ xảy đến với nhân vật nếu người chơi bất cẩn không chịu tắt đèn và tiếp cận quá gần với con quái vật nửa người nửa lợn mà thôi.
Âm thanh và đồ họa
Tuy nhiên bù đắp lại những lỗ hổng đó thì game có âm thanh và nền đồ họa nâng cấp hơn khá ấn tượng. Về mặt âm thanh, game không cần sử dụng những màn jumpscare hù dọa rẻ tiền mà vẫn làm tốt khi thiết lập nên một không khí yên ắng chết chóc với nguy hiểm chực chờ, người chơi sẽ luôn trong trạng thái bất an và không biết điều gì sẽ xảy đến với mình. Đôi khi có tiếng rít của gió, tiếng sập cửa, tiếng trẻ em khóc, tiếng lợn thét lên trong đêm tối đủ để khiến bạn giật bắn mình. Còn về mặt đồ họa, game có một bước tiến so với người đàn anh tiền nhiệm, không còn là những mô hình thô sơ mà giờ đây game đã cho chúng ta thấy một tòa biệt thự ở London cuối thế kỉ 19 uy nghi tráng lệ một cách bóng bẩy, chi tiết. Các dãy hành lang trong khu nhà máy giết mổ, người chơi có thể thấy các loại đường ống hơi nước phun phì phì, những chiếc máy kì lạ được chế tạo để phục vụ cho công nghiệp và đâu đó là những vệt máu loang trên mặt đất, bắn lên thành ống, tất cả đều rất chân thực và chi tiết. Tất nhiên nếu so sánh với thời điểm hiện tại thì có thể như vậy là chưa thật sự xuất sắc nhưng so với một tựa game ra mắt vào 2013 thì như vậy đã là quá tốt!
Có thể những hạn chế, những sự lược bỏ như vậy có thể sẽ là điểm trừ đối với những ai là fan gạo cội của Amnesia, nhưng nếu không so sánh với chiếc bóng của người đàn anh, mà chơi với một tâm trạng thoải mái và là một game survival-horror độc lập (vốn dĩ game này được phát triển bởi The Chinese Room chứ không phải đơn thuần là Frictional Games) thì Amnesia A Machine For Pigs vẫn là một tựa game chất lượng và đáng để trải nghiệm với một cốt truyện hấp dẫn có chiều sâu, một môi trường kinh dị đầy chết chóc bằng nền đồ họa nâng cấp cùng với mảng âm thanh chân thực đầy sự hiểm nguy và bất an. Ngay cả phần lồng tiếng cũng được thực hiện rất tốt, nếu không muốn nói là tốt hơn rất nhiều so với Dark Descent. Không còn là một Daniel suốt cả game không thốt ra một lời nói nào, giờ đây đến với nhân vật Oswald, ông luôn nói chuyện và tương tác với nhân vật Engineer bí ẩn suốt cả game. Những yếu tố bị lược bỏ của game tuy rằng có thể giảm đi độ khó nhưng lại không quá thực sự ảnh hưởng đến trải nghiệm, và giờ đây người chơi có thể tập trung vào việc tìm hiểu cốt truyện nhiều hơn. Những màn rượt đuổi vẫn căng não và tốn mồ hôi phết, mỗi lần thấy chiếc đèn cầm trên tay bị nhấp nháy chập chờn là biết sắp sửa lên thớt rồi, lo cong đuôi mà chạy trốn :(((. mình chơi game này lúc 12h30 đêm và thực sự đó là một trải nghiệm vừa sợ hãi nhưng lại vừa thú vị :D.
Lời kết
Amnesia: A Machine for Pigs vẫn là một tựa game chất lượng, đáng chơi và không đáng nhận chỉ trích nhiều như vậy, game không vì lược bỏ các yếu tố cũ mà giảm đi độ hấp dẫn. Ở khía cạnh trải nghiệm, nó vẫn mang đến cảm giác sợ hãi và những câu đố có phần đơn giản hơn và một câu chuyện hấp dẫn. Với những ai không xem đây là phần tiếp theo của Dark Descent và muốn trải nghiệm kinh dị sinh tồn đáng sợ cùng với một cốt truyện hấp dẫn, Amnesia: A Machine for Pigs thực sự là một tựa game đáng chơi!
À và hơn hết là anh em nhớ thực hiện tốt 5K, ra đường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, bình tĩnh phòng chống dịch và đợi chỉ thị của Chính Phủ nhé! Tầm này ở nhà cày game chống dịch thôi các bro à! 😀