DEEMO -Reborn-: Bình mới rượu cũ hay là sự lột xác hoàn hảo

Khách quen

  

Nhớ lại những ngày học cấp 2, cụ thể là năm tôi học lớp chín, má tôi được ba mua tặng cho cái điện thoại Samsung J7 mới cóng. Hồi đấy mê lắm vì phần cứng của nó mạnh hơn hẳn so với cái máy đầu tiên của Trung Quốc, chơi nào là Shadow Fight 2, BADLAND, Dead Trigger 2,… Tóm chung là toàn những trò xịn xịn thời bấy giờ, nhưng mà phải miễn phí vì hồi đấy làm gì có tiền mua game. Thèm chơi game quá nên tôi mới vọc vạch, tìm hiểu đủ kiểu để rồi biết đến Root máy, đại khái giống như một kiểu crack hệ thống điện thoại để mua game trên Google Play mà không tốn tiền (thật ra còn làm được nhiều trò khác nhưng mà hồi đó Root máy chỉ để mua game linh tinh). Trùng hợp thay, con game đầu tiên tôi Root lại chính là DEEMO. Với lối chơi đơn giản mà dễ gây nghiện cùng những bản nhạc mà khiến những thằng mê nhạc như tôi phải điêu đứng, ngay lập tức DEEMO đã trở thành một trong những tựa game yêu thích nhất của tôi. Tôi chơi nó một cách say mê, thức đến gần sáng chỉ để cố đạt full combo của bài hát yêu thích, thậm chí lén mẹ đem điện thoại lên trường chỉ để chơi game lúc nghỉ giữa giờ. Tôi chìm đắm trong thế giới cổ tích và tràn đầy âm nhạc của DEEMO.

Mất chính xác 6 năm 8 ngày để hậu bản của DEEMO được phát hành ra công chúng, hay nói đúng hơn là một phần làm lại của tựa game trước đó mang tên DEEMO -Reborn-. Sở dĩ có sự chậm trễ này là do chính bản thân tựa game gốc đã quá xuất sắc. Đây là tựa game âm nhạc với lối chơi đơn giản nên nhà phát triển Rayark chỉ cần thêm vào những Album mới, giữ nguyên gameplay sẵn có là đã có thể tiếp tục kiếm tiền. Họ không có lí do gì để ra mắt phần tiếp theo. Cho tới khi họ nhìn thấy tiềm năng của tựa game trên những hệ máy khác, thực tế ảo (VR) và PC. Vậy DEEMO -Reborn- có phải chỉ đơn giản là một tựa game làm lại, một “Bình mới rượu cũ” hay là tựa game đã thực sự chuyển mình, tái sinh theo đúng như tên gọi của nó? Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết này.

Phím nhạc cùng những câu đố

Ngày trước, tôi hay chơi DEEMO trong lớp học, hai ngón trỏ tôi lướt trên mặt phím, nhẹ nhàng thanh tao tựa như một nghệ sĩ piano thực thụ, mấy thằng bạn trong lớp nhìn tôi múa may màn hình mà cũng thấy cuốn, rồi cũng chơi. Gameplay của DEEMO đơn giản, game chỉ có đúng hai việc là bấm xuất hiện thanh trắng và vuốt khi có những thanh vàng xuất hiện. Sự đơn giản ấy được giữ nguyên trong bản làm lại, đặc biệt không thay đổi nhiều trên bản VR. Hai tay cầm của VR Playstation đóng vai trò như hai tay, vẫn là gõ khi phím trắng và trượt khi phím vàng. Còn trên bản pc thì tựa game đã có sự thay đổi sao cho phù hợp với bàn phím. Thay vì tương tác trực tiếp với màn hình như điện thoại hay tương tác không gian như thực tế ảo thì với PC, chúng ta sẽ gõ sáu phím lần lượt từ trái sang phải là S D F và J K L còn những phím trượt sẽ được thay thế bằng một phím duy nhất là Spacebar. Chính sự thay đổi này góp phần tạo nên độ khó cho game khi trên thực tế, chơi bằng tám ngón thì khó hơn nhiều so với chơi bằng hai ngón, nhưng cũng vì thế mà game đem lại cảm giác như ta đang trở thành một nghệ sĩ Piano thực thụ.

Gameplay trên PC

Ở bản cũ, khả năng tương tác với môi trường xung quanh của game là rất thấp, game chỉ đơn giản là chạm vào mọi thứ và xem coi chuyện gì sẽ xảy ra, người chơi hoàn toàn bị giới hạn sau màn hình điện thoại. Tiếc thay cho bản VR của game là nó vẫn không thể khắc phục nhược điểm này. Sở hữu một công nghệ tiên tiến cùng khả năng tương tác cao, DEEMO -Reborn- vẫn cố định người chơi vào một góc và di chuyển nhân vật bằng cách chỉ định điểm đến, chúng ta không được nhập vai vào nhân vật mà giống như ta là một người thứ ba ở đó quan sát sự việc, khiến cho bối cảnh được xây dựng trong game mất đi phần nào sự cuốn hút. Rất may cho bản PC là nó đã khắc phục được nhược điểm này, cho phép chúng ta điều khiển và ngắm nhìn thế giới trong game dưới góc nhìn của nhân vật

Khả năng tương tác trong game là tốt hơn rất nhiều so với phiên bản cũ, khi mà giờ đây chúng ta nhiều thứ để tương tác, nhiều câu đố được đầu tư kĩ lưỡng với độ khó tăng dần thử thách khả năng giải đố của người chơi. Việc lật mở từng trang sách, tủ đồ để tìm đồ vật, hay bật tắt đèn để làm lộ thông điệp ẩn là điều chưa từng có ở tựa game trước. Chính sự tỉ mỉ này làm tăng tính hấp dẫn của game cũng như gợi mở cho ta những ẩn ý về cốt truyện của tựa game vốn đã bí ẩn ngay từ những giây phút đầu tiên.

Những gợi ý về cốt truyện được tìm thấy rải rác.

Đắm chìm trong thế giới thần tiên

Deemo vốn là một game nổi tiếng không chỉ vì âm nhạc mà còn vì phong cách nghệ thuật của game. Thế giới trong game như được tạo ra từ những câu truyện của studio Ghibli. Bối cảnh trong game là một toà lâu đài, nơi mà có thể đem so sánh với toà lâu đài của Howl trong Howl’s Moving Castle về khoảng kì lạ. Hình ảnh cái cây ngày một lớn lên hay cả một rừng hoa anh đào trên sân thượng đã in sâu vào trong tâm trí của mình, và khi tựa game được chuyển thể thành 3D thì mình lại càng ấn tượng hơn nữa. Tất cả những điểm về mặt đồ hoạ của game đều được cải thiện một cách đáng kể, khiến đây là điều làm mình ấn tượng nhất trong lần chơi lại này. Một sự lột xác hoàn hảo.

Cutsceen cũng là một điểm cộng đáng chú ý của lần làm lại này. Toàn bộ Cutscreen được làm lại dưới định dạng 3D, cộng thêm bổ sung nhiều Cutscreen cho những câu đố khiến tựa game có thêm chiều sâu cả về cốt truyện và nghệ thuật. Cuối cùng không thể không nhắc đến giọng lồng tiếng của nhân vật, nếu trong tựa game gốc tất cả chỉ được thể hiện qua những đoạn hội thoại, thì giờ đây nó đã được lồng tiếng rất tốt, cho ta thấy nhà phát triển đã có sự đầu tư hơn cho phiên bản này.

Đồ hoạ trong game được làm rất chỉnh chu.

Câu truyện cổ tích thơ mộng nhưng đượm buồn

Là một đứa mê mẩn tựa game đến nỗi phải lần mò trên khắp các trang wiki trên mạng để có thể đọc và hiểu được hết toàn bộ những cốt truyện, ẩn dụ trong game, có thể nói rằng cốt truyện trong game tuy không ấn tượng bằng, nhưng thông điệp truyền tải của nó lại gần gũi và dễ đồng cảm hơn nhiều. Chúng ta có Lanota với hành trình đi giải cứu vùng đất đang chết dần và đem lại sự sống bằng những giai điệu, hay với Cytus là câu chuyện về những cỗ máy chứa đựng kí ức con người sau thảm hoạ hậu tận thế, thì Deemo đem đến cho ta một câu chuyện về sự mất mát và học cách chấp nhận nó để có thể tiếp tục sống.

Khởi đầu tựa game là một sinh vật kì lạ hình người đang ngồi chơi Piano, bỗng từ trên trời, hay đúng hơn là khung cửa sổ trên trần nhà, một bé gái rơi xuống tựa như lông vũ. Sinh vật lạ giang tay đón lấy cô bé và từ đó ta được biết cô bé chính là nhân vật chính. Cô không biết cô là ai, đến từ đâu, không một chút kí ức về quá khứ. Cô nhận ra rằng có một chồi non nhỏ mọc ra từ phía sau cây đàn Piano và lớn dần nhờ vào âm thanh phát ra khi sinh vật kia chơi nhạc. Chồi non lớn lên thành một cái cây rất to, hướng về phía cửa sổ, mở ra một cơ hội cho cô bé về nhà. Trong khoảng thời gian ở nơi kì lạ này, cô làm quen với những cư dân nơi đây bao gồm sinh vật kì lạ mà cô gọi là Deemo và người phụ nữ đeo mặt nạ bí ẩn. Xuyên suốt quá trình chơi, chúng ta sẽ được liên tục được gợi ý về quá khứ của cô bé thông qua việc khám phá môi trường trong game, cho chúng ta những thông tin cần thiết để ghép những mảnh ghép rời rạc thành một bức tranh hoàn chỉnh, để rồi khi mọi thứ đã sáng tỏ khiến ta vỡ oà trong nước mắt khi những phân cảnh cuối cùng khép lại với cái kết buồn vui lẫn lộn.

Âm nhạc, linh hồn của tựa game

Cuối cùng, âm nhạc, linh hồn của tựa game. Tại sao linh hồn của tựa game nhưng lại được nói ở gần cuối. Mình phải thừa nhận rằng, trong bản game lần này, thứ ấn tượng mình nhất không còn là những bài nhạc mà là gameplay và đồ hoạ. Nói như thế không phải vì nhạc game lần này làm không tốt mà ngược lại, sự đầu tư của nhà phát triển vào linh hồn của tựa game xứng đáng được ghi nhận.

Điểm cộng lớn nhất phải kể đến đó chính là những kho nhạc đồ sộ với gần 100 bài với đủ mọi thể loại từ Orchestra, Classic cho đến Rock, Pop, nhạc điện tử,… và sẽ tiếp tục được cập nhật thêm. Đáng khen cho đội ngũ làm game đó chính là việc họ không chỉ đem những bản nhạc hay nhất từ phần game cũ trở lại mà họ còn remix nó lại, biến trải nghiệm âm nhạc trong Deemo vừa hoài niệm, vừa mới lạ. Tuy nhiên, việc remix những bản nhạc này cũng có điểm bất lợi của nó, đó là khi chúng ta không thích những bản làm lại của chúng mà mong muốn được chơi bài nhạc gốc. Giá như Rayark chấp nhận đem cả bản cũ vào và cho phép người chơi tự thay đổi sao cho phù hợp với sở thích, thì lại tuyệt vời hơn biết nhường nào.

Đến giờ, mình vẫn ngồi vừa viết, vừa nghe nhạc game, cảm giác như được đưa vào một thế giới khác, một thế giới riêng tư chỉ có mình tôi biết. Bài Dream, bài nhạc đầu tiên trong game, lần đầu tôi nghe thật sự không quá ấn tượng, không bằng những bài như Wings of piano, hay Reflection, cảm giác hai bài này có phần thơ mộng, fantasy hơn. Lớn lên một chút, nghe lại Dream, tôi chợt nhận rằng “Ồ, đây mới chính là siêu phẩm này”. Dream cho tôi cảm giác như một người nghệ sĩ nghèo, sống trên tầng ba của một căn nhà cấp bốn cũ kĩ, với Piano và dương cầm, âm thanh du dương phát ra từ khung cửa sổ của tôi bay đi khắp mọi ngóc ngách của con phố đông đúc bận rộn bên dưới, làm dịu đi sự xô bồ mệt mỏi của thế giới ngoài kia, tận hưởng niềm vui được sống, được đắm mình trong khoảnh khắc này.

Những gì còn lại

Là một Fan cứng của dòng game, bài viết này của mình là những suy nghĩ, những nhận định của mình sau khi hoàn thành DEEMO -Reborn-, là những gì còn lại sau một cuộc hành trình đáng nhớ. Bản làm lại chưa thật sự hoàn hảo, đặc biệt là bản VR, khiến game bỏ lỡ mất cơ hội để đem lại cho người chơi một trải nghiệm game mới mẻ và độc đáo. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận được rằng, game là một bản làm lại hoàn toàn xuất sắc. Khắc phục hoàn toàn những điểm yếu của phần game trước đó và kế thừa toàn bộ những tinh hoa của phiên bản trước, Rayark đã nâng tầm để tái sinh thành một phiên bản tốt hơn đúng với tên gọi của nó, DEEMO -Reborn-.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện