Hige wo Soru. Soshite Joshikousei wo Hirou – Liệu đây có phải là điều nên làm khi nói về một chủ đề nhạy cảm?

Khách mới

  

Mỗi đất nước, một xã hội, mỗi môi trường tách biệt đều có những mảng sáng và mảng tối riêng biệt. Như xã hội Nhật Bản thì sẽ có những vấn đề rất riêng và dường như có phần lạ lẫm với độc giả ở Việt Nam, nên trước hết để hiểu được Higehiro thì ta cần phải hiểu được chúng trước đã. Ở những đất nước Châu Á, những nơi cực kỳ coi trọng các giá trị về gia đình, họ hàng hay làng xóm, thì việc không được gia đình bảo hộ được xem là một thiệt thòi với bất kỳ cá nhân nào. Chuyện bố mẹ bảo vệ hay có người bảo lãnh con cái được xem là một chuyện bình thường, và cả 2 phía đều có những mối quan hệ dựa trên các yếu tố như bổn phận và nghĩa vụ.

Nhưng ở Nhật Bản thì những người trẻ không có đặc quyền đó đang ngày một tăng lên, điều này đến từ các vấn đề về mức sống và môi trường sống, những đồng ngân sách hỗ trợ cho trẻ em ít ỏi của chính phủ, dẫn đến việc có một bộ phận người trẻ rời bỏ gia đình và trở thành những người vô gia cư từ độ tuổi rất thấp. Không tiền, không nhà, không danh tính, không được công nhận cùng với những luật lệ có phần cứng nhắc khiến cho tầng lớp này rất khó tìm được vị trí của mình trong xã hội Nhật Bản. Đáng buồn là lại rất dễ bắt gặp những Machi như nhân vật chính Sayu trên đường phố Sibuya hay Tokyo, và họ sẵn sàng sử dụng chính bản thân mình để đổi lấy thức ăn và chỗ ở của các Kami, dù cho chúng chỉ là những nhu cầu thiết yếu tối thiểu.

Hige wo Soru. Soshite Joshikousei wo Hirou đã sử dụng vấn nạn này làm chất liệu này để làm cảm hứng xây dựng câu chuyện về một nữ sinh trung học bỏ nhà ra đi, điều này có thể xem là một con dao hai lưỡi. Đáng tiếc là với mình, cách thể hiện các vấn đề này trong tác phẩm lại khó “tiêu” hơn so với những gì mà nó cố gắng xây dựng.

Nội dung

Higehiro xoay quanh cuộc sống của Yoshida, một nhân viên văn phòng bình thường và cuộc gặp gỡ định mệnh của cuộc đời anh. Sau khi bị nữ đồng nghiệp Gotou Airi từ chối, Yoshida buồn bã trở về nhà trong bộ dạng say khướt và bắt gặp một cô nữ sinh trung học ở bên đường. Mặc cho việc cô bé nữ sinh đó liên tục quyến rũ, Yoshida vẫn kiên quyết không động chạm gì đến cô bé, thậm chí anh còn mời cô đến nhà của mình.

Sau khi tỉnh dậy, Yoshida trở nên hốt hoảng khi thấy một cô bé nữ sinh lạ mặt ở trong phòng mình, người mà chính anh đã đưa về nhà tối qua. Cô bé giới thiệu mình là Ogiwara Sayu, một nữ sinh trung học đã bỏ nhà và lang bạt trong suốt 6 năm. Trong thời gian đó, em ấy đã phải đánh đổi cơ thể của mình để có thể kiếm được thức ăn và chỗ ngủ. Từ chối lời đề nghị của Sayu, Yoshida thuyết phục cô bé ở lại và đổi lại, cô bé phải làm việc nhà cho mình để trả công. Từ đó câu chuyện dở khóc dở cười giữa một ông chú cả tuần mới cạo râu một lần và một cô bé nữ sinh trung học bỏ nhà đi đã bắt đầu.

Điểm tốt

Trước hết thì mình cũng phải thừa nhận rằng Hige wo Soru. Soshite Joshikousei wo Hirou đã làm tốt trong việc tiếp cận vấn đề và thiếp lập nền tảng của câu chuyện. Không tô hồng hay cố gắng để trở nên giáo điều, cũng chẳng muốn truyền tải những thứ lớn lao, đây dường như chỉ là câu chuyện thường nhật của một cô gái đang cố gắng vượt qua quá khứ của bản thân và trở thành một phiên bản tốt hơn. Từ những tương tác đời thường giữa Yoshida và Sayu, lối sống công sở và các mối quan hệ với những đồng nghiệp cùng cơ quan của Yoshida, hay tình bạn giữa Sayu và Yuuki, nó đều chỉ là những thứ vụn vặn mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua trong suốt cuộc đời. Với nhịp phim chậm rãi, các tình tiết mới không quá dồn dập ở giai đoạn đầu, nó tạo cho mình một cảm giác bình yên và một lòng tin rằng những người như Sayu sẽ có thể tự thân giành lấy một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi họ xứng đáng với điều đó.

Tuy trong phim có đề cập khá nhiều tới việc nếu Yoshida để Sayu ở lại nhà của mình thì có thể cấu thành tội hình sự, nhưng có những lúc mình còn chẳng để tâm gì đến chúng nữa bởi mình đã tự xác lập với bản thân rằng mối quan hệ giữa hai người chỉ là một cặp chú cháu đơn thuần. Các tương tác giữa cặp chú cháu bất đắc dĩ này như là những miếng đánh ngọt ngào nhắm vào mình, một người rất thích slice of life. Ngay cả khi mối quan hệ của Yoshida và Sayu không bao hàm yếu tố tình cảm với những ràng buộc về tuổi tác và trách nhiệm, thì với những hint được rải rác xuyên suốt bộ phim, từ hành động cho đến những lời tự vấn của hai người, mình vẫn mong rằng cả hai sẽ có thể tự đưa ra được câu trả lời cho cảm xúc của bản thân về đối phương và cùng nhau có được một cái kết trọn vẹn.

Một yếu tố khác mà mình thấy bộ anime đã làm tốt là việc nêu lên tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa người với người. Như Yoshida đã từng nói: “Nhân thức về giá trị của Sayu lệch lạc đến vậy một phần là vì sự dễ dãi của nó, nhưng chắc chắn sự định hướng không tốt của người lớn và môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ“. Đúng là trong Higehiro có rất nhiều những kẻ được gọi là “người lớn”, nhưng thay vì dẫn dắt những người trẻ thì họ lại vô hình trung đẩy chúng vào ngõ cụt và bỏ đi. Nhưng trong một xã hội như vậy thì vẫn có những người tốt chịu đảm nhận trọng trách này, ví dụ như nhân viên văn phòng Yoshida ế vợ, những người đồng nghiệp của Yoshida hay người anh trai của Sayu.

Vấn đề về khoảng cách giữa các thế hệ cũng được nhắc đến khá nhiều, từ mâu thuẫn của Sayu hay Yuuki với gia đình, những thứ có thể coi là gần gũi và ít nhiều ai cũng có thể cảm thấy. Sự thiếu quan tâm và đồng cảm giữa các thế hệ đã tạo nên một môi trường độc hại nơi những người trẻ dễ dàng đánh mất bản thân và danh tính. Nhờ vậy nên bầu không khí ấm áp từ những mối quan hệ giữa người với người, như giữa người giám hộ và người ở nhờ, giữa bạn bè hay gia đình… là một cách khích lệ và giúp nhân vật chính tìm lại mục đích sống, để thay đổi và trưởng thành hơn. Một Yoshida giáo điều và mang dáng dấp của một người cha khi luôn che chở, chỉnh đốn và quan tâm đến Sayu, một cô nữ sinh gyayu chấp nhận làm bạn với Sayu, nghe thì có vẻ nhỏ nhoi nhưng đây lại chính là những điều Sayu thiếu thốn và mong muốn. Mình tin rằng thứ giá trị đọng lại tới cuối cùng không phải chỉ là “waifu một mùa” hay vẻ đẹp của nữ chính, mà chính là cách mà những người khác đối xử với Sayu, bằng tình thương và sự tôn trọng.

Hạn chế liên quan đến việc chuyển thể một chủ đề nhạy cảm

Như mình đã đề cập, để ghép nối những vấn đề mang tính thời sự vào một tác phẩm slice of life không phải là chuyện dễ dàng. Bởi với một bộ phim dùng những gam màu tươi sáng và ấm áp như Higehiro thì cách để truyền tải vấn đề cũng cần phải phù hợp hơn với tổng thể của câu chuyện, và đáng buồn là Higehiro đã không làm tốt như những gì mà mình kỳ vọng. Trong nguyên tác, nội tâm của nhân vật được xây dựng bằng rất nhiều đoạn độc thoại nội tâm, bởi đây là lợi thế khi sử dụng con chữ. Nhưng thời lượng của một mùa anime, chưa kể tính tượng hình đặc trưng, không cho phép bộ phim truyền tải hết tất cả những gì có trong nguyên tác. Chưa kể, studio Dream Shift còn đưa vào bộ phim những tình tiết có phần giật gân và không phù hợp, như cảnh Sayu bị lạm dụng (và nó còn được sử dụng tới hai lần). Điều này chắc chắn là một điểm trừ rất nặng khi nó làm hỏng sự tinh tế và nhẹ nhàng mà cốt truyện gốc đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng.

Những cảnh đặt vấn đề trực tiếp cũng không hẳn là phù hợp, như việc đem toàn bộ quá khứ của Sayu ra kể trong chưa đầy 1/3 thời lượng của 1 tập phim khi mà trước đó câu chuyện đã cố gắng chỉ rải rác chúng từng chút một, điều này vô hình trung kéo tuột kỳ vọng của người xem xuống so với những tập đầu tiên. Chưa kể phần hồi tưởng về quá khứ của Sayu cũng sơ sài và không thực sự thuyết phục người xem trung lập như mình có thể đồng cảm với quyết định của cô. Thay vì cứ cố gắng tạo ra một quá khứ để giải thích hành động của nhân vật thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tái hiện lại chúng một cách gián tiếp và ít trực diện hơn mà không làm thay đổi các giá trị cốt lõi, và mình tin điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều. Điều này cũng là để cho những người trẻ vô gia cư khi tiếp xúc với tác phẩm có thể cảm nhận được bản thân mình ở trong các nhân vật, và khiến cho người xem có thể thể hiện sự đồng cảm với họ.

Một vấn đề khác khi sáng tác các tác phẩm mang những yếu tố xã hội là việc sẽ có những người tiếp nhận và cổ xuý cho vấn đề được nêu. Đến ngay cả Shimesaba, tác giả của Higehiro cũng phải đăng đàn trên twitter sau khi phim được công chiếu một thời gian rằng việc “đem một nữ sinh trung học về nhà” không phải thứ mà mọi người có thể đem ra để đùa, và ngay cả đây có là một tác phẩm giả tưởng thì đây vẫn là một hành vi phạm pháp, miễn là nó diễn ra trên lãnh thổ Nhật Bản. Trong một tweet khác Shimesaba nói thêm rằng, ngay cả việc phóng tác những hành vi như vậy trên trang giấy không có gì là sai, nhưng độc giả nên biết đâu là ranh giới giữa thực và ảo. Rõ ràng rằng nội dung của Higehiro tuy có truyền đạt lại những triết lý về đạo đức, nhưng cảm tưởng chúng khá hiền và không có sức nặng, điển hình là việc nhiều người dường như bỏ hết chúng ra khỏi đầu và lao vào những cuộc tranh luận không đáng có.

Ngoài ra chúng ta còn thể thấy những vấn nạn khác được thể hiện khá rõ trong bộ phim, như tự tử hay bắt nạt học đường, và dù chỉ được nêu lên trong thoáng chốc nhưng chắc hẳn đây đã là đủ để giúp người xem nắm bắt và chiêm nghiệm. Chứ nếu bộ phim lại khai thác và kéo dài những vấn đề kể trên một cách lê thê thì mình không biết rằng nó có tiếp tục gặp phải những sai lầm mà mình đã kể ở phía trên không.

Và, mình sẽ dành phần còn lại của bài viết để nói về cách mà mình nhìn nhận về ý kiến của số đông dành cho bộ phim. Dù mình hiểu rằng đã nói đến cộng đồng mạng thì chuyện họ chia phe và tranh cãi về một thứ gì đó mới nổi lên là chuyện thường tình, bởi nó phản ánh cách xã hội nhìn nhận về một vấn đề. Nhưng, với một tác phẩm đang cố gắng để truyền tải những điều tích cực, những bài học sự đồng cảm giữa con người với nhau, thì chúng ta đang vô tình giết chết các giá trị đó. Không ai có thể hiểu được góc nhìn hay thế giới quan của người khác vì mỗi người đều bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của bản thân sau quá trình trưởng thành và va vấp, vậy nên đừng ép các giá trị mà mình cho là đúng lên người khác, vì điều này vô cùng phi lý và bất công.

Những lời châm chọc và mỉa mai người khác dù họ đang cố gắng hết sức chả khác nào quay lưng lại với chính những gì mà bộ phim muốn chúng ta hiểu, bởi những nhân vật trong một tác phẩm không phải chỉ là thứ vô tri mà đó là sự cô đọng góc nhìn của tác về những con người và sự vật, sự việc có thật trong cuộc sống. Các bạn có thể không thích một nhân vật nào đó, nhưng đừng vì cảm xúc bộc phát của bản thân mà nói ra những lời khó nghe, để trở thành chính những tên “người lớn” mà “Cạo râu xong, tôi nhặt gái về nhà” đang phê phán.

Để kết lại, mình xin được phép trích dẫn câu nói của Meru, một chị gái vô gia cư được đăng trên kênh Nobita from Japan, như một lời nhắn nhủ với tất cả mọi người trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này. À mà chị ấy cũng có một kênh Youtube của riêng mình nữa đó: “Dù bạn có bị phủ nhận và không còn ai ở cạnh, thì bạn vẫn phải sống thật hết mình, bất kể cuộc sống của bạn có khó khăn thế nào”.

shironeko

Khách mới

  
Bình nguyên hiu quạnh

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • YEVON - 05.03.2022

    Nói về tác phẩm này, tôi có cảm giác tác giả tuy có dụng ý tốt, nhưng lại không thực sự hiểu để diễn tả vấn đề trong tác phẩm một cách sâu sắc. Đó là lí do ta rất khó để nhìn thấy tất cả những suy nghĩ, trăn trở cũng như chấn thương của nv Sayu. Vì thế, ta có thể nhìn thấy nhân vật đang cử động, nhưng không thể hiểu hay nhập tâm đồng cảm với nhân vật.

    Thêm nữa, tác phẩm chưa thoát khỏi cái vỏ harem. Nói đúng hơn là bị cái harem làm rối. Nhiều nhân vật cả nam lẫn nữ xuất hiện nhưng không được sử dụng nhiều ( VD tên rapist chỉ xuất hiện để tác giả sử dụng cho đúng 1 sự kiện). Điều này khiến số lượng nhân vật tăng lên nhiều, nhưng ai cũng nhàn nhạt, giống như đứng nhiều cho đỡ trống.

    Tôi nghĩ câu chuyện này nên được phát triển theo hướng nghiêm túc hơn. Cụ thể, tác giả cần phải:
    – Đi sâu làm rõ những suy nghĩ, trăn trở trong nội tâm Sayu. Cách nghĩ của cô ta mỗi khi có các quyết định sai lầm.
    – Đi sâu phân tích các luật lệ, vấn đề xã hội ảnh hưởng đến cảnh ngộ của Sayu. Những cơ quan xã hội có nhiệm vụ bảo vệ những người như Sayu, họ làm việc ra sao, bất cập chỗ nào,…
    – Các nhân vật phụ có thể đóng các vai trò khác nhau trong việc giúp phân tích tâm lí Sayu. VD cô sếp nữ có thể trở thành ” chị cả”, phụ trách các sự kiện liên quan đến xã hội, luật pháp,…

    Nói chung, là tác giả có ý tốt nhưng triển khai vấn đề còn quá nông.


  • tin - 21.03.2022

    ngoài lề: font chữ của phụ đề trong ảnh là gì vậy?


  • shironeko - 22.03.2022

    Cái này là mình chụp từ video của teamsub nên là… chịu