GFAS-X1 Destroy Gundam
Loại MS:MS biến hình tấn công hạng năng dành cho CPU Sinh Học sản xuất giới hạn
Phát triển từ: YMAG-X7F Gells-Ghe
Đơn vị sản xuất: Adukurf Mechano-Industries
Đơn vị vận hành:
- Liên Minh Trái Đất
- Phantom Pain
- Blue Cosmos/LOGOS
Xuyên suốt seri Gundam không thiếu những chiếc MS hay MA quá khổ: từ chiếc Big Zam trong seri anime Mobile Suit Gundam đầu tiên, cho tới chiếc Neo Zeong trong Gundam Unicorn và Gundam Narrative gần đây. Nó gần như đã trở thành một truyền thống, kiểu như sự xuất hiện của một gã đeo (hay từng đeo) mặt nạ trong nhiều seri Gundam – hay “Char clone”, như cách các fan thường gọi. Những cỗ máy “bé bự” này thường là những đối thủ cực kỳ khó nhằn, thậm chí khiến nhân vật chính suýt mất mạng (như trường hợp của Jona Basta). Tuy nhiên Destroy Gundam lại là trường hợp ngoại lệ.
Tự cái tên đã nói lên tất cả, Destroy Gundam được chế tạo cho một mục đích duy nhất: hủy diệt hàng loạt. Ngoài thân hình đồ sộ to hơn gần ba lần so với kích thước trung bình của một MS, nó còn được trang bị với một dàn vũ khí hùng hậu đủ để xóa sổ cả một thành phố – như những gì nó đã làm với Berlin Tên mã của nó, “GFAS-X”, là viết tắt của “Gressorial Fortress Armament Strategic – EXperimental”.
Destroy Gundam được phân loại vào nhóm MS biến hình, thường được xuất phát trong dạng MA và bay là là trên mặt đất nhờ các động cơ đẩy gắn dưới backpack. Nó có thể chuyển sang dạng MS bằng cách xoay thân dưới 180 độ, hạ hai cánh tay xuống và lật backpack ra đằng sau.
Để hiểu rõ sức mạnh của của Destroy khủng bố cỡ nào, hãy nhìn xuống danh sách dưới đây:
- 2 cặp pháo beam kép cao năng lượng “Aufprall Dreizehn” sở hữu hỏa lực mạnh nhất và tầm bắn xa nhất, đủ sức xóa sổ bất cứ thứ gì trên đường bắn. Nhược điểm duy nhất là chúng chỉ có thể dùng trong dạng MA.
- 20 pháo nhiệt plasma tích hợp “Nefertem 503” gắn quanh viền của backpack, có thể điều chỉnh góc bắn và bắn liên tục trong một khoảng thời gian nhất định.
- 4 cụm 6 ống phóng tên lửa đa nhiệm Mark 62, chuyên dụng đánh chặn MS địch.
- Pháo năng lượng 200mm gắn trên đầu “Zorn Mk2” có thể bắn kết hợp cùng ba pháo năng lượng đa pha 1580mm “Super Scylla”, đủ sức hủy diệt gần như mọi mục tiêu trong tầm bắn.
- 4 súng CIWS “Igelstellung” 75mm gắn trên đầu, nhiệm vụ chính là bắn chặn tên lửa, các mục tiêu giáp mỏng hoặc ngăn kẻ địch áp sát.
- 2 cánh tay có thể tách rời “Sturm Faust”, mỗi cánh tay được trang bị với pháo beam và năm súng beam MJ-1703 tại mỗi đầu ngón tay. Chúng hoạt động tương tự hệ thống DRAGOON, cho phép MS tấn công mục tiêu từ mọi hướng và mọi cự ly.
- Về phòng thủ, Destroy được trang bị với ba khiên phản xạ positron “Schneidschutz” SX1021, một ở trên backpack và chỉ có thể dùng được trong dạng MA, và hai cái khác trên hai tay. Chúng có thể chặn được GẦN NHƯ mọi đòn tấn công.
Sở hữu một dàn vũ khí hùng hậu như vậy, song những gì Destroy thể hiện lại khá đáng thất vọng. Ngoài màn ra mắt hoành tráng tại Berlin và gây đôi chút khó dễ với Impulse và Freedom, những trận chiến sau đó của Destroy đều rất nhạt nhòa. Trong trận đánh tại Heaven’s Base và Daedalus, thêm 8 chiếc Destroy nữa đã tham chiến nhưng đều gần như “bắn không xước cả sơn” Destiny Gundam và Legend Gundam. Từ vị thế của kẻ hủy diệt, Destroy lúc này chỉ còn là đối tượng để hai cỗ máy mới của ZAFT phô diễn sự bá đạo của mình – một tấm bia tập bắn không hơn người đồng hương tội nghiệp Windam.
Ngoài lề: trong tất cả những chiếc Gundam xuất hiện trong anime Gundam Seed Destiny, Destroy là chiếc Gundam duy nhất không có bất cứ phiên bản mô hình model kit nào. Đây quả thực là “nỗi đau thêm dài”.
ZGMF-X666S Legend Gundam
Loại MS: MS nguyên mẫu tấn công vận hành DRAGOON
Phát triển từ: ZGMF-X3000Q Providence ZAKU
Đơn vị sản xuất: ZAFT
Đơn vị vận hành: ZAFT
Nguồn năng lượng: Động cơ Hyper-Deuterion
Giáp: Variable Phase-Shift
Legend Gundam là một trường hợp thú vị, khi đặt nó lên bàn cân với chiếc MS tiền nhiệm là ZGMF-X13A Providence Gundam. Cả hai đều là những MS sử dụng hệ thống DRAGOON, được điều khiển (xét theo mặt nào đó) bởi cùng một “người”, và đều là đối thủ với Kira Yamato trong trận chiến cuối cùng. Và dù cả hai đều bại trận dưới tay Kira, song cái cách mà Providence và Legend bị hạ lại có nhiều điều để nói
Là hậu duệ của Providence Gundam, Legend Gundam cũng sở hữu hệ thống DRAGOON, nhưng là phiên bản được thiết kế lại tiên tiến hơn rất nhiều, và cả những phi công không có tố chất đặc biệt cũng điều khiển được. Những DRAGOON cỡ lớn thậm chí có thể được dùng như vũ khí cận chiến. Khả năng bao quát thông tin của Legend cũng được cải thiện đáng kể so với Providence nhờ cặp ăng ten bổ sung trên đâu.
Về hiệu suất, chiếc MS này hoàn toàn áp đảo so với seri Thế Hệ Thứ Hai và có thể sánh với chiếc ZGMF-X20A Strike Freedom Gundam, như đã thấy qua trận chiến giữa chúng. Tương tự Destiny Gundam, Legend Gundam được trang bị với Variable Phase Shift Armor và động cơ Hyper-Deuterion, co phép nó sở hữu sức mạnh cần thiết để vận hành các hệ thống và vũ khí tiêu tốn năng lượng.
Trên đầu của Legend được khắc ký tự “X-666S SEICENTO SESSANTASEI”, trong tiếng Ý nghĩa là “sáu trăm sáu mươi sáu”, ám chỉ mã số của Legend. Một điểm thú vị ở mã model của nó, 666, là con số gắn liền với Quái Thú (the Beast) trong Kinh Thánh, cũng như thường được liên hệ với những kẻ chống Chúa. Trùng hợp thay, phi công ban đầu được chỉ định cho Legend là Athrun, sau đó đã đào ngũ khỏi ZAFT; phi công chính thức của nó, Rey za Burrel, lại phản lại Durandal, người mà cậu coi như cha mình. Có vẻ như những ai được chỉ định làm phi công của chiếc MS này thì đều có xu hướng “quay xe” vào phút cuối.
Một điểm thú vị khác trong mã model của Legend (cũng như Destiny) đó là việc chúng mang ký tự “S” đằng sau con số được gán cho. Những MS hoạt động bằng năng lượng hạt nhân đều được gán ký tự “A” như Freedom (X-10A), Justice (X-09A), Providence (X-13A), Strike Freedom (X-20A), Infinite Justice (X-19A), và mặc dù Legend và Destiny hoạt động bằng động cơ Hyper-Deuterion, về cơ bản chúng vẫn vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Việc đặt mã như vậy (Legend là X-666S và Destiny là X-42S) dường như nhằm để che giấu nguồn năng lượng mà chúng dùng để vận hành.
Quay trở lại câu chuyện giữa Legend và Providence: màn trình diễn của Providence là khá ngắn ngủi, khi mà mãi đến trận chiến cuối cùng nó mới lộ diện, không như Legend đã tham chiến 5 lần kể từ khi được “trình làng”. Tuy nhiên, trong khi Providence gần như một tay “bón hành” cho Liên Minh Tam Hạm – Three Ships Alliance, và sau đó khiến Kira cùng Freedom phải rất chật vật mới hạ được, thì Legend lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Dù đã có những màn thể hiện tương đối khá khẩm trong hai cuộc tấn công vào căn cứ của phe Liên Minh và xen giữa là cuộc xung đột với Orb, nhưng khi nhìn vào cái cách Legend bại trận thì từ “ngớ ngẩn” chắc chắn không ngoa. Trong trận chiến cuối cùng với Strike Freedom, Rey Za Burrel đã bị Kira Yamato “thông não” khiến Legend bị khựng lại trong giây lát, để rồi hứng trọn đòn tấn công Full Burst Mode của Strike Freedom, chịu thiệt hại nặng và bị loại khỏi vòng chiến. Một ví dụ điển hình cho câu “Sai một ly đi một dặm”, dù trong trường hợp này là “đi” luôn cả một chiếc Gundam, và rộng hơn là cục diện của cả cuộc chiến.
Có thể bạn không biết: trong số 4 chiếc Gundam thuộc (hay đáng lẽ thuộc) Thế Hệ Thứ Ba xuất hiện trên anime, Legend là chiếc duy nhất – tính tới thời điểm bài viết này – không có phiên bản mô hình Master Grade và bản High Grade làm lại (khác với Strike Freedom có HG Revive, hay Destiny và Infinite Justice có phiên bản HGCE). Hi vọng một ngày nào đó, Legend cũng sẽ nhận được sự quan tâm mà nó xứng đáng.
ZGMF-X23S Saviour Gundam
Loại MS: MS nguyên mẫu biến hình tấn công trên không
Phát triển từ: ZGMF-YX21R Proto-Saviour
Đơn vị sản xuất: Cục Thiết Kế Hợp Nhất
Đơn vị vận hành: ZAFT
Nguồn năng lượng: Pin năng lượng siêu nhỏ
Giáp: Variable Phase-Shift
Trong Gundam Seed, chiếc Gundam đầu tiên mà Athrun Zala điều khiển là Aegis Gundam, một MS biến hình. Và đến phần hậu truyện Seed Destiny, lịch sử lại lặp lại khi Athrun được giao cho Saviour Gundam, cũng lại là một MS biến hình. Dù được cùng một phi công điều khiển, và còn là một trong những phi công xuất sắc nhất của Seed/Seed Destiny, song chỉ một trong hai chiếc Gundam kể trên kết thúc “sự nghiệp” một cách vẻ vang. Saviour, tiếc thay, lại không phải là chiếc Gundam đó.
Là một trong năm MS thuộc seri Thế Hệ Thứ Hai của ZAFT, và giống như những cỗ máy khác cùng seri, Saviour sở hữu khả năng áp đảo so với những chiếc ZGMF-1000 ZAKU Warrior sản xuất hàng loạt của ZAFT vào CE 73. Thiết kế của Saviour Gundam thiên về độ cơ động, và ngoài khả năng chiến đấu trên không xuất sắc trong dạng MS nhờ cặp cánh lớn, nó còn có thể chuyển sang dạng MA có dáng tựa như máy bay, cho phép Saviour đạt được gia tốc và tốc độ hành trình lớn.
Saviour thích hợp với chiến thuật bắn-và-chạy qua việc sử dụng kết hợp dạng MA và MS. Một điểm thú vị ở cơ chế biến hình của Saviour: nếu tấm khiên MMI-RD11 của nó bị phá hủy thì việc chuyển sang dạng MA là điều không được khuyến khích. Chiếc MS này cũng có thể hoạt động trong không gian và được trang bị với giáp Variable Phase Shift, và tương thích với Hệ thống nạp năng lượng qua tia Deuterion. Giống như Chaos, Saviour được phát triển từ đơn vị nguyên mẫu tương tự, trong trường hợp này là ZGMF-YX21R Proto-Saviour.
Trên đầu của Saviour được khắc dòng chữ “X-23S TRE”, nghĩa là “Ba” trong tiếng Ý và ám chỉ số seri của Saviour. Tên mã của nó “ZGMF-X23S”, “ZGMF” là viết tắt của “Zero Gravity Maneuver Fighter”, “X” là định danh cho MS nguyên mẫu, “2” định danh cho loại MS không chiến, “3” là số seri, và “S” đai diện cho “Second Stage” (Thế Hệ Thứ Hai).
Saviour Gundam hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành một chiếc MS tuyệt vời: vẻ ngoài ưa nhìn, công nghệ tiên tiến, dàn vũ khí toàn diện, hiệu suất hoạt động không có gì để chê, và được điều khiển bởi một trong những phi công xuất sắc nhất seri – Athrun Zala. Tuy nhiên ngoài pha fan-service “đã con mắt” từ cô nàng Lunamaria (Gundam Seed Destiny HD Remastered, tập 15 – nếu có ai “quan tâm”) và màn solo với Freedom, ấn tượng mà Saviour để lại không nhiều. Một phần nguyên nhân có lẽ là từ chính phi công của nó, Athrun.
Trong sự kiện Break The World, Athrun trong chiếc ZAKU Warrior thua kém hơn đã đấu ngang ngửa với Chaos, thậm chí còn phá hủy hai khoang vũ khí di động của nó, và cần nhớ rằng Chaos khi đó đang chiến đấu trong không gian – sân nhà của mình. Ấy vậy mà, trong những lần đụng độ sau đó với Chaos, Saviour dưới sự điều khiển của Athrun lại không thực sự áp đảo, dù lúc này lợi thế về môi trường chiến đấu có chút nghiêng về Saviour. Ấn tượng lớn nhất với khán giả về Saviour, trớ trêu thay, chắc hẳn là khi nó thảm bại dưới lưỡi beam saber của Freedom khi bị chém thành từng mảnh, chịu hư hại đến mức không thể sửa chữa. Các fan thậm chí còn đặt tên cho khoảnh khắc này là “Savioured”.
Nhìn sang mảng gunpla hẳn sẽ còn khiến Saviour tủi thân hơn: trong số sáu chiếc MS từng được điều khiển bởi Athrun trong suốt Gundam Seed và Gundam Seed Destiny, Saviour là một trong hai chiếc duy nhất đến giờ không có bản Master Grade (chiếc còn lại là ZGMF-2000 GOUF Ignited). Số lượng gunpla của Saviour cũng là ít nhất trong số các MS được điều khiển bởi Athrun: Aegis Gundam (6), Justice Gundam (10), ZAKU Warrior (7), Saviour Gundam (3), GOUF Ignited (4) và Infinite Justice (5). Rõ ràng là được cầm lái bởi nhân vật chính cũng chẳng cứu được Saviour khỏi số phận hẩm hiu của nó.