Corona, ở nhà và chơi game Mobile cũ

Khách quen

  

Đã gần ba tháng kể từ ngày con virus Corona bùng phát và làm “bấn loạn” và “chao đảo” cả thế giới, gây ra một kì nghỉ tết dài nhất trong lịch sử Việt Nam (đồng thời cũng làm bay màu luôn mùa hè 2020, và cả việc ôn thi tuyển sinh nữa). Đối với những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng khách sạn, thì đây là cơ hội tuyệt vời để họ trau dồi khả năng lên kế hoạch lâu dài, khả năng chống chịu, vì có lẽ thực đơn hàng ngày của họ sẽ có rất nhiều hảo hảo trong đấy, thay vì phở và những món ăn thường ngày. Còn với những học sinh như chúng em, ngoài việc hàng ngày tự giác ôn luyện, học hành đầy đủ, chuẩn bị cho kì thi quốc gia sắp tới, thì đây còn là lúc để chúng em có thể giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, mà điển hình nhất là chơi game (và viết bài trên HSBT). Vậy thì câu hỏi ở đây là chơi game gì? Sau đây sẽ là những tựa game Mobile cũ mà hay mà em nghĩ là sẽ rất phù hợp để giết thời gian trong khi chờ có thông báo cách ly.

Nhưng mà, tại sao lại là game Mobile cũ? Câu chuyện là, dạo gần đây em như bị “bội thực”, nói hẳn ra là chán chơi game ấy, em nghĩ một phần là mình chơi nhiều quá rồi nên là cũng hơi ngán, một phần là vì có cảm giác như những tựa game mobile gần đây nó khá là giống nhau, đặc biệt là những game cày cuốc, em không nói là nó tệ, chỉ là so với một thằng như em thì em thích một cái gì đấy nhẹ nhàng hơn. Theo em, một tựa game Mobile hay là một tựa game làm ta thấy vui, thấy giải trí khi chơi, nhưng cũng đủ thử thách để ta vận dụng hết kĩ năng của mình, như thế là đủ. Vậy nên, những tựa game em giới thiệu dưới đây sẽ mang những tiêu chí sau: Game Mobile, cũ (em sẽ cố tìm những trò ít người biết một chút để tránh việc mọi người đã biết đến tựa game ấy từ trước), đa phần sẽ là game offline để phòng trường hợp thảm họa dịch bệnh xảy ra toàn cầu khiến đường truyền internet bị đứt và mọi người không chơi game được. Và chúng ta sẽ đến với tựa game đầu tiên, như thường lệ, nếu thấy bài viết này hay và bổ ích, xin hãy để lại một tim, follow, và share trên fanpage Hiệp Sĩ Bão Táp để tạo động lực cho người viết… (em đùa thôi, đừng)

  • Only One

Được phát triển bởi Ernest Szoka, nhà lập trình game indie, người đã làm việc trong suốt 3 năm để tạo ra tựa game indie cực kì ấn tượng này. Ta sẽ đóng vai vào một người vô danh xuất hiện trên một cột đá giữa trời, và nhiệm vụ duy nhất đó là chiến đấu và trở thành The Only One. Là một game Action Hack’n’Slash, Only One đề cao yếu tố gameplay, thiết kế nhân vật, quái và môi trường trong game. Kẻ thù trong game là cực kì đa dạng, từ những tên lính cầm kiếm, cầm cung, mạnh hơn chút thì trang bị thêm khiên và cầm búa, đến những con quái vật như Skeleton, Slime, hay phù thủy. Cách chiến đấu trong game rất đa dạng, bộ kĩ năng phong phú (sẽ phong phú hơn nếu bỏ thêm tiền) giúp ta có thêm nhiều cách để tiêu diệt kẻ thù như ngoài chém hay đốt chúng thì ta có thể hất chúng ra sàn đấu (và ngược lại chúng cũng có thể hất ta ra ngoài). Nhưng để có thể giết kẻ thù thì thật không dễ dàng, bởi chúng có thể đỡ đòn đánh của ta bằng kiếm, bằng khiên, húc ta ra khỏi sàn đấu và nhiều cách nữa để bán hành cho người chơi.

Tiện nói về việc bán hành, ta hãy xem qua về cách thiết kế level của game. Có tổng cộng 100 level, mỗi level đều rất cân bằng. Có màn sẽ dùng thịt đè người, cũng có màn sẽ thả vào những con quái chất lượng để bón hành người chơi, cũng có những lúc yếu tố môi trường như sàn đấu rung lắc cũng có thể giết chết cả một quá trình leo tháp. Nhưng đừng lo, cứ mỗi 10 level sẽ có một con trùm, đánh bại con trùm và ta sẽ được lưu game. Những con trùm trong game tuy không khó nhưng cũng là đủ để người chơi nhớ đến nó. Ngoài ra game còn có hệ thống class nhân vật (có lẽ khá hay nhưng em chưa có cơ hội trải nghiệm), có nhiệm vụ để người chơi cày tiền và một vài chế độ chơi khác. Điểm trừ duy nhất của game đó là việc soundtrack chưa thật sự ấn tượng, nhưng đấy giống như là một chấm đen bé tí trong cả một bức tranh đã hoàn hảo (mà cả một tựa game này chỉ do một người làm, so). Vậy nên, hãy cho nó một cơ hội để thử thách ta và xem liệu ta có đủ sức để trở thành The Only One hay không.

  • Pewdiepie: Legend of the Brofist

Nhắc đến cái tên PewDiePie, người ta nghĩ ngay đến vị trí số 1, ông hoàng của Youtube với lượng Subcriber khổng lồ. Và Felix (chính là Pewd) đã hợp tác với nhà phát triền game đến từ Canada là Outerminds để tạo ra tựa game về chính anh ấy. Pewdiepie: LotB là một game phiêu lưu-hành động 2D cuộn cảnh màn hình ngang (2D side-scolling action-adventure platform) với một cố chuyện nhí nhố nhưng cũng không kém phần đáng yêu, một nền đồ họa bắt mặt, gameplay đơn giản dễ làm quen nhưng cũng không kém phần thử thách và đặc biệt, dàn lồng tiếng cực đỉnh bao gồm: chính Pewdiepie, Cutiepie (Mazia, vợ của Felix), các youtuber nổi tiếng khác và cũng là bạn của Felix là Markiplier, Jacksepticeye, Cryaotic, CinnamonToastKen.

Game bắt đầu khi vào một ngày cực kì bình thường, Pewd nhận ra toàn bộ view và sub của anh bỗng bay màu chỉ trong chớp mắt, thủ phạm không ai khác chính là lũ Barrel, kẻ thù truyền kiếp của Pewd. Chính lũ Barrel đã hack mất số view và sub của Pewd và lấy luôn cả Legend of the Brofist, thứ mà Pewd cũng chả biết nó là cái vẹo gì. Ngay sau đó, chúng tấn công vào nhà anh, khiến anh phải ôm hai bé Pug là Edgar và Maya để bỏ chạy, và hành trình của anh từ đấy bắt đầu. Cốt truyện game tuy có phần đơn giản nhưng nó vẫn có sự thú vị nhờ vào sự hài hước và rất rất nhiều reference đến từ những video trước của anh. Có điều nếu không phải là Fan của Pewd thì có lẽ những thứ trên sẽ phản tác dụng, tại vì đơn giản là chúng ta sẽ không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra. Cách chơi của game cực kì đơn giản, chỉ là di chuyển và nhảy, người chơi sẽ làm quen rất dễ dàng. Game có một hệ thống class nhân vật là chính những Youtuber, mỗi người sẽ có cho mình một kĩ năng giống với hình ảnh của họ.

Không chỉ thế, các youtuber cũng có cho mình những pet và skin riêng cực kì đáng yêu. Thiết kế kẻ địch và màn chơi cũng rất ấn tượng, từ những con Barrel với đủ loại, đến những con chim, khủng long và cả hươu cao cổ cầm sniper. Chúng ta sẽ phải chiến đấu trên giao lộ, đường hầm, trên tàu vũ trụ,…

Tất cả sẽ tạo nên một trải nghiệm cực kì đáng nhớ. Game cũng có rất nhiều chế độ chơi khác nhau và có cả chế độ coop để có thể chiến cùng người yêu (nếu không có thì là bạn bè, nếu không có nữa thì chơi một mình, cũng được). Pewdiepie: LotB là tựa game hoàn hảo dành cho tất cả những fan, những người yêu quí Pewdiepie. Game hiện đang có mặt trên iOS và cả Android và cả Steam, trên Android là 112 nghìn đồng giảm còn 22 nghìn, lúc viết bài này (and that are great price).

  • The Battle of Polytopia

Là một sản phẩm đến từ nhà phát triển Midjiwan, phát triển cho iOS và Android vào năm 2016. Khác với những tựa game kể trên, đây là một game chiến thuật theo lượt kiểu ô vuông 4X (4x turn-based world building strategy game). Người chơi sẽ được xây dựng một đế chế vĩ đại thật sự từ một trong mười lăm bộ tộc khác nhau (mở khóa bằng vnd).

Bị thiếu mất ba bộ tộc đặc biệt

Mỗi bộ tộc lại có cho mình một điểm mạnh, điểm yếu riêng mà do đó chiến thuật cũng thay đổi dựa theo. Nhà phát triển game đã rất tì mỉ trong việc thiết kế các bộ tộc khi mà mỗi tộc điều mang một hình ảnh rất đặc trưng như: xin-xi mang nét của quân đội samurai, và các tòa thành mang đậm nét Á Đông, Imperius thì là lính La Mã, các spartan, Bardur thì là những chiến binh Viking, con người Bắc Âu. Không những thế ta còn có những tộc đặc biệt như Aquarion là người cá, một bộ tộc Elf không viết được tên và Polaris là người tuyết, chứng tỏ thế giới trong game rất đa dạng. Người chơi sẽ học cách chiếm cứ điểm, tích trữ tài nguyên, tận dụng địa hình môi trường để xây dựng thành lũy quân đội. Tài nguyên quan trọng nhất trong game chính là sao (star). Các star được dùng để nâng cấp thành phố, mua quân, nâng cấp quân,… Cứ sau mỗi một turn thì người chơi sẽ nhận được số sao nhất định, số sao này sẽ tăng lên mỗi khi người chơi đánh chiếm một thành phố mới. Mỗi tộc còn có cho mình một skill tree khác nhau, gồm các kĩ năng như leo núi, câu cá, trồng cây, cưỡi ngựa, chiến đấu,… Tất cả những thứ trên là để chuẩn bị cho việc đi đánh chiếm kẻ thù.

Game có rất nhiều chủng lính, từ bộ binh, cung thủ, kị binh, xe pháo và cả thuyền chiến,… Ngoài ra hệ thống sương mù trong game còn bắt game thủ phải suy nghĩ thật kĩ càng trước khi quyết định nước đi tiếp theo của họ. AI của game cũng không phải là dạng vừa khi sẵn sàng bón hành cho người chơi chỉ với một nước đi sai lầm. Chiều sâu của game là cực kì ấn tượng và không thể nào cảm nhận hết cái hay được. Game còn có chế độ Multiplay kiểu “pass to play” và chế độ qua mạng để thoải sức chiến nhau với bạn bè. Vì thế nếu mọi người đang tìm kiếm một game chiến thuật hay thì The Battle of Polytopia chắc chắn là một game không thể bỏ qua.

  • Dynamix


Dòng game Rhythm chưa bao giờ hết hot với một lượng lớn game thủ, bằng chứng là hàng năm vẫn luôn có những tựa game mới được sinh ra. Thế nhưng phần lớn trong số đó điều có gameplay và âm nhạc cực kì nhạt nhòa, hai thứ quan trọng nhất của một tựa game Rhythm, còn những game tốt thật sự rất ít. Thế nên, những tựa game cũ luôn là một sự lựa chọn tuyệt vời, đặc biệt là khi game luôn được update thường xuyên, và Dynamix là một tựa game như vậy. Được phát triển bởi C4Cat Entertainment Limited, nhà phát triển game đến từ Hong Kong và ra mắt trên Google Play và iOS vào năm 2014. Bên cạnh những người đàn anh Cytus, Deemo, Dynamix không hề tỏ ra kém cạnh chút nào khi luôn có cho mình một lượng fan hùng hậu, một trang fandom chuyên cập nhật những thông tin mới, và hàng loạt những đánh giá tích cực từ người chơi.

Để làm được như vậy, Dynamix đã tạo ra gameplay thử thách người chơi rất nhiều, và một phần âm nhạc mang đậm chất riêng. Cũng là gameplay rất thường, một thanh ngang ở dưới, những nốt nhạc sẽ rơi từ phía trên xuống và ta phải bấm nó đúng lúc, đôi khi là những nốt bắt người chơi phải giữ và kéo. Dynamix đã cải tiến nó thêm một chút khi cho vào đó 2 thanh ngang ở hai bên màn hình, những nốt nhạc sẽ xuất hiện ra ở giữa màn hình và chạy sang 2 bên, tổng cộng là 3 phía, nâng thử thách của game lên rất nhiều. Thêm vào đó là có nhiều loại nốt nhạc khác nhau, như nốt kéo, nốt giữ,… Khiến cho việc đạt được 100% bài nhạc ở level cao còn khó hơn là đánh boss game soul. Thế nhưng vẫn có những game thủ tay đủ to và sẵn sàng phá đảo mọi bài nhạc, điển hình là trường hợp dưới đây.

Âm nhạc trong game rất đa dạng thể loại, nhưng mà đó là kiểu nhạc điện tử của thể loại đó. Chúng ta có rock, pop, jazz được phối theo âm hưởng nhạc điện tử, edm, và rất nhiều thể loại chưa từng nghe đến bao giờ. Số lượng bài nhạc trong game là rất lớn, và luôn được cập nhật thường xuyên. Thế nhưng, tiếc thay rằng chất lượng của những bài nhạc là không đồng đều, không có quá nhiều bài thật sự để lại ấn tượng đặc biệt. Tuy nhiên, với những yếu điểm trên, Dynamix vẫn thực sự là một tựa game ổn trong hằng hà sa số những game Rhythm, vậy nên nó vẫn xứng đáng để được thử qua ít nhất một lần.

Và trên đây là bốn game mà em nghĩ nó cực kì phù hợp để chúng ta dành thời gian thưởng thức trong mùa dịch bệnh này. Và hãy làm phần việc của mình, đó là ở nhà, phòng dịch và giữ gìn sức khỏe. Chúc mọi người có những phút giây thư giản và giành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • VNTPSam2 - 10.05.2020

    hay


  • 4abso - 21.05.2020

    Xem xong clip dinamix là không dám tải về luôn


  • Darkness - 24.05.2020

    ://// nói thật thì t đánh giá Cytus II trên Dynamix mà sao ông không để nó vô, 1 trong các con game Rhythm mà có hẳn cả 1 cốt truyện hấp dẫn và dàn character DLC ko nhạt nhòa mà hòa quyện cùng câu chuyện 3 nhân vật chính để sáng tỏ cả thế giới Cytus ://// à thôi còn Deemo xem như thì cũng tầm tầm vậy