Chuyện là chủ nhật vừa rồi ba chú cháu tôi đưa nhau lên Thủ Lệ xem “voi ỉa” ngoài đời thật. Hôm đó chơi với lũ nhóc tỳ rất vui trước khi có bọn phá đám tâm trạng. Chứng kiến cảnh tượng một con khỉ trở thành “bia ngắm sống” cho lũ thanh niên quái ác thể hiện tài ném sỏi đá quả là một trải nghiệm không dễ chịu gì. Thằng cu Bình nó đến gần “nhắc nhở” bọn trẻ trâu nhưng bị chúng nó dọa nên quay lại thủ thỉ với tôi: “Con ước gì khỉ con có sức mạnh của Super Man để chống lại kẻ xấu”. Đó là điều mà tôi thích thú ở trẻ con và tôi luôn khát khao mãi mãi được làm trẻ con. Cu cậu cầu nguyện công lý cho loài khỉ trước cả khi cụ cậu có được công lý của loài người. Chắc hẳn ở thế giới đó của cu Bình, con khỉ có sức mạnh sẽ không ngại ngần quẳng tảng đá vài chục cân bổ nát đầu mấy thằng thanh niên và dùng quả đấm như búa tạ của nó để dọn sạch đôi hàm răng đang cười cượt của chúng nó.
Gabe Cuzzillo chắc hẳn là một gã đồng ý điều đó với tôi và cu Bình. Và với niềm đam mê thiết kế game kèm gu nhạc Jazz “thượng đẳng”, Cuzzillo đã tạo ra thứ indie game kỳ lạ, bạo lực nhưng đầy thách thức và đáng chơi nhất đầu năm 2019 nay.
Ape out xuất hiện khá “bẽn lẽn”. Ngày nay 1 cú “lặng” rất có thể là một “cú lừa” đẳng cấp. Ape out thực tế là một con hàng như vậy. Cái không gian lặng thinh với 3 bức tường và mặt song sắt to tổ bố đang cầm tù bạn sẽ nhanh chóng được “biến hình” =)). Một chút “trời yên biển lặng” trước khi giông tố nổi lên và cuốn phăng đi hết mọi thứ cản trở nó. Mùi bê tông và sắt thép lạnh tanh sẽ nhanh chóng thay thế bằng mùi tanh nồng của máu, mùi khét của không khí ma sát và chất nổ. Ape Out là thứ hành trình cuồng loạn tìm kiếm sự bình yên vốn thuộc về bạn hoặc chết tức tưởi khi đang cố thực hiện điều đó.
Quan điểm cá nhân tôi: Ape Out là một game kén người chơi. Thực tế thì mọi trò chơi đều vậy. Bạn sẽ chơi được hay khen về 1 game khi nhận ra và hòa nhập với tinh thần, cái hồn cái cốt của trò chơi đó. Với Ape Out, đó là một bối cảnh tù đầy. Phần mở đầu “cụt lủn” tới mức bạn không thể hiểu nổi quá khứ xảy ra chuyện gì mà bị giam cầm ở nơi này. Đừng cố phàn nàn, thay vào đó hãy để trí tưởng tượng và cảm xúc của bản thân lấp đầy khoảng trống đó trong Ape Out. Tự do là một món quà vô giá mà sinh mệnh được trao cho. Nhìn từ góc độ “khỉ học” hay “khỉ quyền” điều đó vẫn không hề sai. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh ông cụ tóc trắng bạc trong bộ kaki sờn dõng dạc trước cả biển người: “Hỡi đồng bào cả nước…không có gì quý hơn độc lập, tư do và hạnh phúc…” kia mà. Để chơi được Ape Out cần có một khỏa tâm như vậy. Một khỏa tâm giận giữ đập tan hết bất bình trên cõi đời để kiếm lấy tự do cho riêng mình. Thật nực cười là chúng ta, những người chơi game thường yêu cầu một khởi đầu công bằng trong khi bản thân ta lại chính là tác nhân khiến game trở nên mất cân bằng. Ape Out là một game indie giải stress cực mạnh. Nếu bạn đang ngột thở trong cái cơ quan củ l*** đang hành hạ nhân viên của nó như tôi, chào mừng bạn đến với Ape Out. Còn nếu bạn đang bay bổng, tìm kiếm thứ gì đó mới lạ, an nhàn cho đầu óc thư thái hay chỉ đơn giản là “dell biết làm gì” và bắt đầu tự hỏi mấy câu ngớ ngẩn mà không buồn phá cửa lồng giam bắt đầu trò chơi, bạn có thể xóa game này ngay và luôn.
Ape Out sở hữu hệ thống cơ học (mechanic) khá đơn sơ y hệt như tiêu đề ngắn ngủi của nó. Ngoài 4 thao tác di chuyển thì chú Ape 3 tạ của chúng ta chỉ có thêm 2 loại control nữa là: Bash hoặc Grab. Có rất ít cơ chết cơ học ở Ape Out đến mức nhìn nó chẳng khác gì một tựa game flash mới nổi những năm đầu 2000 mặc hội chứng “thánh gióng” sinh sau đẻ muộn. Thế nhưng nghịch lý thay, một phần sức mạnh của Ape Out lại nằm chính trong độ trần trụi và đơn giản của nó. Thực ra rất khó tưởng tượng ra một Ape Out hay hơn khi ta cố đưa thêm vào bất kỳ cơ chế nào vào nó nữa. Phần còn lại của mảnh ghép mang tên “hấp dẫn” trong gameplay của Ape Out là nằm ở thử thách của nó. Ape Out không có những cú ném chuối bumerang “bung sọt” hay những cú Kamezoko của lão Toriyama Akira đâu, cũng chẳng có nổi khả năng dash hay roll thần thánh bất cmn chấp làn đạn. Người chơi trong Ape Out chỉ sở hữu “sắc đẹp ngàn cân” trần trụi.
Lẽ dĩ nhiên đón chào phía bên kia của cán cân sẽ rất nặng. Mở đầu màn tráng miệng của bạn sẽ là mấy thằng lỏi cầm khẩu rifle-1 phát điển hình. Sau đó bữa chính tăng dần độ mặn khi Gabe vứt vào đó những thằng đô con cầm shotgun hay những khẩu bán tự động chết người. Thi thoảng bạn cũng sẽ hú vía với những thằng chơi bom hay những thằng SWAT đu dây phá kính bất lịch sự. Bữa tiệc của bạn thậm chí có thể mặn và náo nhiệt hơn nữa khi Ape Out thay đổi hoàn cảnh chiến đấu. Những hoàn cảnh tưởng như thập tử vô sinh. Chẳng hạn có lúc bạn sẽ phải đánh giết trong một nơi chật chội và tối. Hay có những khi bạn hớt hải chạy qua thang bộ và trước mặt là cả team bạn súng ống các thứ và đứng ở mọi nơi như bảo vệ nguyên thủ quốc gia. Bạn khó mà không cảm thấy hứng với cuộc đấu đầu giữa thứ sức mạnh cơ bắp nguyên thủy và lực lượng vũ trang đến tận quần xà lỏn của kẻ thù. Với Ape Out, người ta chẳng cần phải thiết kế nên một thứ gì đó hoa mỹ như Devil May Cry mới tạo nên được sự hấp dẫn của bản thân cho một tựa game hành động. Và giống với rất nhiều tựa game indie có nhịp độ chơi “bàn thờ” như Hotline Miami hay Super Meat Boy, Ape Out cực kỳ thách thức nhưng bánh “cuốn” khỏi nói.
Để tôi làm rõ: Ape Out của Gabe Cuzzillo không đơn giản chỉ là trò chạy nước rút từ điểm A đến điểm B. Trên con đường này, bạn sẽ giết chóc, giành giật sự sống trong từng bit một. Một bước thiên đường một bước địa ngục, lỡ mà xẩy chân bạn sẽ vạn kiếp bất phục. Sự trừng phạt cho lỗi lầm của Ape Out thậm chí còn đau đơn hơn các game đàn anh của mình. Với Hotline hay Meat Boy, đó là 1 hit về vạch xuất phát, với Ape Out nó cho bạn chịu đựng được tới 3 hit để có đủ thời gian nhấm nháp đau đớn và hậu quả của bản thân.
Để đánh bại Ape Out, ta cần không chỉ là một khỏa tâm cuồng nộ. Trò chơi này thậm chí còn cần một trí tuệ mạnh mẽ. Rõ ràng Ape Out không cần những thằng thất phu cho thử thách của nó. Cuồng dã nhưng không đánh mất lý trí. Nhanh nhẹ nhưng cẩn trọng. Bạo lực nhưng không mất đi tinh tế và hiệu quả. Đó mới là thứ Ape Out cần. Phản xạ và tính chiến lược, học hỏi trong Ape Out rất mạnh mẽ. Ban đầu tôi chỉ biết chạy đơn thuần như một thằng noob và bash sml đối thủ. Những cái chết sau đó nhanh chóng dạy tôi biết cách ghi nhớ và áp dụng cách thức tấn công của kẻ thù. Thằng nào sẽ chạy khi bạn lao ra hay sẽ bật hàng nóng lên và chơi lại bạn luôn. Có một vài lần ham đuổi bắt bọn AI khiến tôi nhanh chóng chui tọt vào ổ kẻ thù….người như lỗ tổ ong =(. Sau đó tôi biết sử dụng chân cẳng còn sót lại của cái xác và biến chúng nó thành thứ “ám khí” ném khá vừa tay. Một vài lần bị áp đảo về số lượng dạy cho tôi biết cách lôi đồng đội của kẻ thù để làm bia thịt đỡ đạn…Cảm giác để “chó cắn chó” thật tuyệt. Thực tế phần maingame của Ape Out chẳng có yêu cầu về thời gian. Bạn có thể chơi kiểu “ngâm nước” và rình mò như trong trò Hitman. Nhưng tôi cá chắc bạn không muốn làm vậy. Đây là thứ trò chơi hạng nặng giành cho đàn ông giống như Vodka Nga vậy. Bạn chơi là để cổ họng cháy bỏng trong gào thét, để những dòng adrenaline sôi bất tận trong huyết quản và để tim đập liên hồi như trống trận. Bầm dập qua 4 Album maingame của Ape Out, bạn chuyển từ giai đoạn internship sang job thực thụ. Arcade mode của Ape Out là một thứ thử thách sốc óc. Việc đưa thời gian và kết hợp kẻ thù vào sẽ đưa bạn tới những tầm cao hơn của thử thách.
Ngoài gameplay, Ape Out còn sở hữu một phong cách đồ họa và âm nhạc rất “nghệ”, một cá tính độc đáo xứng đáng của một game indie. Nói về các cách thức tấn công của chú Ape, rõ ràng nó không đa dạng gì so với một tựa game thời nay. Nhưng các hiệu ứng tương tác trong chiến đấu của Ape Out đáng được khen ngợi. Bạn sẽ thích thú với cảnh một gã đô con ăn cú đấm thuộc hàng onepunch-man và nổ tan tành thành một mớ bầy nhầy máu thịt. Tôi thường gọi đó là chiệu bom thịt làm choáng váng ngay cả những kẻ hung hãn nhất. Hay những cú đẩy những tay SWAT đang cố đu dây ngoài tòa nhà chọc trời chỉ để lại tiếng AaAaAa!! kèm những mảnh vụn kính. Chủ đạo trong phần hình ảnh của Ape Out mang hơi hướm paper craft pha với hiệu ứng film grain ở mức đặc. Điều đó biến trải nghiệm của bạn trở về những thập niên của điện-tử-4-nút ngày xưa trong chiếc tivi cũ mèm thời còn nghèo khổ. Cách sử dụng bảng màu của Ape Out tạo nên độ sắc nét và tương phản rất tốt. Cái cách họ loại bỏ thanh máu hiển thị và thay vào đó hiệu ứng chảy máu thấm trên sàn của chú Ape là một trong những thiết kế tuyệt vời.
Phần shape và block đồ họa được thiết kế dạng đặc, không có chi tiết (detail) tạo cho người chơi cảm giác rất tự nhiên, không giống kiểu cứng nhắc thường thấy khi người ta dùng những “thủ tục” này. Bố cục màn chơi trong Ape Out cũng là một điểm nổi bật mạnh mẽ. Một thiết kế cân bằng. Người chơi có thể dễ dàng áng chừng mình đang ở đâu và tiến trình chơi của mình là bao nhiêu nhưng cũng đủ xáo trộn để người chơi không quá dễ dàng tới mức rush thẳng một mạch mà không có sự cân nhắc và suy nghĩ trong lúc chiến đấu. Tất nhiên Gabe đã quyết định không quá đặt nặng mức độ khó trong bản đồ lên mức “mê cung” nhằm bảo đảm tính arcade nhất định cho trò chơi này. Các yếu tố ánh sáng, bóng tối, flash…và góc nhìn vật lý được thiết kế rất xuất sắc. Khi bạn chơi nhập tâm, nhiều lúc cảm giác phê đến mức độ cảm giác trò chơi này như đang nhảy xổ ra khỏi màn hình của mình.
Và như thường lệ, thịt chó ngon không thể thiếu mắm tôm, một tựa game hay không thể nở hoa khi nó thiếu vắng phần âm thanh xuất sắc (Và chắc có lẽ đời tôi mất đi nhiều ý nghĩa khi thiếu em). Trong trường hợp của Ape Out, Matt Boch là người quyết định. Nhạc điện tử…rock n’roll….? Nah, đáp án là Jazz. Chủ yếu là những bài Jazz từ những thập niên 50 được đánh từ bộ gõ drum. Quan điểm cá nhân tôi lần nữa, với trò Ape Out này, có lẽ nhạc Jazz tuyệt phối với nó. Nó là cảm giác bạn biết hai tâm hồn đồng điệu và thăng hoa cùng nhau. Jazz là thứ nhạc của người Mỹ gốc Phi phải chịu một bề dày lịch sử trong nô lệ và áp bức, tối tăm, đau đớn, buồn tủi. Một thể loại âm nhạc với cùng một bản nhạc có hàng trăm hàng ngàn các nghệ sĩ chơi khác nhau với biến tấu của riêng mình. Với tinh thần của Ape Out, có lẽ không một thể loại nhạc nào hợp hơn thế. Với những lúc hành động trầm lắng ở mức thấp, bộ gõ đưa bạn đến giai điệu nhẹ nhàng, lịch thiệp. Khi mọi thứ nhanh chóng bùng nổ và máu me, với những cuộc đánh giết phấn khích, âm nhạc trở nên táo bạo và đầy tính xâm lược. Anh bạn “cymbal” (còn gọi là chũm chọe – PS: tôi thích gọi nguyên văn) đóng vai trò là sứ giả của thần chết trong trò chơi này. Mỗi một tính mạng gặt hái là tiếng cymbal lại reo vang. Ở Ape Out, âm nhạc hòa trộn với gameplay của bạn rất tốt, tôi cảm giác như thể đang tranh cử chức vị “tổng thống giết chóc” với một band nhạc thần sầu ủng hộ tôi trong cuộc vận động đầy máu thịt. Sức mạnh của Jazz drum trong Ape Out là một trong những thứ thắp lửa chiến đấu tốt nhất, ngay cả khi bạn nằm xuống, nó vực dậy tinh thần bạn và không ngừng đưa bạn vượt xa ra khỏi cực hạn của bản thân trong trò chơi này.
Tạm kết
Ape Out là một trong những game indie mà tôi đánh giá rất cao đầu năm nay. Nó là sự say sưa của bộ gõ nhạc Jazz hòa trộn với một phong cách kỳ lạ và bạo lực. Ẩn dưới bề ngoài hệ thống control đơn giản là độ sâu sắc và thử thách trong gameplay làm người chơi phê pha nó trong nhiều giờ liền. Giờ thì tôi lại đi tìm công lý cho loài khỉ đây. Tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài kế tiếp.
Đối với mình thì Ape Out cũng như Hotline Miami của loài khỉ vậy
Bác Long viết nghệ ghê, đọc dòng đầu thấy xem “voi ỉa” là thích rồi. :))
Mình viết cũng bình thường thôi. HSBT còn rất nhiều những tay viết cự phách. Mong bạn ủng hộ tất cả anh em và có cơ hội thì giới thiệu cho bạn bè trang web của anh em mình. Nếu bạn đam mê indie game, có thể theo dõi 1 số bài của mình hoặc cũng có thể đóng góp bài cho web