41. Astroneer
Bạn muốn một tựa game chủ đề vũ trụ, khai phá hành tinh, xây dựng những trạm không gian và làm những thứ đó cùng với bạn bè ?! Đã từng có một tựa game như vậy, đó là No Man’s Sky, tuy hứa hẹn khá nhiều nhưng người chơi lại cảm thấy lạc lõng và nhàm chán trong một thế giới quá rộng lớn mà không có gì nhiều để làm. Nhưng cũng từ vết xe đỗ đó mà các tựa game về sau đều khá hơn, không hứa hẹn gì nhiều nhưng lại bảo đảo cho bạn gameplay chất lượng nhất có thể. Astroneer xoay quanh chủ đề khai phá hành tinh, bạn sẽ điều khiển nhân vật thu lượm những loại khoáng sản và nguyên vật liệu để chế tạo, những món bạn chế tạo cũng khá nhiều và có thể mở khóa thêm khi bạn nghiên cứu những vật thể bí ẩn.
Tuy còn ở giai đoạn early access nhưng khi chơi thì bạn đã có rất nhiều thứ để làm rồi, điều quan trọng hơn là bạn đã có thể chơi được chế độ multiplayer với nhiều người khác. Chính vì game chưa hoàn thiện nên cốt truyện cũng bị giới hạn, và nó cũng ảnh hưởng tới gameplay một chút. Bạn có thể đoán được cốt truyện rằng nhân vật chính đáp xuống hành tinh sau khi trạm không gian gặp sự cố, sau đó tìm cách thoát khỏi đó qua những giai đoạn tìm kiếm vật liệu và chế tạo phương tiện. Sau khi chế được phương tiện rồi thì bạn có thể bay ra khỏi hành tinh gốc, nhưng khi ra khỏi đó thì bạn sẽ tìm một hành tinh khác để đáp xuống và làm lại từ đầu ?! Hay tìm cách về thẳng quê nhà ?! Nói chung thì hướng đi của game vẫn còn chưa rõ ràng lắm và do nhà phát triển quyết định, nhưng với những gì mà gameplay hiện tại đang có thì game cũng rất đáng mua.
42. Planet Coaster
Một tựa game mà chắc chắn sẽ đem bạn về lại với tuổi thơ khi mà những game mô phỏng đủ thể loại đang thịnh hành, phổ biến nhất là The Sims với nội dung về cuộc sống của con người, trong đó cũng có RollerCoaster Tycoon là game mô phỏng công viên vui chơi với chủ đề tàu lượn là chính. Vào thời đó thì tất nhiên đồ họa sẽ rất là củ chuối, nhưng khung sườn gameplay của các game mô phỏng thì lại rất hay và độc đáo làm tách biệt khỏi nhóm hành động hay platformer. Chính vì gameplay thu hút và đòi hỏi sự tính toán của người chơi về tài chính, quản lý tiền nong ra vào, tính thư giãn và giải trí cao nên thể loại mô phỏng mới trụ vững tới bây giờ. Tiếp nối thể loại mô phỏng công viên giải trí của Roller Coaster Tycoon là rất nhiều game khác nối tiếp, nhưng tới bây giờ thì có một tựa game mới bật lên được ở cả 2 mặt gameplay và đồ họa, đó là Planet Coaster.
Vừa nhìn thoáng qua là bạn sẽ bắt đầu thấy nhớ tuổi thơ với những màn mày mò xây đường ray cho tàu lượn. Nhưng nổi bật hơn hết chính là đồ họa của Planet Coaster mới là điểm mấu chốt gây ấn tượng, nó miêu tả một cách chân thực tới từng chi tiết nhưng vẫn giữ được nét hoạt họa vui tươi. Về nội dung gameplay thì tất nhiên bạn cũng sẽ quản lý và xây dựng một công viên giải trí với chủ đề chính là tàu lượn, nhưng rất có chiều sâu. Bạn phải nghiên cứu thêm nhiều công nghệ cũng như tìm cách quản bá hình ảnh cho công viên của mình, qua đó nắm được sở thích của khách hàng để xây dựng cho phù hợp. Và bạn không chỉ click tới lui đâu mà có thể cận cảnh quan sát những gì đang diễn ra với góc nhìn của một khách hàng, hoặc đã hơn nữa là bạn có thể tham gia trực tiếp những trò chơi trong công viên mà mình xây dựng.
43. Owlboy
Thể loại platform rất nổi tiếng về những năm về trước, nhưng càng về sau thì lại càng bị mờ nhạt dần. Không phải vì thể loại này không hay mà là do bị chia phối bởi những thể loại khác như FPS, chiến thuật theo lượt hay các game RPG khác. Với lại từ khi sự xuất hiện của Ori and the Blind Forest thì dường nhưng những game platform theo sau luôn núp dưới một cái bóng, và khó có thể tìm cho mình chỗ đứng vững chắc khi so với một tựa game siêu phẩm như vậy. Nhưng cũng lâu lắm rồi, một game platform với đồ họa pixel cổ điển lại có dịp tỏa sáng như Owlboy. Owlboy nói về một cậu bé người cứu bị câm bẩm sinh tên là Otus, cuộc đời của Otus cũng không có gì thú vị vì bản tính của Otus là một cậu bé hậu đậu làm đâu hư đó, ngay cả một chút tài năng bẩm sinh hay khéo léo cũng không có, đó cũng là nguyên nhân một ngày nọ Otus bị đuổi đi khỏi nơi từng là ngôi nhà của mình. Nhưng thời thế tạo anh hùng, cũng cùng lúc đó thế giới yên bình mà Otus đang sinh sống bị một đám hải tặc bầu trời tấn công, vậy là từ một cậu bé người cú hậu đậu vụng về – Otus giờ đây lại phải trở thành người hùng bất đắc dĩ. Nhưng trên con đường giải cứu thế giới, bạn không thể hành động một mình nên Otus được gặp gỡ nhiều người bạn với khả năng riêng biệt, qua đó vùng với Otus phối hợp để vượt qua tất cả khó khăn.
Owlboy có gameplay theo hướng thế giới mở cũng tương tự như Ori and the Blind Forest, nhưng với bối cảnh vừa mờ ảo vừa giống với thực tế. Hơn nữa thế giới trong game có rất nhiều thứ để bạn khám phá từ boss, tới chướng ngại vật, những câu đố hóc búa và cả dungeon nữa. Tất cả những thứ hay ho nhất dường như đều được tập hợp vào công sức 9 năm của nhà phát triển.
44. Tyranny
Game nhập vai hardcore cũng là một cái gì đó khá là trừu tượng, bạn chỉ thường nghe người khác nói loáng thoáng chứ thực chất không hẳn hiểu nó có cái gì mà gọi là hardcore. Game nhập vai nói chung nếu muốn hardcore, thì yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó là cốt truyện, cốt truyện phải thu hút người chơi cực kỳ từ đầu tới cuối và nó phải làm cho bạn giống như đang theo dõi một bộ phim chứ không phải chơi game thì mới gọi là thành công. Ngoài cốt truyện ra thì tới yếu tố quan trọng thứ hai đó là gameplay, gameplay phải có chiều sâu phải khiến người chơi bỏ ra thời gian suy nghĩ – tìm hiểu – mày mò. Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ thì cứ chơi thử Tyranny hoặc ít nhất xem gameplay là sẽ hiểu. Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần ngồi lì khoảng vài tiếng, bởi vì ngay từ đầu bạn sẽ trải qua một giai đoạn mặc đồ hơi khô khan nhưng lại có cốt truyện rất sâu sắc đó là lúc tạo nhân vật. Tạo nhân vật không giống như bạn nghỉ đâu, phần chọn ngoại hình chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là chọn nguồn gốc và lịch sử khóa khứ của nhân vật, tiếp đó là bạn sẽ bắt đầu đọc cốt truyện mấy chục phút liền, cũng như chọn lựa những con đường mà sau này sẽ ảnh hưởng tới bối cảnh và tác động trực tiếp tới nhân vật. Sau khoảng thời gian gần 1 tiến để ngấm được cốt truyện thì lúc đó bạn mới thực sự chơi.
Và khi đã chính thước bước vào chơi, thì bạn lại sẽ choáng ngộp thêm một lần nữa với những tình tiết và lựa chọn mà mình phải đưa ra, nhưng đó mới chỉ là những câu đối thoại hoặc xử lý tình huống thôi. Còn khi bước vào chiến đấu thì bạn sẽ phải động não một lần nữa với phong cách chiến thuật theo lược vừa lạ mà vừa quen. Chính vì vậy mà phải nói Tyranny là một game kén người chơi vô cùng vì nó yêu cầu bạn phải đọc rất nhiều và suy nghĩ cũng rất nhiều.
45. Dishonored 2
Hành động góc nhìn thứ nhất dần trở thành một xu hướng mới, thay thế cho dòng FPS thuần túy. Những pha hành động gần như lôi cuốn hơn và làm cho người chơi phấn khích hơn và thật hơn, để người chơi có cảm giác mình đang hòa vào những pha hành động đó hoặc ít nhất giống như đang xem một bộ phim. Đó chính là điểm hay của nhiều tựa game hiện nay, và quan trọng hơn nữa là đồ họa đẹp. Cũng với lối chơi đó, Dishornored 2 tiếp tục với gameplay hấp dẫn và cốt truyện lôi cuốn, tiếp nối với phần 1, phần 2 đặt bối cảnh 15 năm sau khi Lord Regent biến mất và bệnh dịch hạch bắt đầu. Ngai vàng của nữ hoàng Emily Kaldwin đã bị một kẻ khác chiếm chữ, khiến cho sự cân bằng của cả quần đảo đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Bạn sẽ vào vai Emily hoặc Corvo, quyết tâm tìm cho ra và lật đổ kẻ tạo phản nhằm lấy lại quyền lực vốn thuộc về Emily. Và không chỉ những màn đánh đấm thuần túy, mà bạn sẽ hòa vào một thế giới mà ranh giới giữa sự hiện đại của máy móc và sức mạnh phép thuật bí ẩn vẫn còn hiện hữu. Bạn cũng sẽ tự chọn cho mình sức mạnh, cũng như phong cách chơi từ ồn ào cho tới im thin thít, những sự lựa chọn trong suốt quá trình chơi cũng có ảnh hưởng và sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Thật sự thì Dishornored 2 không có điểm nào để chê vì đồ họa đẹp, cốt truyện hay, gameplay hấp dẫn vốn có. Nhưng có một khuyết điểm khiến game mặc dù nổi tiếng nhưng lại làm cho nhiều người đang e ngại khi mua, đó là vấn đề tụt FPS không đáng có. Mặc dù đã phát hành chính thức nhưng game vẫn chưa được tối ưu hoàn toàn và vẫn còn mắc một số lỗi khi chơi. Nhưng dù sao đây cũng là một game thuộc dạng bomb tấn đáng thử qua dịp gần cuối năm.
46. Final Fantasy XV
Khởi đầu cho cuộc cách mạng gameplay của Final Fantasy, phần thứ 15 đã đem tới làn gió mới hoàn toàn. Khác với những phần trước là nhập vai chiến thuật theo lượt thì Final Fantasy XV lại theo hướng hack n slash. Nói đúng ra thì gameplay của Final Fantasy đã có bước ngoặc từ phần 14, đó là phiên bản chơi online, và ở phiên bản online thì chắc bạn cũng đoán được gameplay như thế nào, giống như những MMORPG khác nhưng lấy bối cảnh của Final Fantasy. Quay trở lại với Final Fantasy XV, cốt truyện trong phần này nói về hoàng tử Noctis Lucis Caelum, Noctis rời quê nhà cùng 3 người bạn để đến Altissia, nơi Noctis sẽ chính thức hợp nhất các bang với nhau thông qua lễ cưới với Lunafreya. Trên đường đi Noctis nghe tin tức và biết được rằng quê hương mình đang bị xâm chiếm, tin cũng báo rằng Noctis và những người thân đã bị kẻ thù giết hại. Để làm sáng tỏ mọi việc và giải phóng quê hương, Noctis phải cần nhiều hơn 3 người bạn đồng hành thì mới có thể làm được điều đó.
Hack N Slash là điểm đặc trưng của Final Fantasy XV, nhưng cái hay lại chính là thế giới mở rộng lớn. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng thế giới tuyệt đẹp và rộng lớn, bạn có thể làm rất nhiều thứ từ những cuộc đi săn lấy tiền thưởng làm lộ phí cho chuyến đi, làm nhiệm vụ lấy phần thưởng, tăng chỉ số cho nhân vật, hay làm những việc linh tinh giải trí khác như câu giá thư giãn – tham gia vào những cuộc đua Chocobo. Nhưng nói gì thì nói, những màn chặt chém trong Final Fantasy XV một lần nữa lại trở thành tâm điểm của game, tuy chặt chém nhưng bạn vẫn phải có chiến thuật chiến đấu hẳn hoi chứ không chém bừa được. Và để tăng tính chiến thuật trong các trận đấu thì bạn còn được phép phối hợp cũng như ra hiệu cho 3 người bạn đồng hành để thực hiện những đòn tấn công đặc biệt.
47. Shadow Tactics: Blades of the Shogun
Ninja hay những hình tượng chiến binh và sát thủ của Nhật Bản luôn truyền khá nhiều cảm hứng, ninja thì kín đáo và chết người còn samurai thì lạnh lùng và quyết đoán. Nó cũng là chủ đề cho rất nhiều game sau này, và nếu bạn yêu thích một trong những nhân vật trên thì chắc chắn Shadow Tactics: Blades of the Shogun là game mà bạn phải thử qua. Cốt truyện của game xảy ra vào thời Edo ở Nhật, một Shogun lên nắm quyền và duy trì nền hòa bình trên khắp cả nước, Shogun tuyển 5 thành viên vào một đội sát thủ để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng – cốt yếu dẹp loạn những thành phần độc ác.
Trong game, bạn sẽ điều khiển 1 hoặc nhiều nhân vật thực hiện những nhiệm vụ ám sát qua nhiều môi trường và địa hình khác nhau. Năm nhân vật trong game cũng có cho mình những biệt tài riêng, một ninja có khả năng ám sát thầm lặng, một cô bé đường phố có khả năng đánh lạc hướng và đặt bẫy, một cô gái có biệt tài ngụy trang, một samurai dũng mãnh và một ông lão xạ thủ. Điều khiển nhân vật ám sát đã khó, nhưng phối hợp các nhân vật sao cho ăn khớp lại càng khó hơn. Không những vậy tính thực tế của game cũng khá nặng từ địa hình cho tới cách phản ứng của đối phương, và nếu không khéo léo bạn sẽ dễ bị mắc kẹt giữa những tình huống ngàn cân treo sợi tóc hay thậm chí là không thể bảo toàn được tính mạng của nhân vật. Nhưng ở những tình huống khó khăn như vậy, bạn mới thấy được tính chiến thuật của game cũng thuộc dạng hardcore chứ không phải dạng vừa đâu.
48. Watch Dogs 2
Hacker luôn là hình tượng thú vị trong phim lẫn ngoài đời, vì nó có một sức hút khá kỳ lạ, sử dụng trí thông minh và công nghệ để làm sức mạnh cho chính mình, nhưng sử dụng nó cho việc gì thì lại là chuyện khác. Hacker cũng chính là hình mẫu mà nhưng ai khi còn nhỏ luôn muốn thử vai, và cho tới khi Watch Dogs ra mắt thì việc đó không còn là ước mơ nữa. Đến lượt Watch Dogs 2 hiện thân với vẻ ngoài đầy bóng bẩy, gameplay thú vị với một thế giới mở rộng lớn.
Watch Dogs 2 nói về Marcus Holloway một hacker trẻ tuổi sống tại San Francisco. Marcus gia nhập vào một nhóm hacker nổi tiếng tên là Dedsec để lật đổ Blume – một tổ chức sử dụng thông tin để thao túng mọi thứ trên quy mô lớn. Trong game bạn sẽ trải nghiệm một thế giới mở rộng lớn và tuyệt đẹp, và với chiếc điện thoại và các thiết bị đồ nghề bên người, bạn có thể xâm nhập và điều khiển được rất nhiều thứ. Không chỉ có công việc hack nhàm chán mà bạn sẽ còn tham gia vào những màn bắn súng cực kỳ gây cấn, hay những màn parkour đầy phong cách. Ngoài ra bạn cũng được chọn lựa phong cách chơi của riêng mình, như đột nhập một cách kín đáo bằng cách hack vào các thiết bị, hay ầm ĩ và sử dụng súng ống cũng như vũ lực. Bạn cũng có thể sử dụng đồ nghề và nâng cấp chúng như xe điều khiển từ xa, drone, vũ khí làm từ in 3D và nhiều thứ khác nữa
49. Clash Royale
Game chiến thuật trên di động luôn là những “món ngon” cho những ai yêu thích thể loại này, hoặc chí ít những ai thường xuyên chơi game trên di động. Nhưng đa số những người chơi trên di động thì thường là không có thời gian là chính nên không thể ngồi trên máy mà chơi như đánh cờ vua hay cờ tướng được, vì vậy mà để thích nghi được với thị hiếu của người chơi – một game chiến thuật vừa phải đơn giản khi mới chơi nhưng lại gây nghiện và làm cho người chơi muốn chơi tiếp. Trước đó thì có Hearthstone, nhưng suy cho cùng thì Hearthstone vẫn còn khá là hardcore cho những người có ít thời gian. Nhưng sau đó, một tựa game chiến thuật của Supercell lên ngôi và lấy ý tưởng cũng như nhân vật từ Clash of Clans, đó là Clash Royale.
Cách chơi của Clash Royale cũng thuộc dạng chiến thuật theo lượt, nhưng gameplay tổng quan thì được cải tiến, làm cho người chơi có một cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen là cơ chế của nó giống như game “Cuộc chiến xuyên thế kỷ” mà hồi đó đa số ai cũng chơi trên các web mini game vậy, còn lạ là vì nó áp dụng cơ chế sử dụng tài nguyên để triệu hồi lính (tương tự như Hearthstone sử dụng mana để triệu hồi bài). Còn về độ khó gameplay, nó áp dụng được với tất cả sở thích của người chơi từ soft cho tới hard core, nếu bạn chơi để giải trí thì những màn chơi bình thường là được. Còn nếu bạn muốn nghiêm túc thì việc nghiên cứu chiến thuật hay chọn bài sao cho phù hợp thì lại là chuyện khác. Có thể nói cách khác thì đây là một phiên bản Hearthstone trên di động của Supercell nhưng dễ chịu hơn vì nó áp dụng được cho mọi đối tượng người chơi.
50. Steep
Tham gia vào những môn thể thao mạo hiểm là mong muốn của khá nhiều người, nhưng một số giới hạn hoặc lo sợ luôn ngăn cản họ tham gia như tài chính hay độ rủi ro của nó. Cũng nhờ vậy mà những tựa game mô phỏng thể thao là nơi để những người khác thỏa sức trải nghiệm mà không phải e ngại gì, và một trong những tựa game đó là Steep. Steep ngoài lấy chủ đề thể thao thì điểm nhấn chính là thế giới mở, bạn sẽ không bị gò bó ở một cụm khu vực nhất định và có thể đi khắp nơi ở dãy núi Alps, và khi hoàn thành những thử thử thách thì bạn lại còn có thể mở khóa được những khu vực mới nữa.
Nói về mảng thể thao của Steep thì khá nhiều, không chỉ có những môn liên quan tới tuyết mà còn có những môn cần độ cao nữa như nhảy dù và wingsuit, và đặc biệt là bạn có thể đổi môn thể thao (cũng như thiết bị cần thiết của môn thể thao đó) bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Về độ mạo hiểm thì game thậm chí cũng lột tả được khá là chân thực, đôi khi bạn sẽ cảm thấy thót tim với những pha suýt soát, hay cảm thấy thốn khi nhân vật bị đập mặt vào đá hay té nhào xuống sườn núi. Vì lấy chủ đề thể thao nên tất nhiên điểm sổ là thứ để bạn thi thố với nhau, điểm số được tính theo phong cách hoạt thực hiện những pha mạo hiểm, và khi thực hiện những ngón nghề thì bạn còn có thể mở khóa được những dụng cụ cá nhân. Nếu thấy chán với những màn mạo hiểm thì bạn cũng có thể ngắm cảnh, game tuy là multiplayer nhưng bạn có thể tùy chỉnh tùy thích tự vị trí nhân vật tới chu kỳ ngày đêm, vì vậy bạn có thể thoải mái ngắm cảnh chụp hình khi đã chán với những thử thách mạo hiểm.